Trên tạp chí mạng Catholic Herald ngày 11 tháng 1 năm 2024, Gavin Ashenden nhận định rằng các nội dung kỳ lạ của cuốn Đam Mê Huyền Bí: Tính tâm linh và Tính nhục cảm [Mystical Passion: spirituality and sensuality] được viết cách đây 25 năm bởi Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández hiện đã được đề cập rộng rãi trên báo chí Công Giáo.
Các đáp ứng đa dạng đi từ một bên là kinh hãi lẫn lộn trước những gì dường như là một thao tác khiêu dâm thần học, đến bên kia là một lời nhắc nhở thiện cảm rằng tình dục và tâm linh luôn có một mối quan hệ phức tạp và các nhà thần học có quyền khám phá lĩnh vực này mà không cần quá nhạy cảm e lệ vốn ức chế họ.
Trong số các chương của nó, vị tổng trưởng hiện tại của Bộ Giáo lý Đức tin đã viết một cách đầy họa hình và với một thứ thế giá nào đó về sự khác biệt giữa cực khoái của nam và nữ. Đặc biệt, ngài quan tâm đến việc làm thế nào người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa trong cơn cực khoái của bạn tình.
Khi đánh giá về ý nghĩa của niềm đam mê cả về tinh thần lẫn thể xác, ngài viết rằng nếu các nhà huyền nhiệm có thể có được những trải nghiệm nhục cảm về sự hiện diện của Thiên Chúa, thì “Người có thể hiện diện khi hai con người yêu nhau và đạt đến cực khoái; và sự cực khoái đó, được sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng có thể là một hành vi cao cả trước sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Một bài báo của Catholic Herald ngày 9 tháng 1 cho biết Đức Hồng Y đã thảo luận về nội dung của cuốn sách và giải thích lý do tại sao ngài không muốn nó được tái bản và chắc chắn hôm nay ngài sẽ không viết ra nó nữa.
Vậy thì mức độ phản ứng đúng đắn đối với Niềm Đam Mê Huyền Bí nằm ở đâu trên thang phê bình? Có lẽ nơi tốt nhất để bắt đầu là thế giới quan giải cấu của Freud (Freud deconstruction , theo nghĩa thông thường).
Nơi những người theo trường phái Freud có một sự thật hiển nhiên cho rằng các nhà huyền nhiệm Kitô giáo và phụ nữ nói riêng đã được truyền cảm hứng và bị quấy nhiễu bởi sự thất vọng do không giải quyết được chuyện tình dục gây ra. Kinh nghiệm của Thánh Têrêsa Avila thường được chọn từ những giả định rất đặc thù này.
Bất cứ ai trực tiếp biết trải nghiệm tâm linh đều nhận ra rằng đây là một sự phân loại sai lầm đáng tiếc. Nếu bạn sống trong một thế giới bị chi phối bởi động lực tình dục như là động lực chính thúc đẩy sự thèm thuồng có ý thức và vô thức của con người, thì không thể tránh khỏi việc bạn hiểu sai bất cứ trạng thái xuất thần nào như có tính tình dục. Các Kitô hữu biết điều đó không đúng.
Niềm hạnh phúc đến như một món quà thỉnh thoảng của Chúa Thánh Thần được trải nghiệm như một hình thức xuất thần. Nhưng chỉ trong một thế giới rất nông cạn và hạn chế thì xuất thần mới có tính chuyên nhất tình dục. Quả thực, trạng thái xuất thần có rất nhiều điều mà chúng ta có thể gọi là thể loại hoặc chiều kích. Đối với nhiều người, âm nhạc là phương tiện phổ biến nhất để đạt được hoặc chìm đắm trong niềm hạnh phúc ngây ngất. Abraham Maslow là nhà tâm lý học đã làm cho “trải nghiệm tuyệt đỉnh” trở nên dễ tiếp cận hơn như một mô tả về niềm hạnh phúc chung.
Những trải nghiệm tuyệt đỉnh đã được những người ủng hộ Maslow mô tả là “những trải nghiệm hiếm có, thú vị, mênh mông như đại dương, cảm động sâu sắc, phấn chấn, nâng cao tạo ra một hình thức tri nhận thực tại tiên tiến và thậm chí còn có tác dụng huyền bí và ma thuật đối với người thử nghiệm”.
Đối với những người quan sát hờ hững nhất, điều hiển nhiên là những trải nghiệm hạnh phúc tuyệt đỉnh có thể được tạo ra bởi nhiều kích thích khác nhau: thẩm mỹ, nghệ thuật, âm nhạc, thiên nhiên, tình dục, trải nghiệm thần bí và thậm chí cả niềm vui và tri nhận trí thức. Nhưng định nghĩa của Maslow chỉ cho chúng ta đi đúng hướng và đưa chúng ta đến gần hơn với cốt lõi của những gì đang bị đe dọa ở đây: sự giao thoa giữa tình dục, thần bí và ma thuật.
Một trong những khía cạnh đáng báo động nhất trong cách viết của Đức Hồng Y Fernández là ngài có chung những giả định về tình dục giống như những nhà bí truyền và những người thực hành ma thuật (đen tối). Tình dục đối với họ, cũng như đối với Fernández, là một phương tiện của thần linh; trong chủ nghĩa bí truyền – người ta khẳng định – tình dục tạo điều kiện thuận lợi cho trải nghiệm trực tiếp về Thần tính. Phản bác của Kitô giáo đối với truyền thống bí truyền là nó nhầm lẫn về thần tính.
Chính trong thời kỳ Phục hưng, chúng ta nhận thấy sự phát triển của ý tưởng cơ bản này ở những nhà tư tưởng sống trong sự giao thoa giữa Kitô giáo, khoa học và ma thuật mà thế giới giả kim đã tạo ra. Marsilio Ficino (1433-1499) và Giordano Bruno (1548-1600) thừa nhận rằng các nguyên tắc gợi tình của sự hấp dẫn, sức mạnh huyền bí của phép thuật và cấu trúc năng động của vũ trụ đều là một phần của một liên thể [continuum] đơn nhất.
Đấu trường ma thuật nguy hiểm và ít người biết đến cũng hiện hữu trên một phổ hệ. Nhưng một tiền đề chung được các nhà ma thuật tình dục đặt ra là khái niệm cho rằng năng lượng tình dục là một sức mạnh tiềm tàng có thể được khai thác để vượt qua tri nhận chung và chưa được khai sáng về thực tại.
Một ví dụ về lĩnh vực u ám và có vấn đề này được tìm thấy trong nhà nghiên cứu các chuyện bí hiểm (occultist) người Mỹ thế kỷ 19 Paschal Beverely Randolph (1825-75). Ông viết: “Sức mạnh tình dục đích thực là sức mạnh của Thiên Chúa và như vậy, sức mạnh của cực khoái có thể được người đàn ông và người đàn bà sử dụng để đạt được nhiều lợi ích khác nhau, cả về vật chất lẫn tinh thần”. Điều này nghe rất tương tự một cách đáng báo động với cách nhìn và ngôn ngữ trong cuốn sách của Đức Hồng Y Fernández.
Nhưng xa hơn nữa, dọc theo phổ hệ ma thuật và tình dục, ở phần cuối hết sức đen tối, chúng ta đến với nhà thực hành khét tiếng Aleister Crowley. Chủ trương: “Nhân loại phải biết rằng bản năng tình dục …làm người ta ra cao quý. Những tội ác kinh hoàng mà tất cả chúng ta đều lên án chủ yếu là do các đồi bại do việc đàn áp nó tạo ra.”
Các chi tiết về thuyết bí hiểm của Crowley, bao gồm việc cố tình phạm thánh các địa điểm và những người sử dụng tình dục kết hợp trẻ em và động vật, gây sốc một cách tệ hại. Điều đáng kinh ngạc là thế giới bí truyền và bí hiểm này có chung những giả định về cực khoái, trạng thái xuất thần tình dục và thể thần linh mà chúng ta được thấy trong Niềm Đam mê Huyền bí của Đức Hồng Y Fernández.
Nhưng nếu để khảo sát luận đề của ngài, chúng ta quay trở lại thế giới âm nhạc tầm thường hơn, chúng ta có thể thử nghiệm luận đề của ngài với ít bối rối hơn. Thế giới âm nhạc của Giáo hội, nơi chứa đựng một số bản nhạc tinh tế và ngây ngất nhất từng được viết ra, đưa cả người nghe và người biểu diễn một cách ảo, và đôi khi một cách thực, đến trạng thái ngây ngất thẩm mỹ cao siêu nhất.
Điểm nơi vẻ đẹp, sự khao khát, nhịp điệu và tuyệt đỉnh gặp nhau trong âm nhạc và thể thần linh là nơi giao thoa kỳ diệu. Nhưng không có gì tự động xảy ra trong quá trình chuyển hóa từ trạng thái ngây ngất trong âm nhạc sang trạng thái hiểu biết ngây ngất về Thiên Chúa. Nó có thể xảy ra. Có lẽ nó có thể xảy ra. Nó không phải là không thể xảy ra.
Đồng thời, trong số những người thực hành âm nhạc, không có gì tự động trong các mẫn cảm thẩm mỹ của họ mang ý nghĩa cho rằng bản thân âm nhạc mang lại trải nghiệm cần thiết hoặc tất nhiên về Thiên Chúa. Nó có thể mang người ta đến gần (hoặc có thể không), nhưng mối liên hệ của nó với thần tính bị lu mờ bởi Sự Sa ngã và sự trì độn về mặt tâm linh của con người trước khi được tái sinh nhờ Chúa Thánh Thần.
Đức Hồng Y Fernández – chắc chắn viết khi còn trẻ; lúc ngài còn là một linh mục 36 tuổi – gây ra sai lầm chết người và người ta phải nói là sai lầm dị giáo hoặc đã gán cho cực khoái tình dục một công cụ tự động của việc thần thánh hóa. Ngài chia sẻ quan điểm giả kim và bí truyền về liên thể (continuum) không bị gián đoạn, cho phép nhân loại tiếp cận với thần tính thông qua cánh cửa của một số hình thức huyền nhiệm. Kinh nghiệm và giáo huấn của Giáo hội cho thấy điều này không đúng, cũng không có tính Kitô giáo.
Luôn luôn có chỗ cho một số thăm dò thần học có cơ sở vững chắc về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn, vẻ đẹp và khao khát, động vật và thiên thần, sự thèm thuồng và sự gợi tình, sự thành toàn và phủ nhận bản thân, cũng như việc những điều đó được phát biểu đặc biệt ra sao trong tình dục. Nhưng chúng ta không tìm thấy điều đó trong nỗ lực tuổi trẻ của Đức Hồng Y Fernández. Thay vào đó, chúng ta tìm thấy những giả định thần học về bí truyền và không chính thống.
Thật đáng ngạc nhiên khi một Hồng Y ở trung tâm Vatican, người tự nhận là một nhà thần học khoa bảng, lại cho thấy không nhận thức được điều này cho bằng lo lắng rằng mình có thể bị hiểu lầm. Việc ngài nhanh chóng dẹp bỏ cuốn sách của chính mình sau khi xuất bản năm 1998 vì sợ nó bị hiểu lầm, mà không cho thấy bất cứ sự thừa nhận nào rằng mình thiếu hiểu biết về mặt thần học, cho thấy ngài nghĩ rằng lỗi nằm ở người khác, không phải ở bản thân ngài.
Một lĩnh vực khác mà mối bận tâm của ngài về cực khoái và ham muốn tình dục được trình bầy để khảo sát là câu hỏi mà điều này đặt ra – đặc biệt khi ngài chứng thực và công bố Fiducia Supplicans – liên quan đến việc ngài cổ vũ và chứng thực nền văn hóa và thực hành đồng tính. Bất cứ thế giới quan nào định nghĩa nhân tính của bạn chủ yếu theo khía cạnh hấp dẫn sinh dục là một thế giới quan trong đó tình dục được nâng cao vượt xa tầm quan trọng đúng đắn và thực sự là Kitô giáo của nó.
Chính trong nền văn hóa đồng tính, chứ không phải nền văn hóa Kitô giáo, mà sự hấp dẫn và tuyệt đỉnh tình dục trở thành ưu tiên về mặt trải nghiệm và văn hóa.
Hơn nữa, có một số nhà phê bình đã ngạc nhiên trước sự quen thuộc dễ dàng và lối viết phóng khoáng của ngài về các bộ phận sinh dục, cực khoái và sự lưu loát về gợi tình. Họ tự hỏi liệu trách nhiệm tiết dục tình dục của ngài trong tư cách một linh mục có thể tin cậy được không? Trước tác của ngài không có vẻ giống như một người cam kết sống độc thân.
Nhưng có lẽ điều lo lắng thực sự không phải là Đức Hồng Y Fernández có thể đã có quá nhiều kinh nghiệm tình dục, mà là ngài có quá ít kinh nghiệm tình dục Kitô giáo? Nếu trải nghiệm của ngài về Chúa Ba Ngôi thuộc loại bản thân và thân mật hơn, ngài hẳn biết từ kinh nghiệm của chính mình rằng vẻ đẹp choáng ngợp mà sự tuôn đổ tinh tế của Chúa Thánh Thần truyền tải trong những khoảnh khắc ân sủng thỉnh thoảng đến như vậy, thuộc một bản chất rất khác với tuyệt đỉnh cực khoái.
Sự mất cân bằng về trải nghiệm giữa thể gợi tình cảm giác và thể thần khí thánh hóa là một điều bất lợi cho một người giữ chức vụ cao trọng của mình và các trách nhiệm thần học đầy đòi hỏi là lãnh đạo Bộ Giáo Ly Đức Tin. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người Công Giáo tin rằng việc ngài được thăng chức lên chức vụ hiện tại ở Vatican có động cơ chính trị sâu sắc hơn là thần học.
Giờ đây, định hướng chuyên môn của ngài đã được chứng minh là nằm ở nơi khác, ngài nên cân nhắc việc từ chức.