Cha Lombardi tường trình về mặt trận chống lạm dụng tình dục từ hội nghị thượng đỉnh 2019 đến nay

Nghe bài này

VaticanNews vừa cho đăng bài viết của Cha Federico Lombardi cho thấy tình hình cuộc chiến chống lạm dụng tình dục từ hội nghị thượng đỉnh tháng 2 năm 2019, mà cha là phối trí viên, cho tới nay. Sau đây là nguyên văn bài viết của Cha:

Giáo hội phải đương đầu với những thách thức đang hiện hữu trong thế giới ngày nay, mà nền tảng nhất là đức tin và việc tuyên xưng về Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, với tất cả những biến đổi to lớn về văn hóa và nhân học hiện nay. Tuy nhiên, cũng có những thách đố chuyên biệt ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của Giáo hội và sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Một trong những thách thức quan yếu nhất đã xuất hiện trong vài thập niên qua, đó là nạn lạm dụng tình dục các vị thành niên bởi các thành viên của hàng giáo sĩ. Điều này đã làm suy giảm tính khả tín của Giáo hội và do đó, thẩm quyền và khả năng công bố Tin Mừng một cách đáng tin cậy của Giáo hội. Nó đã phủ bóng đen bất nhất và thiếu chân thành lên Giáo hội với tư cách là một định chế, và trên toàn thể cộng đồng Giáo hội nói chung. Đây quả thực là một điều cực kỳ nghiêm trọng.

Theo thời gian và với kinh nghiệm, bắt đầu từ việc lạm dụng tình dục các vị thành niên – vốn nghiêm trọng nhất – chúng ta đã học cách mở rộng tầm nhìn để bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, ngày nay, chúng ta thường nói về sự lạm dụng mà những người “dễ bị tổn thương” phải chịu đựng. Và chúng ta biết rằng những vụ lạm dụng kéo dài không chỉ có tính tình dục, mà còn là việc lạm dụng quyền hành và lương tâm, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn thường quả quyết.

Ngoài ra, cần nhớ rằng vấn đề lạm dụng, trong các biểu hiện khác nhau của nó, là một vấn đề chung trong xã hội loài người, ở các quốc gia chúng ta đang sống và ở các châu lục khác nhau. Đó không phải là vấn đề chuyên nhất của Giáo Hội Công Giáo. Đúng hơn, những người nghiên cứu vấn đề một cách khách quan và tổng thể, đều thấy rằng có những khu vực, địa điểm và định chế khác nhau, trong đó nó hết sức phổ biến.

Đồng thời, điều chỉ có thể đúng là Giáo hội xem xét vấn đề một cách chuyên biệt vì, như đã được lưu ý, tính khả tín và nhất quán của Giáo hội đang bị đe dọa. Giáo hội luôn nhấn mạnh vào giáo huấn của mình liên quan tới tác phong tình dục và việc tôn trọng con người. Do đó, dù biết rằng đây không phải là vấn đề chuyên nhất hiện hữu trong Giáo Hội, chúng ta phải tuyệt đối nghiêm túc về vấn đề đó và hiểu rằng nó có một tác động khủng khiếp trong bối cảnh đời sống giáo hội và đối với việc công bố Tin Mừng của Chúa.

Đặc biệt, điều đang bị đe dọa là chiều sâu và sự thật của các mối liên hệ giữa những người mà phẩm giá của họ cần được tôn trọng một cách sâu xa. Là Kitô hữu và là người Công Giáo, chúng ta tự hào vì đã thừa nhận tính ưu việt của phẩm giá con người như là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì vậy, việc lạm dụng một con người, việc thiếu lòng tôn trọng, coi người khác như đồ vật, không lưu ý đến những đau khổ của họ, v.v., là dấu hiệu cho thấy đức tin và tầm nhìn của chúng ta về thế giới đang thiếu một điều gì đó chuyên biệt và căn bản.

Trong cải cách mới nhất của bộ luật hình sự của Giáo hội, có một khía cạnh xem ra có vẻ hoàn toàn hình thức, nhưng đúng hơn, rất quan trọng theo quan điểm này. Các tội phạm lạm dụng tình dục được lồng vào tiêu đề tội “chống lại sự sống, phẩm giá và tự do của con người”. Chúng không phải là những hành động “gây tai tiếng” hoặc những việc làm được coi là “không xứng đáng với hàng giáo sĩ”. Đúng hơn, sự nhấn mạnh được đặt vào việc Giáo hội hiểu rằng phẩm giá của con người là trọng tâm và phải được tôn trọng vì chúng ta là và giống như hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là điều hoàn toàn nền tảng. Sự kiện một cuộc hoán cải đang diễn ra và chúng ta đã bắt đầu nghiêm túc lắng nghe và tôn trọng từng cá nhân, dù là cá nhân nhỏ bé và yếu đuối nhất, là một trong những bước quan trọng nhất trên hành trình tiến tới sự hoán cải và thanh tẩy Giáo hội trong thời đại chúng ta, để lấy lại khả tín tính của Giáo Hội.

Hội nghị năm 2019: trách nhiệm, việc giải trình, tính minh bạch

Không xem xét toàn bộ lịch sử của các sự kiện bi thảm và phản ứng của Giáo hội liên quan đến việc lạm dụng tình dục các vị thành niên, để đơn giản, chúng ta có thể bắt đầu với Hội nghị tháng 2 năm 2019. Nó được Đức Giáo Hoàng triệu tập như một thời điểm hoàn cầu, trong đó toàn thể Giáo hội (được đại diện bởi các thành viên của mọi Hội đồng Giám mục, trong đó đại diện của các viện tu trì nam nữ cũng đã tham gia), tụ họp với nhau trong một khoảnh khắc suy tư cần cù để tiếp tục nắm bắt con đường canh tân một cách hữu hiệu hơn.

Việc tổ chức Hội nghị đó xoay quanh ba điểm chính (các văn kiện sau đó đã được xuất bản trong cuốn sách do Libreria Editrice Vaticana xuất bản có tựa là Consapevolezza e purificazione Ý thức và Thanh tẩy).

Trước hết, phải ý thức và chịu trách nhiệm đối với vấn đề này và các vấn đề liên quan đến lạm dụng tình dục các vị thành niên và những người khác; tầm quan trọng của việc lắng nghe và thấu hiểu sâu sắc và cảm thương, dẫn đến việc cởi mở để tham dự vào các hậu quả, đau khổ, tính nghiêm trọng của những điều đã và đang diễn ra. Lắng nghe và cảm thương là khởi điểm trong việc hình thành niềm xác tín cần phải tiếp nhận. Rồi, tất nhiên, công lý cần được thực hiện đối với những tội ác đã làm hại người khác. Một khía cạnh khác là khía cạnh phòng ngừa để những tội ác như vậy không bao giờ được tái phạm nữa, hoặc ít nhất, khi ngày càng trở nên hiếm hơn, thực tại bi thảm này có thể được kiểm soát. Điều này ngụ ý phải đào tạo tất cả những người làm việc trong cộng đồng giáo hội, và nhất là việc đào tạo những người có năng lực chuyên môn có thể hành động như những điểm tham chiếu để giải quyết vấn đề. Tóm lại, ý thức và trách nhiệm để đối đầu với vấn đề đi đôi với nhau.

Một điểm rất quan trọng và cốt yếu khác là trách nhiệm giải trình để đảo ngược nền văn hóa che đậy hoặc che giấu vấn đề. Một trong những khía cạnh bi thảm của cuộc khủng hoảng này là nó đã thả nổi một tình huống nghiêm trọng, để công chúng biết đến (mặc dù đôi khi mọi người đều đã biết chuyện gì đang xảy ra) – đó là cách đối phó với việc lạm dụng tình dục các vị thành niên từng đã trở nên có tính hệ thống, thường được giải thích như là “tự nhiên”, bằng cách giữ nó trong bóng tối hoặc quét nó xuống dưới mặt thảm, vì xấu hổ hoặc để bảo vệ danh dự của các gia đình hoặc các định chế liên hệ, v.v. Xu hướng che giấu vấn đề này cần được thay thế bằng xu hướng chịu trách nhiệm giải trình về những gì đã làm, ngay cả với những người giữ vai trò lãnh đạo. Xu hướng che đậy sự lạm dụng này quá phổ biến ở mọi bình diện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi được thực hiện bởi những người nắm địa vị có trách nhiệm (bề trên các cộng đoàn, các giám mục, v.v.). Do đó, đưa sự việc ra ánh sáng và bảo đảm để mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, là một cách để bảo đảm rằng chúng ta đang hướng tới sự minh bạch, trách nhiệm và công lý – một bước tiến hoàn toàn cần thiết khác trong diễn trình này.

Điểm thứ ba được nói nhiều trong Hội nghị là tính minh bạch, đây là hệ quả của hai điều trước. Điều này không chỉ có nghĩa là thừa nhận tội ác đã và vẫn đang bị vi phạm, là nói về chúng và tập chú vào chúng. Chắc chắn, đối diện với sự thật của các sự kiện là điều chủ yếu. Nhưng minh bạch cũng có nghĩa là biết và làm cho người ta biết những gì đang được thực hiện để đáp ứng, những thủ tục mà Giáo hội, trong tất cả các biểu hiện của mình, đang phải đối đầu và xử lý vấn đề, những biện pháp mà Giáo hội đang đưa ra, những phán quyết liên quan đến những ai có tội, và vân vân. Bằng cách này, cả cộng đồng giáo hội và dân sự không chỉ ý thức được lỗi lầm và tội ác đã gây ra, mà còn ý thức được hành trình mà cộng đồng tham gia một cách có ý thức để đáp ứng đối với vấn đề này.

Các biện pháp quan trọng được đưa ra kể từ Hội nghị năm 2019

Nhưng nếu Hội nghị năm 2019 được cho là một điểm xuất phát chung, thì cần phải thừa nhận rằng sau đó nhiều biện pháp đã được thực hiện bởi Đức Giáo Hoàng và ban lãnh đạo Giáo hội nhằm thực hiện tất cả các nhiệm vụ chính được nhận diện trong Hội nghị đó. Chúng là những bước nào?

Thứ nhất, vào cuối tháng 3, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông thư ban hành các luật lệ hướng dẫn mới liên quan đến Thị quốc Vatican và Tòa Thánh, nhằm mở rộng tầm nhìn quá bên kia việc lạm dụng các vị thành niên để bao gồm “những người dễ bị tổn thương”. Sau đó, vào ngày 9 tháng 5 năm 2019, ngài đã ban hành một đạo luật mới rất quan trọng cho toàn thể Giáo hội, đó là Tự sắc Vos estis lux mundi – “Các con là ánh sáng thế gian” – trong đó Đức Giáo Hoàng đã qui định rằng một văn phòng phải được tổ chức ở mỗi giáo phận để tiếp nhận các báo cáo và khởi diễn các thủ tục giáo luật nhằm đáp ứng việc lạm dụng tình dục các vị thành niên. Ngoài ra, ngài cũng quy định rằng mọi linh mục và tu sĩ biết sự lạm dụng đó có nghĩa vụ phải báo cáo. Đức Giáo Hoàng cũng mở rộng lời mời đến các thành viên giáo dân cũng phải báo cáo những vụ lạm dụng đó. Bây giờ, tất cả các linh mục và nam nữ tu sĩ có nghĩa vụ lương tâm phải báo cáo các trường hợp liên quan đến lạm dụng tình dục các vị thành niên mà họ biết được; nghĩa vụ này không chỉ áp dụng cho các vị thành niên, tuy là nghiêm trọng nhất, mà còn áp dụng cho những người dễ bị tổn thương khác hoặc các hành vi lạm dụng khác bao gồm việc dùng bạo lực. Một lần nữa, các thành viên giáo dân cũng được mời làm như vậy. Để báo cáo việc lạm dụng, các văn phòng thành lập ra để tiếp nhận các báo cáo phải được thông báo cho mọi người biết.

