Chứng Tích Người Từ Hỏa Ngục Hiện Về
Hiện nay nhà xứ Cái Mơn còn lưu giữ một miếng ván có kích thước: 2,05 x 0,82 mét, dầy hơn 4,5 cm. Trên miếng ván có một chỗ bị cháy đen và khuyết xuống giống như “phần mông” của một người ngồi để lại. Miếng ván này được lưu giữ như là một chứng tích của việc có hỏa ngục và sự thưởng phạt đời đời.
Bà Tám (vợ của ông Biện Nguyễn Văn Nhung) và tấm ván hiện giờ.
Ảnh chụp ngày 8 / 10 / 2011, tại khuôn viên nhà thờ Cái Mơn.
Bài viết này được người trực nhà xứ, thời Cha Sở Gs Thích còn sống, ghi lại theo lời tường thuật của ông biện Nguyễn Văn Nhung, cháu cố của ông biện Đài và của ông Nguyễn Văn Thật. Nay xin mạn phép tóm lại như sau:
Tấm ván khi mới được đưa về nhà xứ Cái Mơn
(không rõ năm nào)
Khoảng đầu thế kỷ 18, tại Cái Mơn, có một bà lão nọ là người tu xuất đã ngoài bảy mươi. Đời sống của bà không tốt lắm. Bà bệnh nặng và liệt giường khoảng ba tháng, không ăn uống. Gia đình giữ linh hồn cho bà suốt thời gian ấy đã mệt mỏi. Hôm ấy, ông Biện Nguyễn Văn Đài (sau là Trùm Họ) đến đọc kinh giữ linh hồn cho bà. Ông bảo gia đình đi ngủ để ông giữ thay cho một hôm.
Khi ông biện Đài đang sốt sắng nhìn sách đọc kinh, thình lình bệnh nhân ngồi phắt dậy, thổi tắt đèn, rồi ôm lấy cổ ông và đeo cứng người ông. Ông bình tĩnh không la lên sợ làm rối gia đình, và ông cứ mang bà lão trên mình để đi đốt đèn. Đốt đèn xong, ông trở lại giường, gỡ hai tay bà ra khỏi cổ ông và để bà nằm xuống. Bà nằm trong tư thế như thường lệ: hai chân duỗi thẳng, hai tay để lên ngực và vẫn im lặng như người đang hấp hối.
Dấu bị cháy khuyết xuống do mông của người chết hiện về để lại trên tấm ván.
Cũng nên biết, vào thời điểm này chưa có dầu lửa và đá lửa. Người ta dùng dao đánh vào hòn đá đen cho lửa xẹt vào bông gòn trong ống tre. Khi bông gòn bén lửa, người ta thổi lên cho có lửa ngọn rồi mới dùng cây rọi lấy lửa mồi vào đèn. Cây rọi là mảnh vải bằng hai ngón tay, nhúng dầu mù u, xe xoắn lại phơi khô. Đèn dầu mù u thì không bắt lửa nhanh như đèn dầu ngày nay. Nhắc chuyện này để hiểu rằng thời gian ông biện mang bệnh nhân trên cổ là khá lâu.
Ngày hôm sau bà này chết. Việc an táng theo nghi thức đạo như thường lệ. Sau khi an táng, gia đình và hàng xóm tập trung để cầu lễ cho bà. Theo như tập tục thường kéo dài một tuần, lâu hơn hay ít hơn là tùy hoàn cảnh gia đình.
Một tối no, khi mọi người đang sốt sắng cầu lễ, bỗng dưng đèn tắt hết. Người chết xuất hiện, mình đầy lửa, mang dây xích, đến ngồi trên bộ ván, nói lớn tiếng: “Các người đừng cầu nguyện cho tôi nữa, bởi vì đã lỗi đức công bằng, tôi xuống Hỏa ngục rồi“. Nói bây nhiêu lời rồi biến mất. Mọi người có mặt chết điếng người, lặng thinh và ngưng đọc kinh nhưng không dám đi một mình về nhà.
Ông chủ nhà nói: “Tôi không dám để bộ ván này trong nhà nữa, đem ra sông cái liệng cho nó trôi khuất cho rồi“. Nói vậy nhưng có lẽ do quá sợ, ông không dám chở đi nên đã liệng xuống rạch bên hông nhà. Nhà ông ở trên ngọn, nhà ông biện Đài ở cuối nguồn, nên nước ròng ông biện đã vớt được tấm ván ghi dấu cái mông của linh hồn sa hỏa ngục, tấm kia trôi mất (bộ ván gồm hai miếng).
Ông biện Đài cố ý giữ tấm ván lại trong nhà để nhắc nhở con cháu và người đời sau nhớ rằng có Hỏa Ngục. Ông dặn con cháu sau này không được nói tên người bất hạnh cho ai biết, để giữ thanh danh cho họ.
Bộ ván này dài gần 3 mét, dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ sao gồm hai tấm. Linh hồn hiện về ngồi bên tấm ván này, chống hai chân và hai tay qua tấm ván bên kia. Tấm ván bên này để lại dấu mông, và tấm ván kia là dấu hai bàn chân và hai bàn tay úp xuống. Dấu lửa cháy ăn sâu xuống cả hai tấm ván. Không biết ngày xưa gìn giữ thế nào nhưng mấy mươi năm sau này, gia đình ông Nguyễn Văn Nhung bỏ phế ngoài vườn cây. Thời chiến tranh Ông Nhung đã dùng để làm hầm núp bom đạn. Chiến tranh chấm dứt, ông lại quăng tấm ván ra bờ mương. Một hôm có người đến ngỏ ý xin miếng ván, gia đình mới cạo rửa và định tống khứ nó đi. Khi hay được sự việc, cha sở Gs Thích đã ngỏ ý xin và đã đem về lưu giữ tại nhà xứ. Theo lời ông Thật thì có ai đó đã cưa tấm ván mất mấy tấc. Có lẽ vì nó dài và nặng nề, khó di chuyển, nên đã vô tình cưa bớt đi.
Ông biện Nguyễn Văn Nhung thuật lại theo truyền khẩu của gia đình. Phần ông Nguyễn Văn Thật thì nói theo lời kể của ông Isiđôrô Võ Văn Vạn, thường gọi là Sáu Vạn, thầy tuồng của Cái Mơn ngày xưa. Ông là con đỡ đầu của Đức Cha Isiđôrô Đượm, tên Pháp là Dumortier, cha sở Cái Mơn, sau là Giám Mục Địa Phận Sài Gòn. Ông Vạn mất hơn 30 năm nay, thọ 90 tuổi.
Theo một số thông đáng tin cậy, thì người đã chết hiện về này có thể cùng thời với Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Thánh nhân sinh năm 1815, như vậy, câu chuyện xảy ra cũng khoảng gần 200 năm có rồi.
Đối chiếu với gia phả của ông biện Nguyễn Văn Đài thì thời gian như vậy là đúng.
Ông biện Đài, sau thăng chức là Trùm Đài, không biết tuổi.
Con của ông Trùm Đài là ông Trùm Thiệu, sống 92 tuổi.
Con ông Biện Thiệu là ông biện Gioang, sống 72 tuổi.
Con ông Biện Gioang là ông Biện Nguyễn Văn Nhung đã mất, còn bà Nhung hiện nay trên 80 tuổi và đã có cháu cố.
Lm Phêrô Phạm Bá Trung