Các Kitô hữu và môn đồ Nho giáo có rất nhiều điều để học hỏi lẫn nhau

Nghe bài này

Khi các học giả tập trung tại thành phố Tân Đài Bắc để thảo luận về cuộc đối thoại Công giáo-Nho giáo, trò chuyện với Vatican News, Cha Paulin Batairwa Kubuya, Phó Tổng Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh, đã nói về sự kiện này và những triển vọng cho tương lai của cuộc đối thoại giữa hai truyền thống này. Theo cha, có rất nhiều điều mà các Kitô hữu và môn đồ Nho giáo có thể học hỏi lẫn nhau.

Các học giả Nho giáo và Kitô giáo từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Đài Loan trong hội thảo diễn ra từ ngày 8 đến 9/3/2024 với chủ đề “Kitô hữu thúc đẩy đối thoại với môn đồ Nho giáo: Đường hướng và triển vọng”, để vạch ra lộ trình đối thoại Công giáo-Nho giáo. Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Bộ Đối thoại Liên tôn và Đại học Công giáo Phụ Nhân (Fu Jen) ở Đài Bắc.

Những điểm gặp gỡ giữa Kitô giáo và Nho giáo

Cha nhấn mạnh những điểm gặp gỡ giữa Kitô giáo và Nho giáo. Cha nói: “Đây là hai truyền thống khôn ngoan mà trong hơn hai ngàn năm, các tín đồ đã tìm kiếm sự hướng dẫn về cuộc sống của họ”. Cha chỉ ra rằng trong cả hai đều có “ý tưởng về sự hòa hợp, ý tưởng tạo ra một thế giới phổ quát – thực ra, đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên nói đến: ý tưởng về tình huynh đệ vượt ra ngoài biên giới”.

Theo cha Paulin, đạo đức Nho giáo cũng chia sẻ với Kitô giáo một cam kết mạnh mẽ trong việc “giúp mọi người trong cách cư xử, trở thành những công dân tốt, tổ chức cuộc sống của họ”. Cha nói: “Có rất nhiều yếu tố trong số này mà chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”.

“Cuộc Tranh cãi về Nghi lễ” và sự cần thiết hiểu các tôn giáo và nền văn hóa khác

Cha Paulin cũng nói về “Cuộc Tranh cãi về Nghi lễ” vào thế kỷ XVII, khi các nhà truyền giáo ở Trung Quốc thảo luận xem các truyền thống tôn kính tổ tiên của địa phương, mà những người Trung Quốc theo Kitô giáo muốn tiếp tục, có tương thích với đức tin Kitô giáo hay không. Cha lưu ý rằng bởi vì “Không có đủ sự hiểu biết vào thời điểm đó, người ta hiểu rằng họ đang thờ cúng tổ tiên và điều này đã gây ra rắc rối”.

Do đó, theo cha, cần có một nỗ lực thực sự để hiểu các tôn giáo và nền văn hóa khác. Trong số rất nhiều lợi ích khác, điều này “có thể giúp các Kitô hữu đến từ các bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác có thể hiểu chúng hơn, và xem làm thế nào họ có thể mang theo bối cảnh của mình và sống cùng với đức tin Công giáo”.

Tương lai của cuộc đối thoại Công giáo-Nho giáo

Kết thúc cuộc phỏng vấn, Cha Paulin bày tỏ hy vọng về tương lai của cuộc đối thoại Công giáo-Nho giáo. Cha nói: “Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy nhiều người Công giáo quan tâm đến vấn đề này hơn, những người đang cầu nguyện cho sự thành công của công việc này và những người sẽ có thể đánh giá cao nền tảng văn hóa của chính họ”. Cha cũng hy vọng rằng Giáo hội sẽ có thể “nhìn vào những người hàng xóm theo Nho giáo của chúng ta, nhìn vào cách chúng ta có thể phát triển một cách sống chung tốt hơn, cách chúng ta có thể làm phong phú cho nhau”.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS