Trả lời: Để giải quyết vấn đề hiếm muộn hay không thể có con được, nhiều cặp vợ chồng ở Âu Mỹ đã sử dụng phương pháp thuê phụ nữ khác mang thai hộ ( surrogate mother) để có con.
Mang thai hộ có nghĩa là :
1- một phụ nữ bằng lòng cho sử dụng trứng (ovum) của mình để phối hợp với tinh trùng (sperms) của người không phải là chồng mình để tạo thành phôi sinh (embryo) qua phương pháp thụ thai nhân tạo (artificial insemination). Sau đó phôi sinh này được cấy trở lại trong tử cung của phụ nữ kia cho đến khi thai nhi được sinh ra và sẽ được trao trả cho vợ chồng người đã bỏ tiền thuê mướn theo giao kèo đôi bên đã ký kết.
2- hoặc đồng ý cho mượn tử cung của mình để tiếp nhân một phôi sinh (embryo) thụ tinh bởi trứng và tinh trùng của hai người khác nào đó và chỉ mượn tử cung của mình để mang thai hộ cho đến ngày viên mãn. Trong trường hợp này, phôi sinh hay giao tử (gametes) được thụ thai nhân tạo với trứng và tinh trùng của người khác và được cấy (implanted) vào tử cung của phụ nữ ưng thuận mang thai hộ để lấy tiền của người thuê mướn.
Về mặt sinh học, thì người phụ nữ này đúng là mẹ thật ( biological mother) của đứa trẻ, vì đã cưu mạng trong lòng mình hay đã cho cả trứng của mình để tạo sinh đứa trẻ.Chỉ khác một điều là người cha của nó không phải là chồng của phụ nữ này mà thôi.
Chính vì là mẹ thật của đứa trẻ, nên trong thực tế đã xẩy ra những cuộc tranh tụng bi thảm giữa phụ nữ mang thai hộ và người mướn mang thai. Đó là trường hợp đã xẩy ra ở tiểu bang New Jersey cách nay trên 20 năm khi một phụ nữ mang thai hộ đã từ chối trao trả bé gái cho cặp vợ chồng mướn mang thai. Họ kiện ra tòa, nhưng quan tòa đã xử cho phụ nữ kia thắng và được giữ đứa bé vì đó chính là con ruột của chị. (biological child). Dĩ nhiên chị này phải bồi hoàn số tiền đã lấy của vợ chồng kia.
Nhưng việc mang thai hộ này hoàn toàn sai trái về mặt luân lý theo giáo lý của Giáo Hội dạy như sau :
“ Những kỹ thuật gây nên sự phân ly phối hợp của vợ chồng, bằng hành động can dự của người khác thay vì của chính vợ chồng, như tặng tinh trùng hoặc noãn sào (trứng) cho ai, hay cho mượn tử cung, đều sai trái nghiêm trọng về mặt luân lý. (gravely immoral). Những kỹ thuật này gồm có chích tinh dịch và thụ thai nhân tạo (heterologous artificial insemination and fertilization) đều xâm phạm nặïng nề quyền của đứa trẻ được sinh ra bởi chính cha mẹ của nó đã được kết hiệp qua hôn nhân. Những kỹ thuật này cũng phản lại quyền của vợ chồng chỉ được trở thành cha mẹ nhờ được kết hợp với nhau như vợ chồng mà thôi. (x. SGLGHCG, số 2376).
Giáo lý này đãï được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (Congregation of the Doctrine of the Faith) của Tòa Thánh nhắc lại trong huấn thị Donum Vitae (Quà tặng về sự sống) năm 1987 như sau:
“ …việc mang thai hộ (surrogate motherhood ) nói lên sự thất bại khách quan đối với những đòi buộc của tình mẫu tử, của sự trung tín vợ chồng và của trách nhiệm làm mẹ. Nó cũng súc phạm phẩm giá và quyền của đứa trẻ được thụ thai, cưu mang trong lòng mẹ, được sinh ra và được nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ của mình. Ngoài ra, việc mang thai hộ này cũng tạo nên nguy cơ làm tan giã gia đình vì sự tách biệt giữa những yếu tố thể lý, tâm lý và luân lý là nền tảng cho mọi gia đình.” ( no.3)
Như thế rõ ràng Giáo Hội đã lên án việc “mang thai hộ”, một loại kỹ nghệ đã và đang được khai thác ở Âu Mỹ hiện nay. Dịch vụ này đã biến việc sinh con, vốn là đặc quyền (privilege) và là một quà tặng vô cùng quí giá của Thiên Chúa ban cho những ai được mời sống ơn gọi hôn nhân, thành một việc mua bán đổi chác như mọi dịch vụ kinh doanh khác trên thị trường.Hơn thế nữa, việc làm này cũng phá tan giao ước hôn nhân đòi buộc hai vợ chồng kết hợp mật thiết với nhau trong việc sinh sản con cái để cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo của Người.
Sau hết, việc mang thai hộ cũng làm thương tổn nặng nề thiên chức làm mẹ của phụ nữ vì đã biến những người làm nghề này thành những cái “máy sinh sản” để phục vụ cho lợi ích của người khác thay vì phải chu toàn ơn gọi làm vợ và làm mẹ của chính mình.
Như vậy, là tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải xa tránh việc làm phi luân này.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn