Hỏi: Có được phép tổ chức đoàn rước chủ tế mà không có Thánh giá và nến, chì với thừa tác viên, phó tế và linh mục đi vào không? Trong giáo xứ của con, do một lỗi của ban phụng vụ, thánh giá cuộc rước là chưa sẵn sàng, và chủ tế vẫn cho tiến hành đoàn rước mà không có Thánh giá và nến. Thưa cha, việc này là được phép hay không? – S. B., Rio de Janeiro, Brazil.
Đáp: Trong khi giải thích hình thức đơn giản nhất của Thánh Lễ trọng (mà không có phó tế), Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [GIRM] nói như sau về việc rước chủ tế vào:
“120. Khi giáo dân đã tập hợp, vị tư tế và các thừa tác viên mặc phẩm phục tiến tới bàn thờ theo thứ tự sau đây:
“a. Người mang bình hương có đốt hương sẵn, nếu có xông hương;
“b. Các thừa tác viên cầm nến và thầy giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm thánh giá đi giữa họ;
“ c. Các thầy giúp lễ và các thừa tác viên khác;
“d. Thầy đọc sách, thầy này có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách Bài Ðọc, nâng cao lên một chút;
“e. Vị chủ tế.
“Nếu có xông hương, linh mục sẽ bỏ hương trước khi đi rước, chúc lành bằng dấu thánh giá, mà không nói chi hết.
“121. Ðang khi đoàn rước tiến lên bàn thờ, ca đoàn hát ca nhập lễ.
“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu.
Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Tuy nhiên, trong các số trước đó, khi nói về những thứ cần phải chuẩn bị, Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma nói:
“117. Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến. Ðàng khác, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có hình Chúa chịu nạn khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ” (Bản dịch, như trên).
Bởi vì ở đây từ ngữ “có thể (mang theo…)” được sử dụng, nó có thể hiểu rằng việc sử dụng Thánh giá và nến là không bắt buộc, và việc mô tả sau đó của các nghi thức được dựa trên giả định rằng sự lựa chọn sử dụng Thánh giá và nến đã được thực hiện, mà không cần qui định một sự buộc sử dụng Thánh giá và nến.
Vì vậy, trong nhiều nhà thờ, có rất ít hoặc không có đoàn rước chủ tế vào các ngày trong tuần. Thậm chí có một vài nhà thờ không có đoàn rước chủ tế đi vào trong ngày Chúa Nhật, hoặc chỉ thực hiện trong Thánh lễ chính mà thôi.
Điều nây là không lý tưởng. Tôi muốn đề nghị càng nhiều nhà thờ càng tốt tổ chức đoàn rước chủ tế vào ngày Chúa Nhật. Tuy nhiên, có nhiều lý do chính đáng tại sao ở một số nơi việc này vẫn chưa được áp dụng cách tổng quát.
Vì vậy, trong trường hợp bạn đọc nêu ra ở trên, quyết định của linh mục là đúng. Tình hình duy nhất có thể là không đúng, là nếu Thánh giá đoàn rước được dùng như Thánh giá bàn thờ. Trong trường hợp này, cần bảo đảm có sự hiện diện một Thánh giá khác trên bàn thờ, trước khi bắt đầu cuộc rước.
Cũng là đúng nếu không có nến trong đoàn rước. Trong Thánh Lễ, nến đoàn rước thường đi kèm với các biểu tượng của Chúa như Thánh giá và Sách Tin Mừng.
Nến sẽ có ít ý nghĩa trong cuộc rước vào, nếu không có Thánh giá đi cùng. Tuy nhiên, sau đó nến được sử dụng trong cuộc rước Sách Tin Mừng.
Ngoài Thánh Lễ, nến được sử dụng trên hết để cùng đi với Chúa trong phép Thánh Thể, trong giờ chầu. Nến cũng được sử dụng trong nhiều cách thức hợp pháp trong mọi cuộc rước kiệu và việc đạo đức.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 13-12-2016)