ĐGH Bênêđictô XVI yêu mến Giáo hội đến mức có thể đưa ra một quyết định khó khăn và đau đớn

Nghe bài này

Cha Roger J. Landry là một linh mục trong Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York. Ngài nguyên là linh mục của Giáo phận Fall River, Massachusetts, và từng là cha chính xứ của Giáo xứ St. Bernadette ở Fall River, Massachusetts, và trước đó là chính xứ St. Anthony Padua ở New Bedford, Massachusetts.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học tại Đại học Harvard, ngài đã theo đuổi con đường tiến đến chức tư tế ở Maryland, Toronto và Rôma. Sau khi được Đức Cha Sean O’Malley, OFM Cap (nay là Hồng Y) truyền chức linh mục tại Giáo phận Fall River vào ngày 26 tháng 6 năm 1999, ngài trở lại Rôma để hoàn thành chương trình sau đại học về Thần học luân lý và đạo đức sinh học tại Viện Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II.

Cha Landry cũng là một nhà văn. Ngài viết cho nhiều tờ báo Công Giáo, bao gồm National Catholic Register và The Anchor, là tờ báo hàng tuần của Giáo phận Fall River, mà ngài là chủ nhiệm kiêm chủ bút từ năm 2005 đến 2012. Một trong những cuốn sách nổi tiếng của ngài là cuốn “Plan of Life: Habits to Help You Grow Closer to God” – “Kế hoạch cho cuộc sống: Những thói quen giúp bạn đến gần Chúa hơn” (Pauline Books and Media 2018).

Ngài vừa có bài viết “Pope Benedict XVI Loved the Church Enough to Make a Difficult and Painful Decision”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI yêu mến Giáo hội đến mức có thể đưa ra một quyết định khó khăn và đau đớn”, trong đó, ngài lý giải rằng việc xem xét kỹ hơn các lý do dẫn đến quyết định thoái vị của Đức Bênêđictô có thể giúp chúng ta thấy tại sao đó là một quyết định can đảm chứ không phải là hèn nhát.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là nhà thần học vĩ đại nhất đảm nhiệm Ngai Tòa Thánh Phêrô kể từ thời Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, cai quản Hội Thánh từ năm 440 đến 461. Giáo Hội Công Giáo trong các thế kỷ tương lai có thể nhận thấy những đóng góp của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thậm chí còn lớn hơn cả những đóng góp của Thánh Giáo Hoàng Leô Cả, là người có các tác phẩm về Nhập thể vẫn được nhắc đến vào mỗi dịp Giáng Sinh và lá thư của ngài đã đưa các tranh luận về Kitô học của thế kỷ thứ tư và thứ năm đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, trừ khi việc thoái vị của các vị giáo hoàng trở thành thông lệ, nếu không thì các thế kỷ tương lai có thể ít nhớ đến Đức Bênêđíctô như một vị là tiến sĩ giáo hoàng của Giáo hội như Thánh Lêô và Thánh Grêgôriô Cả, cho bằng một vị Giáo Hoàng đã thoái vị như Đức Cêlestinô Đệ Ngũ và Đức Grêgôriô 12.

Danh xưng thứ nhất, tiến sĩ giáo hoàng, chắc chắn là một trong những vinh dự lớn. Danh xưng thứ hai thường được coi là một trong những điều đáng xấu hổ. Trừ khi việc thoái vị được thực hiện theo nguyên tắc phản đối cái ác, nền văn hóa của chúng ta thường coi việc thoái vị như là một sự bỏ cuộc hoặc thất bại, cả hai điều này thường đi kèm với sự xấu hổ.

Trong trường hợp của Đức Bênêđíctô, sau khi Thánh Gioan Phaolô II đã dũng cảm hoàn thành sứ vụ giáo hoàng của mình, mà như ngài nói, là được linh hứng, bởi vì Chúa Kitô không xuống khỏi thập giá; thì sự từ bỏ của Đức Bênêđictô có vẻ bất trung và hèn nhát.

Do bản chất của quan hệ cha con thiêng liêng gắn liền với chức vụ giáo hoàng, việc thoái vị cũng có vẻ giống như việc một người cha từ bỏ thiên chức và cam kết gia đình của mình một cách bất chính.

Hơn nữa, một số người Công Giáo quan tâm đến những diễn biến khác nhau trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự phẫn nộ đối với Đức Bênêđíctô – thậm chí đi xa đến mức đổ lỗi cho Đức Bênêđíctô; bởi vì, họ lập luận, nếu Đức Bênêđíctô đã không thoái vị, và có lẽ đã phục vụ trong khoảng thời gian hóa ra gần như là một thập kỷ nữa của cuộc đời, thì những phát triển đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.

Vì vậy, việc thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã trở thành một trở ngại thực sự đối với việc đánh giá di sản của ngài, cả trong số những người đã bị thuyết phục về sự thánh thiện và tầm quan trọng lịch sử của ngài trước khi xảy ra các sự kiện đầu năm 2013.

Nhưng việc xem xét sâu hơn những lý do Đức Bênêđictô đưa ra để thoái vị có thể giúp chúng ta thấy tại sao đó là sự can đảm, chứ không phải hèn nhát, trung thành chứ không phải bất trung, và là một sự xác nhận chứ không phải là mâu thuẫn về tính cách mà nhiều người đã kính trọng một cách đúng đắn.

Khi Đức Bênêđíctô gây sửng sốt cho các Hồng Y tại Hội trường của Công nghị vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, bằng cách tuyên bố bằng tiếng Latinh rằng 17 ngày sau, ngài sẽ rời Tòa thánh Phêrô, ngài nhấn mạnh: “Sau khi đã nhiều lần kiểm điểm lương tâm của mình trước mặt Chúa, tôi chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành đầy đủ thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa.”

Từ lâu, Đức Bênêđictô XVI đã gọi lương tâm là “cơ quan nhạy cảm bên trong” đối với tiếng nói của Thiên Chúa, chỉ cho chúng ta biết điều gì nên làm hay nên tránh. Mặc dù sự phán xét của lương tâm có thể sai lầm, nhưng ngài đã điều chỉnh “cơ quan” của mình và chiến đấu chống lại những ý tưởng sai lầm của lương tâm trong một thời gian dài đến nỗi rất khó có khả năng ngài đã nhầm lẫn nghe Chúa phán: “hãy dừng lại” trong khi thực tế là Chúa đang nhấn mạnh rằng “hãy tiếp tục.”

Do đó, quyết định thoái vị của ngài không phải là lời nói “Không” của một người chỉ muốn trút bỏ gánh nặng của ngôi vị giáo hoàng, mà là một lời “Xin vâng” nữa trong cả cuộc đời trung thành tuân theo những gì Chúa đã yêu cầu ngài.

Đến thời điểm đó, ngài đã thấy rõ rằng mình thiếu những gì mà ngài biết rằng chức vụ giáo hoàng đòi hỏi.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của mình, vào ngày 27 tháng 2, một ngày trước khi lên trực thăng để đến Castel Gandolfo, ngài nói: “Trong những tháng gần đây, tôi cảm thấy sức lực của mình suy giảm, và tôi đã khẩn thiết cầu xin Chúa ban cho tôi sức mạnh của Ngài, ánh sáng và giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn, không phải vì lợi ích của riêng tôi, mà vì lợi ích của Giáo Hội. Tôi đã thực hiện bước này với nhận thức đầy đủ về sự nghiêm trọng của nó và thậm chí cả tính mới mẻ của nó, nhưng với sự thanh thản nội tâm sâu sắc.”

Trong cuộc phỏng vấn dài thành cuốn sách năm 2016 với Peter Seewald, ngài nói rằng ngài đã nói về điều này “một cách rộng rãi với Chúa yêu thương” bởi vì “trách nhiệm và sự nghiêm trọng của sứ vụ giáo hoàng đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng nhất, hết lần này đến lần khác phải tự kiểm điểm trước mặt Chúa và trước mặt bản thân mình.”

“Bạn phải trình bày mọi công việc của mình trước mặt Chúa càng rõ ràng càng tốt và cố gắng không chỉ nhìn mọi thứ theo khía cạnh hiệu quả hoặc các tiêu chí khác để thoái vị, mà hãy nhìn mọi việc bằng đức tin. Chính từ quan điểm này mà tôi tin chắc rằng nhiệm vụ của Thánh Phêrô đòi hỏi ở tôi những quyết định cụ thể, những hiểu biết sâu sắc. … Tôi không thể trao ra rất nhiều nữa. … Giáo hoàng không phải là Siêu nhân, và sự hiện diện đơn thuần của ngài không đủ để thực hiện vai trò của mình.”

Ngài nói với Seewald rằng bác sĩ của ngài đã thông báo với ngài sau chuyến đi Mễ Tây Cơ và Cuba năm 2012 rằng ngài không đủ sức khỏe để bay qua Đại Tây Dương một lần nữa, như ngài đã lên kế hoạch cho Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio năm 2013. Ngài cũng nói rằng “Giáo hoàng phải làm những việc cụ thể,” chẳng hạn như “tiếp các nguyên thủ quốc gia, tiếp các giám mục mà người ta phải có thể trò chuyện thân mật sâu sắc, và đưa ra các quyết định mỗi ngày. Ngay cả khi bạn nói rằng một vài trong số những điều này có thể bị loại bỏ, thì vẫn còn rất nhiều điều cần thiết, đến nỗi, nếu khả năng thực hiện chúng không còn nữa… thì bây giờ là lúc để giải phóng chiếc ghế đó cho người khác.”

Trong khi ngài vẫn còn tâm trí và trí tuệ để phục vụ, thì ngài không còn sức lực, sức chịu đựng và nghị lực nữa. Nếu hầu hết các mục tử gặp khó khăn về thể chất để quản lý một giáo xứ bận rộn vào giữa những năm 80, thì việc cai quản một Giáo hội hơn 1 tỷ người và thực hiện lịch trình phụng vụ kéo dài, các cuộc họp và bài phát biểu cấp cao liên tục của giáo hoàng còn đòi hỏi nhiều hơn thế, bên cạnh đó còn có các chuyến tông du quốc tế mệt mỏi.

Và vào thời điểm thoái vị, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã hai lần bị đột quỵ, đeo máy điều hòa nhịp tim trong 20 năm, các vấn đề về tuyến tiền liệt, bệnh thoái hóa khớp và một mắt nhìn không rõ nữa.

Vì vậy, “người làm việc giản dị và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa,” như ngài đã tự giới thiệu khi bắt đầu sứ vụ giáo hoàng của mình, đã quyết định thoái vị một cách khiêm nhường và can đảm để trở thành vị giáo hoàng thoái vị đầu tiên sau 598 năm.

Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng, ngài nói : “Yêu mến Giáo hội cũng có nghĩa là can đảm đưa ra những quyết định khó khăn, đau đớn, luôn hướng tới lợi ích của Giáo hội chứ không phải của bản thân. … Tôi không từ bỏ thập tự giá, mà ở lại theo một cách mới ở bên cạnh Chúa Chịu Đóng Đinh. Tôi không còn nắm quyền điều hành Giáo hội nữa, nhưng khi phục vụ việc cầu nguyện, có thể nói, tôi vẫn ở trong vòng rào của Thánh Phêrô. … Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với hành trình của Giáo hội bằng lời cầu nguyện và suy tư, với lòng tận tụy đối với Chúa và Hiền Thê của Người mà cho đến nay tôi vẫn cố gắng thực hành hàng ngày và là điều mà tôi luôn muốn thực hành.”

Mặc dù quyết định của ngài là khó khăn và đau đớn cho ngài và cho Giáo hội, nhưng ngài phải làm điều đó và chuyển trách nhiệm của mình sang việc cầu nguyện, là điều mà ngài luôn dạy là điều quan trọng nhất mà các môn đệ có thể làm. Khi thoái vị giáo hoàng để tiếp tục phục vụ Giáo hội qua lời cầu nguyện, ngài nhắc lại rằng công việc cầu nguyện còn quan trọng hơn thừa tác vụ của giáo hoàng.

Cầu nguyện sẽ là cách ngài tiếp tục công việc của mình với tư cách là một người cha thánh thiện.

“Ngay cả vai trò của một người cha cũng có lúc phải dừng lại,” ngài nói với Seewald. “Một người cha không bao giờ ngừng là một người cha, nhưng đến một lúc nào đó, người ấy được trút bỏ trách nhiệm cụ thể. Người ấy vẫn là một người cha theo nghĩa sâu sắc, hướng nội, trong một mối quan hệ cụ thể có trách nhiệm, nhưng không phải với những công việc hàng ngày.”

Khi Seewald hỏi liệu ngài có hối hận về quyết định của mình không, Đức Bênêđíctô nói: “Không! Không! Không!” ba lần và nói thêm: “Mỗi ngày tôi đều thấy rằng điều đó là đúng. … Quyết định đã được coi là chín chắn và được thưa với Chúa.”

Đức Bênêđictô đến cùng đã bị thuyết phục rằng mình đã có một quyết định đúng đắn theo lương tâm. Những người ngưỡng mộ những ân sủng to lớn mà Chúa ban cho đức tin, sự khôn ngoan, lòng can đảm và tình yêu dành cho sự thật mà ngài đã thể hiện trong suốt 85 năm đầu tiên của mình nên tin tưởng vào cách ngài sử dụng chúng trong quyết định lớn nhất của triều đại giáo hoàng và cuộc đời ngài.

Và chúng ta hãy cầu nguyện rằng công việc quan trọng trong tình yêu của Giáo hội mà ngài đã bắt đầu lúc 8:01 tối ngày 28 tháng 2 năm 2013, vẫn tiếp tục trong nhà của Cha.

J.B. Đặng Minh An dịch

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS