Vladimir Solovyov, một tay diều hâu hiếu chiến, là người dẫn chương trình trên Kênh Một của hệ thống truyền hình nhà nước Nga, gọi tắt là trên Russia-1, đã chê bai Đức Thánh Cha Phanxicô là “thiếu hiểu biết về lịch sử”. Ông ta phát biểu như trên sau khi Đức Thánh Cha đề cập đến nạn đói diệt chủng Holodomor do Nga gây ra trong hai năm 1932 và 1933. Ngài đã đưa ra lập trường trên trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 23 tháng 11 vừa qua.
Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa hướng suy nghĩ của mình đến đất nước Ukraine đau khổ từ lâu, nhắc đến các nạn nhân của Holodomor và gọi đó là nạn diệt chủng.
“Chúng ta hãy tưởng nhớ Ukraine đã chịu đựng lâu dài. Thứ bảy này đánh dấu kỷ niệm cuộc diệt chủng khủng khiếp Holodomor trong hai năm 1932-1933 do Stalin gây ra một cách giả tạo. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng này và cầu nguyện cho tất cả người Ukraine, trẻ em, phụ nữ và người già, trẻ sơ sinh, những người ngày nay đang phải chịu sự tử vì đạo của quân xâm lược,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên khi kết thúc Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 23 tháng 11.
Không chỉ có tay Solovyov, có thể nói là đang có một cuộc tấn công cường tập của những người Nga ủng hộ cuộc xâm lược vào Ukraine đang nhắm vào Đức Thánh Cha. Từ đầu cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào ngày 24 tháng 2, đây là lần đầu tiên, các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội của Nga tấn công Đức Thánh Cha. Mặc dù chỉ trích gay gắt cuộc xâm lược của Putin, Đức Thánh Cha muốn duy trì cơ hội đối thoại với Nga để mưu tìm một cuộc ngưng bắn qua các kênh ngoại giao, nên ngài tránh không nhắc đến Putin và nước Nga. Ngược lại người Nga cũng không tấn công ngài, và có vẻ như muốn lợi dụng ngài. Thậm chí, khi Đức Thánh Cha gọi Thượng Phụ Kirill là “cậu bé giúp lễ” của Putin, cũng chỉ có một vài phản ứng yếu ớt từ Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và nhanh chóng bị dập tắt. Tuy nhiên, lần này thì khác, vì tuyên bố của Đức Thánh Cha phơi bầy một thực tế lịch sử mà người Nga luôn muốn che đậy.
Để làm rõ lý do tại sao Đức Thánh Cha dùng đến từ “diệt chủng” là từ ngữ rất nặng khi đề cập đến Holodomor, chúng tôi xin tóm tắt một vài ý chính từ cuốn sách “Abridged History Of Ukraine”, nghĩa là “Lịch Sử Ukraine Ngắn Gọn” của Andrew Gregovich, giáo sư sử học Ukraine.
Trong con mắt người Nga, người Ukraine là những người ngây thơ dễ bị lừa. Lênin thường phong tặng cho các cá nhân trong đảng cộng sản Ukraine, gọi tắt là CPU, những danh hiệu “anh hùng” và đặt vào tay họ nhiều chính sách mà cộng sản Nga muốn thăm dò thực nghiệm trên đất Ukraine trước khi áp dụng đại trà ở Nga.
Thí nghiệm thứ nhất xảy ra cuối năm 1920: Trong một sớm, một chiều tất cả xí nghiệp tại Ukraine bị quốc hữu hóa và tất cả sản phẩm nông nghiệp đều bị thu mua với giá ăn cướp của dân. Chỉ với hai chính sách này thôi đã gây ra nạn đói kéo dài trong hai năm 1921 và 1922 cướp đi hơn một triệu sinh mạng dân Ukraine. Nga lại lật đật sửa sai bằng cách trả lại cho tư nhân các xí nghiệp và cho nông dân buôn bán sản phẩm do họ làm ra.
Ngày 30/12/1922, Liên Bang Sô Viết ra đời bao gồm Nga, Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia, Azerbaidzhan. Các nước khác dần dần được sáp nhập vào sau đó. Trong thời kỳ đầu của Liên Bang Sô Viết, để người dân không bị “sốc” và để đánh lừa những người theo chủ nghĩa quốc gia, Nga đã để cho các nước tương đối dễ thở về vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn này, đâu đâu cũng nghe nói “Ukraine hóa” như Ukraine hóa giáo dục, Ukraine hóa kiến trúc, văn hóa… và cả Ukraine hóa Chính Thống Giáo.
Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng đầy gang”, năm 1925, Nga cử Lazar Kaganovich làm bí thư CPU để uốn dân Ukraine quay trở lại con đường đồng hóa với Nga. Bộ trưởng giáo dục Oleksander Shumskyi, bị kết án là “tên theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi – mất lập trường quốc tế vô sản” bị cho đi học tập cải tạo mút mùa ở Siberia. Khwylovyi, nhân vật số 2 trong guồng máy lãnh đạo đảng, văn hào, tác giả cuốn “Away from Moscow – Thoát khỏi Mạc Tư Khoa” bị “nghiêm khắc cảnh cáo”.
Năm 1928, Stalin lên nắm quyền. Kaganovich bị gọi về Mạc Tư Khoa và Stanislav Kosior được cử làm tổng bí thư CPU. Stalin lại thí nghiệm chính sách kinh tế ngũ niên tại Ukraine với việc đấu tố “kuklaks” (địa chủ), trí thức và các nhà tu hành, đặc biệt những giáo sĩ tham gia Ukraine hóa Chính Thống Giáo. Hàng triệu gia đình bị giết hoặc đày đi Siberia. Văn hào cộng sản Khwylovyi từng một thời ca tụng chế độ, sáng mắt ra, uống thuốc độc tự tử chết. Nông thôn trở thành nơi tang tóc với hàng loạt những vụ xử tử những kuklaks. Trong bối cảnh đó, lòng dân không yên tâm sản xuất cộng với hàng loạt những chỉ thị ngu xuẩn và vô lý đã dẫn đến mất mùa ở một số nơi. Tuy nhiên nạn đói 1932-1933 cướp đi sinh mạng 7 triệu người Ukraine không phải do thiếu lương thực nhưng chính vì cộng sản đã thu gom tất cả nông sản và chứa vào những kho lớn do quân đội canh gác. Dân chúng bị bỏ cho chết đói như một phần của cuộc thanh trừng và diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau nạn đói, Stalin lập tức lùa dân Nga sang để tái phối trí lại dân số trên các ruộng vườn hoang tàn của Ukraine. Ðây cũng là một phần trong kế sách thống trị Ukraine về lâu về dài. Năm 1933, Mykola Skrypnyk, lãnh tụ tiền phong của cộng sản Ukraine, sáng mắt ra, tự tử chết.
Sau cái chết của Mykola Skrypnyk, nhiều đảng viên cộng sản Ukraine bắt đầu bừng tỉnh và tỏ ý chống lại việc thí nghiệm các chính sách cộng sản trên đất Ukraine. Tuy nhiên, Stalin không để họ có thời cơ. Theo Vasyl Hryshko, trong cuộc thanh trừng từ 1936 đến 1938, 99 trong số 102 thành viên ủy ban trung ương đảng cộng sản Ukraine lần lượt bị hành quyết. Năm 1938, Nikita Krushchev với đa số đảng viên người Nga chính cống lên nắm quyền lãnh đạo CPU, tiếp tục các thí nghiệm điên rồ nhất của Nga trên đất Ukraine.
Trông người mà ngẫm đến ta. Chính đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đã là nơi cho người Nga tiến hành các thí nghiệm về chính sách và vũ khí dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 21 năm với các hậu quả kéo dài cho đến tận ngày hôm nay.
Chỉ vài giờ sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến nạn đói thật khốn nạn do người Nga gây ra nhằm tận diệt người Ukraine, quân xâm lược Nga đã tiến hành một cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước chúng ta. Theo thông tin sơ bộ, có tới 65 hỏa tiễn hành trình Kh-101 đã được phóng đi, 51 trong số đó đã bị Lực lượng Phòng vệ Ukraine bắn hạ.
Các tòa nhà dân cư, nhà máy nhiệt điện, và trạm biến áp điện ở thành phố Kyiv, các vùng Kyiv, Vinnytsia, Lviv và Zaporizhzhia đã bị ảnh hưởng. Ít nhất 7 người bị thiệt mạng trong cuộc tấn công kinh hoàng này.
2. Liệu Bồ Đào Nha có một lời cầu nguyện tại cúp thế giới hay không? Huấn luyện viên có rất nhiều
Hãng truyền thông Mỹ The Pillar đã phỏng vấn huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Bồ Đào Nha, Fernando Santos, người hiện đang ở Qatar để tham dự World Cup túc cầu. Rất sùng đạo, anh là thành viên của “Cursillos de Cristiandad,”phụ trách ‘các khóa học Kitô giáo ngắn hạn’, một phong trào ra đời vào cuối Nội chiến Tây Ban Nha, đề xuất việc đào tạo Kitô giáo cho giáo dân để giúp phát triển đức tin.
Vào năm 2016, anh ấy đã dành chiến thắng trước Pháp trong trận chung kết giải vô địch túc cầu Euro và dâng chiếc cúp cho “người bạn thân nhất và mẹ của Ngài,” Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Huấn luyện viên tâm sự rằng anh cầu nguyện với Chúa không chỉ để cảm ơn Ngài về những chiến thắng, mà còn cầu nguyện hàng ngày.
“Tất nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ đứng về phía nào trong một trận túc cầu,” anh nói, bác bỏ mọi mối liên hệ mê tín với đức tin mà anh có thể đã có trong quá khứ.
Trong một thời gian dài, anh không coi trọng phép Rửa Tội của mình, nhưng khi gia nhập Cursilô được cho biết về ý nghĩa của sự phục sinh của Chúa Kitô, quan điểm của anh đã thay đổi. Anh ấy cũng giải thích rằng anh ấy không còn sợ thể hiện đức tin của mình nữa, anh ấy tâm sự rằng anh ấy đã yêu cầu các ông chủ của mình tìm cho anh ấy một người lái xe để đưa anh ấy đi lễ mỗi Chúa Nhật khi anh ấy còn là huấn luyện viên của AEK Athens. Các cầu thủ của anh ấy cũng biết rằng anh ấy là một tín hữu, và không còn ngần ngại nói chuyện với anh ấy về đức tin của mình.
Liên quan đến những tranh cãi xung quanh World Cup ở Qatar, anh ấy nói rằng vấn đề nhân quyền khiến anh ấy lo lắng, nhưng anh ấy nghĩ rằng chức vô địch này là một cơ hội tốt để “cố gắng thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt hơn”.
Một trong những vấn đề nhạy cảm là khả năng cử hành các thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo là các cầu thủ hay các cổ động viên tham gia trong các trận thi đấu kéo dài hơn một tháng.