Đối với các Giáo hoàng, gặp gỡ báo chí luôn là một công việc mạo hiểm

Nghe bài này

John L. Allen Jr., ngày 7 tháng 4 năm 2024, làm một cuộc đố vui: Vị giáo hoàng hiện đại nào sau đây đã trả lời phỏng vấn cấp cao cho một nhà báo về những chủ đề cực kỳ nhạy cảm, kết quả của việc đó là gây tranh cãi trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo, buộc các viên chức và người phát ngôn của Vatican phải đưa ra ‘những lời giải thích rõ ràng’, một chẳng làm dịu dư luận bao nhiêu?

A) Đức Giáo Hoàng Leo XIII
B) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
C) Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
D) Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
E) Đức Giáo Hoàng Phanxicô
F) Tất cả những vị trên

Và theo ông, câu trả lời đúng, như những độc giả sáng suốt chắc chắn đã phỏng đoán, là “Đức Phanxicô”. Dù các sự kiện gần đây có thể tạo ấn tượng cho rằng việc hụt hẫng đối với các cuộc phỏng vấn của giáo hoàng là một đặc điểm nổi bật của triều giáo hoàng Phanxicô, thì trên thực tế, chúng có một gốc gác sâu xa hơn nhiều.

Điều gây ra vòng tranh cãi mới nhất là cuốn sách phỏng vấn mới El Sucesor [vị kế nhiệm] với nhà báo Tây Ban Nha Javier Martínez-Brocal, viết về mối quan hệ giữa Đức Phanxicô và vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, được bày bán vào ngày 3 tháng 4.

Như nhà báo người Ý Massimo Gramellini đã nói, đọc cuốn sách này hơi giống như xem những loại phim thực tại trên truyền hình – hãy nghĩ đến “Những bà nội trợ thực sự của Thành Vatican”. Trong số những điều khác, Đức Giáo Hoàng đã công khai đề cập đến các chi tiết bên trong của hai mật nghị, và ngài đã chỉ trích phụ tá hàng đầu của Đức Bênêđíctô, Tổng giám mục người Đức Georg Gänswein, cho rằng vị này thiếu “sự lịch thiệp và nhân bản” vì ĐTGM Gänswein bị cho là đã mưu toan đưa hai vị giáo hoàng vào thế xung đột.

Lucetta Scaraffia, một nhà báo nổi tiếng người Ý và là cựu biên tập viên của tờ L’Osservatore Romano chuyên về các vấn đề phụ nữ, đã lưu ý rằng điều trớ trêu là Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường cảnh cáo về sự nguy hiểm của việc nói xấu và buôn chuyện. Tuy nhiên, theo cô, dựa vào cuốn sách mới, “Có người nghi ngờ Bergoglio nghĩ rằng một giáo hoàng có thể hành xử bất cần tuân theo những quy tắc lành mạnh này”.

Phản ứng đối với cuốn sách mới gồm từ việc ca ngợi sự thẳng thắn và minh bạch của vị giáo hoàng đến việc tán tụng đầy hoài niệm đối với những ngày trong đó các giáo hoàng thường ít nhất giữ một số suy nghĩ cho riêng mình. Dù người ta nghĩ thế nào về tình huống này, sự kiện vẫn là Đức Phanxicô khó có thể là vị giáo hoàng đầu tiên tạo sức nóng cũng bằng với việc tạo ánh sáng khi chấp nhận một cuộc phỏng vấn.

Thật vậy, các tiền lệ đã có từ ít nhất 132 năm trước, khi Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1892 trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử hiện đại trả lời cuộc phỏng vấn của một nhà báo chuyên nghiệp – và, đồng thời, là vị giáo hoàng đầu tiên bị chỉ trích vì đã làm như vậy, và là vị đầu tiên buộc các trợ lý và nhà hộ giáo của mình phải tìm cách giải thích.

Vào dịp đó, người phỏng vấn vị giáo hoàng là một nhà xã hội chủ nghĩa và vô thần người Pháp tên là Caroline Rémy, được độc giả biết đến nhiều hơn với bí danh Séverine. Rémy đã viết thư cho Đức Hồng Y Mariano Rampolla, Bộ trưởng Ngoại giao của Đức Leo, để yêu cầu phỏng vấn, tự giới thiệu mình là “một người theo chủ nghĩa xã hội, mặc dù không ở trong tình trạng ân sủng, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn trong trái tim bị tổn thương của mình một sự tôn trọng sâu sắc đối với đức tin, cũng như sự tôn kính đối với những người lớn tuổi uy nghiêm và các tù nhân tối cao.”

(Cụm từ cuối cùng đó ám chỉ Đức Giáo Hoàng Piô IX, người đã tuyên bố mình là “tù nhân của Vatican” sau khi Vương quốc Ý mới thống nhất chiếm giữ các Lãnh thổ Giáo hoàng vào năm 1870.)

Cuộc trao đổi diễn ra ngay trước khi vụ Dreyfus bùng nổ ở Pháp, khi câu hỏi về chủ nghĩa bài Do Thái và thái độ đối với người Do Thái đang trở thành mâu thuẫn chính giữa những người theo chủ nghĩa cấp tiến và những người theo chủ nghĩa truyền thống ở Châu Âu. Mục tiêu của Rémy là rút được sự lên án rõ ràng đối với chủ nghĩa bài Do Thái từ vị giáo hoàng.

Cô tin rằng mình đã thành công khi viết trong phần giới thiệu phần hỏi đáp do Figaro công bố: “Mặc dù ngài chưa bao giờ nói ‘Tôi lên án’, nhưng ngài nói ‘Tôi không tán thành’ mười lần trong một giờ. Tôi để người Công Giáo rút ra từ thái độ này kết luận mà họ thích hơn.”

Đức Giáo Hoàng Leo thực sự đã bày tỏ sự không đồng tình với “các cuộc chiến tranh tôn giáo” và “chủng tộc”, đồng thời ngụ ý rằng các khu biệt cư [ghetto] cưỡng bức của Công Giáo châu Âu thực sự nhằm mục đích bảo vệ và phục vụ người Do Thái, gọi các khu bao vây là biểu hiện của “sự dịu dàng và tình yêu thương huynh đệ”. Mặt khác, ngài cũng cho rằng thật vô lý khi mong đợi Giáo hội bỏ bê những tín đồ “sùng đạo và nhiệt thành” của mình để ủng hộ những kẻ “vô đạo” “bác bỏ” thông điệp của Chúa Kitô, và những người đại diện cho một “gánh nặng và vết thương”. Ngài nói thêm rằng Giáo hội có trách nhiệm đặc biệt trong việc chống lại “triều đại của đồng tiền”, mà theo ngài, những kẻ “vô đạo” – tức là người Do Thái – ít nhất phải chịu trách nhiệm một phần.

Ngay cả những bình luận đó cũng khiến một số nhà bình luận Công Giáo cảnh giác, những người tin rằng vị giáo hoàng đang gia nhập một chiến dịch tự do chống lại cơ sở Công Giáo ở Pháp. Cha Davide Albertario, một linh mục ở Milan và là biên tập viên của L’Osservatore Cattolico, một tờ báo được thành lập để bảo vệ ngôi vị giáo hoàng sau sự sụp đổ của các Lãnh thổ Giáo hoàng, ngay lập tức nhấn mạnh rằng Rémy đã xuyên tạc về vị giáo hoàng “từ đầu đến cuối”.

Albertario cho rằng thật sai lầm khi khẳng định rằng Đức Leo đã “bày tỏ những ý tưởng trái ngược với chủ nghĩa bài Do Thái,” và trên thực tế, giáo hoàng “hoàn toàn không tham gia vào cuộc tranh chấp Do Thái”.

Các vị giáo hoàng tương lai đáng lẽ nên biết rằng mọi việc sẽ không dễ dàng hơn bất cứ lúc nào các vị chọn ngồi nói chuyện với một thành viên báo chí.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 1965 với một nhà báo nổi tiếng người Ý tên là Alberto Cavallari, trong đó ngài dự đoán trận trấn động sẽ xảy ra ba năm sau đó với thông điệp Humanae Vitae của ngài, là thông điệp tái khẳng định lệnh cấm truyền thống của Giáo hội đối với việc kiểm soát sinh sản nhân tạo: “Bạn có thể nghiên cứu tất cả những gì bạn muốn, nhưng quyền quyết định là do chúng tôi quyết định. Trong việc quyết định, chúng tôi chỉ có một mình,” Đức Phaolô nói thế, sử dụng số nhiều theo thông lệ hoàng gia.

Đường hướng đó đã tạo ra sự chỉ trích ngay lập tức, đặc biệt là từ những người Công Giáo cấp tiến vốn khăng khăng cho rằng một giáo hoàng không bao giờ nên đơn độc trong việc đưa ra các quyết định, mà thay vào đó phải được hướng dẫn bởi sensus fidelium, nghĩa là “cảm thức của các tín hữu”.

Từ đó, chúng ta có thể đến với cuốn sách phỏng vấn năm 1994 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với nhà báo người Ý Vittorio Messori, có tựa đề Vượt qua ngưỡng cửa hy vọng, trong đó ngài đã khuấy động cuộc tranh cãi to lớn khắp châu Á bằng cách gọi giáo lý Phật giáo là “hầu như hoàn toàn tiêu cực”, “ở mức độ lớn là vô thần” và được đặc trưng bởi “sự thờ ơ với thế giới.” Ngay sau đó, Đức Gioan Phaolô II đã phải đối đầu với sự phản đối và thất vọng khi đến thăm Sri Lanka, một quốc gia phần lớn dân số theo Phật giáo, nơi liên hội các hiệp hội Phật giáo hàng đầu của đất nước này yêu cầu ngài phải xin lỗi.

Hoặc, chúng ta có thể ghi nhận cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI với các nhà báo trên đường đến Cameroon năm 2009, trong đó, khi trả lời câu hỏi của Philippe Visseyrias của kênh truyền hình công cộng France 2 của Pháp, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng việc sử dụng bao cao su không những không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, nhưng “ngược lại, nó làm tăng thêm vấn đề”. Đường hướng này đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội, bao gồm cả một nghị quyết chưa từng có từ quốc hội Bỉ coi những nhận xét của Đức Giáo Hoàng là “không thể chấp nhận được”, được thông qua với số phiếu 95-18. Nó đánh dấu lần đầu tiên một cơ quan lập pháp châu Âu chính thức kiểm duyệt một vị giáo hoàng.

Giovanni Maria Vian, giáo sư lịch sử Giáo hội và là cựu biên tập viên của L’Osservatore Romano, gần đây đã rút ra kết luận rõ ràng từ lịch sử đầy sóng gió này: “Theo định nghĩa, các cuộc phỏng vấn [với các giáo hoàng] là một rủi ro,” Vian viết thế. “Điều đó phụ thuộc vào những câu hỏi mà [các nhà báo] đặt ra, nhưng chắc chắn rằng chúng luôn nguy hiểm.”

Điểm mấu chốt: Hãy chỉ trích đức Phanxicô tất cả những gì bạn muốn về phong cách phóng khoáng trong đó ngài giao tiếp với báo chí, chưa kể đến tần suất gần như siêu thực mà với nó ngài đã làm như vậy. Đừng cho rằng ngài là vị giáo hoàng đầu tiên gây chấn động với những cuộc phỏng vấn giật gân – bởi vì ngài không phải như vậy và ngài cũng không có xác suất là người cuối cùng.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS