Đã đến lúc Đức Phanxicô lái Thượng hội đồng về tính đồng nghị khỏi chiều hướng chính trị?

Nghe bài này

Michael Hanby, giáo sư về tôn giáo và triết học khoa học tại Viện Nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, trong bài “Tính Đồng Nghị và Thánh Thần Chân Lý”, trên tờ First Things Tháng 8 năm 2023 (https://www.firstthings.com/article/2023/08/synodality-and-the-spirit-of-truth), trích lời của Marx cho rằng, các sự kiện và các nhân vật vĩ đại trong lịch sử thế giới dường như xảy ra hai lần… lần đầu là bi kịch, lần thứ hai là trò hề.” Thượng hội đồng về tính đồng nghị dường như được định sẵn để xác nhận những lời của Marx (vốn là một câu sửa đổi của Hegel). Bi kịch phát sinh từ sự chia rẽ sâu xa về thần học và triết học đã gây khó khăn cho Công Giáo trong suốt thời kỳ hiện đại, kể từ khi Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời và Giáo hội trở nên chia rẽ giữa chủ nghĩa truyền thống kiên cường và chủ nghĩa lịch sử hiện đại. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, Maurice Blondel đã mô tả kết quả bằng những từ ngữ có lẽ còn phù hợp hơn với thời đại chúng ta: “Mỗi ngày trôi qua, sự xung đột giữa các khuynh hướng đặt Công Giáo chống lại Công Giáo trong mọi trật tự – xã hội, chính trị, triết học – được bộc lộ sắc nét hơn và tổng quát hơn. Người ta gần như có thể nói rằng hiện nay có hai ‘tinh thần Công Giáo’ khá xung khắc nhau… Và điều đó rõ ràng là bất thường, vì không thể có hai đạo Công Giáo.”

Hơn một thế kỷ sau, quan sát đen tối này lại mang lại niềm an ủi lạ lùng. Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta không sống trong Năm Zero của Công Giáo, rằng sự chia rẽ hiện tại của chúng ta có một lịch sử lâu dài, và phần lớn những gì chúng ta đang trải qua đã được dự đoán, chẩn đoán và chỉ trích từ nhiều thập niên trước. Những câu hỏi có tầm quan trọng về mặt triết học và thần học vẫn còn tồn tại với chúng ta – những câu hỏi về sự thật – vốn lâu đời hơn và lâu dài hơn triều giáo hoàng hiện tại và sâu xa hơn những bề ngoài của tiến trình thượng hội đồng và thời đại truyền thông xã hội. Hiểu những câu hỏi này là cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu được những khó khăn hiện tại của mình. Sự hiểu biết này sẽ là một thành tựu khó đạt được trong sự thiếu suy nghĩ của thời điểm hiện tại – đó là nơi trò hề bắt đầu.

Vào thời của Blondel, một nhóm kiểm duyệt tự bổ nhiệm, Sodalitium Pianum [hội kín Piô], đã tiến hành một chiến dịch bí mật và nghiền nát tư tưởng chống lại những người bị họ coi là kẻ thù duy hiện đại của Đức Giáo Hoàng, thường sử dụng các chiến thuật độc đoán để đe dọa và bịt miệng họ. Trong thập niên qua, Sodalitium Franciscanum [hội kín Phanxicô] tự phong, một đảo ngược có tính ý thực hệ tiền thân đầu thế kỷ XX của nó, đã tiến hành một chiến dịch tương tự. Nó biến tất cả các câu hỏi triết học và thần học thành các câu hỏi chính trị, biến “đúng” và “sai” thành “bạn” và “kẻ thù”, với sự thật của mọi ý tưởng được đo lường bằng việc liệu nó có “ủng hộ” Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “giấc mơ” của ngài về thế giới hay không. Giáo hội, được đánh đồng, dứt khoát, với ý nghĩa của Công đồng Vatican II.

Thí dụ, trang mạng Where Peter Is hiện hữu chủ yếu để công bố danh sách các kẻ thù, với chủ sở hữu của nó dựa vào sự uyên bác sâu rộng của mình để tố cáo “những kẻ ly giáo”, bao gồm một số giám mục và Hồng Y của Giáo hội, từ phòng khách của ông ta ở ngoại ô Maryland. Massimo Faggioli, một nhà sử Giáo hội của Villanova và được cho là người làm việc chăm chỉ nhất trên Twitter, dậy trước bình minh để tweet các công văn từ tiền tuyến trong một chiến dịch bất tận nhằm miêu tả những người Công Giáo Mỹ là những người theo chủ nghĩa Trump và những người theo chủ nghĩa truyền thống loạn trí, kẻ thù của giáo hoàng và những kẻ ngoại đạo đối với “đạo Công Giáo hoàn cầu”—có thể nói là một phạm trù xã hội học hơn là thần học. Và sau đó là sự tuyên truyền, bút chiến và viết sách nhỏ vô tận của người viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng, Austen Ivereigh, người đồng tác giả tài liệu thượng hội đồng hoàn cầu đầu tiên. Đội ngũ báo chí, theo kịch bản này, giúp tạo ra một buồng vang âm [echo chamber] gợi lại mô tả của Hannah Arendt về cuộc sống dưới các chế độ toàn trị của thế kỷ XX.

Sự kiện nền giáo dục hoàn hảo nhất về chủ nghĩa Mác và Lênin không hề là kim chỉ nam cho hành vi chính trị – ngược lại, người ta chỉ có thể đi theo đường lối của đảng nếu mỗi sáng lặp lại những gì Stalin đã tuyên bố vào đêm hôm trước – đương nhiên dẫn đến cùng một trạng thái tinh thần, cùng sự phục tùng tập trung, không bị phân chia bởi bất cứ nỗ lực nào để hiểu những gì một người đang làm, mà khẩu hiệu khéo léo của Himmler dành cho những người lính SS của ông đã bày tỏ: “Danh dự của tôi là lòng trung thành của tôi.”

Không phải những người Công Giáo cấp tiến là những người theo chủ nghĩa Stalin và Đức Quốc xã hay giáo hoàng là một nhà độc tài, mà đúng hơn là có một điều gì đó vô lý cố hữu về việc giản lược Công Giáo thành chính trị, đặc biệt là trong thời đại truyền thông xã hội. Có thể ai sở hữu quá khứ sẽ kiểm soát tương lai, và ai sở hữu internet sẽ sở hữu quá khứ, nhưng nỗ lực “kiểm soát câu chuyện” này đòi hỏi một khả năng thôi nhìn và quên nào đó không hợp với lối suy nghĩ nghiêm túc. Thật vậy, điều đáng chú ý về “dự án Faggioli” về kiểm soát tường thuật, nhằm thúc đẩy việc giải thích tiến bộ về Vatican II, là nó thiếu suy nghĩ nghiêm túc xiết bao. Người ta có thể lùng sục các dòng tweet, sách, bài báo và chuyên mục của nhà thần học tự mô tả này, người dường như thực sự không biết sự khác biệt giữa thần học và xã hội học về tôn giáo, và không bao giờ gặp phải một ý tưởng thần học hoặc triết học đúng đắn hoặc thậm chí một câu hỏi về sự thật theo nghĩa sự kiện, nhiều hơn nghĩa chức năng. Faggioli thường xuyên mô tả việc phản đối Đức Phanxicô như sự phản đối Vatican II, không bao giờ dừng lại để xem xét điều ngược lại: đó là sự phản đối Vatican II có thể bắt nguồn từ việc chống lại vị giáo hoàng hiện tại hoặc những mưu đồ vô tận của những người mà Faggioli gọi là “Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Tuy nhiên, chủ nghĩa truyền thống đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong thập niên qua, trớ trêu thay, cho thấy rằng không ai đã làm ít hơn cho việc tiếp nhận Công đồng đích thực, hoặc nhiều cho những kẻ thù duy truyền thống của Đức Giáo Hoàng, hơn những người tự coi là bạn hữu của ngài…

Nghiêm trọng hơn việc đe dọa kẻ thù là việc Sodalitium Franciscanum không ngừng tập chú vào Đức Giáo Hoàng khiến người Công Giáo khó có thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Kết quả là, chúng ta phải lao đao trong việc đặt Công đồng và Thượng hội đồng về Tính đồng nghị vào bối cảnh lịch sử và trí thức của chúng. Chúng ta không thể hiểu được vấn đề căn bản trong “các khuynh hướng xung đột” của Blondel, hay tại sao “Giáo hội trong thế giới hiện đại” lại là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi như vậy ngay từ đầu. Sự tuyệt đối hóa chính trị là triệu chứng chính của cuộc khủng hoảng Công Giáo trong thời hiện đại, vì việc chuyển từ thần học sang chính trị là một trong những dấu hiệu của thời hiện đại. Thành thử, một trong những mối quan tâm sôi nổi của Công đồng là sự chiến thắng của trật tự khoa học và kỹ thuật – và do đó là của quyền lực – đối với tính siêu việt của Thiên Chúa và tính tặng phẩm [givenness] của bản chất con người.

Tính ưu việt của chính trị chưa bao giờ là sai lầm độc chiếm của cánh tả Công Giáo. Đơn cử một thí dụ rõ ràng, ở Pháp đầu thế kỷ XX, đó là một đặc điểm của cánh hữu. Gần đây hơn ở Hoa Kỳ, tính ưu việt này mang hình thức một nỗ lực kết hợp Công Giáo bảo thủ và chủ nghĩa tự do mới, một nỗ lực hiện đang bị làm sai lệch bởi việc thực hiện các tiền đề tự do theo cách thế tục trong các phản đề kỹ trị và toàn trị của chúng, vốn đã bộc lộ bộ mặt chống Thiên Chúa giáo của chủ nghĩa tân tự do. Một “đạo Công Giáo chính trị” vẫn tồn tại trong chủ nghĩa toàn diện [integralism] và trong nỗi hoài niệm duy truyền thống về hiện trạng trước công đồng, nhưng đây là một nền chính trị ảo dành cho một thế giới ảo, không có tương lai thực sự trong Giáo hội hoặc trong một thế giới thế tục dựa trên sự đàn áp của nó. Động lực hiện nay đang theo điều mà Augusto Del Noce gọi là “chủ nghĩa tân hiện đại” của đạo Công Giáo cấp tiến, vốn phù hợp hơn nhiều với thực tại chính trị của thời đại, và những giả định sinh động của nó được phản ảnh hoàn hảo qua những nhân vật như Faggioli và Ivereigh.

Chủ nghĩa duy hiện đại vào thời của Blondel đáp lại các triết lý lịch sử thế kỷ 19 và sự thăng tiến được cho là của một “tôn giáo của nhân loại”. Những người duy hiện đại nhấn mạnh rằng sau Kant và Hegel, chúng ta sống trong một kỷ nguyên mới và các chân lý của đức tin phải giải đáp những thách thức triết học do thời hiện đại đặt ra, với việc nó cấm tính siêu việt và việc nó khám phá ra “các quy luật của lịch sử”. Trớ trêu thay, những xu hướng triết học này sẽ lên đến tuyệt đỉnh trong việc thay thế hoàn toàn triết học bằng chính trị, khi Marx, Dewey và những người theo chủ nghĩa thực dụng Mỹ đã lật đổ “triết học về sự hiểu biết” để ủng hộ hành động khoa học và chính trị, thuyết biến hóa của Darwin hạ giá các nền triết học ‘duy yếu tính” về bản nhiên con người, và sự biến đổi thế giới đã thay thế lối hiểu thế giới như mục tiêu và thước đo của tư duy. “Có thật không?” nhường chỗ cho “Tác dụng của nó là gì?” hoặc “Nó thúc đẩy sự quan tâm của ai?”

Mặc dù “chủ nghĩa tân hiện đại” có cùng đường lối siêu hình như tiền thân của nó, nhưng nguồn gốc và bản chất của nó lại khác. Nó không phải là một hiện tượng triết học mà là một hiện tượng chính trị. Nó bắt nguồn từ sự phản đối của Công Giáo đối với chủ nghĩa phát xít, nỗ lực của Jacques Maritain và những người khác nhằm hòa giải đạo Công Giáo và chủ nghĩa nhân bản hiện đại trong một chủ nghĩa Tôma không phản động tương thích với nền dân chủ hiện đại. Tham vọng này sẽ xúc tác nhiều nỗ lực sau này nhằm tổng hợp Đạo Công Giáo với các yếu tố “tích cực” và “đạo đức” của tư tưởng Mácxít, rõ ràng không mấy quan tâm đến việc loại chủ nghĩa vô thần đặc biệt của Marx có thể được đưa vào Kitô giáo một cách vô hình. Chống chủ nghĩa phát xít vẫn là yếu tính và lẽ sống của chủ nghĩa tân hiện đại. Faggioli đã vô tình tiết lộ sự thật này trong bài ca tụng gần đây của ông về “liên minh giữa những người Công Giáo, những người theo chủ nghĩa Xã hội-Cộng sản và những người theo chủ nghĩa tự do thế tục đã góp phần giải phóng nước Ý và cai trị trong nửa thế kỷ sau năm 1945,” dường như đã mang lại “cho đất nước một DNA đạo đức và chính trị bất biến.” Ở chỗ khác trong cùng một đoạn, khi ông than thở về sự biến mất của “những người Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” – hậu duệ của “những người đã biến nước Ý thành một nước cộng hòa được thành lập dựa trên các giá trị chống Phát xít” – dường như ông đã xác định được yếu tính của “Đạo Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” không phải với bất cứ nội dung thần học nào, mà với “các giá trị chống Phát xít”…

Về mặt lịch sử mà nói, chủ nghĩa tân hiện đại phát triển nhờ sự chiến thắng của chính trị đối với triết học và thần học và đơn giản coi việc phủ định tính siêu việt là điều hiển nhiên. Do đó, nó chu toàn và hoàn hảo hóa nền siêu hình của chủ nghĩa duy hiện đại trước kia chính bởi vì nó phi triết lý, bởi vì, nói theo kiểu nói của Del Noce, “triết lý tự vượt quá chính nó trở thành chính trị và tìm được ở đó việc xác minh cho nó”.

Không giống như chủ nghĩa hiện đại trước đó, chủ nghĩa tân hiện đại không đưa ra sự biện minh mang tính suy lý hoặc lý thuyết nào cho chính nó, ngoài việc thỉnh thoảng viện dẫn thẩm quyền của khoa học hoặc bản chất bị lịch sử điều kiện hóa của sự thật, và việc nại đến Chúa Thánh Thần, giờ đây bị vũ khí hóa để làm cho những người bất đồng trở thành phạm thánh. Chắc chắn, đây là một lý do dẫn đến tình huống hoàn toàn thiếu việc tự nhận thức về mặt triết học ở những nhân vật như Faggioli – và thực sự là sự thiếu vắng tư duy trong các tác phẩm của chủ nghĩa tân hiện đại so với tác phẩm của những nhân vật trước đó, chẳng hạn như Loisy và Tyrrell. Chủ nghĩa tân hiện đại gần như được dành toàn bộ cho lịch sử, xã hội học và các hình thức duy chức năng khác của lý trí. Nó thừa nhận thẩm quyền của các khoa học thực nghiệm và giả thiết tính ưu việt của lịch sử như một lĩnh vực của các mối quan hệ quyền lực nội tại đang tiệm tiến khai mở. Đối với Del Noce, nhân vật đặc trưng của chủ nghĩa tiến bộ Công Giáo, “Chủ nghĩa xã hội học,” là sự phụ thuộc hoàn toàn của triết học và thần học vào các hình thức tư tưởng này và các tiền giả định hữu thể học của chúng, vốn giản lược các yêu sách của sự thật vào các điều kiện lịch sử, chính trị và kinh tế của chúng và do đó vào các biểu thức ý thức hệ. Đơn cử một thí dụ trong toàn bộ thể loại, cuốn Vatican II: The Battle for Meaning Vatican II [Vatican II: Cuộc chiến giành Ý nghĩa] của Faggioli được chi phối triệt để bởi cách tiếp cận này, đặt ý nghĩa của Vatican II và thần học của nó phụ thuộc vào sự phán xét của các nhà sử học tiến bộ, những người coi Công đồng như một “sự kiện” vẫn đang diễn ra.” Nhưng không nơi nào cách tiếp cận này rõ ràng – hoặc hữu ích, xét vì cuốn sách đã được xuất bản trong triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI – hơn là trong việc nó giản lược “tín lý” thành “chính sách tín lý”: từ một chủ trương sự thật về bản chất của sự vật, vốn khó có thể tưởng tượng trong khuôn khổ này, thành một biểu thức của ý chí giành quyền lực trong trò chơi chính trị giáo hội lâu dài.

Ở đây, sự phê phán của Blondel về chủ nghĩa lịch sử trong cuốn History and Dogma [Lịch sử và Tín điều] vẫn mang tính hướng dẫn. Lịch sử và xã hội học không tự cung tự cấp: Blondel nói, “Khoa học” về lịch sử “vẫn phụ thuộc vào những vấn đề ở phía sau, vào những khoa học vượt trội hơn nó, những khoa học mà nó không thể bứng bỏ hay thay thế ngoại trừ bằng sự tiếm quyền và bằng cách tuyên bố một cách sai lầm rằng mình là một loại siêu hình học toàn diện, một tầm nhìn phổ quát, một Weltanschauung [thế giới quan]” Lịch sử có thể chiếm đoạt siêu hình học, nghĩa là, chỉ bằng cách tự nó trở thành một “siêu hình học toàn diện”, bằng cách phủ nhận thực tại siêu việt của hữu thể, bản nhiên, và thậm chí cả Thiên Chúa và coi “các quy luật lịch sử” – giờ đây được cho là đương nhiên đến mức chúng không cần phải biện minh —như có giá trị tối cao. Tuy nhiên, không có gì trong chủ nghĩa vô thần ẩn danh này có thể ngăn cản việc sốt sắng khẩn cầu hữu thể của Chúa Thánh Thần xuống để rửa tội cho một việc lĩnh hội thế giới một cách vô thần. Thật vậy, kiểu thần học giả mạo này rất phổ biến—và được sử dụng một cách rộng rãi—trong Giáo hội đương thời.

Như Del Noce đã thừa nhận, chiến thắng của xã hội học, lịch sử và các hình thức lý trí duy chức năng khác biểu lộ trong suy nghĩ sự biến mất của Thiên Chúa khỏi chân trời hiện đại— theo lời Đức Bênêđíctô XVI viết vào năm 2009, “vấn đề thực sự tại thời điểm này trong lịch sử của chúng ta, và với sự mờ nhạt của ánh sáng đến từ Thiên Chúa, nhân loại đang mất đi phương vị của mình, với những hậu quả hủy diệt ngày càng rõ ràng”. Như chúng ta đã bắt đầu thấy, những hậu quả hủy diệt này đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến chính phạm trù sự thật. Trong cuốn Principles of Catholic Theology [Nguyên tắc Thần học Công Giáo] (1982), Joseph Ratzinger đã viết rằng, do sự chiến thắng của lịch sử đối với hữu thể, “Khái niệm sự thật… nhường chỗ cho khái niệm tiến bộ: ‘sự thật’ là bất cứ điều gì phục vụ cho sự tiến bộ, nghĩa là bất cứ điều gì phục vụ cho luận lý học của lịch sử.” Sự kết hợp giữa sự thật và tiến bộ là yếu tính của việc chính trị hóa.

Trong Gaudium et Spes, Công đồng Vatican II đã đề cập đến điều được gọi là “giai đoạn mới của lịch sử”, một thời điểm được đặc trưng bởi những nhạy cảm lịch sử này. Những sự nhạy cảm này đã không bị loại bỏ. Ngược lại, Công đồng thừa nhận “trí hiểu và các năng lực sáng tạo của con người”, từng khiến loài người “kinh ngạc trước những khám phá và sức mạnh của chính mình” và tra hỏi về vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Tập chú Kitô học, nhân học và truyền giáo của Vatican II, rất trung tâm trong giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nhằm hòa giải sự hiện hữu lịch sử của con người với bản chất siêu việt của họ – để khẳng định cả sứ mệnh lịch sử năng động, “tiến bộ” của Giáo hội và, theo lời của Ratzinger, “sự thống nhất của sự thật trong tính đa dạng của những biểu hiện lịch sử của nó”. Đấng đi vào lịch sử và ngỏ lời với con người vào thời điểm này, bằng cách mặc khải con người cho chính họ và làm sáng tỏ ơn gọi tối cao của họ, vẫn là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha. Nửa thế kỷ với những cách giải thích thường xuyên bị tranh cãi gay gắt về Công đồng – thực ra là nửa thế kỷ thất bại, thậm chí không đạt được sự đồng thuận về chủ đề trọng tâm của Công đồng – cho thấy khuôn khổ này, bất chấp tính đúng đắn về mặt thần học của nó, đã không thành công trong việc giải quyết xung đột giữa sứ mệnh “tiến bộ” và “tính duy nhất của sự thật”. Đó là bi kịch của đạo Công Giáo hiện đại.

Trong khi đó, việc diễn ra Tiến trình Thượng hội đồng đại diện cho một trò hề – điều đó không có nghĩa đó là một sự kiện tầm phào. Với việc diễn ra tiến trình đồng nghị, cuộc xung đột giữa “hai đạo Công Giáo” đang lên đến tuyệt điểm, mặc dù ở dạng suy thoái về mặt trí thức. Điều này đặc biệt đúng khi Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã tự bộc lộ là Thượng hội đồng về sự khẳng định và hòa nhập LGBTQ, với việc vị tổng tường trình viên viện dẫn lịch sử và khoa học để làm suy yếu “nền tảng khoa học-xã hội học” của giáo huấn Giáo hội về tình dục, một giáo huấn mà ngài minh nhiên bác bỏ. Văn phòng Thượng Hội đồng của Vatican đã đăng trên mạng xã hội một bức tranh biếm họa nổi tiếng về một nữ linh mục trên bậc thềm của một nhà thờ, nắm tay một nhà hoạt động mặc áo thung “Niềm tự hào” cầu vồng và tuyên bố: “Chúng tôi là những người trẻ”. Không điều nào trong số này có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai đọc về hoặc đọc giữa các dòng tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng về Gia đình trong hai năm 2014–15, mặc dù vẫn còn ngỡ ngàng—hoặc nên ngỡ ngàng—khi thấy một văn phòng của Giáo hội ở Rôma công bố tài liệu trực tuyến tương đương với một tấm áp phích tự hào của người đồng tính.

Rõ ràng, những người cấp tiến được giao nhiệm vụ điều hành các diễn tiến của thượng hội đồng coi Thượng hội đồng như cơ hội cuối cùng vớ được phương thế hằng mong đợi để lật đổ hệ thống giáo huấn về giới tính, phái tính và bản chất con người đã chín mùi quanh thông điệp Humanae Vitae. Những giáo huấn này phải được hạ xuống phạm vi “đạo đức tính dục”, tách rời khỏi các nền tảng thần học, hữu thể học và nhân học, đồng thời tách biệt một cách giả tạo khỏi huấn quyền xã hội nổi tiếng của Giáo hội và mối quan tâm của Giáo hội đối với cuộc sống trong một xã hội bị thống trị bởi kinh tế và kỹ thuật. Hoặc ít nhất, nó sẽ có nghĩa là trang trọng hóa các cách giải quyết “mục vụ” chạy vòng quanh đã trở thành chuẩn mực trên thực tế ở nhiều nơi.

Sự tập chú không tránh khỏi vào các giáo huấn về tình dục của Giáo hội, dù quan trọng đến đâu, cũng dễ dàng quyến rũ chúng ta đi vào một cuộc tranh luận hẹp về những đề xuất đặc thù. Sự xung đột căn bản giữa các khuynh hướng xung đột này, như Đức Hồng Y Ratzinger đã chỉ ra, xảy ra không phải ở bình diện các học thuyết riêng lẻ, mà là “trong lĩnh vực tiền giả định triết học của chúng”. Chiều sâu của sự bất đồng này có thể dễ dàng bị che giấu, thậm chí có thể đối với các bên tranh cãi, bằng cách chia sẻ một số hạn từ nào đó, những hạn từ, tuy nhiên, bị sử dụng theo những cách hoàn toàn khác nhau. Chỉ khi sự bất đồng được giải quyết ở bình diện triết học thì mới có hy vọng có được một giải pháp thực sự. Ratzinger từng đặt câu hỏi “Trong dòng thời gian lịch sử, có một sự đồng nhất nào có thể nhận biết được của con người với chính họ hay không? Có ‘bản chất’ con người nào hay không? Có sự thật nào vẫn mãi đúng trong mọi thời đại lịch sử bởi vì nó là sự thật hay không?” Bản chất của chính Thiên Chúa và cấu trúc của thực tại phụ thuộc vào những câu hỏi này.

Câu hỏi liệu có điều gì đúng ngoài ý nghĩa có điều kiện hoặc chức năng hay không – liệu chúng ta có còn tán thành quan niệm hữu thể học về sự thật hay không – nằm bên dưới nhiều câu hỏi được đặt ra bởi tiến trình thượng hội đồng. Giáo hội có ý định gì khi áp dụng thuật ngữ của phong trào LGTBQ? Làm thế nào Giáo hội có thể chấp nhận ngôn ngữ này mà không chấp nhận việc phong trào đó thay thế hữu thể luận bằng bản sắc? Làm sao nó có thể khẳng định quan niệm về bản sắc này mà không ngầm ủng hộ chế độ y sinh [biomedical] của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ có tính thương mại, cũng như thí nghiệm khoa học quy mô lớn về hormone ngăn chặn tuổi dậy thì và phẫu thuật xác định lại giới tính – chưa kể đến những biến đổi sâu xa về luật pháp, ngôn ngữ, gia đình và cơ cấu chính trị – cần thiết để biến nó thành quy phạm? Những người cấp tiến như James Martin, S.J., cố gắng một cách vô ích khi đóng ngoặc những câu hỏi như vậy khỏi câu hỏi hội nhập những người LGBTQ, nhưng chúng tạo thành một lớp áo liền mạch. Làm thế nào thuật ngữ này có thể phù hợp với quan niệm hình chất thuyết [hylomorphic] về bản chất con người được Công đồng giảng dạy, hoặc với học thuyết về sự sáng tạo như người ta vẫn luôn hiểu? Có lẽ Giáo hội vẫn tin rằng đàn ông và đàn bà là có thật. Hay ý tưởng về bản chất con người bất biến có tính phát xít?

Các câu hỏi được đưa ra bởi diễn trình thượng hội đồng không chỉ liên quan đến bản chất con người mà còn liên quan đến bản chất của Giáo hội. Giáo hội trong trí tưởng tượng của những kẻ chủ mưu thượng hội đồng là gì? Trong căn bản nó là một thực tại hữu thể học và bí tích, hay một thực tại xã hội học và chính trị? Sự hiệp thông của Ba Ngôi có phải là nền tảng hữu thể học của bản sắc Giáo hội như “Dân Thiên Chúa” như hiến chế Lumen Gentium gợi ý không? Hay “giáo hội học về dân Chúa” là “bối cảnh” cho hiệp thông, được “hiện thực hóa” thông qua phong cách, cơ cấu và sự kiện của Con đường Đồng nghị – nghĩa là thông qua một tiến trình chính trị? (Đây là điều mà Ủy ban Thần học Quốc tế ngụ ý trong nghiên cứu của họ về tính đồng nghị.) “Giáo hội như một toàn thể, trong mầu nhiệm yếu tính của mình… có phải là một thực tại có trước các Giáo hội đặc thù cá thể về mặt hữu thể học và thời gian,” như Tông huấn Communionis Notio của Đức Gioan Phaolô II dạy hay không? Nếu vậy thì Giáo hội có một bản chất thần học và bí tích vượt lên trên vị trí của nó trong không gian và thời gian, và “Dân Thiên Chúa” do đó bao gồm trọn sự hiệp thông các thánh, và cảm thức đức tin được thể hiện đầy đủ nhất trong Qui điển Vinh Sơn (đệ Lêrin): điều được tin ở mọi nơi, luôn luôn, và bởi mọi người.

Ngược lại, nếu cảm thức đức tin tương đương về mặt tôn giáo với dư luận quần chúng và có thể được nhận ra bằng cách bắt chước kém cỏi, phản khoa học các thủ tục thăm dò ý kiến và thu thập dữ kiện của các khoa học xã hội, thì Giáo hội chỉ còn là một thực tại xã hội học và chính trị, một Giáo hội của sự quản lý thuần túy, nếu không muốn nói là thao túng một cách khuyển nho. Tuy nhiên, những phản đối ngược lại, đây chính là cách nó xuất hiện trong nhiều bài viết về tính đồng nghị của Faggioli, như khi ông nói rằng thuật ngữ “Giáo hội có tính đồng nghị” đơn giản “có nghĩa là các tiến trình của giáo hội ít tập trung vào giáo sĩ hơn và cởi mở hơn với vai trò lãnh đạo của giáo dân, đặc biệt là phụ nữ.” Ông thừa nhận rằng đặc điểm này có thể làm cho tính đồng nghị có vẻ giống như một công việc bàn giấy. Nhưng đừng lo lắng—ông bảo đảm với chúng ta rằng “tính đồng nghị là về tính bí tích và Giáo hội như một bí tích,” và “các thượng hội đồng và công đồng luôn có cốt lõi phụng vụ”.

Tất cả những câu hỏi này – và còn nhiều câu hỏi khác – cuối cùng là những câu hỏi về bản chất thực sự của sự vật, thực sự là về việc liệu khái niệm “bản chất thực sự” có bị coi là lỗi thời trong một thế giới bị thống trị bởi khoa học tự nhiên và xã hội hay không, trong đó “tự nhiên” là bất cứ thứ gì được quan sát và do đó mỗi thứ được quan sát đều “tự nhiên” như mọi thứ khác. Tuy nhiên, đây chính là loại câu hỏi dường như bị loại trừ một cách có hệ thống bởi phương pháp “hòa nhập triệt để” của Thượng Hội đồng, như thể nền tảng của “Giáo hội lắng nghe” chỉ có thể được xây dựng trên đống đổ nát của “Giáo hội biết suy nghĩ”.

Những câu hỏi này có thể được trì hoãn nhờ phương pháp vốn được kính trọng xưa nay nhằm tách biệt các mối quan tâm mục vụ và tín lý. Nhưng điều rõ ràng là sự phân biệt này khó đứng vững, vì mọi hoạt động mục vụ phải diễn ra trong một chân trời ý nghĩa và tham chiếu một quan niệm nào đó về điều gì là đúng. Việc phân biệt mục vụ với tín lý dẫn đến kiểu thiếu trung thực mà người ta nhận thấy trong biến thể của James Martin về chiến thuật này. Động thái tu từ rất đơn giản: Hãy nhấn mạnh rằng bạn chưa bao giờ phủ nhận tín lý của Giáo hội, trong khi viết, nói và hành động như thể nó sai, và bạn có thể, trên thực tế, thực hiện một sự biến đổi cái hiểu của Giáo hội về chính mình, về Thiên Chúa, hoặc về bản nhiên con người, mà không bao giờ nêu ra câu hỏi về sự thật. Thành công trên quy mô đủ lớn—làm tràn ngập internet với đủ các bài viết chuyên mục nửa vời hoặc tweet đủ sớm để đồng chí của bạn ở Rôma có thể thưởng thức các cuộc tấn kích của bạn với cà phê buổi sáng của họ—và thế là, bạn có một sự thay đổi mô hình, hoặc ít nhất là ảo tưởng có một mô hình. Chiến thuật này có thể thành công trong việc mang lại sự thay đổi về cơ cấu trong Giáo hội, nhưng nó sẽ không đánh lừa được những ai không muốn bị lừa.

Thật dễ tin khi tin rằng dự án này có thể nghiêm túc về mặt thiêng liêng, như các nhân vật chính của nó nhấn mạnh một cách mến mộ, đồng thời lại không nghiêm túc về mặt trí thức. Toàn bộ truyền thống biện phân các tinh thần, từ Các Thể Chế [Institutes] của Gioan Cassian đến Linh thao của Thánh Inhaxiô, trước hết đều tìm cách tách tiếng nói của Thiên Chúa ra khỏi tinh thần của thời đại – thế gian, xác thịt và ma quỷ, nói theo thuật ngữ cũ. Diễn trình đồng nghị không những hoàn toàn thiếu tính nghiêm ngặt cổ xưa của những thao tác đó – và điều này diễn ra vào chính thời điểm mà tinh thần của thời đại hiện diện khắp nơi, tiếng nói của nó vang lên qua các phương tiện truyền thông, vốn nội thẳm trong tôi hơn chính tôi —nhưng nó chắc chắn mời gọi việc gom chúng thành một. Chỉ cần xem xét một trong những câu hỏi được đặt ra cho các nhóm nhỏ và được thảo luận trong suốt hai phút trong giai đoạn cấp giáo phận của tiến trình thượng hội đồng: “Từ việc chia sẻ trong nhóm nhỏ của bạn, hãy kể tên một nhận thức sâu sắc trong đó bạn đã nghe thấy tiếng Chúa Thánh Thần hôm nay?” Hãy kết hợp câu hỏi này với những câu hỏi khác—“Thiên Chúa đang nói với chúng ta như thế nào qua những tiếng nói ở giữa chúng ta?” “Thiên Chúa đang nói với chúng ta như thế nào qua những giọng nói mà đôi khi chúng ta bỏ qua, kể cả những giọng nói ở vùng ngoại vi?” “Có không gian nào để lắng nghe tiếng nói ở các vùng ngoại vi, đặc biệt là các nhóm văn hóa, phụ nữ, người khuyết tật, những người trải qua nghèo đói, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị loại trừ khỏi xã hội?” – và kết luận không thể tránh khỏi là tiến trình đồng nghị đã được lên kế hoạch từ trước để xác định “Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta đi đâu.”

Thật không thuyết phục cũng như an tâm khi Austen Ivereigh nhấn mạnh rằng việc biện phân chỉ diễn ra giữa các giám mục ở giai đoạn cuối cùng của tiến trình, như thể không có sự biện phân nào từng được đưa vào phương pháp luận của Thượng Hội đồng, việc xây dựng các câu hỏi hoặc việc lựa chọn các vấn đề của nó hay việc tuyển lựa các nhân viên hành chính của nó. Thượng hội đồng có bị thiết kế một cách ngẫu nhiên không? Điều đó có thể giải thích bản chất lố bịch của một số diễn biến hoặc chất lượng kém của những người viết và quản lý nó, nhưng khó có cơ sở để tin rằng Chúa Thánh Thần đã tự phát thúc đẩy Giáo Hội hoàn vũ chọn việc hòa nhập chính nghĩa LGTBQ như vấn đề quan trọng nhất mà thế giới và Giáo hội phải đối diện. Nhưng trọng điểm của những tuyên bố như vậy không phải là để thuyết phục chúng ta rằng kết quả của những xem xét này là đúng, được truyền thẳng từ Chúa Thánh Thần đến ngòi bút của Ivereigh. Vì với tiết lộ cho rằng chính Ivereigh là một trong những tác giả của tài liệu thượng hội đồng hoàn cầu đầu tiên, và lời huấn giáo lố bịch của nó nên tiếp cận các trang của nó như “nơi thánh”, mục đích quả có tính chính trị. Chúng ta được nhắc nhở ai là người có thẩm quyền ở đây, và chúng ta được hướng dẫn rằng ai chỉ trích Sodalitium Franciscanum là chỉ trích chính giáo hoàng, và do đó tương đương với việc bác bỏ Vatican II.

Nhiều câu hỏi được đặt ra bởi diễn tiến của qui trình đồng nghị và từ vựng chính trị và xã hội học của những người giáo dân cổ vũ nó cuối cùng quy vào câu hỏi về mối tương quan giữa auctoritas [thẩm quyền] và potestas [quyền lực], một mối tương quan xét cho cùng xoay quanh vấn đề sự thật. Một khi chủ nghĩa duy sử và duy xã hội học đã tiêu diệt cơ sở siêu việt của chân lý, giản lược “chân lý” thành tổng số các điều kiện có trước và “những gì chúng ta có quyền thực hiện”, thẩm quyền sẽ trở thành chỉ là một biểu thức khác của ý chí quyền lực. Người ta không thể tung mọi điều lên cao để ai muốn bắt thì bắt—chẳng hạn như “Người đã tạo ra họ có nam có nữ”—trong khi tuy vẫn tin quyền tối thượng của giáo hoàng dựa vào hiến chế Pastor Aeternus, nhưng không coi giáo hoàng như một vị vua có chủ quyền kiểu Hobbes và đặt căn bản cho thẩm quyền của ngài trên quyền lực của ngài chứ không ngược lại. Thẩm quyền không có sự thật cuối cùng không hề là thẩm quyền.

Các nhà sử học gần như chắc chắn sẽ nhìn lại thời kỳ này và kết luận rằng cả di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như thẩm quyền của các vị giáo hoàng tương lai đều không được những người bạn của Đức Phanxicô phục vụ tốt, bất kể thành công ngắn hạn của tiến trình thượng hội đồng trong việc biến đổi “hệ thống quản trị giáo hội” yêu quý của Faggioli, hay nói đúng hơn là củng cố quyền kiểm soát cấp tiến đối với chúng. Tín lý bị giản lược thành chính sách tín lý cũng mong manh như bất cứ chính sách nào khác, phụ thuộc vào ý chí của những vị nắm quyền quản trị. Những người cấp tiến hiểu điều này – một lý do chắc chắn khiến họ luôn nóng lòng muốn thấy chính sách được thực hiện trong quá trình kiểm soát nhân sự và thủ tục của họ. Nguyên “chính sách tín lý” mà thôi cũng có thể tạo ra những thay đổi về cơ cấu; nó thậm chí có thể buộc người ta phải tuân phục, phải hoan hô Sodalitium Franciscanum; nhưng nó không thể đem người ta đến chỗ tin vào điều người ta biết là sai. Quyền lực có thể cưỡng bức nhưng không thể buộc người ta có bổn phận. Nó không thể lôi kéo được sự tán thành của đức tin, hoặc sự ưng thuận đó – tức con-sentire [đồng thuận], một “suy nghĩ với” – nghĩa là cùng một lúc biểu lộ sự thật và hành động của mình khi nhượng bộ sự thật. Quyền lực này hoàn toàn thuộc về thẩm quyền sự thật, như Dignitatis Humanae nói, “không thể áp đặt chính nó ngoại trừ nhờ vào sự thật của chính nó, khi nó đi vào tâm trí một cách lặng lẽ và mạnh mẽ”. Trọng điểm không phải là quan điểm dân chủ cho rằng sự đồng ý mang lại quyền lực, như James Martin dường như chủ trương, mà là quan điểm hữu thể học cho rằng thẩm quyền thực sự—thẩm quyền của sự thật—lôi kéo được sự đồng thuận.

Chính nhờ tiêu chuẩn sự thật mà kết quả của Thượng Hội đồng, cũng như tính thỏa đáng của nó như một cách giải thích Công đồng Vatican II, cuối cùng sẽ được đánh giá. Theo lời của Đức Gioan XXIII: “Mối quan tâm lớn nhất của Công đồng chung là kho tàng thánh thiêng của tín lý Kitô giáo phải được bảo vệ và giảng dạy một cách hữu hiệu hơn,” một tín lý, ngài nói thêm, “bao trùm toàn thể con người, bao gồm cả thể xác lẫn linh hồn”. Giáo hội có tính Công đồng vẫn tin vào quan niệm truyền thống này về bản chất con người. Thật khó hiểu làm thế nào mà một kết luận mâu thuẫn hoặc che khuất học thuyết này, đặc biệt khi nó liên quan đến “toàn bộ con người”, lại có thể được coi là đại diện cho tinh thần của Công đồng hoặc là một cách giải thích mạch lạc về “các dấu chỉ của thời đại”, những dấu chỉ ngày nay mang nhiều điềm báo gở hơn so với những năm 1960. Không ai có thể tưởng tượng rằng thập niên 2020 là thời điểm bắt đầu của Thời đại Bảo Bình [age of Aquarius]. Đó là một trò hề mà chúng ta dường như đã được miễn chước.

Thật không may, tiến trình đồng nghị dường như mù quáng trước ý nghĩa của thời điểm lịch sử của chúng ta. Del Noce từng nói một cách thất vọng về loại người Công Giáo tìm cách hấp thụ “sự thật một phần” của chủ nghĩa Marx vào đức tin: “Việc chứng minh rằng chủ nghĩa vô thần là điều yếu tính đối với chủ nghĩa Marx khiến ông hoàn toàn thờ ơ”. Tương tự như vậy, vì chủ nghĩa tân hiện đại, trong căn bản, vốn là một hiện tượng chính trị, nên dường như không có bằng chứng nào có thể thuyết phục những người ủng hộ nó rằng thế giới của chúng ta, trong căn bản, không phải là thế giới của năm 1968… hoặc của năm 1933. Người Công Giáo tân hiện đại là một người duy sử, nhưng không phải là người duy sử tốt. Họ luôn đến hiện trường lịch sử quá muộn đến nửa thế kỷ, có ý định “tiếp xúc” một thế giới không còn hiện hữu nữa — không thể nhìn thế giới như nó là hiện nay, khi các thế lực của một chủ nghĩa toàn trị mới, toàn diện hơn nhưng bề ngoài ít bạo lực hơn xưa, diễu hành dưới lá cờ cầu vồng chứ không phải hình chữ vạn. Trong khi đó, chính thế giới mà người tân hiện đại ca ngợi là “bình đẳng” và “dân chủ” nổi dậy chống lại chính Hữu thể, hoàn thiện các phương tiện kỹ thuật để mang lại cuộc cách mạng của nó và buộc cả một thế hệ phải thực hiện một dự án khoa học rộng lớn và không thể giải trình.

Đây khó là một nhận định mới lạ, hay thậm chí là một nhận định Kitô giáo. Viết vào năm 1958, khi các hung bạo của khoa học “tiến bộ” vẫn còn in sâu trong ký ức của bà, Hannah Arendt nhận xét: “Con người tương lai, con người mà các nhà khoa học nói với chúng ta rằng họ sẽ tạo ra không quá một trăm năm nữa, dường như bị ám ảnh bởi một cuộc nổi loạn chống lại sự hiện hữu của con người như nó đã được ban tặng, một món quà miễn phí từ hư không (nói theo cách thế tục), mà họ muốn trao đổi, có thể nói như vậy, để lấy thứ mà họ đã tự mình làm ra.” Lewis, Huxley, Hans Jonas, Del Noce và Ratzinger nằm trong số nhiều người đã đưa ra những quan sát và tiên tri tương tự trong thế kỷ qua. Tương lai của Arendt là hiện tại của chúng ta. Các lực lượng hùng mạnh trong Giáo hội sẽ giúp Giáo hội đồng hành cùng thế giới khi thế giới hướng tới một tương lai hậu chính trị và hậu nhân bản. Chủ nghĩa tân hiện đại này chỉ minh chứng cho mối quan tâm của Ratzinger về “những tác động hủy diệt” xảy ra sau sự lu mờ của Thiên Chúa và sự thật, xác nhận niềm tin của Arendt rằng chủ nghĩa toàn trị và sự thiếu suy nghĩ đi đôi với nhau. Đến một lúc nào đó, trước rất nhiều cảnh cáo và quá nhiều bằng chứng, quá nhiều hành động tàn bạo và quá nhiều thời gian, người ta phải đặt câu hỏi liệu sự thiếu suy nghĩ này có phải là cố ý hay không.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát động tiến trình thượng hội đồng, nhưng ngài vẫn chưa đưa ra phán quyết nào về nó. Tôi không muốn đoán trước sự phán xét đó. Từ bản chất của chúng, các quy trình có xu hướng trốn tránh sự kiểm soát của những người khởi xướng ra chúng, giải phóng những sức mạnh không thể dễ dàng thu hồi được. Các sự kiện ở Đức làm tăng khả năng có sự khác biệt giữa việc diễn ra tiến trình thượng hội đồng và ý định của Đức Giáo Hoàng khi phát động nó. Chúng ta không nên giả thiết tiến trình hội nghị đồng nhất với ý muốn của Đức Giáo Hoàng, cũng như chúng ta không nên thừa nhận sự đồng nhất giữa tầm nhìn của Đức Giáo Hoàng và chương trình nghị sự cấp tiến đang được thúc đẩy dưới danh nghĩa của ngài. Chính Faggioli đã viết rằng “quan niệm của vị giáo hoàng 82 tuổi về tính đồng nghị trong giáo hội chắc chắn có những giới hạn và mâu thuẫn của nó”. Ngay cả vào thời điểm muộn màng này, chúng ta vẫn có thể khám phá ra những giới hạn và mâu thuẫn đó là gì. Vẫn có khả năng là Đức Giáo Hoàng có thể bắt chước Đức Phaolô VI, người đã chọc giận tinh thần của thời đại bằng cách bác bỏ các khuyến nghị của Ủy ban Giáo hoàng về Kiểm soát Sinh sản của chính ngài. Vị giáo hoàng này vẫn có thể minh xác rằng tinh thần của thời đại phát biểu qua các bảng câu hỏi của thượng hội đồng, các nhóm tập chú và các viên chức không phải là Thánh Thần Chân Lý.

Đó là sự khôn ngoan cổ xưa như cuốn Cộng hòa của Platông và bi thảm như nhân vật Cordelia của King Lear: Những người bạn thực sự của một nhà cai trị không phải là những kẻ xu nịnh ngài, mà là những người nói ra sự thật, thậm chí có thể gặp nguy hiểm cho chính mình. Điều đúng với các vị vua thậm chí còn đúng hơn với các vị giáo hoàng, những người có thẩm quyền bắt nguồn từ chính Sự thật, mà chức vụ của họ được thành lập để phục vụ. Nếu vị giáo hoàng từ chối cuộc cách mạng đang được thúc đẩy nhân danh ngài – thậm chí ngài có làm thất vọng những kỳ vọng của “dân Chúa” được chăm sóc chặt chẽ – ngài có thể vẫn khám phá ra ai là bạn bè thực sự của ngài và ai từng luôn là bạn bè thực sự của ngài. Tuy nhiên, trước sự lựa chọn ảm đạm mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải đối diện dường như không thể tránh khỏi việc tiến hành diễn trình đồng nghị sẽ kết thúc trong thảm kịch: con đường đồng nghị, thay vì là việc chúng ta “cùng bước đi với nhau”, gần như chắc chắn sẽ đẩy nhanh sự chia rẽ của chúng ta. Blondel đúng khi nói: “Điều này rõ ràng là bất thường, vì không thể có hai đạo Công Giáo”.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS