Tông huấn “Laudate Deum” gồm 6 chương với 73 đoạn, cụ thể và hoàn thành những điều Đức Thánh Cha đã nói trong thông điệp “Laudato si’” được ban hành vào năm 2015.
Dấu hiệu biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng
Trong chương đầu tiên, Đức Thánh Cha giải thích rằng, cho dù chúng ta có cố gắng phủ nhận đến đâu, “những dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn có đó, ngày càng rõ ràng hơn”. Ngài trưng dẫn “những hiện tượng cực đoan, thường xuyên có những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán và những đau thương khác của trái đất”. Theo ngài: “có thể kiểm chứng được rằng một số biến đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan thường xuyên hơn và dữ dội hơn”.
Đó không phải là lỗi của người nghèo
Đối với những người đổ lỗi cho người nghèo vì có quá nhiều con cái, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới giàu gây ô nhiễm nhiều hơn số dân nghèo đến 50%. Châu Phi, nơi có hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới, chỉ chịu trách nhiệm về một phần nhỏ lượng khí thải lịch sử” (9). Sau đó, Đức Thánh Cha phản đối những người nói rằng việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến “giảm việc làm”. Trên thực tế, “hàng triệu người mất việc” do biến đổi khí hậu. Trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được “quản lý tốt” có khả năng tạo ra vô số việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là lý do tại sao “các chính trị gia và doanh nhân cần phải giải quyết ngay lập tức”(10).
Con người gây nên biến đổi khí hậu là điều không thể nghi ngờ
Đức Phanxicô khẳng định: “Con người là nguồn gốc của biến đổi khí hậu là điều không còn có thể nghi ngờ nữa.” Ngài nói đến nồng độ khí nhà kính trong khí quyển… trong 50 năm qua gia tăng mạnh mẽ (11). Nhiệt độ “đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong hai ngàn năm qua” (12). Hậu quả là sự axit hóa biển và các lớp băng tan. Sự cộng hưởng của các hiện tượng cực đoan và sự gia tăng khí nhà kính là điều không thể che dấu. Thật không may, Đức Thánh Cha nhận xét, cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề “được quan tâm bởi các cường quốc kinh tế. Họ vốn quan tâm đến việc đạt được lợi nhuận tối đa với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể” (13).
Chúng ta vừa kịp lúc để tránh gây thiệt hại nặng nề hơn
Đức Thánh Cha nói rằng ngài đưa ra những giải thích rõ ràng này do một số ý kiến khinh thường và vô lý mà ngài thấy ngay cả trong Giáo hội Công giáo. Nhưng chúng ta không còn có thể nghi ngờ rằng “những phát triển to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên” (14). Thật không may, một số biểu hiện của cuộc khủng hoảng khí hậu này đã không thể đảo ngược được trong ít nhất hàng trăm năm. Một tầm nhìn rộng hơn là rất cần thiết… Chúng ta cần có trách nhiệm nhất định đối với di sản mà chúng ta sẽ để lại sau khi bước vào thế giới này (18).
Mô hình kỹ trị: ý tưởng về một con người không giới hạn
Trong chương hai, Đức Thánh Cha nói về mô hình kỹ trị “bao gồm việc suy nghĩ như thể thực tại, sự tốt lành và sự thật nở rộ một cách tự phát từ sức mạnh của công nghệ và chính nền kinh tế” (20) dựa trên ý tưởng về một con người có thể làm được mọi thứ. Ngài nói: “Chưa bao giờ loài người có nhiều quyền lực như vậy và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng nó tốt… Thật nguy hiểm khi nó nằm trong tay một phần nhỏ của nhân loại” ( 23). Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “thế giới xung quanh chúng ta không phải là một đối tượng của sự bóc lột, sử dụng không kiềm chế, tham vọng không giới hạn” (25).
Sự suy thoái đạo đức của quyền lực: tiếp thị và thông tin sai lệch
Đức Thánh Cha nói rằng. húng ta đã đạt được “tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng ngạc nhiên, nhưng chúng ta không nhận ra rằng đồng thời chúng ta đã trở nên hết sức nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật và sự sống còn của chính chúng ta” (28). “Sự suy đồi về mặt đạo đức của quyền lực thực sự được che đậy bởi hoạt động tiếp thị và thông tin sai lệch, những cơ chế hữu ích nằm trong tay những người có nhiều nguồn lực hơn để tác động đến dư luận thông qua chúng”. “Bị mê hoặc trước những lời hứa hẹn của biết bao tiên tri giả, chính người nghèo đôi khi rơi vào sự lừa dối của một thế giới không được xây dựng cho họ” (31). Có “sự thống trị của những người sinh ra có điều kiện phát triển tốt hơn” (32).
Chính sách quốc tế yếu kém
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến sự yếu kém của chính sách của quốc tế, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ủng hộ “các thỏa thuận đa phương giữa các quốc gia” (34). Ngài kêu gọi “sự tổ chức toàn cầu hiệu quả hơn, có thẩm quyền để đảm bảo lợi ích chung toàn cầu”. Các tổ chức này “phải được trao quyền thực sự để đảm bảo thực hiện một số mục tiêu thiết yếu” (35). Thách đố ngày nay là tái tạo một chủ nghĩa đa phương mới “trong bối cảnh toàn cầu mới” (37), thừa nhận rằng nhiều tập hợp và tổ chức xã hội dân sự giúp bù đắp những điểm yếu của cộng đồng quốc tế.
Các tổ chức bảo vệ những người mạnh nhất là những tổ chức vô dụng
Đức Phanxicô đề xuất “một chủ nghĩa đa phương “từ dưới lên” chứ không chỉ đơn giản được quyết định bởi giới tinh hoa quyền lực” (38). Ngài nhắc lại rằng “cần có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả”, để “phản ứng với các cơ chế toàn cầu” bằng “các quy tắc phổ quát và hiệu quả” (42). Vì vậy, chúng ta cần “một kiểu ‘dân chủ hóa’ hơn trong phạm vi toàn cầu… Sẽ không còn hữu ích nếu hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của kẻ mạnh nhất mà không giải quyết quyền của tất cả mọi người”. (43)
Bạn mong đợi gì từ Dubai COP?
Nhìn vào COP28 (Hội nghị của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu) sẽ diễn ra tại Dubai vào tháng 11, Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta không thể từ bỏ giấc mơ rằng COP28 sẽ dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với những cam kết hiệu quả có thể được theo dõi vĩnh viễn. Hội nghị này có thể là một bước ngoặt” (54). Ngài than phiền rằng thật không may, “quá trình chuyển đổi cần thiết sang năng lượng sạch… diễn ra không đủ nhanh” (55).
Hãy ngừng chế giễu vấn đề môi trường
Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt “sự nhạo báng vô trách nhiệm” của những người chế giễu vấn đề môi trường vì lợi ích kinh tế: thay vào đó, xem nó là “một vấn đề con người và xã hội theo nghĩa rộng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc này cần sự tham gia của mọi người.” Đức Thánh Cha hy vọng rằng “các hình thức chuyển đổi năng lượng ràng buộc” sẽ xuất hiện từ COP28 một cách hiệu quả và “dễ dàng giám sát” (59). “Chúng tôi hy vọng rằng những người phát biểu là những nhà chiến lược có khả năng suy nghĩ về lợi ích chung và tương lai của con cái họ, thay vì lợi ích cụ thể của một quốc gia hoặc công ty nào đó. Mong sao họ thể hiện được sự cao quý của chính trị chứ không phải sự xấu hổ của nó” (60).
Một dấn thân phát sinh từ đức tin Kitô giáo
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại những lý do cho sự dấn thân vì môi trường xuất phát từ đức tin Kitô giáo, khuyến khích “anh chị em các tôn giáo khác hãy làm như vậy” (61). Ngài nói: “Đây không phải là sản phẩm của ý muốn riêng của chúng ta… bởi vì Thiên Chúa đã liên kết chúng ta rất chặt chẽ với thế giới xung quanh” (68). Điều quan trọng, Đức Thánh Cha viết, là phải nhớ rằng “không có những thay đổi lâu dài nếu không có những thay đổi về văn hóa… và không có những thay đổi văn hóa nào mà không có những thay đổi về con người” (70). “Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm lãng phí và tiêu dùng khôn ngoan đang tạo ra một nền văn hóa mới” (71).
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “một sự thay đổi rộng rãi cho lối sống vô trách nhiệm gắn liền với mô hình phương Tây sẽ có tác động lâu dài đáng kể. Như vậy, với những quyết định chính trị tất yếu, chúng ta sẽ đi trên con đường quan tâm lẫn nhau” (72).
Vatican News