Đức Hồng Y Parolin cho biết: “Cuộc tấn công khủng bố do Hamas và các lực lượng dân quân khác thực hiện vào thứ Bảy tuần trước nhằm vào hàng ngàn người Israel đang chuẩn bị cử hành ngày Simchat Torah, vào cuối kỳ nghỉ lễ Sukkot kéo dài một tuần, là vô nhân đạo”. Đức Hồng y cũng bày tỏ sự lo lắng cho những người nam nữ, trẻ em và người già đang bị bắt làm con tin ở Gaza. “Chúng tôi bày tỏ sự gần gũi với các gia đình bị ảnh hưởng, phần lớn trong số họ là người Do Thái, chúng tôi cầu nguyện cho họ, cho những người vẫn bị sốc, cho những người bị thương”.
Về vấn đề tự vệ, Đức Hồng y bày tỏ: “Cần phải khôi phục lại lý trí, từ bỏ luận lý mù quáng của hận thù và bác bỏ việc xem bạo lực như một giải pháp. Người bị tấn công có quyền tự vệ, nhưng việc tự vệ cũng phải tôn trọng tính tương xứng. Tôi không biết có thể có biên độ nào cho cuộc đối thoại giữa Israel và lực lượng dân quân Hamas, nhưng nếu có và chúng ta hy vọng là có, thì cuộc đối thoại nên được theo đuổi ngay lập tức và không chậm trễ. Điều này nhằm tránh đổ máu thêm, như đang xảy ra ở Gaza, nơi có nhiều nạn nhân dân sự vô tội sau các cuộc tấn công của quân đội Israel.
Đức Hồng y nhấn mạnh lại ý của Đức Thánh Cha rằng hòa bình phải được xây dựng trên công lý, không có hòa bình mà không có công lý. Ngài nói: “Đối với tôi, dường như công lý lớn nhất có thể có ở Thánh địa là giải pháp hai nhà nước, cho phép người Palestine và người Israel sống cạnh nhau, trong hòa bình và an ninh, đáp ứng nguyện vọng của hầu hết họ… Tuy nhiên, điều đúng bây giờ là các con tin phải được trả lại ngay lập tức, bao gồm cả những con tin bị Hamas bắt giữ từ các cuộc xung đột trước đây: theo nghĩa này, tôi lặp lại lời kêu gọi mạnh mẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra và lặp đi lặp lại trong những ngày gần đây: Trong cuộc xung đột này – cũng như trong bất kỳ cuộc xung đột nào khác – luật nhân đạo phải hoàn toàn được tôn trọng.
Đức Hồng y cũng bày tỏ sự sẵn sàng của Toà Thánh cho mọi cuộc hoà giải. Ngài nói: “Trong lúc chờ đợi, chúng ta cố gắng liên lạc qua các kênh đã mở. Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động hòa giải nào nhằm chấm dứt xung đột đều phải tính đến một loạt yếu tố khiến vấn đề trở nên rất phức tạp, chẳng hạn như vấn đề về các khu định cư, an ninh của Israel và vấn đề thành phố Giêrusalem”. Ngài cho rằng thông qua đối thoại trực tiếp giữa người Palestine và người Israel, giải pháp có thể được tìm thấy, ngay cả khi mọi thứ bây giờ sẽ khó khăn hơn.
Về việc giúp đỡ cho các Kitô hữu ở Thánh Địa, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh cho biết, “trước hết là bằng việc cầu nguyện và sự gần gũi về tinh thần và vật chất. Kitô hữu là một phần thiết yếu của vùng đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, sống, khổ nạn và phục sinh. Không ai có thể nghĩ đến Palestine hay Israel mà không có sự hiện diện của Kitô giáo, sự hiện diện đó đã có từ đầu và sẽ ở đó mãi mãi. Hiện nay cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở Gaza – khoảng 150 gia đình – đang phải chịu đau khổ rất nhiều. Và khi một thành viên đau khổ, toàn thể Giáo hội đau khổ, và do đó tất cả chúng ta đều đau khổ.”
Đức Hồng y mời gọi: “Chúng ta cầu nguyện cho người Israel, chúng ta cầu nguyện cho người Palestine, chúng ta cầu nguyện cho các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo”.
Vatican News