Có phải kinh Koran dạy chặt đầu?

Nghe bài này

isisCâu chuyện bắt đầu với cuộc thảo luận trực tiếp truyền hình trên BBC ngày 24 tháng Tám vừa qua liên quan tới Hồi Giáo Trị ISIS và ký giả James Foley. Cuộc thảo luận này có sự tham dự của Mệnh Phụ Ann Leslie, Shiraz Maher, Ngài Winston, một người tân tòng Hồi Giáo tên là Myriam Francois-Cerrah, và Douglas Murray.

Sau cuộc thảo luận trên, người cuối cùng của danh sách tự hỏi: “Tại sao họ lại chặt đầu người ta? Tại sao người Hồi Giáo cực đoan, như những kẻ giết nhà báo Hoa Kỳ James Foley, lại lấy việc chặt đầu làm chiến thuật tàn ác ưa thích của họ? Tôi không nghe thấy ai hỏi câu hỏi này trên truyền thông tuần qua. Nhưng đây là câu hỏi quan trọng, và việc không hỏi nó nói lên khá nhiều điều về việc chúng ta thiếu suy nghĩ và đầy sợ sệt”.

Ông tóm lược buổi thảo luận trên như sau: “Chúng tôi có một cuộc thảo luận tốt, phần lớn nhờ sự nhất trí nẩy sinh giữa chúng tôi do sự xuất hiện của một người thuộc nhóm Anjem Choudary vốn ủng hộ ISIS. Nhưng một lần nữa, tôi rất ngỡ ngàng bởi sự kiện, trong một cuộc thảo luận tại một xứ sở vẫn còn tự do với quyền tự do ngôn luận, nhưng người ta lại hết sức cố gắng để đừng thăm dò, đúng hơn, ngăn cản một cuộc thảo luận đi theo một hướng đặc thù”.

Myriam, dĩ nhiên, nằng nặc cho rằng những người Hồi Giáo cựa đoan xấu xa kia đã giải thích sai về Hồi Giáo. Điều ấy dễ hiểu nhưng Ngài Winston cũng đã hết lòng bác bỏ bất cứ nối kết nào giữa hành động của những nhóm như ISIS và Hồi Giáo. Ông vốn là một khoa học gia. Trong các diễn đàn khác, ông rất chú trọng tới đường hướng tư duy, chứng cớ, khám phá và luận lý. Nhưng ở diễn đàn này ông bất cần những thứ đó. Ông la Mệnh Phụ Ann Leslie và Murray mà cho rằng “Không có gì liên quan tới Hồi Giáo cả. Đây không phải là vấn đề của người Anh mà cũng không phải là vấn đề của Hồi Giáo”.

Theo Murray, điều trên đúng nhưng không đúng cả. Ông cho rằng, dù những người cực đoan như những kẻ hạ sát James Foley đã giải thích Hồi Giáo một cách tệ hại nhất, nhưng họ đâu có sai hoàn toàn. Họ không hoàn toàn vô căn cứ…

Lẽ dĩ nhiên, không thể chỉ có một lý do duy nhất khiến một ai đó rời bỏ nước Anh để tới sa mạc chặt đầu một nhà báo Hoa Kỳ. Chắc chắn họ có cả một lô động lực. Nhưng tại sao những người Hồi Giáo cực đoan lại thích chọn việc chặt đầu? Không phải chỉ ở Trung Đông mà thôi. Theo van Gogh ở Amsterdam. Nghệ sĩ đánh trống Lee Rigby ở Nam London. Tại sao những kẻ cực đoan này lại thích chặt đầu người ta? Việc này khó hơn việc xử bắn nhiều. Hiển nhiên, đây là lối khủng bố hữu hiệu hơn nhiều.

Nhưng chắc chắn một điều: một phần của lý do chọn việc chặt đầu là: Kinh Kôrăng có những câu truyền cho tín hữu, trong một số hoàn cảnh, phải giết những ai không theo Hồi Giáo. Chính vị sáng lập ra Hồi Giáo cũng từng làm những hành động này. Có phải là phịa không? Murray cho rằng không vì Kinh Kôrăng, bản dịch tiếng Anh của Arberry, chương 8, câu 12, nói nguyên văn thế này: “Ta sẽ ném vào tâm hồn kẻ không tin nỗi kinh hoàng; nên hãy chặt cổ chúng, rút mọi ngón tay của chúng”

Nhiều người Hồi Giáo không hề biết có những câu như trên, họ không biết khá nhiều chi tiết thực sự của Kinh Kôrăng cũng như nhiều Kitô Hữu không biết tới nội dung của Thánh Kinh. Nhiều người khác chối quách là không có những câu như thế vì họ được dạy về một Thiên Chúa đầy yêu thương và từ bi, chứ không được nghe biết gì về một Thiên Chúa khát máu cả. Nhưng những người cực đoan biết rõ Kinh Kôrăng có những câu như thế, và thường hay trích dẫn chúng và tin rằng mình chỉ làm những gì Đấng Allah dạy họ làm khi thực hiện các hành vi bạo tàn như đã nói.

Nói tới Muhammad cũng thế. Người Hồi Giáo được dưỡng dục để tin rằng vị sáng lập ra niềm tin của họ là một con người hoàn hảo, một người phải được tôn kính và noi theo. Nhưng họ sẽ nghĩ gì khi đọc các tường thuật tiên khởi về cuộc đời ngài và khám phá ra rằng trong số các chiến tích của ngài có việc chặt đầu hàng trăm người đàn ông Do Thái của bộ tộc Banu Qurayza? Hãy đọc cuốn Hadith (các lời dạy của Muhammad), ta sẽ thấy việc sau đây đối với kẻ thù: “Người (Tiên Tri Muhammad) cho chặt chân và tay họ. Rồi truyền lệnh nung đinh cho nóng và chọc vào mắt họ, và để họ nằm ở đất sỏi đá Medina. Họ xin nước, nhưng không ai cho họ uống nước cho tới khi họ chết” (3018).

Thánh Kinh và Kinh Kôrăng

Linh mục Dwight Longenecker thì muốn công bình hơn, muốn dành cho người Hồi Giáo điều ngài gọi là “benefit of doubt” (không hoài nghi họ mà hoài nghi mình), nên đã lên mạng tìm lối giải thích của chính người Hồi Giáo.

Nhưng theo ngài, sách thánh của người Kitô Giáo cũng có những lệnh truyền khá bạo lực từ Thiên Chúa. Trong Sách Samuen quyển I, câu 15:3, Thiên Chúa truyền cho Vua Saul tàn sát người Amelekites: “Giờ đây ngươi hãy lên đường, tấn công quân Amelekites và hoàn toàn hủy diệt tất cả những gì thuộc về chúng. Không tha bất cứ ai; hạ sát đàn ông, đàn bà, trẻ em và trẻ thơ, trâu bò và chiên dê, lạc đà và lừa ngựa”. Chính Chúa Giêsu cũng từng nói “Ta đến không đem theo hòa bình mà là gươm giáo”

Ai trích dẫn những câu trên đều bị coi là trích dẫn bên ngoài ngữ cảnh. Vậy những câu Murray trích dẫn trên đây cũng có thể chỉ là trích dẫn bên ngoài ngữ cảnh và do đó, sai lạc? Theo linh mục Longenecker, lời giải thích của các nhà hộ giáo của Hồi Giáo thì cho rằng bối cảnh của lệnh truyền trên diễn ra trong tình thế chiến trận thực sự. Trận đánh Badr năm 624 là thời điểm và nơi chốn trong đó các chiến binh Hồi Giáo được kêu gọi bảo vệ dân họ. Các nhà hộ giáo của Hồi Giáo lý luận rằng quả là bất công khi tổng quát hóa câu trên để cho rằng Hồi Giáo cổ vũ việc chặt đầu y như chủ trương cho rằng 1Sm 15:3 truyền lệnh phải diệt chủng và Kitô Giáo, từ nội tại, vốn là một tôn giáo man rợ và bạo động.

Lý luận trên xem ra có vẻ có lý. Câu trích từ Kinh Kôrăng cũng như câu trích từ Cựu Ước được nói ra trong một ngữ cảnh lịch sử đặc thù trong đó, các chiến binh cho rằng mình được Thượng Đế linh hứng thực hiện các hành vi diệt chủng hay bạo lực.

Nhưng vấn đề là: hiện nay không một Kitô hữu nào dùng vũ khí nhân danh Thiên Chúa để triệt hạ toàn bộ các làng mạc. Trong khi đó, có những người Hồi Giáo làm thế nhân danh tôn giáo của mình. Tại Nigeria, Boko Haram đang làm việc này như Reuters từng tường thuật. Cùng một tình thế đang diễn ra tại Syria và Bắc Iraq khi ISIS chiếm lãnh thổ, sơ tán làng mạc, sát hại dân cư, bán phụ nữ làm nô lệ và thiêu đốt nhà thờ.

Chúa Giêsu tuy nói “Ta đến không đem theo hòa bình mà là gươm giáo” nhưng ai cũng biết Người không nói theo nghĩa đen. Còn ở câu Kôrăng 8:12, Muhammad rõ ràng muốn chiến binh của ngài dùng gươm theo nghĩa đen và không thương tiếc, và các chiến binh ISIS chặt đầu những người bị chúng coi là quân vô đạo vì trực tiếp vâng lời Kôrăng 8:12.

Đã đành người Hồi Giáo ôn hòa rất buồn trước một chủ nghĩa cuồng tín như thế. Người Kitô Giáo cũng thế, cũng sẽ rất buồn nếu có ai đó nhân danh 1Sm 15:3 để diệt chủng. Tuy nhiên, vâng theo Kôrăng hiện là lý do quân khủng bố đang nêu ra để gây kinh hoàng nơi người khác bằng cách chặt đầu.

Tuy linh mục Longenecker thừa nhận rằng cũng có những câu khác, rất tích cực, trong Kinh Kôrăng như “Thực vậy, Allah truyền phải công chính, và làm việc thiện cho người khác; và cho như cho người họ hàng; và cấm sự bất nhã sỗ sàng, biểu lộ gian ác, và phạm tội cách sai lầm” (Quran 16:91), ngài vẫn tự hỏi: có phải Kitô Giáo đơn thuần cao hơn Hồi Giáo chăng?

Trước khi trả lời câu hỏi ấy, ngài cho rằng không phải các cá nhân Kitô hữu tốt hơn các cá nhân Hồi Giáo. Xét từ nội tại, không phải Kitô hữu nào cũng tốt hơn người Hồi Giáo. Nhưng ta cần khách quan nhìn vào giáo huấn của hai tôn giáo có tính hoàn cầu này và cả điển hình nơi các vị sáng lập ra chúng nữa.

Đúng là nhiều người Công Giáo từng sát hại người khác nhân danh Chúa Kitô, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ dạy họ làm thế. Tân Ước chưa bao giờ truyền lệnh phải hủy diệt kẻ không tin hay sát hại kẻ thù. Đã đành có những câu trong Cựu Ước kêu gọi phải hủy diệt trọn cả các làng mạc, nhưng Kitô hữu tin rằng Thiên Chúa của từ bi đã thay thế Thiên Chúa của công lý chém giết. Người Công Giáo có thể phạm những tội ác tầy trời, thậm chí các vị giáo hoàng và linh mục cũng đã ra lệnh tra tấn và giết chóc, nhưng trong Tân Ước, không chỗ nào truyền làm việc đó và không một Kitô hữu nào có thể sát hại người khác rồi ngẩng cao đầu mà tuyên bố “tôi là một Kitô hữu tốt”.

Với Chúa Giêsu Kitô cũng thế. Ngài không ra lệnh gây chiến, hủy diệt và chặt đầu người không tin. Người không kết hôn với một cô gái nhỏ. Người không tra tấn và hủy hoại cơ thể cũng như chặt đầu người ta.

Dĩ nhiên chúng ta không tự hào biết hết về Hồi Giáo, nhưng căn cứ vào những gì quan sát được, Kitô Giáo quả nhằm trở thành một tôn giáo của hòa bình, của tha thứ và từ bi. Vì Chúa Giêsu không chỉ là 1 tiên tri như Muhammad hay Joseph Smith hay bất cứ bậc thầy tôn giáo nào khác. Người là Đấng Cứu Chuộc. Thay vì đổ lỗi cho người khác và chặt đầu họ, Người chấp nhận bị qui lỗi và bằng lòng đổ máu. Qua hành động của mình, Người mang lấy bạo lực và biến đổi nó qua chiến thắng phục sinh. Đây là điều không một tiên tri nào làm được.

Điều duy nhất một tiên tri có thể làm là rao giảng sứ điệp của mình và buộc người ta trở lại. Kitô Giáo đích thực không bao giờ làm thế. Thay vào đó, tôn giáo của Chúa Giêsu luôn là vác Thánh Giá, nhận bị qui lỗi và do đó đòi được thẩm quyền và sức mạnh để tha thứ chứ không qui lỗi cho người khác.

Tôn giáo của Hồi Giáo Trị ISIS là một hình thức của Hồi Giáo chuyên lên án mọi người khác với mình và chỉ có một sứ điệp: trở lại hay bị giết.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS