Câu hỏi nhức nhối: Chúa ở đâu giữa đại dịch kinh hoàng này? ĐHY Raniero Cantalamessa có câu trả lời

Nghe bài này

“Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết”. Đó là lời ta thán của Gioan Tẩy Giả được nghe trong bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng mà chúng ta muốn làm vang lên trong cuộc gặp gỡ cuối cùng trước lễ Giáng Sinh này.

Trong thông điệp Urbi et orbi đáng nhớ của mình vào ngày 27 tháng 3 tại quảng trường Thánh Phêrô, sau khi đọc bài Phúc âm về việc Chúa Giêsu làm sóng yên biển lặng, Đức Thánh Cha đã tản mạn đề cập đến những gì Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài khiển trách các môn đồ vì ‘hèn tin’ và Đức Thánh Cha giải thích rằng:

Các môn đệ không ngừng tin nơi Chúa, và thực sự họ kêu cầu Ngài. Nhưng chúng ta hãy xem cách thức các môn đệ cầu khẩn Ngài: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). “Thầy chẳng lo gì”: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không đoái hoài gì đến họ, không chăm sóc cho họ. Một trong những điều làm chúng ta và các gia đình đau lòng nhất là câu: “chẳng lo gì sao?”. Đó là một câu làm thương tổn và khơi dậy bão tố trong tâm hồn. Câu ấy cũng làm tổn thương Chúa Giêsu. Vì Ngài quan tâm đến chúng ta hơn bất cứ ai.

Chúng ta có thể thoáng thấy một sắc thái khác trong lời trách móc của Chúa Giêsu. Các môn đệ đã không hiểu ai đang ở trên cùng con thuyền với họ; họ đã không hiểu rằng, khi Ngài ở trên thuyền, con thuyền không thể chìm vì Chúa không thể ra hư mất. Chúng ta, những môn đệ của Người trong thời đại này, cũng sẽ mắc sai lầm như các môn đệ xưa và sẽ đáng bị Chúa Giêsu khiển trách như vậy nếu trong cơn bão dữ dội đã ập đến thế giới qua trận đại dịch này chúng ta quên rằng mình không hề đơn độc trên con thuyền trước sự khống chế của những con sóng.

Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta mở rộng chân trời: từ biển Galilê đến khắp cùng thế giới, từ các tông đồ đến chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14). Trong tiếng Hy Lạp, động từ eskenosen (nghĩa đen là ‘dựng lều hạ trại’), ở thì aorist, chuyển tải ý tưởng về một hành động đã hoàn thành và không thể đảo ngược được. Con Người đã xuống thế gian và Thiên Chúa không thể hư mất. Một Kitô hữu có thể mạnh dạn hơn tác giả của Thánh Vịnh để tuyên bố rằng:

Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46: 2-4)

“Chúa ở cùng chúng ta”, cụ thể là đứng về phía con người, như một người bạn và một đồng minh chống lại thế lực của cái ác. Chúng ta cần khám phá lại ý nghĩa nguyên thủy và đơn giản trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, vượt lên tất cả những giải thích thần học và những tín lý được xây dựng trên đó. Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta! Ngài muốn biến sự kiện này thành tên riêng của mình: Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta. Điều mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: ‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’. (Is 7:14) đã trở thành sự thật.

Như tôi đã từng nói, chúng ta cần quay trở lại cuộc tranh cãi đầu tiên trong tất cả các cuộc tranh cãi về Kitô học hồi thế kỷ thứ năm – trước các Công đồng Êphêsô và Chancêđon – để tái khám phá nghịch lý và tai tiếng chứa đựng trong tuyên bố: ‘Ngôi Lời đã cư ngụ giữa chúng ta’. Thật đáng đọc phản ứng của một người ngoại giáo có học thức sống vào thế kỷ thứ hai, sau khi biết về tuyên bố này của các tín hữu Kitô. Nhà triết học Celsius đã kinh hoàng và kêu lên rằng: ‘Con của Chúa – mà lại là một người chỉ sống cách đây vài năm thôi à?’ Ngôi Lời hằng sống – là một người chỉ mới ở đây “hôm qua hay hôm kia” thôi sao? là một người đàn ông “được sinh ra từ một người quay tơ nghèo, trong một ngôi làng của xứ Giuđêa” sao? Phản ứng ấy khá dễ hiểu: sự kết hợp hoàn hảo giữa thần tính và nhân tính trong con người của Chúa Kitô là điều mới lạ nhất có thể có, là “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh mặt trời”, như Thánh Gioan thành Đamát định nghĩa.

Trận chiến lớn đầu tiên mà đức tin nơi Chúa Kitô phải đương đầu không phải là về thần tính của Ngài, mà là về nhân tính của Ngài, và về chân lý của mầu nhiệm nhập thể. Căn nguyên của sự từ chối đó là giáo điều của Plato, nói rằng ‘không có Thiên Chúa nào lại hòa hợp với con người’. Từ kinh nghiệm cá nhân, Thánh Augustinô khám phá ra rằng căn cội của khó khăn mà thánh nhân cảm thấy để có thể tin vào mầu nhiệm nhập thể là sự thiếu khiêm nhường. Như ngài viết trong cuốn Tự Thú của mình ‘không khiêm nhường, tôi không thể hiểu được sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa’.

Kinh nghiệm của Thánh Augustinô có thể giúp chúng ta hiểu được căn cội của thuyết vô thần hiện đại và cho chúng ta thấy cách duy nhất có thể để vượt qua nó. Sự thật lịch sử của Phúc âm và thần tính của Chúa Kitô đã bị tấn công kể từ thời Hermann Samuel Reimarus, vào thế kỷ thứ mười tám. Chúa Giêsu nói: ‘Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy’ (Ga 14:6). Một khi người ta nói rằng con đường duy nhất đến với Thiên Chúa này đã bị đóng lại, thì trước tiên rất dễ chuyển sang thuyết hữu thần tự nhiên luận [deismo – Hermann Samuel Reimarus cho rằng có thể hiểu biết về Thiên Chúa chỉ dựa vào nhận thức tự nhiên không cần nhờ đến mạc khải hay giáo huấn của Giáo Hội – chú thích của người dịch] và sau đó là thuyết vô thần.

Kinh nghiệm của Thánh Augustinô – như tôi đã nói – chỉ ra con đường vượt qua trở ngại đó, cụ thể là bằng cách từ bỏ lòng kiêu hãnh và chấp nhận sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa. ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn’ (Mt 11:25): toàn bộ lịch sử bất tín của loài người được giải thích bởi những lời này của Chúa Kitô. Sự khiêm nhường cung cấp chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm nhập thể. Phô trương thì không cần nhiều cố gắng lắm đâu, nhưng cần rất nhiều sức mạnh để có thể bước sang một bên và tự hạ mình xuống. Thiên Chúa là quyền năng vô hạn trong sự tự hạ mình: ‘Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ […] Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự’ (Pl 2: 7-8).

Thiên Chúa là tình yêu và do đó là sự khiêm nhường! Tình yêu tạo ra sự phụ thuộc vào người bạn yêu, và kiểu phụ thuộc đó không làm bẽ mặt mà còn làm thăng hoa. Hai tuyên bố ‘Thiên Chúa là tình yêu’ và ‘Thiên Chúa là sự khiêm nhường’ giống như hai mặt của cùng một đồng tiền. Tuy nhiên, từ ngữ khiêm nhường có nghĩa là gì, khi nó được áp dụng cho Thiên Chúa và đâu là ý nghĩa trong những lời này của Chúa Giêsu: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng’ (Mt 11:29)? Về bản chất, điều cốt yếu là thế này: khiêm nhường không phải là ‘trở nên nhỏ bé’ (vì một người có thể nhỏ bé và tầm thường nhưng vẫn không có lòng khiêm nhường); cũng không phải là chuyện tự xem bản thân mình là hèn mọn (vì điều đó có thể phụ thuộc vào một hình ảnh tiêu cực về bản thân); và cũng chẳng phải là chuyện tuyên bố mình là hèn mọn (vì bạn có thể nói như thế nhưng không thực sự tin vào điều đó); đúng hơn, khiêm nhường là việc khiến bản thân mình trở nên nhỏ bé và ta làm điều đó vì tình yêu, để người khác có thể nổi lên. Theo nghĩa đó, chỉ có Chúa mới thực sự khiêm nhường. Thật thế,

Ai sánh bằng Thiên Chúa Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,
cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất?
Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro. (Tv 113: 5-7).

Dù không được học hành nhiều, Phanxicô Assisi đã hiểu được điều đó. Trong lời Ca ngợi Thiên Chúa Tối Cao, tại một số chỗ, ngài nói với chính Thiên Chúa rằng: ‘Chúa là sự khiêm nhường!’ Và trong Thư gửi toàn thể Dòng, Ngài kêu lên: ‘Hỡi anh em, hãy nhìn vào sự khiêm nhường của Thiên Chúa’. Như ngài viết trong Lời khuyên đầu tiên của mình: ‘Người tự hạ mình xuống, chính khi ngự xuống trong lòng Đức Trinh Nữ’.

Lễ Giáng sinh là lễ của sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Để tôn vinh điều đó trong tinh thần và sự thật, chúng ta cần trở nên giống như những đứa trẻ, như bạn cần cúi đầu để đi qua cánh cửa hẹp nhỏ để bước vào Vương Cung Thánh Đường Chúa Giáng Sinh ở Bêlem.

“Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết”

Tuy nhiên, chúng ta hãy quay trở lại trọng tâm của mầu nhiệm đó: ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta’. Chúa ở với chúng ta mãi mãi, và điều đó là không thể đảo ngược được. Từ giờ trở đi, đó là trọng tâm của lời tiên tri Kitô. Ông Dacaria đã chào hài nhi Tiền Hô và gọi con trẻ là ‘ngôn sứ của Đấng Tối Cao’ (Lc 1:76) và Chúa Giêsu nói về Thánh Gioan Tẩy Giả rằng ông còn ‘hơn cả một ngôn sứ’ (Mt 11, 9). Nhưng theo nghĩa nào thì Gioan Tẩy Giả là một tiên tri? Yếu tố tiên tri nằm ở đâu trong trường hợp của ngài? Các tiên tri trong Cựu ước đã loan báo về một sự cứu rỗi trong tương lai; Gioan Tẩy Giả không công bố một sự cứu rỗi trong tương lai; đúng hơn, thánh nhân chỉ vào một người hiện diện ở đó trước ngài. Các tiên tri ban đầu đã giúp dân Israel vượt qua rào cản của thời gian; Gioan Tẩy Giả giúp họ vượt qua những rào cản thậm chí còn dày đặc hơn trước điều thoạt nhìn xem ra trái ngược với bản chất của nó. Liệu Đấng Thiên Sai được mong đợi từ lâu – được các chi tộc chờ đợi, được các tiên tri công bố, được ca ngợi trong các Thánh Vịnh – rốt cuộc có thể nào lại chính là người đàn ông trông rất khiêm nhường và bình thường, mà chúng ta biết tất cả mọi thứ về người ấy kể cả làng quê của ông ta?

Thật tương đối dễ tin vào một điều gì đó vĩ đại và thiêng liêng, nếu nó được dự kiến trong một tương lai vô định: ‘trong những ngày đó’, ‘trong những ngày sau hết’, trong một khuôn khổ vũ trụ, với các tầng trời nhỏ xuống mật ngọt, trái đất mở ra và ơn cứu rỗi chớm nở (x. Is 45: 8). Nhưng sẽ khó hơn nếu bạn phải nói: ‘Ngài ở đây! Chính là Ngài!’ Thật là chuyện quá đỗi người ta thường tình khi những người nghe bị cám dỗ để thốt lên tức khắc rằng ‘Chỉ có thế thôi à?’. ‘Có thể có điều gì tốt từ Nagiarét đâu?’ (Ga 1:46); ‘Chúng tôi biết rõ ông ta đến từ đâu mà’ (Ga 7:27).

Đó là một sứ vụ tiên tri vượt quá giới hạn của con người và đó là lý do tại sao vị Tiền Hô được định nghĩa là ‘hơn cả một tiên tri’. Ngài là người dám chỉ vào một người và thốt ra một câu dứt khoát “Ecce – Đây này! Ngài đây này”. “Chiên Con của Thiên Chúa đây!” (Ga 1:29). Bạn có thể tưởng tượng những người đầu tiên nhận được tiết lộ đó phải rùng mình như thế nào không? Quyền năng của Chúa Thánh Thần vang lên trong những lời của vị Tiền Hô khi ngài bày tỏ chân lý đó cho những tấm lòng lương thiện. Quá khứ và tương lai, một sự chờ đợi lâu dài và thành quả đã hội tụ và chạm vào nhau. Vòng cung huyền thoại của lịch sử cứu độ đã khép lại.

Tôi tin rằng Thánh Gioan Tẩy Giả đã để lại cho chúng ta nhiệm vụ tiên tri của chính ngài, đó là tiếp tục kêu lên rằng: “Giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết” (Ga 1:26). Ngài đã bắt đầu lời tiên tri mới. Như tôi đã nói, lời tiên tri đó không phải là loan báo về một ơn cứu độ trong tương lai, mà là để bày tỏ sự hiện diện của Chúa Kitô trong lịch sử: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Chúa Kitô không hiện diện chỉ vì người ta liên tục nói và viết về Người, nhưng vì Người đã sống lại và Người sống theo Thần Khí. Điều đó không chỉ là một dự định, mà còn là một hiện thực. Việc truyền giáo bắt đầu từ đó.

Vào thời của Gioan Tẩy Giả, cản trở chính là thân xác thể lý của Chúa Giêsu, hình hài của Ngài, rất giống chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngày nay, trở ngại chính là nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội. Giáo hội rất giống phần còn lại của nhân loại, bao gồm cả tội lỗi nữa! Như vị Tiền Hô đã làm cho những người đương thời có thể nhận ra Đức Kitô trong thân xác khiêm nhường của Người, thì ngày nay Người cũng cần được nhận ra trong sự nghèo nàn và khốn cùng của Giáo hội Người cũng như trong sự nghèo nàn và khốn cùng trong đời sống của chính chúng ta.

Thánh Phaolô bổ sung gì cho Thánh Gioan?

Tuy nhiên, chúng ta cần thêm một số điều vào những gì chúng ta đã nói cho đến nay. Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9).

Sự phân biệt giữa sự kiện nhập thể và cách thức sự kiện này được hoàn thành, giữa chiều kích bản thể học và chiều kích hiện sinh, khiến chúng ta quan tâm vì nó dõi chiếu một ánh sáng đặc biệt lên vấn đề nghèo đói hiện tại và cách thức các Kitô hữu nên phản ứng với vấn nạn đó. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thể đưa ra một nền tảng Kinh thánh và thần học về sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, như đã được công bố trong Công đồng Vatican II. Như Jean Guitton, một giáo dân tham dự Công đồng Vatican II với tư cách là quan sát viên, đã viết: ‘Các Nghị phụ của Công đồng đã tái khám phá ra bí tích của sự nghèo khó, đó là sự hiện diện của Chúa Kitô dưới các hình dạng của những người đau khổ’.

‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm – hoặc không làm – cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.).

Chúng ta hãy rút ra hệ quả của điều này ở cấp độ giáo hội học. Chính Thánh Gioan XXIII, tại Công đồng Vatican II, đã đặt ra cụm từ ‘Giáo hội của người nghèo’. Ý nghĩa của nó vượt xa cách giải thích thông thường. Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.

Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ.

Do đó, Giáo hội của Chúa Kitô lớn hơn nhiều so với những con số và những gì các nhà thống kê học báo cáo. Đây không phải là một tuyên bố huênh hoang hay chiến thắng, điều này sẽ gây bất tiện, đặc biệt là trong những thời điểm này. Không ai khác ngoài Chúa Giêsu đã từng tuyên bố: ‘Bất cứ điều gì anh em đã làm cho một trong những người anh em nhỏ bé nhất của Thầy, thì anh em đã làm cho Thầy’ (Mt 25:40), ở đó ‘những người anh em nhỏ bé nhất’ này không chỉ là những người tin vào Đức Kitô, mà còn là mọi người.

Do đó, Đức Giáo Hoàng – cùng với mọi mục tử trong Giáo hội – thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:

Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).

Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.

Nhưng đừng tự huyễn hoặc bản thân: đây là điều nói thì dễ mà làm thì khó. Issac thành Ninivê, một Giáo phụ sống trong sa mạc, đã đưa ra lời khuyên này cho những người theo nghĩa vụ bị buộc phải nói về những điều thiêng liêng mà họ chưa đạt được trong đời sống của chính mình: “Hãy nói về điều đó như một người thuộc về hàng môn sinh chứ không phải với uy quyền, sau khi đã khiêm hạ trong lòng bạn và tự làm cho mình trở nên nhỏ bé hơn bất kỳ thính giả nào của bạn”. Và đó chính là cách mà tôi dám nói về điều đó.

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23)

“Ngôi Lời đã hóa thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Trước khi kết thúc, chúng ta cần chuyển từ số nhiều sang số ít. Ngôi Lời đã không đến thế gian một cách chung chung mơ hồ, nhưng đã đi vào mỗi tâm hồn tin tưởng một cách cá vị. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14: 23). Do đó, Đức Kitô không chỉ hiện diện trên con thuyền của thế giới hay của Giáo hội; Người hiện diện trên con thuyền nhỏ của đời tôi. Thật là một suy nghĩ sâu sắc! Giá như chúng ta có thể thực sự tin tưởng vào điều đó! Thánh Elizabeth của Chúa Ba Ngôi đã khám phá ra rằng bí mật về sự thánh thiện của thánh nữ nằm ở đó. Như ngài đã từng viết cho một người bạn rằng: “Tôi dường như đã tìm thấy thiên đường của riêng mình trên trái đất này, bởi vì thiên đường là Chúa và Chúa đang ở trong tâm hồn tôi. Ngày tôi hiểu ra điều này, mọi thứ đều tràn ngập ánh sáng”.

Với những hạn chế đối với việc thờ phượng nơi công cộng và đối với việc tham dự thánh lễ trong nhà thờ, do nó gây ra, đại dịch này có thể là cơ hội để nhiều người trong chúng ta khám phá ra rằng chúng ta không chỉ gặp được Chúa bằng cách đến nhà thờ, nhưng chúng ta có thể thờ phượng Chúa ‘trong tinh thần và chân lý’ và trò chuyện với Chúa Giêsu ngay cả khi bị nhốt trong nhà, hoặc thậm chí trong phòng của chúng ta. Đời sống Kitô không thể không có Thánh Thể và cộng đoàn, nhưng khi điều này bị ngăn cản bởi những điều kiện bất khả kháng, các Kitô hữu không nên nghĩ rằng đời sống Kitô bị gián đoạn. Nếu bạn chưa bao giờ gặp Chúa Kitô trong lòng mình trước đây, bạn sẽ không bao giờ gặp Ngài – theo nghĩa mạnh của từ này – ở bất cứ nơi nào khác.

Có một tuyên bố táo bạo về lễ Giáng sinh đã vang lên nhiều lần trên miệng lưỡi của các tiến sĩ Hội Thánh và các bậc thầy tâm linh vĩ đại của Giáo hội như Origen, thánh Augustinô, thánh Bernard, Angelus Silesius và nhiều vị khác. Về cơ bản, là thế này: “Chúa Kitô đã được sinh ra bởi Đức Maria một lần ở Bêlem, điều đó có ích gì đối với tôi nếu Ngài không được sinh ra bởi đức tin trong lòng tôi?”. Như thánh Ambrôsiô đã viết: “Theo nghĩa sâu xa nhất, liệu Chúa Kitô còn có thể được sinh ra ở đâu khác, ngoài trái tim và tâm hồn bạn?” Thánh Maximô Cha Giải Tội lặp lại rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa muốn lặp lại mầu nhiệm nhập thể của Ngài trong mọi người nam nữ”. Như bạn có thể thấy, đó là một chân lý đại kết thực sự.

Nhắc lại cùng một truyền thống này, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1962, đã nêu lên lời cầu nguyện cháy bỏng này: “Hỡi Lời Vĩnh Hằng của Cha, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, hãy đổi mới một lần nữa hôm nay, trong thẳm sâu tâm hồn chúng con, điều kỳ diệu phi thường trong sự giáng sinh của Chúa”. Chúng ta hãy biến lời cầu nguyện này thành lời cầu nguyện của riêng mình, nhưng, trong hoàn cảnh bi đát mà chúng ta đang trải qua, chúng ta hãy thêm vào đó lời cầu xin cháy bỏng của phụng vụ Giáng sinh: “Hỡi Vua của các dân tộc, Đấng cai trị mà họ hằng mong ước, là đá tảng hiệp nhất mọi người: Hãy đến và cứu tất cả chúng con, là những người mà Ngài đã hình thành từ đất sét”. Xin hãy đến và nâng dậy nhân loại, đang kiệt sức vì thử thách kéo dài của đại dịch hiện nay!

1.In Origene, Contro Celso, I,26.28; VI,10.
2.S. Giovanni Damasceno, Fede ortodossa, 45.
3.Platone, Simposio, 203°; cf. Apuleio, De deo Socratis, 4: “Nullus deus miscetur ho minibus”.
4.Confessioni, VII, 18.24).
5.Fonti Francescane, 221.
6.Fonti Francescane, 144.
7.J. Guitton, cit. da R. Gil, Presencia de los pobres en el concilio, in “Proyección” 48, 1966, p.30.
8.In AAS 54, 1962, p. 682.
9.Gaudium et spes, 22.
10.Isacco di Ninive, Discorsi ascetici 4, Città Nuova, Roma 1984, p.89.
11.Lettera 107 del 1902 alla contessa De Sourdon.
12.Cf. Origene, Commento al vangelo di Luca 22,3 (SCh 87,p. 302); Angelo Silesio, Il Pellegrino cherubico, I, 61: “Wird Christus tausendmal zu Bethlehem geborn / und nicht in dir: du bleibst noch ewiglich verlorn“.
13.S. Ambrogio, In Lucam, 11,38.
14.S. Massimo Confessore, Ambigua (PG 91,1084.
15.Antifona ai Vespri del 22 Dicembre.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS