(EWTN News/CAN). Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định rằng từ Giáng Sinh con đường tiến lên phía trước có thể tìm thấy trong cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô, đăc biệt sự tha thứ của thánh nhân dành cho những kẻ bách hại đã biến đổi họ.
Ngỏ lời với đám đông khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trước khi đọc kinh Truyền Tin vào hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng, “ Nếu chúng ta muốn tiến lên trong đức tin, điều tiên quyết là chúng ta phải nhận được sự tha thứ từ Thiên Chúa. Chúng ta phải thực sự gặp được Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ tất cả.”
Tha thứ “ chữa lành các vết thương trong tâm hồn và làm sống lại tình yêu. Chúng ta phải luôn kiên trì xin sự tha thứ của Thiên Chúa, bởi vì chỉ khi nào chúng ta được thứ tha, khi ấy chúng ta mới cảm nhận được thế nào là tha thứ… chúng ta mới có thể học để tha thứ.”
Vào ngày 26 tháng Mười Hai, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra nhận định như trên trong bài giảng về cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô, thánh tử đạo đầu tiên của Giáo Hội và ngày hôm nay là ngày Lễ Kính Ngài, chỉ một ngày sau lễ Giáng Sinh.
“Hôm qua chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành xác phàm vì yêu chúng ta. Hôm nay, chúng ta chứng kiến sự đáp lại lời mời gọi của người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa đã tận hiến đời mình cho chúng ta,”
“Hôm qua Đấng cứu Chuộc đã sinh ra trong thế gian. Hôm nay nhân chứng trung kiên của Chúa được sinh ra trên Thiên Đàng. Hôm qua cũng như hôm nay bóng tối khước từ của đời sống xuất hiện, nhưng vẫn luôn có ánh sáng mạnh mẽ của tình yêu đẩy lùi sự hận thù và khai mở một thế giới mới.”
Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn sự tha thứ của Thánh Stêphanô trước khi thánh nhân bị ném đá cho đến chết. Thánh Stêphanô là vị thánh tử đạo đầu tiên, đã xin Chúa đừng chấp tội và tha thứ cho những kẻ đã giết mình. Thánh Stêphanô đã noi gương Chúa Giêsu: Ngài đã yêu, đã hiến thân và đặc biệt Ngài đã tha thứ. Sự tha thứ là “biểu hiện cao nhất” của sự hiến thân.”
Cái chết của Thánh Stêphanô chứng tỏ sức mạnh của sự tha thứ: Người bách hại tín hữu là Saulô đã có mặt trong cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô. Thế rồi Saulô đã sớm trở thành Phaolô, thành một vị tông đồ vĩ đại dân ngoại của Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng nói, “Chúng ta có thể nói rằng Phaolô được sinh ra bởi ân sủng của Thiên Chúa và sự tha thứ của thánh Stêphanô. Cũng thế, chúng ta được sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Không chỉ qua phép rửa tội, nhưng mỗi khi chúng ta được tha thứ thì tâm hồn chúng ta được tái sinh, nó quả thực được tái sinh.”
Ngài nói tiếp “ Chỉ khi nào chúng ta được yêu thương, chúng ta mới có thể yêu thương chính mình.”
Chúng ta hãy cầu xin cùng thánh Stêphanô cho chúng ta được bắt chước con đường của Chúa Giêsu, để bắt đầu biết tha thứ cho những lỗi lầm nhỏ, cho những sai lầm lớn mà mỗi người chúng ta phải chịu đựng mỗi ngày.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp, “Sự tha thứ bắt đầu từ con tim. Với lời cầu nguyện, chúng ta có thể trực diện với sự oán giận bằng cách tín thác những người làm điều xấu xa vào lòng thương xót của Thiên Chúa,”
Cầu nguyện và yêu thương “ giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của sự oán giận nội tại. Thật là khốn khổ để sống trong sự oán hận! Mỗi ngày chúng ta đều có cơ hội tự rèn luyện mình để tha thứ, tha thứ để chúng ta được sống gần Thiên Chúa hơn. Giống như Cha của chúng ta ở trên trời, chúng ta cũng phải có lòng xót thương, bởi vì qua sự tha thứ, chúng ta vượt thắng được những điều ác và làm điều thiện, chúng ta biến lòng thù hận thành tình yêu và do đó chúng ta làm cho thế giới này tươi đẹp hơn.”
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng lên tiếng hy vọng rằng việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, cùng với Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse sẽ giúp mọi người có “ một thái độ với lòng thương xót và tình yêu đối với nhau” trong tất các các môi trường của cuộc sống.
Đức Giáo Hoàng cũng “ chân thành cám ơn” những lời chúc mừng mà Ngài đã nhận được, đặc biệt cám ơn về những “món quà của sự cầu nguyện”.