Hòa bình là chủ đề chính mà Đức Hồng Y Michael Czerny đã chọn cho bài giảng của mình tại Malakal, Nam Sudan, nơi ngài đã đến thăm từ ngày 2 tháng 2. Hòa bình như một liều thuốc giải độc cho “các thần” hay “thần tượng” giả dối như lòng tham tiền bạc và quyền lực, khao khát kiểm soát và thống trị, sự loại trừ do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bộ lạc, mà ngày nay vẫn hủy hoại cuộc sống của người khác và đã “tàn phá” cùng một ngôi làng.
Đức Hồng Y đã cử hành Thánh lễ nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy tư chống lại nạn buôn người, nhưng những ngày này cũng đánh dấu kỷ niệm một năm chuyến hành hương đại kết đến quốc gia Châu Phi này của Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với vị đứng đầu Giáo hội Anh giáo và Tổng giám mục của Canterbury, Justin Welby, và Tổng điều hành của Giáo hội Trưởng lão Scotland, Iain Greenshields. Đức Hồng Y nói, với chuyến đi đó “hạt giống hòa bình đã được gieo trồng, giờ đây trách nhiệm của chúng ta là làm cho nó phát triển”.
Thánh nữ Bakhita
Trong suy tư của mình, Đức Hồng Y sau đó kể lại cuộc đời của Thánh Josephine Bakhita, người gốc vùng Darfur của Sudan, được tôn kính như vị thánh bảo trợ của Châu Phi và các nạn nhân của nạn buôn người. Đức Hồng Y Czerny nhắc lại chứng từ của vị thánh đã chịu nhiều đau khổ, bị bán làm nô lệ nhiều lần và trải qua nhiều năm bị lạm dụng và thiếu thốn: “Tuy nhiên, chứng tá của ngài cũng là một câu chuyện về niềm hy vọng, từ tù đày và nô lệ cho đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong một tu viện. Thậm chí ngài còn cảm ơn những kẻ bắt cóc ngài, bởi vì nếu không có họ, ngài sẽ không biết đến Chúa Giêsu hay Giáo hội”.
Loại trừ các thần tượng giả dối
Đức Hồng Y Czerny cũng giảng giải bài đọc I của Phụng vụ, trích từ Sách Các Vua, trong đó vua Solomon, theo một số người vợ của mình, đã xa lánh Thiên Chúa của tổ phụ mình. Thiên Chúa đã cho vua biết những hậu quả về việc thờ các ngẫu tượng. Đức Hồng Y cảnh báo: “Ngày nay những cơn cám dỗ thờ ngẫu tượng vẫn tiếp tục; những vị thần giả ngày nay khác với những vị thần của vua Solomon nhưng không kém phần nguy hiểm: thần tham lam của cải và tiền bạc thúc đẩy chúng ta tước đoạt công ích của người khác; thần khao khát quyền lực, kiểm soát và thống trị không chỉ trên phạm vi quốc gia mà còn trong cộng đồng và làng mạc của chúng ta; thần của chủ nghĩa bộ lạc và chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy chúng ta loại trừ những người khác và đối xử với họ kém nhân tính hơn, hoặc thậm chí giết họ. Những thần giả này đã thực sự tàn phá Nam Sudan, đã đến lúc phải đứng lên tố cáo chúng”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh việc Đức Thánh Cha, một năm trước, đã đến đây trong chuyến hành hương được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần để nhắc nhở mọi người dân trong nước rằng “Thiên Chúa kêu gọi anh chị em bước đi trên con đường hòa bình”. “Đức Thánh Cha Phanxicô đến giữa anh chị em với tư cách là người phục vụ Tin Mừng; Chuyến thăm của ngài đánh dấu một khởi đầu mới ở Nam Sudan và chúng ta noi gương ngài, đoàn kết là vũ khí mà chúng ta sở hữu để chống lại mọi thứ chia rẽ chúng ta và lấy đi hòa bình của chúng ta”.
Vatican News