Trả lời:
Cũng có người đặt ra cho chúng tôi câu hỏi tương tự. Người đó nói: “Khi tôi đói, bảo tôi vào nhà nguyện tạ ơn Chúa vì đã cho tôi cảm thấy đói, thật là một chuyện nực cười; bảo tôi đọc Kinh Thánh để suy tư về cái đói là điều không gì ngu xuẩn bằng, cũng ít bao giờ nhờ lời cầu xin mà ngay lập tức tôi được no bụng. Vậy phải làm gì?” Ý của người này muốn nói rằng “đừng có rỗi hơi mà cầu nguyện, đọc Kinh Thánh. Đó chỉ là những việc mất giờ vì nó chẳng giúp ta được no bụng. Hãy làm một việc gì đó thiết thực hơn đi!” Vâng, khi đói, tốt nhất hãy đi kiếm cái gì ăn, và để không rơi vào tình cảnh đói khổ, hãy lo kiếm một việc gì đó để làm. Nhưng việc đi kiếm cái gì đó để ăn và kiếm một công việc để làm chẳng có gì mâu thuẫn với chuyện cầu nguyện cả.
Đức Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải luôn cầu nguyện, nhưng cũng không quên nói thêm rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời…” (Mt 6,7) Kỳ thực, cầu nguyện không phải là cái gì đó đến từ bên ngoài, nhưng là một thúc đẩy căn bản xuất phát từ bên trong của mọi con người. Tâm tình cầu nguyện nảy sinh từ cảm thức của mình về một Đấng Tối Cao ở trên mình và khi nhìn về Đấng ấy, ta thấy mình nhỏ bé vô cùng. Chỉ có loài người chúng ta mới biết cầu nguyện, vì chúng ta có một cảm thức tôn giáo mà loài khác không có. Giữa thế giới này, chúng ta luôn hiên ngang hãnh diện vì mình có thể khống chế được mọi loài khác, nhưng chúng ta cũng cảm thấy một nỗi kính sợ dành cho những bậc thần thiêng. Khi rơi vào túng quẫn, bỗng dưng ta thầm thĩ và cầu mong một sự trợ giúp; khi bất chợt có được một niềm vui khôn tả, ta oà khóc và mặc lấy tâm tình cảm ơn; khi nhìn thấy một cảnh đẹp ngoạn mục, tự trong lòng ta nảy sinh một sự khâm phục trầm trồ; thậm chí khi bất mãn với đời, ta cũng thốt lên: “Trời ơi…”. Tâm tình muốn được giúp đỡ, tâm tình tri ân và tâm tình muốn thốt lên khen hay trách cứ ấy chính là một thái độ cầu nguyện, khi ta đưa mình lên cao, gặp gỡ với siêu việt. Như thế, bởi vì cầu nguyện là cái xuất phát từ bên trong, nên có thể nói, chẳng bao giờ con người có thể thôi cầu nguyện được. Vấn đề chỉ là con người có cầu nguyện đúng cách và đúng thái độ hay không thôi.
Lời cầu nguyện của chúng ta hẳn nhiên không luôn mang đến một phép màu ngay lập tức. Mọi lời cầu xin của chúng ta không phải lúc nào cũng được đáp ứng ngay tại chỗ. Thậm chí, có rất nhiều người cầu nguyện xin cho gia đình được bình an, nhưng gia đình lại gặp phải hết tai ương này đến tai ương nọ. Có người cầu xin cho mình thi tốt, nhưng kết quả lại chẳng như ước mong. Nhưng, cầu nguyện không phải là nỗ lực lôi kéo Chúa về phe mình, dù có khi lời cầu xin hay ước muốn của chúng ta là “rất chính đáng và phải đạo.” Đừng quên rằng, nếu chúng ta mong ước gia đình mình được hạnh phúc, Chúa còn mong ước hơn thế. Nếu chúng ta khao khát thế giới này được hoà bình, Chúa còn khao khát hơn thế. Nếu chúng ta mong muốn đẩy lùi chiến tranh, nghèo đói, Chúa còn mong muốn hơn thế. Nếu không, Ngài đã chẳng dựng nên, chẳng cứu chuộc, chẳng thánh hoá thế giới và chúng ta rồi. Nhưng tại sao những điều xấu xa tồi tệ này vẫn cứ diễn ra trên trái đất này, đó vẫn mãi là một mầu nhiệm. Đức Giêsu khi còn ở dưới trái đất này cũng không cho chúng ta câu trả lời. Ngài chỉ một mực khuyên chúng ta đừng bao giờ ngưng cầu nguyện.
Phần lớn chúng ta thường hiểu sai về cầu nguyện, cho rằng cầu nguyện là đọc nhiều kinh, lần nhiều chuỗi, xin lễ nhiều tiền, đóng góp cho thật nhiều cho nhà xứ… Một kiểu quan niệm sai lạc về cầu nguyện như thế vô tình biến các Kitô hữu thành những người mê tín dị đoan, biến tôn giáo của chúng ta thành một trò cười và biến Thiên Chúa thành một kiểu công cụ phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Có nhiều người dùng tiền bạc để trao đổi ân sủng với Chúa. Những người khác thì quá sùng đạo đến độ quên mất bổn phận của mình với mọi người trong gia đình, bỏ cả lao động, thậm chí không cần đi bác sĩ, vì cho rằng chỉ cần đọc kinh đi lễ là có đủ của ăn của mặc, có thể lành bệnh. Số khác cố gắng lần chuỗi thật nhiều như thể Chúa, Mẹ cần những lời kinh của chúng ta để tồn tại.
Có câu chuyện kể rằng, một bà kia đang đi chợ bỗng sực nhớ ra là mình quên khoá chiếc xe đạp. Bà ta vội vàng chạy ra chỗ để xe. Khi thấy chiếc xe vẫn còn nguyên, không bị đánh cắp, bà ta vui mừng đi đến nhà thờ để tạ ơn Chúa. Bà để chiếc xe trước nhà thờ, không khoá mà đi, vì bà cho rằng Chúa sẽ giúp bà bảo vệ chiếc xe. Nhưng khi tạ ơn Chúa xong và ra lấy xe đi về, bà phát hiện là chiếc xe của mình đã bị ai đó lấy mất. Câu chuyện như muốn nói với chúng ta rằng đời sống đạo cũng phải thực tế một chút, chứ đừng “sống trên mây” nhiều quá. Nếu ta không biết gìn giữ của cải hay sức khoẻ, thì dù có đọc kinh nhiều thế nào, xin lễ nhiều đến đâu, Chúa cũng không thể làm điều đó thay ta.
Lời khuyên “hãy cầu nguyện liên lỉ” của Đức Giêsu dành cho chúng ta, không biến chúng ta thành những kẻ lơ ngơ khù khờ, không màng chi đến những bổn phận và tương quan của chúng ta trong cuộc sống này. Đúng hơn, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta đừng bao giờ quá chăm chú vào thế giới mau qua này mà đánh mất đi bản chất tâm linh sâu thẳm của mình và mối liên hệ vốn có của ta với siêu nhiên. Cầu nguyện là một thái độ đặt mình trước Tuyệt Đối và và thiết lập tương quan gắn bó với Ngài. Tất cả những điều khác như đọc kinh, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, đọc Kinh Thánh, suy gẫm… chỉ là phương tiện để giúp đạt đến điều này.
Khi đang bực dọc, cầu nguyện chính là để tâm hồn lắng xuống, xua tan những thúc đẩy bồng bột mà cơn bực dọc gợi lên trong ta. Khi đang thất vọng, cầu nguyện chính là bình tĩnh lại, cố gắng nhìn nhận vấn đề để một niềm hy vọng nào đó được bừng lên. Khi có chiến tranh, khi có tai nạn, cầu nguyện chính là để lòng mình lên tiếng, để nỗi thổn thức của ta chạm tới Thiên Chúa và rồi cảm nghiệm xem mình được thôi thúc để làm gì. Chính trong sự tĩnh lặng của tâm hồn như vậy, con người thực sự của ta sẽ được phơi bày, chân lý sẽ được mặc khải cho ta. Bởi thế, chỉ cầu nguyện không thôi thì không đủ để “mang đến hoà bình cho thế giới”, không đủ “làm cho người ta không còn thấy đói khát”, không đủ để “mang đến màu xanh cho địa cầu, vườn cổ tích thơ mộng cho các em thiếu nhi”, nhưng nó là bước đầu để giúp những điều đó có thể được trở thành hiện thực trong tương lai. Không có cầu nguyện, những điều trên mãi mãi chỉ là mộng tưởng vì người ta sẽ chỉ biết thương cảm, buồn tủi, xót xa, than trách mà không biết phải làm gì để vượt qua nỗi đau và xây dựng thế giới.
Chúa Giêsu bảo chúng ta phải luôn cầu nguyện chính là muốn chúng ta trở thành một con người đúng nghĩa. “Một con người đúng nghĩa” là một con người biết căn cội thần linh của mình. Đó là một giống loài ý thức mình yếu kém, bất tài, hèn mọn và nhờ đó mà luôn hướng về Đấng có thể giải cứu mình khỏi những tấn công của sự dữ nơi trái đất này. Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ đánh mất tương quan giữa mình với Thiên Chúa, đừng bao giờ tách lìa khỏi Ngài, đừng bao giờ có tham vọng tự mình làm chủ chính mình mà không cần Ngài. Một thái độ cầu nguyện đúng là một thái độ ý thức rằng “mình được dựng nên giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa” nên phải luôn “giữ liên lạc” và khuôn mình theo Ngài. Khác với một thái độ cầu nguyện sai là thái độ “mình tạo nắn Thiên Chúa theo hình ảnh và ý muốn của mình”.
Bởi thế, nếu hiểu cầu nguyện như là một phương thế nối kết mình với Thiên Chúa, thì chẳng bao giờ cầu nguyện là thừa thãi và không cần thiết cả. Thậm chí, càng đứng trước những thảm cảnh của cuộc đời, khi ta thấy mọi thứ như bị vây kín bởi màn đêm dày đặc của tuyệt vọng, ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn nữa, vì nếu ta không tìm thấy chung quanh một hướng đi nào thì vọng lên trên là lối thoát duy nhất. Rồi từ trên cao ấy, một luồng sáng sẽ chiếu xuống soi lối cho ta, giúp bước chân ta thêm vững vàng mà tiến.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