Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.
Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.
Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.
Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.
Các video từ cuộc tấn công hôm thứ Năm cho thấy cảnh hỗn loạn, với những người chạy tìm chỗ ẩn nấp và các thi thể nằm rải rác trên vỉa hè và đường.
Bộ Y tế cho biết các bệnh viện của thủ đô đã được huy động để điều trị những người bị thương. Trong khi các quan chức cho rằng số người chết có thể sẽ tăng lên vì nhiều người bị thương trong vụ tấn công đang trong tình trạng nguy kịch.
Không ai ngay lập tức nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng Sajad Jiyad, một nhà phân tích Iraq và là thành viên của tổ chức tư vấn The Century Foundation cho biết: “Kiểu tấn công này mang dấu ấn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, là những kẻ đã nhắm vào các khu vực dân cư đông đúc ở Baghdad bằng các cuộc tấn công liều chết như thế nhiều lần trong quá khứ.”
Jiyad nói: “Điều này cho thấy một sự thất bại về an ninh của chính phủ, những người đã được cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn đang hoạt động và trong những ngày gần đây, nó đã nhắm vào cơ sở hạ tầng và các khu vực nông thôn với các cuộc tấn công tương tự”.
Ông nói: “Đối với người Iraq, đây là một diễn biến đáng lo ngại, làm mất niềm tin vào lực lượng an ninh và làm tăng thêm mức độ căng thẳng với các vấn đề địa chính trị, kinh tế và đại dịch.
Iraq tuyên bố ISIL bị đánh bại vào cuối năm 2017 sau một chiến dịch kéo dài 3 năm khốc liệt. Nhưng các cuộc tấn công của ISIL trên khắp đất nước đã gia tăng trở lại trong năm qua, đặc biệt là ở miền bắc Iraq nơi các thành phần nằm vùng vẫn đang hoạt động.