Cháy nhà thờ Đức Bà Paris : “Chứng kiến và Tin”

Nghe bài này

Thứ Ba Tuần Thánh, 16.04.2019

Tuần Thánh bắt đầu bằng Chúa Nhật Lễ Lá hay còn gọi là Chúa Nhật Thương Khó vì trình thuật Tin Mừng ngày hôm đó chính là Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Năm nay, Tuần Thánh đối với Giáo Phận Pa-ri (Paris) nói riêng, Giáo Hội Pháp nói chung đích thật là một Tuần Thương Khó. Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri (Notre-Dame de Paris) chìm trong biển lửa từ 6 giờ 50 phút chiều thứ Hai Tuần Thánh. Sau hơn 8 tiếng hoành hành, ngọn lửa đã thiêu cháy toàn bộ phần khung và phần mái của nhà thờ. Ngọn tháp nhọn nằm ở trung tâm mái ngói nhà thờ, cao khoảng 68m, cũng đã sụp đổ hoàn toàn. Tuy ngọn lửa đã được khống chế trước khi lan đến cung thánh và cấu trúc bên trong nhà thờ nhưng giờ đây, cảnh tượng còn lại trước mắt của công chúng quả thật hết sức đau lòng. Công trình kiến trúc Gô-tích (Gothic) vĩ đại 850 năm tuổi, trái tim của Thủ Đô Pa-ri, dấu tích lịch sử văn và ký ức sống động Kitô Giáo Châu u bị tấn công dữ dội bởi những ngọn lửa hung hăng. Từ đó những cột khói đen ngùn ngụt bốc lên u ám che khuất cả một góc trời Pa-ri.

Ngay khi ngọn lửa còn bùng cháy, Tòa Thánh Vatican và nhiều nguyên thủ các quốc gia lớn đã nhanh chóng gửi đến nước Pháp và cộng cồng tín hữu Công Giáo Pháp lời động viên an ủi. Họ bày tỏ sự đồng cảm chân thành trước biến cô đau buồn không nên xảy ra. Suốt đêm hôm qua, có rất nhiều người đã thổn thức và mất ngủ chỉ vì lo lắng cho sự tồn vong của công trình lịch sử Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri. Lý do thật dễ hiểu. Riêng đối với các Kitô hữu Việt Nam, những người chịu ơn các nhà thừa sai Pa-ri và Giáo Hội Pháp trong công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam yêu dấu thì Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri đã luôn là 1 trong biểu tượng của niềm tin Kitô giáo. Công trình vừa sừng sững kiên cố vừa thanh thoát mỹ miều. Nét độc đáo của kiến trúc Gô-tích (Gothic) nằm ở chỗ tuy hình khối rất uy nghiêm nhưng đường nét lại rất dịu dàng. Những ai đã từng đặt chân đến đây cũng có thể cảm nhận được đều này, nhất là khi chúng ta từng bước thay đổi góc quan sát. Cảm xúc trào dâng theo từng bước tiến của đoàn hành hương; từ tiền đình tiến vào bên trong nhà thờ, từ cánh phải tiến sang cánh trái, từ phía trước cung thánh đến về phía sau bàn thờ chính, từ mặt sàn lót gạch hoa cổ điển đến những mái vòm cao vút, từ việc chiêm ngắm nhựng họa tiết nghệ thuật làm nên ngọn tháp nhọn đến việc nghỉ chân bên kia giòng sông Sen (Seine) để thả hồn miên man cùng từng hồi chuông thâm trầm vọng vang từ tòa tháp đôi của Nhà Thờ. Rất nhiều người đã không ngần ngại chia sẻ rằng họ đã khóc khi chứng kiến ngọn tháp nhọn bị ngọn lửa khuất phục vào khoảng 9 giờ 30 tối ngày 15 tháng Tư.

Trong bối cảnh tăm tối đó, lòng chúng ta như được an ủi khi thấy cảnh hàng ngàn người dân Paris họp nhau bên ngoài đám cháy và cùng nhau cầu nguyện. Nét mặt thành khẩn, cử chỉ thành tâm, kẻ quỳ người đứng, người ôm mặt khóc, kẻ giơ tay hướng thẳng trời cao, tất cả nói lên cùng một niềm tin duy nhất thể hiện trong cùng một lời khấn nguyện. Những lời thánh ca quen thuộc như nối kết muôn lòng nên một. Lúc đó, nhà thờ Đức Bà Pa-ri, công trình mang hình Thánh Giá, đang quằn quại trong biển lửa, đang khát khô vì thiếu thốn những làn nước từ các phương tiện chữa cháy. Hình ảnh này gợi lên trong chúng ta hình ảnh Đức Kitô đang hấp hối trên thập giá. Hình ảnh này chúng ta vừa mời được nghe cách đó một ngày trong Thánh Lễ Chúa nhật Lễ Lá. Ít ngày nữa, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta lại cùng nhau tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Chúa. Vậy ngay giờ phút đau thương này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn và khích lệ chúng ta.

Thánh Gioan ghi lại rằng khi “Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: ‘Tôi khát!’ Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nếm xong, Đức Giêsu nói: ‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 28-30).

Trong thời khắc đặc biệt nhất của cuộc khổ nạn, Kinh Thánh cho thấy có Thân Mẫu Đức Giêsu, có Người Môn Đệ Chúa yêu, và một vài người phụ nữ đã từng theo Chúa, họ chứng kiến và biết rất rõ Chúa khát. Đại diện cho những người này là môn đệ Gioan, “người đã xem thấy việc này và đã làm chứng. Lời chứng của người thì xác thực.” Tông Đồ Gioan biết mình nói sự thật để cho cả chúng ta là những người nghe lời chứng ấy cũng sẽ tin như chính ngài đã tin (x. Ga 19, 35).

Tin Mừng theo thánh Luca còn thuật lại một vài chi tiết khá đặc biệt. Khi chứng kiến tất cả những gì đã xảy ra cho Chúa và trước cái chết cao thượng của Đức Giêsu, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa mà rằng: “Người này đích thực là người công chính!” Chưa hết, toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, họ cũng đấm ngực khi trở về nhà. Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến và than khóc cho tội lỗi của mình (x. Lc 23, 47-49).

Chúa không chết để được nhân loại tôn vinh như một anh hùng cứu quốc nhưng người chết là để thanh tẩy tội lỗi chúng ta. Chúa chịu mọi cực hình thảm thiết để chúng ta những người nhờ lòng tin mà được bước vào cuộc sống mới cuộc sống vĩnh cửu cùng với Người. Chúa chịu mọi sỉ vả nhọc nhằn, chịu đau đớn và chịu khát là để nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Người mới có thể ban cho chúng ta “Nước Trường Sinh” (Ga 4, 10). Người khao khát điều gì nếu như không phải sự hoán cải nơi chứng ta. Người ước mong nhìn thấy chúng ta được nhấn chìm trong dòng nước tái sinh ấy cho một đời sống mới.

Một số người như đã nhận ra thông điệp “qua Thương Khó đến Phục Sinh” mà Chúa gửi đến cho cộng đồng đức tin thành phố Pa-ri và nước Pháp qua biến cố hỏa hoạn tại Nhà Thờ Đức Bà của họ. Quan trọng hơn là những người này đã thành tâm đáp lại thông điệp ấy cách tích cực. Một số khác cho rằng cảnh nguyện kinh sốt sáng của những người tụ tập gần đám cháy là một phép mầu và những lời hứa trợ giúp cho công tác khắc phục của các nguyên thủ và quan chức cấp cao các tổ chức quốc tế là niềm hy vọng lớn lao cho dân thành Pa-ri. Những nhận định này có thể đúng nhưng chưa đủ.

Chúng ta được mời gọi để giúp nhau cùng khôi phục niềm tin và hy vọng đích thực – niềm tin vào Chúa Cứu Thế và niềm hy vọng đặt nơi lời cầu bầu của Mẹ Maria. Chúng ta hãy tin như Mẹ Maria; đau đớn nhưng không hề quỵ ngã (x. Ga 19, 25). Tin như Gioan, “kể từ giờ phút đó, Gioan đón Mẹ về nhà mình” (Ga 19, 27). Tin như những người phụ nữ theo Chúa, họ chu đáo đến tận nơi an táng Chúa để sau đó về chuẩn bị tươm tất mọi thứ cần cho Thầy (x. Lc 23, 55-56). Tin như người trộm lành, đến phút chót vẫn không từ bỏ hy vọng: “Thầy ơi, thầy nhớ đến tôi nhé khi thầy vào vương quốc của thầy” (x. Lc 23, 42). Tin như viên đội trưởng, can đảm nhận ra lỗi lầm và đấm ngực ăn năn (x. Lc 23, 47). Tin như Giô-xép thành A-ri-ma-thê, bất chấp nguy cơ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của bản thân, ông đã sẵn sàng nhường cho Chúa ngôi mộ mới mà ông đã lo liệu cho ngày cuối của đời mình (x. Lc 23, 50-53).

Nhà Thờ Đức Bà Pa-ri bị lửa tàn phá một cách nghiêm trọng nhưng không hề sụp đổ như trước đây công trình này đã tồn tại qua cuộc bách hại Cách Mạng Pháp và Thế Chiến Thứ Hai. Biến cố đau buồn xảy ra đúng vào khởi điểm của Tuần Thánh như một lời nhắc nhở về hành trình “từ thập giá tiến tới vinh quang” mà Đức Kitô đã trải qua. Mọi thử thách gian truân sẽ trở thành cơ hội thanh lọc và hồi sinh cho những ai can đảm bước đi với Chúa trên con đường này. Chúng ta đã thấy tâm tình sốt mến như đang hồi sinh nơi tâm hồn hàng ngàn tín hữu Pa-ri. Chúng ta thấy đức tin đang được biến thành hành động nơi một số anh chị em tín hữu Việt Nam tại hải ngoại, những người bắt đầu tiết chế chi tiêu, không phung phí xa hoa nữa nhưng dành dụm, để đóng góp cho việc trùng tu ngôi thánh đường biểu tượng đức tin của người Pa-ri. Rồi đây chúng ta sẽ còn được nghe thêm nhiều những lời chứng đức tin của những chiến sĩ cứu hỏa, của các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo, của những ai đã chứng kiến và sẽ tham gia vào tiến trình hồi sinh đức tin và vun đắp tâm tình hiệp thông trong lòng Giáo Hội và xã hội Pháp trong những ngày sắp tới. “Họ đã thấy và đã tin” (x. Ga 19, 35). Còn chúng ta thì sao?

Lm. Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS