Các vấn đề về tội lỗi trong tôn giáo

Nghe bài này

the-original-sin-florentine-painter-from-the-xvi-century

VẤN ĐỀ 25: Không có tội lỗi theo nghĩa tôn giáo. Chỉ có những lỗi lầm đối với xã hội như lười biếng, hèn nhát, ích kỷ… mà thôi.

GIẢI ĐÁP:


  1. TRÌNH BÀY:

  

  1. Thế nào là tội lỗi theo nghĩa tôn giáo ?

 Giáo lý Công giáo dạy rằng: Tội là khi cố tình lỗi giới răn của Thiên Chúa, hay lỗi các điều răn Hội Thánh dạy biểu lộ thánh ý của Thiên Chúa.

Lỗi giới răn Thiên Chúa là tội thực sự vì:

-Là một hành động phản nghịch:
một người cố ý không tuân giữ luật lệ của quốc gia hoặc gia nhập các phe nhóm bạo loạn có tội với quốc gia thế nào, thì một người cố tình lỗi giới răn Thiên Chúa hoặc theo ma quỷ để chống lại Thiên Chúa và Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập cũng có tội phản nghịch Thiên Chúa và chống lại thánh ý Ngài là muốn ban ơn cứu độ cho loài người.

-Là một hành vi bất hiếu:
cũng như con cái không vâng lời cha mẹ … là một đứa con bất hiếu thế nào, thì một người cố tình không tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa cũng là đứa con bất hiếu với Ngài như vậy.

2. Những hành vi nào là có tội ?

 Đức Giê-su đã thâu tóm tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa trong hai điều này: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điểu răn ấy” (Mt 22,37-40).

Do đó, tất cả những hành vi nào cố tình lỗi hai giới răn mến Chúa yêu người nói trên đều có tội: Những lỗi lầm đối với xã hội như: lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, gian dối bất công… là những tội lỗi giới răn “yêu người thân cận như chính mình”, nên đều có tội và đáng bị trừng phạt. Tội cứng lòng tin, cố tình nhắm mắt bịt tai để khỏi nhận biết những kỳ công của Ngài và không muốn tin thờ Ngài cũng là tội bất hiếu nặng nề nữa.

  1. Tội lỗi và ơn tha thứ:

 Có hai thứ tội là tội trọng và tội nhẹ.

Tội trọng hay nhẹ tùy theo ba yếu tố cấu thành tội này:

Một là giống tội ta phạm tức là phạm điều luật của Thiên Chúa hay luật Hội thánh, là luật cấm hay luật buộc, cấm buộc nặng nhẹ ra sao, tội phạm ấy đã gây ra thiệt hại nhiều hay ít cho Chúa, cho Hội thánh hay cho bản thân và tha nhân.

Hai là ta có biết có luật cấm hay luật buộc đó không?

Ba là ta phạm trong tình trạng ý thức hay vô thức? nếu phạm trong tình trạng vô thức bị mất lý trí (bị mộng du, bị say rượu) thì trước đó có đặt căn nguyên gây ra tội đó hay không?

Tội trọng dù nặng đến đâu cũng sẽ được Chúa tha thứ nếu có lòng ăn năn sám hối, vì Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu không chấp nhất những tội nhân thật lòng sám hối. Chẳng hạn trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: Người thu thuế tuy đầy tội lỗi nhưng do thành tâm sám hối thể hiện qua lời cầu nguyện khiêm nhường nên được tha; Còn người Pha-ri-sêu do phô trương công đức và chỉ có lòng đạo đức giả hình bề ngoài nên đã không được ơn tha thứ (x. Lc 16,9-14). Ngoài ra những ai cứng lòng không tin Đức Giê-su và nói Người bị quỷ ám đều “mắc tội đến muôn đời” (x. Mc 3,28-29; Mt 12,32).

  1. Tội phạm đến Thánh Thần không bao giờ được tha là tội nào?

 Đó là tội phản nghịch Thiên Chúa của ma quỷ và các người nào đi theo làm tay sai cho nó như sau:

– Tội của kẻ không tin nhận Thiên Chúa là Cha giầu lòng từ bi thương xót, sẵn sàng tha thứ cho các tội nhân thực lòng sám hối ăn năn; hoặc không tin Chúa Giê-su là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, nên họ đã tìm giết Người như các đầu mục dân Do thái xưa đã được Đức Giê-su cảnh báo: “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (x. Ga 8,24),.

– Tội của kẻ kiêu ngạo tự mãn, cho mình là tốt lành thánh thiện, nên không nhận tội đã phạm và cố chấp không xin Chúa tha thứ để được hưởng ơn cứu độ. Đây là các đầu mục dân Do thái đã bị Đức Giê-su cảnh báo theo lời ngôn sứ I-sai-a tuyên sấm tội cố chấp của dân Do thái: “Lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Is 6,9-10; Mt 13,15).

– Tội của kẻ cứng lòng tin không tin nhận những chân lý đã được Thần Khí Sự Thật mặc khải trong Thánh Kinh và qua các giáo huấn chính thức của Hội Thánh.

– Tội của kẻ quyết tâm phản nộp Thầy như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một trong nhóm Mười Hai đã được Đức Giê-su khuyến cáo: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn !” (Mt 26,24).

  1. Những kẻ cứng lòng tin và không chịu sám hối sẽ bị phạt hỏa ngục muôn đời:

 Đến ngày tận thế, khi mọi người được sống lại và chịu phán xét chung, những người cố tình không tin Thiên Chúa và Đấng Ngài sai đến là Đức Giê-su sẽ không tránh khỏi hình phạt cân xứng với tội cứng lòng của họ như lời Đức Giê-su đã nói với các người Pha-ri-sêu trong Đền thờ rằng: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này vì “Giờ” đã đến. “Giờ” mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó. Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống. Ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28–29). Đức Giê-su cũng cảnh báo về các hình phạt những kẻ cứng lòng tin sẽ phải chịu như sau: “Tôi đã nói với các ông là: các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24). Chết ở đây là cái chết do bị mất ơn cứu độ và phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục, chung số phận với ma quỷ như lời Đức Vua Giê-su tái lâm phán với những kẻ không chịu làm điều thiện ở bên tay trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

TÓM LẠI: Những ai cố tình làm điều xấu hoặc nhất quyết không chịu làm điều tốt cho tha nhân đều phạm tội, không những đối với xã hội mà cả đối với Thiên Chúa nữa. Họ sẽ phải chịu hình phạt cân xứng như lời Chúa Giê-su trong ngày phán xét chung nhân loại: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sông muôn đời” (Mt 25,45-46).

  1. PHÚT HỒI TÂM:

 1) LỜI CHÚA: Chúa Giê-su nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,5-6).

2) LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rằng: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Xin mở lượng hải hà xoá bỏ các tội của con. Xin tạo cho con quả tim trong sạch và gìn giữ con đừng cố tình phạm tội, để tâm hồn con luôn thanh sạch, hầu xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa và luôn được ở trong tình thương của Ngài. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. A-MEN.

 Gx Sao Mai Xuân Ất Mùi 2015

 LM ĐAN VINH

Giám Huấn HHTM Trung Ương

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS