APEC Haus là trung tâm hội nghị chính của thành phố nằm ở Vịnh Walter, trên một bán đảo tiếp giáp với Bãi biển Ela ở Port Moresby. Trung tâm được xây dựng để tiếp đón các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC (Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 2018. Tòa nhà được thiết kế theo cách để sau Hội nghị APEC có thể dễ dàng chuyển đổi thành bảo tàng và một trung tâm triển lãm và hội nghị, dựa trên các yếu tố của truyền thống Motu-Koita, và mái nhà được lấy cảm hứng từ cánh buồm truyền thống motua “lagatoi” (lakatoi), có hình móng vuốt cua, đặc trưng của thuyền hai thân được dùng trong việc buôn bán giữa các đảo của Thái Bình Dương.
Đến Trung tâm APEC Haus, Đức Thánh Cha được Toàn quyền của Papua New Guinea đón tiếp ở lối vào chính, với những vũ điệu truyền thống của người dân. Sau đó ngài đi đến APEC Leaders Foyer và gặp gỡ khoảng 300 người hiện diện tại đó, bao gồm các giới chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, các đại diện xã hội dân sứ và văn hóa.
Trong diễn văn, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của người dân Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.
Trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng vui mừng đến thăm Papua New Guinea. Ngài cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của họ và gửi lời chào tới toàn thể người dân cả nước, chúc họ hòa bình và thịnh vượng. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền vì sự giúp đỡ mà họ dành cho nhiều hoạt động của Giáo hội trên tinh thần cộng tác lẫn nhau vì lợi ích chung.
Và Đức Thánh Cha tiếp tục bài diễn văn như sau:
Sự đa dạng phong phú
Đức Thánh Cha ca ngợi sự phong phú văn hóa nổi bật của Papua New Guinea. Ngài nói: “Ở quê hương của quý vị, một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng, tương ứng với nhiều nhóm sắc tộc: điều này làm nổi bật sự phong phú văn hóa phi thường; và tôi thú nhận rằng đây là một khía cạnh làm tôi rất yêu thích, ngay cả trên bình diện tâm linh, bởi vì tôi tưởng tượng rằng sự đa dạng to lớn này là một thách đố đối với Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt!
Tài nguyên được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng
Tiếp đến, khi nhận định rằng đất nước này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng những tài nguyên này được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng. Do đó, “điều đúng đắn là phải quan tâm đến nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối số tiền thu được và việc sử dụng lực lượng lao động, để cải thiện cách hiệu quả điều kiện sống của họ”. Ngài lưu ý rằng điều này là một trách nhiệm lớn lao, bởi vì nó đòi hỏi mọi người, các chính phủ cộng tác cùng với người dân, để cổ võ mọi sáng kiến cần thiết để phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, theo cách mang lại cuộc sống bền vững và công bằng.
Chấm dứt vòng xoáy bạo lực
Đức Thánh Cha mong rằng tình trạng bạo lực giữa các bộ tộc sẽ chấm dứt và ngài kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người, để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, kiên quyết đi theo con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả, vì lợi ích của toàn thể người dân của quốc gia. Ngài nói: “Bằng cách củng cố thỏa thuận về nền tảng của xã hội dân sự và với việc mọi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và gia tăng cơ hội có việc làm bền vững”.
Cần có niềm hy vọng
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng ngoài của cải cần thiết để sống, con người cần có một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn, điều giúp họ sống tốt và mang lại cho họ hương vị và lòng can đảm để thực hiện những dự án quy mô lớn và cho phép họ ngước nhìn lên cao và hướng tới những chân trời rộng lớn.
Ngài nói: “Của cải vật chất dồi dào, nếu không có hơi thở của tâm hồn này, thì không đủ để mang lại sự sống cho một xã hội đầy sức sống và thanh thản, cần cù và vui tươi, mà thậm chí, nó còn khiến nó co cụm trong chính mình. Sự khô cằn của trái tim khiến xã hội mất định hướng và quên đi hệ thống giá trị đúng đắn; và như xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó tước đi động lực và ngăn cản sự tiến lên của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm được lý do để truyền lại sự sống và đức tin cho các thế hệ tương lai”.
Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai
Từ đó Đức Thánh Cha mời gọi hướng tinh thần tới những thực tại cao cả hơn; bởi vì “các hành vi cần được hỗ trợ bởi sức mạnh nội tâm, một sức mạnh bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị hư hỏng và dần mất đi khả năng nhận ra ý nghĩa công việc của mình và thực hiện nó một cách tận tâm và nhất quán”.
Ngài nhắc lại Logo và khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Papua New Guinea. Khẩu hiệu chỉ với một từ nói lên tất cả: “Cầu nguyện”. Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai, nhận được sức mạnh và niềm hy vọng từ trên cao. Và ngay cả biểu tượng chim thiên đường, trong logo của cuộc viếng thăm, cũng là biểu tượng của tự do: của sự tự do mà không gì và không ai có thể bóp nghẹt được vì nó là sự tự do nội tâm, và được bảo vệ bởi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người cũng được tự do.
Đức tin có thể giúp xã hội phát triển
Đức Thánh Cha hy vọng rằng đức tin của các Kitô hữu “không bao giờ bị thu hẹp vào việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật, nhưng hệ tại ở việc yêu mến Chúa Giêsu Kitô và bước theo Người, và đức tin đó có thể trở thành một lối sống văn hóa, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi đường. Bằng cách này, đức tin cũng sẽ có thể giúp xã hội nói chung phát triển và xác định các giải pháp tốt và hiệu quả cho những thách đố lớn lao của xã hội”.
Trong khi đến Papua New Guinea để khuyến khích các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình của họ và củng cố họ trong việc tuyên xưng đức tin, Đức Thánh Cha khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo vì những công việc bác ái họ thực hiện trong nước và kêu gọi họ luôn tìm kiếm sự cộng tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí.
Đức Thánh Cha nhắc đến chứng tá của Chân phước Pietro To Rot, của Chân phước Giovanni Mazzucconi, và cầu mong gương sáng của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này mang lại cho người Papua New Guinea sức mạnh và niềm hy vọng. Ngài Xin Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Bổn Mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo và bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm, bảo vệ các cấp Chính quyền và toàn thể người dân đất nước này.
Papua New Guinea “gần với trái tim của Giáo hội Công giáo”
Cuối cùng, một lần nữa Đức Thánh Cha cảm ơn các cấp chính quyền đã mở cửa chào đón ngài ở đất nước xinh đẹp, “rất xa Roma nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Bởi vì trong lòng Giáo hội có tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên Thánh giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Tin Mừng của Người dành cho mọi dân tộc, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền lực trần thế nào, nhưng tự do làm phong phú mọi nền văn hóa và làm cho Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc công lý, tình yêu và hòa bình, phát triển trên thế giới”. Ngài mong ước Vương quốc của Chúa được chào đón hoàn toàn tại vùng đất này, “để tất cả mọi dân tộc của Papua New Guinea, với những truyền thống đa dạng của họ, sống hòa hợp với nhau và cống hiến cho thế giới một dấu hiệu của tình huynh đệ”.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi đến một sảnh cạnh đó để chào các Lãnh đạo chính quyền của các nước Thái Bình dương. Cuối cùng, tại lối vào chính, Đức Thánh Cha đã từ giã Toàn quyền Papua New Guinea và trở về Tòa Sứ thần.
Vatican News