Đây là một trong những biện pháp quyết định nhất. Tất nhiên, cần phải bảo đảm sao cho tất cả những điều này được thực thi. Tuy nhiên, luật lệ đã được đặt để cho toàn thể Giáo hội. Đây là một biện pháp hoàn toàn căn bản mà Đức Giáo Hoàng đã đưa ra, có lẽ là biện pháp quan trọng nhất trong hai mươi năm qua về vấn đề này. Hơn nữa, cùng một đạo luật đã thiết lập một diễn trình liên quan đến việc báo cáo của các bề trên ở bình diện cao nhất – bề trên tổng quyền của các viện đời sống thánh hiến, các giám mục và Hồng Y – không những chỉ các người bị buộc tội lạm dụng tình dục các vị thành niên, mà còn cả những người hợp tác trong việc “Che đậy nó”. Do đó, các biện pháp cụ thể hướng tới trách nhiệm và trách nhiệm giải trình đã được thực thi một cách triệt để.

Tuy nhiên, một biện pháp nữa cũng được đưa ra dẫn đến việc minh bạch hơn đã diễn ra vào tháng 12 năm 2019 khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ “bí mật Giáo hoàng” trước đây vốn bao gồm các trường hợp lạm dụng tình dục các vị thành niên. Điều này cho phép sự hợp tác rõ ràng và dễ dàng hơn giữa các cơ quan dân sự và giáo hội so với trước đây. Cuối cùng, là Cẩm nang nổi tiếng được khai triển và được xuất bản vào tháng 7 năm 2020. Tài liệu này là một yêu cầu trực tiếp được đưa ra tại Hội nghị tháng 2 năm 2019 và từng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra tại Hội nghị như một trong những mục tiêu đầu tiên của Hội nghị. Bộ Giáo lý Đức tin đã biên soạn nó. Mặc dù không có điều gì mới, nhưng đây là một tài liệu được trình bày tốt đẹp, đưa ra một cách có trật tự và giải thích rõ ràng những điều mà mọi giám mục hoặc những người có thẩm quyền khác cần biết và những gì họ cần làm trong các tình huống khác nhau. Nó là một công cụ cực kỳ cần thiết, mặc dù nó không nhận được nhiều sự chú ý khi nó được công bố. Tuy nhiên, đó là một gợi ý quan trọng, được những người tham gia Hội nghị năm 2019 yêu cầu, nay đã được hoàn thành.

Thậm chí gần đây hơn, vào Lễ trọng Hiện xuống năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một cải cách cho Quyển VI Bộ Giáo luật. Phần này của Giáo luật bao gồm một bản tóm tắt các Chế tài tội hình trong Giáo hội. Phiên bản mới viết lại và tổ chức lại phiên bản trước đó một cách mà các chuẩn mực mới thiết lập trong suốt nhiều năm nói đến việc lạm dụng tình dục các vị thành niên và các vấn đề khác hiện được bao gồm một cách có tổ chức trong Bộ Giáo luật. Trước ngày này, luật được trình bày “rải rác” trong hàng loạt các bản văn và các loại can thiệp khác.

Bây giờ, người ta có thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả những điều chúng ta mong đợi từ Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh sau Hội nghị năm 2019 đã được hoàn thành.

Nhưng ta có thể nói thêm một điều khác. Cũng trong khoảng thời gian này, chính xác là vào tháng 11 năm 2020, “Báo cáo McCarrick” đồ sộ đã được công bố bởi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Theo mệnh lệnh của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cuộc điều tra này đã tiết lộ các chi tiết liên quan đến vụ tai tiếng đau buồn làm rung chuyển Giáo hội ở Hoa Kỳ và khắp thế giới, và làm thế nào mà một người phạm tội lạm dụng như vậy lại có thể leo lên đỉnh cao của trách nhiệm Giáo hội như Hồng Y Tổng Giám Mục của Washington, DC. Việc công bố báo cáo này cũng có thể được coi là một biện pháp đau đớn, nhưng rất can đảm, hướng tới sự minh bạch và cho thấy mong muốn phải giải trình tội ác và tự lãnh trách nhiệm dù ở các cấp cao nhất của Giáo hội.

Như thế, chúng ta đang đứng trước một vấn đề to lớn, khó khăn và nhức nhối, chạm đến chính khả tín tính của Giáo hội. Mặc dù điều này đúng, nhưng hoàn toàn không đúng khi nói rằng không điều gì đã được làm hoặc không điều gì, hoặc gần như không điều gì, đang được thực hiện. Ngược lại, người ta có thể khẳng định không ngập ngừng rằng Giáo hội hoàn vũ đã và đang đối đầu với vấn đề, rằng Giáo Hội hoàn vũ đã thực hiện các bước cần thiết để thiết lập các chuẩn mực, thủ tục và luật lệ để giải quyết vấn đề đó một cách chính xác.

Các bước tiến tiếp theo: từ chuẩn mực đến thực hành

Tất nhiên, điều trên không có nghĩa mọi điều đã được thực hiện, vì như chúng ta biết, thiết lập các chuẩn mực hoặc tạo ra một khuôn khổ là một chuyện, mà thay đổi tình hình, bằng cách chấp pháp chúng lại là một chuyện khác hẳn. Hội nghị tháng 9 sắp tới của Giáo hội ở Trung và Đông Âu tại Warsaw về việc bảo vệ các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, trên thực tế, đi theo hướng này. Mỗi khu vực địa lý và giáo hội với những điểm chung nào đó theo quan điểm lịch sử và văn hóa cần phải suy gẫm về việc họ đang ở đâu và cần nhận diện những gì cần phải làm một cách cụ thể để thực sự chấp pháp các hướng dẫn của Giáo hội hoàn vũ ở bình diện địa phương.

Điều này đã được thực hiện ở các vùng địa lý khác. Thí dụ, một hội nghị lớn cho Châu Mỹ Latinh đã được tổ chức ở Mexico khoảng một năm trước đây. Đại dịch đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch khác và gây ra sự chậm trễ. Tuy nhiên, các hội nghị đang được lên kế hoạch, hoặc đã diễn ra, ở các lục địa khác nhau, các hội nghị tương tự như hội nghị đã được lên kế hoạch cho các quốc gia tạo nên Trung và Đông Âu. Những hội nghị cấp khu vực này cũng là những bước cần thiết trên hành trình chung của Giáo hội hoàn vũ được áp dụng chuyên biệt cho các khu vực địa lý, văn hóa và giáo hội.

Để kết luận, nhiều việc đã được thực hiện ở bình diện tổng quát và chuẩn mực, ngoài việc thu lượm kinh nghiệm cụ thể. Trong một số khu vực, nhiều việc hơn đã được thực hiện, trong khi tại các khu vực khác, ít việc hơn đã được thực hiện. Các hội nghị cần thiết để trao đổi nhận thức và cái nhìn sâu sắc về những cách cụ thể và hữu hiệu để đương đầu với vấn đề. Chúng ta đang hành trình và chúng ta sẽ vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng con đường trên đó cần phải di chuyển nhanh chóng và chắc chắn hiện đã được vạch ra một cách đáng kể và đầy đủ. Con đường này phải được thực hiện để hàn gắn đau khổ, áp dụng công lý, ngăn chặn sự lạm dụng trong tương lai, khôi phục lòng tin và khả tín tính trong cộng đồng giáo hội và trong sứ mệnh của Giáo hội vì lợi ích thế giới.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS