Các bà mẹ ở Mariupol kêu cứu cùng Đức Giáo Hoàng

Nghe bài này

Đức Hồng Y y Michael Czerny, tổng trưởng tạm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đã chuyển một bức thư gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô bởi một nhóm phụ nữ bị mắc kẹt ở thành phố Mariupol của Ukraine.

Khi giao tranh tiếp tục diễn ra dữ dội ở thành phố Mariupol bị bao vây, trong khi các binh sĩ Ukraine vẫn đang chống cự trong khu liên hợp nhà máy thép Azovstal, chính quyền Ukraine đã thông báo rằng họ hy vọng sẽ tiếp tục các nỗ lực di tản để đưa khoảng 6.000 dân thường ra khỏi thành phố cảng bị chiến tranh tàn phá vào hôm thứ Tư.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố rằng có một thỏa thuận “sơ bộ” để hình thành một hành lang nhân đạo hướng tới thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát. Nó sẽ áp dụng cho phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi từ chiều thứ Tư.

120.000 vẫn bị mắc kẹt ở Mariupol

Là nơi sinh sống của 400.000 người trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Mariupol đã chứng kiến trận giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc chiến. Trong bảy tuần bị bao vây và bắn phá, thành phố cảng chiến lược trên Biển Azov đã bị san bằng, với hàng nghìn dân thường thiệt mạng, và ước tính khoảng 120.000 người vẫn bị mắc kẹt mà không có thức ăn, điện, nước uống, cũng như thuốc men cho người bị thương.

Ukraine cáo buộc Nga đã cản trở việc di tản khỏi thành phố hoặc nổ súng dọc theo tuyến đường đã thỏa thuận, thường chỉ dành cho những người sử dụng phương tiện cá nhân.

Trước tình hình gay cấn này, một nhóm phụ nữ Ukraina ở Mariupol đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu sự hỗ trợ của ngài, để thường dân và thương binh được di tản.

Bức thư dài hai trang có chữ ký của “những người mẹ, người vợ và con cái của những người bảo vệ Mariupol” đã được nhà báo Saken Aymurzaev của kênh truyền hình nhà nước Ukraine “UATV-Channel” chuyển cho Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Đức Hồng Y Czerny nói với Vatican Media rằng nó “cung cấp thêm bằng chứng cho những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói kể từ đầu” về cuộc chiến, đặc biệt là trong Thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, “khi ngài nói rõ ràng về sự phi lý của chiến tranh tổng lực”.

Cầu mong có hòa bình cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, đã bị thử thách rất nhiều bởi bạo lực và sự tàn phá của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà quốc gia này đã bị kéo vào. Trong đêm đen đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu mong một tia sáng hy vọng mới sẽ sớm xuất hiện! Hãy có một quyết định cho hòa bình. Cầu mong chấm dứt tình trạng gồng các cơ bắp trong lúc người ta đang khổ sở. Làm ơn, đừng để chúng ta quen với chiến tranh! Tất cả chúng ta hãy cam kết cầu xin hòa bình, từ những ban công và trên các đường phố của chúng ta! Cầu mong các nhà lãnh đạo của các quốc gia nghe thấy lời cầu xin hòa bình của mọi người. Mong họ lắng nghe câu hỏi đầy âu lo được đặt ra bởi các nhà khoa học gần 70 năm trước: “Chúng ta sẽ đặt một dấu chấm hết cho loài người, hay loài người sẽ từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng 7 năm 1955).

Tôi ôm chặt trong trái tim mình tất cả những nạn nhân Ukraine, hàng triệu người tị nạn và những người phải di dời nội bộ, những gia đình bị chia cắt, những người già bơ vơ, những cuộc đời tan nát và những thành phố tan hoang. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của những đứa trẻ mồ côi chạy trốn khỏi chiến tranh. Khi nhìn vào chúng, chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu đau đớn của chúng, cùng với tiếng kêu đau đớn của tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng trên khắp thế giới của chúng ta: những đứa trẻ đang chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, những nạn nhân của lạm dụng và bạo lực, và những thai nhi bị từ chối quyền được chào đời.

Bức thư của những người mẹ kể lại những đau khổ và thống khổ của thành phố bị tàn phá, nơi mà những người phụ nữ Ukraine nói, đã “biến thành tro tàn” sau nhiều tuần bị oanh tạc không ngừng và đã trở thành tâm điểm của “một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Âu Châu thế kỷ 21”.

Những người ký tên lưu ý rằng thảm họa này một lần nữa đặt ra vấn đề về sự “không thể chấp nhận được” của cuộc bao vây các thành phố, cũng như “các cuộc tấn công bừa bãi”, sự tàn phá phi lý và đau khổ khôn lường cho những người cần được bảo vệ bởi luật nhân đạo quốc tế.

Do đó, các bà mẹ kêu gọi sự can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô để thường dân, cũng như những binh lính bị thương không thể điều trị, được phép di tản khỏi thành phố càng sớm càng tốt.

“Lời thỉnh cầu tuyệt vọng này cũng được gửi đến tất cả những ai có thể giúp mở các hành lang nhân đạo, với một lệnh ngừng bắn, đó là chính xác những gì tình hình đòi hỏi ngay bây giờ,” Đức Hồng Y Czerny nhận xét.

VietCatholic Media

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS