Patrick Canac là một thương gia thành đạt người pháp. Ông sinh ra trong một gia đình Công giáo và được rửa tội như bao trẻ em Công giáo khác. Nhưng giống như nhiều người Tây phương thời nay, ông đã dần dần rời xa Giáo hội và sống như một người vô thần. Tuy nhiên từ những tháng gần đây, trong tâm hồn ông Canac có sự thay đổi; ông trở về với Giáo hội Công giáo và đã dâng cúng một số tiền lớn cho việc xây dựng một chủng viện mới ở vùng Avignon, nước Pháp. Điều gì đã đánh động tâm hồn ông Canac và đưa ông đến quyết định trở về với Giáo hội?
Ông Canac cho biết là chính chứng tá tử đạo cách can đảm của cha Jacques Hamel đã khiến ông hồi tâm và trở lại với tôn giáo của mình. Hồi tháng 7 năm 2016, cha Hamel, lúc ấy đã 86 tuổi, bị hai người Hồi giáo cực đoan theo nhóm Nhà nước Hồi giáo cắt cổ khi ngài đang dâng Thánh lễ tại nhà thờ ở thành phố nhỏ Saint-Étienne-du-Rouvray, ngoại ô Rouen. Cha Hamel rất được các giáo dân yêu quý và ngày cả các người Hồi giáo sống ở Saint-Etienne du Rouvray cũng yêu quý cha. Vài giáo dân đã chia sẻ: “Đó là một Linh mục lớn tuổi, nhưng mà luôn sẵn sàng với bất cứ ai cần đến cha”; “cha sẵn sàng phục vụ”; “đó là một Linh mục giỏi và đã thực thi sứ vụ của mình cho đến giây phút cuối cùng”. Nữ tu Danielle, người đã hiện diện trong giây phút cha Hamel bị sát hai đã khăng định: đây là một Linh mục vĩ đại, một Linh mục phi thường. Cha Hamel đã phục vụ trong giáo xứ này từ 10 năm nay nhưng không phải là cha xứ, mà chỉ như một Linh mục đơn giản, vì cha đã nghỉ hưu và cha cảm thấy thoải mái trong vai trò phục vụ và còn mong muốn có ích cho cộng đoàn. Dù cho tuổi tác đã cao, nhưng cha luôn tích cực trong các cử hành Thánh lễ và các bí tích. Cha đã chọn di chuyển đến cộng đoàn nhỏ này, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống để loan truyền sứ điệp của tình huynh đệ.
Ông Canac chia sẻ: “Tôi đã được nuôi dạy theo đức tin Kitô giáo. Tôi đã được lãnh nhận bí tích rửa tội và nhận lãnh tất cả các bí tích khai tâm, nhưng sau đó tôi đã dần dần bị lôi kéo, không thực hành đức tin Công giáo trong một thời gian dài. Năm ngoái, vụ sát hại cha Hamel ở Rouen đã đánh động tôi. Khủng bố sợ hãi đã lan vào trong nhà thờ và điều này đã nhắc nhở tôi về những thời gian tăm tối của nền văn minh của chúng ta. Tôi đã có phản ứng tức thời, như thể họ đã giết anh của tôi. Một ai đó có thể vào nhà thờ ngày hôm nay và giết vị chủ tế thì thật là khủng khiếp, thật kinh khủng, đó là ma quỷ đi vào nhà thờ.” Ông Canac đã ngay lập tức trở về với đức tin khi nhận ra rằng “tất cả chúng ta đều có gốc rễ Do thái-Kitô” và cần phải bảo vệ điều này.
Ông Canac đã đóng góp số tiền lớn để xây chủng viện mới Redemptoris Mater ở Avignon, khi ông hiểu tầm quan trọng của việc tái loan báo Tin mừng cho các nước Tây Âu, cũng như người dân cần được khuyến khích trở về lại với Giáo hội, bởi vì Giáo hội là cái nôi của nền văn minh của chúng ta. Ông nói: “Tôi nghĩ đến các Kitô hữu tiên khởi, những người tiên phong, những nhà truyền giáo và những vị tử đạo; họ đã truyền bá Tin Mừng khắp thế giới. Và đó là lý do tại sao tôi đã dùng sự thành công kinh doanh của mình để giúp đỡ dự án xây dựng cho chủng viện Redemptoris Mater ở Avignon.” Ông tin rằng chủng viện sẽ giúp tái truyền giảng Tin mừng cho châu Âu bằng cách huấn luyện các linh mục, những người sẽ trở thành các nhà truyền giáo hiện đại, những người sẽ truyền giảng Tin mừng cho những người như ông để những người này có thể trở về với Giáo hội.”
Sau khi cha Hamel bị giết, ông Canac cảm thấy nền văn minh Do thái-Kitô bị đe dọa. Ông xác định rằng “bất cứ điều gì đào tạo nên những con người truyền bá Tin mừng, một sứ điệp Kitô hòa bình và yêu thương, thì phải được giúp đỡ.” (CNA 10/10/2017)
Hồng Thủy