Tiểu Sử Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

TIỂU SỬ | KINH XIN ƠN VỚI ĐHY NVT | SỨ ĐIỆP LAO TÙĐƯỜNG HY VỌNG | BÀI GIẢNG


Tiểu Sử Đức Cồ Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

“Cha lại đi thêm một quãng đường,,,”, những lời Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết cách đây 30 năm, lúc ngài mới bị đưa đến quản thúc tại giáo xứ Cây Vông, giờ đây nếu đọc lại, chúng ta sẽ thấy đây là lời tiên tri về cuộc đời của ngài:

”Cha lại đi thêm một quãng đường,
Chông gai, mịt mù và vô định,
Trên đường Cha gặp lắm lữ khách,
Cha đã xem tất cả là bạn,
Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu,
Vì tất cả là hồng ân.”

Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928, tại Phú Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam. Gia đình ngài có 8 anh chị em, 3 trai và 5 gái. Ngài là con cả. Thân phụ của ngài là Cụ Nguyễn Văn Ấm, qua đời ngày 1 tháng 7 năm 1993, tại Sydney, Úc Đại Lợi (Australia). Thân mẫu ngài là Cụ Bà Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp, con gái của Cụ Ngô Đình Khả. Cụ bà là em của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bà Cụ Cố qua đời vào ngày 28 tháng 1 năm 2005, tại Sydney, Úc Đại Lợic, thọ 102 tuổi.

Được Đức Giám Mục Ngô Đình Thục bảo trợ, năm 1939, ngài vào học Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Học xong Tiểu Chủng Viện, năm 1947, ngài vào Đại Chủng Viện Phú Xuân ở Huế. Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ngài được Đức Giám Mục Urrutia phong chức linh mục. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Cha Phó giáo xứ Tam Tòa, một Giáo xứ lớn ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Giáo xứ này do linh mục Nguyễn Văn Tâm làm chính xứ.

Đầu năm 1954, ngài bị bịnh phải về Huế chữa bịnh. Sau khi lành bịnh, ngài đi làm cha Phó Giáo xứ Phanxico Xavier ở Huế. Giáo xứ này do linh mục Darbon, quen gọi là Cố Triết, làm chính xứ. Khi Giáo xứ Phanxicô Xavier được trao cho giáo dân Việt Nam, ngài được cử làm quản xứ, kiêm tuyên úy lao xá Thừa Thiên, tuyên úy trường Pellerin, và tuyên úy bịnh viện Huế. Năm 1955, ngài lập Tráng Đoàn La Vang.

Năm 1956, ngài qua Roma theo học Phân khoa Giáo luật thuộc Đại học Giáo Hoàng Urbaniana, thuộc Bộ Truyền Giáo từ năm 1956 đến 1959. Ngài đậu Tiến sĩ Giáo luật năm 1959, với luận án: “Tuyên uý Quân đội trên thế giới” với kết quả ”Maxima cum laude”. Ngài trở về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, Huế. Năm 1962, khi Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện được thành lập để thay thế Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, ngài được cử làm Giám đốc Tiểu Chủng Viện mới này. Năm 1964, ngài được cử kiêm Tổng Đại Diện Giáo phận Huế.

Ngày 5 tháng 7 năm 1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành Sắc Chỉ Crescit Laetissimo thành lập giáo phận tông tòa Nha Trang, gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, thuộc giáo phận Quy Nhơn và hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy, thuộc giáo phận Sài Gòn. Đức Giám Mục Marcel Piquet (1888-1966), thường được gọi là Đức Cha Lợi, được cử làm đại diện tông tòa giáo phận mới này. Ngài qua đời ngày 11 tháng 7 năm 1966.

Ngày 4 tháng 5 năm 1967, Toà Thánh giao giáo phận Nha Trang lại cho hàng Giáo phẩm Việt Nam, và bổ nhiệm linh mục Nguyễn Văn Thuận làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi của giáo phận này.

Lễ phong chức được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều ngày 24-6-1967, tại Tiểu Chủng Viện   Hoan Thiện đo Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Angelo Palmas chủ phong, Đức Giám Mục Phạm Kim Điền và Đức Giám Mục  J.B. Urrutia thụ phong. Chiều ngày 10-7-1967, ngài nhận chức Giám Mục Nha Trang do Đức Khâm Sứ Palmas chủ lễ. Ngài lấy khẩu hiệu”Gaudium et Spes”(Vui Mừng và Hy Vọng).

Trong thời gian làm Giám Mục Nha Trang, ngài đã thực hiện những công việc sau đây:

1. Thành lập Hội Đồng Giáo Dân gồm 1200 vị được bầu từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận với nhiệm kỳ 3 năm. Các thành viên đều được huấn luyện và tĩnh tâm hàng năm.

2. Củng cố các đoàn thể Công giáo Tiến Hành và hướng dẫn phát triển.

3. Thành lập “Trung Tâm Văn Hóa Chàm” tại Ninh Thuận năm 1968 và cho ấn hành sách Tin Mừng thánh Luca và thánh Marcô bằng tiếng Rơglai, và Tự Điển Chàm-Việt-Pháp.

4. Thành lập Viện Lâm Bích năm 1969 dành cho các ơn gọi muộn.

5. Thành lập Ban Công Lý và Hòa Bình ngày 1-1-1969.

6. Thành lập phong trào Cursillô và phong trào Focolare.

7. Thành Lập phong trào Học Hội Kitô Giáo.

8. Công bố”Quy Chế Giáo Dân”.

9. Phát hành tuần báo Dấn Thân.

Trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngài đã giữ các chức vụ sau đây:

-Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình.
-Chủ Tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội. (1967-1975)
-Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển Việt Nam. (1967-1975)

Đặc biệt, ngài đã đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến Manila, Phi Luật Tân dự Hội nghị Giám Mục Á Châu ngày 24-11-1970. Trong Hội Nghị này, ngài đã đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trình bày đề tài “Các vấn đề chính trị tại Á Châu và những giải pháp liên hệ” để giúp các Giáo Hội Á Châu dự phóng con đường truyền giáo có thể triển khai trong nhiều thập niên.

Đối với Giáo Hội hoàn vũ, ngài được chọn làm Cố Vấn Hội Đồng Tòa Thánh về Giáo Dân từ năm 1971 đến 1975. Trong những lần đi họp Hội Đồng này, ngài đã có dịp gặp Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla (tức Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau này), lúc đó là Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Cracovia (Ba Lan), để học hỏi các kinh nghiệm mục vụ trong những giai đoạn khó khăn dưới chế độ cộng sản ở Ba Lan. Ngài cũng được bổ nhiệm làm cố vấn, rồi thành viên của Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và thành viên của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Tháng 4 năm 1975, khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã năm lần đề nghị Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Henri Lemaitre, xin Tòa Thánh cử Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục Sài Gòn với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến.

Cuối cùng, chiếu theo đề nghị của Đức Khâm Sứ, ngày 23-4-1975, Tòa Thánh đã phong ngài làm Tổng Giám Mục hiệu tòa thành Vadesitana, rồi ngày 24-4-1975, bổ nhiệm ngài giữ chức Phó Tổng Giám Mục giáo phận Sài Gón với năng quyền kế vị. Đức Cha Nguyễn Văn Hòa được cử làm Giám Mục Nha Trang thay thế ngài.

Lễ bàn giao được tổ chức tại Nha Trang ngày 7-5-1975. Ngày 8-5-1975, ngài về Sài Gòn nhận nhiệm sở mới. Không ngờ sự bổ nhiệm này đã đem đến cho ngài những hậu quả đau thương, nhưng cũng dưa ngài lên địa vị quan trọng trong Giáo Hội về sau.

Ngày 27-6-1975, Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn-Gia Định công bố quyết định không cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được hoạt động tại nhiệm sở mới. Ngày 1-7-1975, Ủy Ban Quân Quản gởi cho ngài một văn thư yêu cầu phải trở lại nơi cư trú trước ngày 30-4-1975.

Ngày 15-8-1975, công an đến bắt ngài đưa ra Nha Trang, nhưng không phải đưa về Tòa Giám Mục Nha Trang mà đưa đến quản thúc tại Giáo xứ Cây Vông, thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ít lâu sau, ngài bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh, Nha Trang.

Ngày 29-11-1976, xe công an lại đến trại Phú Khánh đưa ngài vào trại Thủ Đức. Ngày 1-12-1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tầu Trường Xuân đi ra Bắc. Tại miền Bắc, ngài đã bị biệt giam trong 9 năm ở nhiều trại tù khác nhau, và bị quản chế 3 năm. Trong năm tù thứ nhất (1976), ngài đã viết cuốn “Đường Hy Vọng”. Cuốn sách này được ngài coi là di chúc tinh thần của ngài gửi tới mọi người Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

Ngày 21-11-1988, ngài được trả tự do và chỉ định nơi cư trú là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngày 27-3-1989, ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam và qua Roma.

Ngày 21-11-1994, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hoà Bình. Đây là lần đầu tiên một giáo sĩ Việt Nam được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng tại Tòa Thánh Vatican. Năm 1998, ngải được bổ nhiệm làm Chủ Tịch của Hội Đồng này(ngang hàng Bộ Trưởng). Ngài tuyên bố:

“Tôi mơ ước một Giáo Hội là chứng nhân của hy vọng và tình thương, bằng những hành động cụ thể, như khi chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng  tiếp nhận tất cả mọi người: Chính Thống, Anh Giáo, Calvin, Luther…trong ơn thánh của Chúa Giêsu KiTô, tình thương của Chúa Cha và sự hiệp thông của Thánh Thần được sống trong kinh nguyện và trong sự khiêm tốn.”

Trong chức vụ được trao phó, ngài đã được mời đi giảng và thuyết trình ở nhiều nơi và cho nhiều giới khác nhau, như tại nhà thờ chính toà Paris vào một Mùa Chay, hoặc nói chuyện tại các đại học Công Giáo trên thế giới, hoặc nói chuyện với giới trẻ như tại Mễ Tây Cơ vào tháng 5 năm 1998 với hơn 50,000 bạn trẻ tham dự. Ngài cũng được mời đến thuyết giảng tại Hoa Kỳ nhiều lần và có dịp nói chuyện với nhiều cộng đoàn và đoàn thể của người Việt Nam ở Hải ngoại.

Ngày 11-5-1996, ngài được Đại Học Dòng Tên ở New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ, trao tặng bằng tiến sĩ danh dự. Bộ Truyền Giáo cũng đã ủy thác cho ngài thi hành các cuộc thăm viếng và kiểm tra các chủng viện tại một số nước ở Phi Châu.

Ngài cũng đã nhận được những huy chương đề cao cuộc sống chứng tá về các hoạt động kiến tạo hòa bình của ngài: Ngày 9-6-1999, Chính Phủ Pháp đã trao tặng ngài huy chương “Commandeur de L’Ordre National du Mérite”

Ngày 12-1-2000, Hội “Cùng Nhau Xây Dựng Hòa Bình” đã trao tặng ngài huy chương hòa bình tại Tòa Thị Chính Roma.

Tại Torino, ngày 20-10-2001, ngài lãnh giải hòa bình của tổ chức SERMIG (Hiệp Hội Truyền Giáo Của Giới Trẻ). Ngày 9-12-2001, Trung Tâm Nghiên Cứu G. Donati cũng đã trao tặng ngài giải thưởng hòa bình năm 2001.

Trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay của Giáo Triều Rôma năm 2000, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử thuyết giảng. Sau khi nghe những bài giảng của ngài trong đó có những chứng tá về những năm sống trong tù ngục, ngày 18-3-2000, Đức Giáo Hoàng đã viết cho ngài một văn thư nói lên những lời tâm tình sau đây:

“Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá này, có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại.” (Chứng nhân Hy Vọng, trang 8). Sau đó, ngài được Đức Thánh Cha tiếp riêng và tặng một chén lễ. Ngài đã nói với Đức Thánh Cha như sau:

“Cách đây 24 năm, khi cử hành Thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng, ngày hôm nay Đức Thánh Cha tặng tôi một chén lễ mạ vàng. Thiên Chúa thật cao cả và tình thương của Ngài cũng cao cả.” (Chứng Nhân Hy Vọng, trang 12, 13)

Ngày 21-2-2001, trong cuộc họp của Mật viện Các Hồng Y, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao mũ Hồng Y cho ngài và đặt ngài làm Hồng Y Phó Tế, Hiệu Tòa Nhà Thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ tại các Bậc Thang). Nhà thờ này do các Cha Dòng Đức Mẹ Núi Carmêlô coi sóc, nằm tại vùng Trastevere, Roma.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận qua đời lúc 18 giờ ngày 16-9-2002, tại Roma.

Trong thư luân lứu “Sứ mạng Chúa Kitô là sứ mạng của chúng ta”, năm truyền giáo 1970, ngài đã nói với đoàn chiên của ngài:

”Anh chị em hãy nhớ lời Đức Thánh Cha Gioan XXIII:

“Công Đồng Vaticano II là cánh cửa mở rộng trên thế giới” để nhìn xem, để đón tiếp, để yêu thương.

-Chỉ là người Công Giáo thật, ai biết mở rộng lòng cho mọi người.
– Chỉ là người Công Giáo thật, ai để cho lòng yêu thương của Chúa vang dội trong trái tim mình.
– Chỉ là người Công Giáo thật, ai khoan dung với mọi người vì nhớ lại lòng lân mẫn Chúa đối với mình.
-Chỉ là người Công Giáo thật, ai nhìn thấy mọi người là anh em mình, không kể giai cấp, màu da, tôn giáo, chính kiến.

Vì tinh thần Công Giáo và tinh thần truyền giáo là một.

Chúng tôi tin rằng đó cũng là một trong những lời trăn trối của ngài để lại cho chúng ta.

Lữ Giang
16/09/06

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Trong năm 2023, số tín hữu hành hương và du khách đến thăm Đền thờ Sagrada Familia (Thánh Gia) ở...
Read More
Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng các bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu...
Read More
Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới các tù nhân của nhà tù Quatre Camins, mời gọi họ kiên...
Read More
Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Nhân dịp lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho các tín hữu Công giáo ở Thánh Địa...
Read More
ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27/3/2024, Đức Thánh Cha...
Read More
Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Bản tin của AsiaNews ngày 20/03/20024 cho hay: Tin đồn gần đây đã được xác nhận: Đảng Cộng sản Việt...
Read More
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

Cha Raymond J. de Souza, trên First Things ngày 25/03/2024, nhận định rằng lễ kỷ niệm 11 năm ngày nhậm...
Read More
Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

Theo thông báo của Vatican, Đức Thánh Cha sẽ thăm “thành phố nổi” Venice của Ý, đi thuyền máy dọc...
Read More
ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã cử hành Thánh lễ tại Markowa, Ba Lan, nhân...
Read More
ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

Ngày 26/3/2024, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina, đang...
Read More
ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS