Một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh cao 9.75m được đặt ở Nagasaki
Bức tượng này được dành để tưởng nhớ hàng nghìn người đã chết vào thế kỷ 17 trong Cuộc nổi dậy Shimabara.
Nhà điêu khắc 80 tuổi người Nhật Bản Eiji Oyamatsu đã gần hoàn thành một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng gỗ cao gần 10m. Hình ảnh mà ông bắt đầu khắc cách đây 40 năm, được dành để tưởng nhớ hàng nghìn người đã chết vào thế kỷ 17 trong cuộc nổi dậy Shimabara – một liên minh của các kiếm sĩ địa phương và nông dân Công Giáo, những người đã chống lại các chính sách không được lòng dân của Mạc phủ Tokugawa, bao gồm cả việc đàn áp Kitô giáo; và hậu quả là cuộc đàn áp các tín hữu Kitô ở Nagasaki. Các lực lượng Mạc phủ đã chiếm Nagasaki, nơi lúc bấy giờ là trung tâm chính của Kitô giáo Nhật Bản. Các kiếm sĩ địa phương, hay samurai, trong trường hợp này được gọi là các ronin, là những kiếm sĩ lang thang. Họ rơi vào tình trạng lang thang sau khi chủ của họ bị thất sủng, hay bị triều đình giết chết.
Bồ Đào Nha và Nhật Bản bắt đầu giao thương vào năm 1543, người Bồ Đào Nha là những người Âu Châu đầu tiên đến quần đảo này. Thời kỳ giao thương đầu tiên này thường được gọi là Thời kỳ Thương mại Nanban, trong đó cảng Nagasaki, thông qua sáng kiến của tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng Gaspar Vilela và lãnh chúa phong kiến Nhật Bản Omura Sumitada, là người đã chuyển sang Kitô giáo, đã được nhượng lại cho Dòng Tên. Là cảng duy nhất của Nhật Bản mở cửa cho thương mại nước ngoài, Nagasaki trở thành trung tâm của Công Giáo Nhật Bản.
Khi Tokugawa chiến đấu với cuộc nổi dậy Shimabara, nhiều khu vực hiện nay là Nagasaki và Kumamoto đã bị tàn phá. Các tín hữu Kitô và nông dân Nhật Bản không còn nơi ẩn náu nào khác ngoài việc tử thủ trong lâu đài Hara, để cố gắng đối đầu với quân đội do Mạc phủ gửi đến. Theo ước tính, hơn 30.000 phiến quân đã bị giết ở đó. Phần còn lại của lâu đài Hara nằm ở Minami-Shimabara, ở Nagasaki, nơi các tình nguyện viên quyết định xây dựng một cơ sở cho tác phẩm điêu khắc của Oyamatsu.
Bản thân là một người Công Giáo, Oyamatsu đã đến thăm những gì còn lại của lâu đài Hara vào khoảng năm 1971. Theo The Asahi Shimbun, ông đã “nghẹn ngào trước sự vắng mặt của các đài tưởng niệm hoặc các cơ sở tương tự khác tại địa điểm này”. Mười năm sau, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nhật Bản (bao gồm cả Nagasaki trong hành trình của mình), Oyamatsu quyết định làm bức tượng khổng lồ của Đức Trinh nữ Maria như một đài tưởng niệm.
Oyamatsu khẳng định sẽ hoạt động một mình trong dự án, từ chối mọi lời đề nghị hỗ trợ hoặc tài trợ: “Tôi muốn xem mình có thể đi được bao xa với khả năng của chính mình. Một người leo núi sẽ không có nhiều niềm vui nếu anh ta đi trực thăng lên đỉnh núi, phải không? “
Oyamatsu đặt tên cho bức tượng của mình là “Đức Maria Kannon của lâu đài Hara”. Kannon là vị thần từ bi của Phật Giáo. Trong thế kỷ 17, các tín hữu Công Giáo Nhật Bản vẽ hình Đức Mẹ tương tự như thần Kannon của Phật Giáo để có thể giữ trong nhà mà không sợ quan quân bắt bớ.