Sau khi thăm một nhóm những người cao tuổi và bệnh tật tại Nhà Thánh Têrêxa, vào lúc 9 giờ 45’ giờ địa phương, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe đến Trường Cao đẳng Công giáo, cách đó khoảng 3,7 km, để gặp gỡ liên tôn với người trẻ Singapore.
Trường Cao đẳng Công giáo
Trường Cao đẳng Công giáo được Tổng Giáo Phận Singapore thành lập vào năm 1975, cùng với sự hỗ trợ của các Giám mục Đức, chính phủ và các nhà hảo tâm, nhằm cung cấp cho giới trẻ những kiến thức cần thiết hướng tới tương lai, tôn trọng và khẳng định giá trị sự sống con người, huấn luyện lương tâm theo các nguyên tắc Công giáo, đóng góp đáng kể và lãnh nhận trách nhiệm trong xã hội. Nhiệm vụ của trường là cung cấp khoá chuẩn bị hai năm cho kỳ thi vào đại học Singapore-Cambridge.
Trường đặt mục tiêu giúp các học sinh trở thành “một nhà tư tưởng với sứ vụ và là một nhà lãnh đạo có trái tim”. Biểu tượng chính của Trường Cao Đẳng Công Giáo là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần Chúa hướng dẫn hoạt động của trường. Khẩu hiệu Chân lý và Bác ái nhắc lại sứ vụ đào tạo học sinh trở thành những nhà tư tưởng và lãnh đạo liêm chính và được thúc đẩy bởi mong muốn phục vụ và cải thiện thế giới xung quanh. Trường được trang bị sáu phòng học, một khán phòng, một Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật, Trung tâm Đào tạo và Phát triển, và Trung tâm Tài nguyên Truyền thông được thành lập vào năm 2007. Trường cũng có sân bóng rổ, quần vợt và bóng chuyền, phòng tập thể dục và Trung tâm Hội đồng Sinh viên. Cơ sở này còn có ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài theo học.
Gặp gỡ liên tôn
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Singapore, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Cộng đồng và Thanh niên, cùng các bạn trẻ vui mừng chào đón.
Buổi gặp gỡ được bắt đầu với phần chào mừng của Đức Hồng Y William Goh và của Bộ trưởng, bài múa với chủ đề hiệp nhất và hy vọng của một số bạn trẻ khuyết tật, chứng từ của các bạn trẻ thuộc các tôn giáo: Ấn giáo, Sikh và Công giáo.
Tiếp đến, một cuộc đối thoại thực sự đã diễn ra giữa Đức Thánh Cha và khoảng 600 bạn trẻ đến từ 50 trường học và các tổ chức tôn giáo và liên tôn, trước sự hiện diện của khoảng 10 vị lãnh đạo các tôn giáo khác.
Ra khỏi vùng an toàn và tiện nghi
Ba bạn trẻ Raaj, Preet và Nicole nói về những phê bình của những người ngồi ở những nơi thoải mái, tiện nghi, và hỏi Đức Thánh Cha làm thế nào chúng con có thể thoát ra khỏi vùng thoải mái, làm thế nào chúng con có thể thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo giữa những người trẻ, làm thế nào chúng con có thể vượt qua lo sợ bị phán xét, làm thế nào chúng con có thể tận dụng các cơ hội của trí tuệ nhân tạo bằng cách quản lý những rủi ro mà điều này gây ra.
Trả lời trực tiếp các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói người trẻ can đảm, bởi vì họ hướng về sự thật, bước đi, sáng tạo. Nhưng ngài cảnh báo, người trẻ phải cẩn thận để không rơi vào thái độ chỉ trích của những người chỉ ngồi ở những nơi thoải mái, tiện nghi. Ngài giải thích, phê bình phải mang tính xây dựng, nếu không, sẽ là sự phá hoại, không đi theo một con đường mới. Cần phải có can đảm phê bình người khác và cho phép người khác phê bình mình, và “đây là cuộc đối thoại thực sự giữa những người trẻ”.
Ngài nhấn mạnh, các bạn trẻ phải có can đảm để xây dựng, tiến về phía trước, rời bỏ vùng an toàn của mình, mạo hiểm, đi ra ngoài, không lo sợ, bởi vì lo sợ là thái độ độc tài, làm người trẻ bị tê liệt.
Nhận lỗi
Đức Thánh Cha tiếp tục nói, điều quan trọng là nhận ra con đường mình đang đi là sai. Ở điểm này, ngài đặt câu hỏi: “Điều nào tệ hơn: mắc sai lầm vì tôi thực hiện một hành trình hay không phạm sai lầm nhưng khép kín, không mở ra?”. Và ngài khẳng định: “Một người trẻ không dám mạo hiểm, sợ mắc sai lầm là một người già, các bạn có hiểu không?
Không làm nô lệ các phương tiện truyền thông
Đức Thánh Cha chuyển sang một một chủ đề khác, đã được các trẻ đề cập trong các câu hỏi, đó là việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha miêu tả một người không sử dụng phương tiện này, là một người trẻ tự “đóng kín chính mình”, trái lại nếu không làm chủ mình trong khi sử dụng thì trở thành nô lệ.
Ngài nói: “Các bạn đã nói về các phương tiện truyền thông, ngày nay có rất nhiều khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông, điện thoại di động, tivi. Cha hỏi các bạn: sử dụng phương tiện truyền thông có tốt hay không tốt? Nhưng chúng ta hãy nghĩ xem: một người trẻ không sử dụng các phương tiện truyền thông thì người này sẽ như thế nào? Người trẻ này đang tự đóng kín chính mình. Ngược lại, một người trẻ sống hoàn toàn làm nô lệ cho truyền thông, người này trông như thế nào? Mọi người trẻ đều phải sử dụng các phương tiện truyền thông, nhưng hãy dùng truyền thông theo cách giúp chúng ta tiến lên không biến chúng ta thành nô lệ, các bạn có đồng ý không?”
Mọi tôn giáo đều dẫn tới Thượng Đế
Đức Thánh Cha tiếp tục chất vấn các bạn trẻ, khen ngợi khả năng của họ trong hoạt động đối thoại liên tôn. Ngài giải thích “tất cả các tôn giáo đều là con đường đến với Thượng Đế”. Điều này giống như những ngôn ngữ khác nhau, những thành ngữ khác nhau để đến với Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế là Thượng Đế của mọi người. Và cũng vì Thượng Đế là Thượng Đế của mọi người, tất cả chúng ta đều là con của Thượng Đế.
Đối thoại chống bắt nạt
Từ khả năng đối thoại của người trẻ bằng sự can đảm cùng với lòng tôn trọng người khác, Đức Thánh Cha nhắc đến một hiện tượng mà ngài vẫn thường xuyên nói đến, đó là sự bắt nạt. Theo ngài, thực hiện bằng lời nói hay hành động, đây là một hiện tượng nghiêm trọng, một sự tấn công đối với những người yếu đuối. Ngài nói mọi người vừa được thưởng thức điệu múa tuyệt vời của các bạn trẻ khuyết tật. Mỗi người đều có những tài năng và khuyết tật riêng. Giáo hoàng cũng vậy. Vì tất cả đều có khuyết tật nên chúng ta phải tôn trọng người khác.
Đức Thánh Cha giải thích: “Mỗi chúng ta ai cũng có những khuyết tật riêng, vì thế chúng ta phải tôn trọng khuyết tật của người khác, đây là điều quan trọng tại sao tôi lại nói điều này? Bởi vì việc vượt qua những điều này sẽ giúp ích cho những gì các bạn làm, đối thoại liên tôn, vì đối thoại liên tôn được xây dựng bằng sự tôn trọng người khác, và điều này rất quan trọng”.
Thái độ độc tài cắt đứt đối thoại
Đức Thánh Cha chào tạm biệt các bạn trẻ bằng cách mời gọi mọi người thực hành theo lời của Raaj, “làm mọi điều có thể để duy trì một thái độ can đảm và thúc đẩy một không gian trong đó những người trẻ có thể bước vào và đối thoại”, bởi vì “cuộc đối thoại của các bạn là một cuộc đối thoại tạo nên sự tiến bộ, dẫn đường”.
Ngài nói: “Và nếu khi còn trẻ các bạn đối thoại, các bạn sẽ đối thoại nhiều hơn khi lớn lên; khi trưởng thành, các bạn sẽ đối thoại với tư cách là công dân, là chính trị gia. Và tôi muốn nói cho các bạn nghe một điều mang tính lịch sử: mọi chế độ độc tài trong lịch sử, điều đầu tiên làm là cắt đứt đối thoại”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Các bạn hãy dám mạo hiểm! Xin Thượng Đế ban phúc lành cho các bạn và cầu nguyện cho tôi, tôi cầu nguyện cho các bạn. Và bây giờ chúng ta hãy làm điều gì đó trong thinh lặng, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, trong thinh lặng. Xin Thượng Đế ban phúc lành cho tất cả chúng ta. Và khi thời gian trôi qua, các bạn không còn trẻ nữa, các bạn đã trưởng thành và trở thành ông bà, các bạn hãy dạy tất cả những điều này cho con cháu”.
Dấn thân cho sự hiệp nhất và hy vọng
Sau cuộc đối thoại chân thành giữa Đức Thánh Cha và các bạn trẻ thuộc các tôn giáo khác nhau, là phần đọc chung lời kêu gọi dấn thân cho sự hiệp nhất và hy vọng cùng với giây phút thinh lặng cầu nguyện.
Các bạn trẻ đọc: “Chúng tôi, thế hệ tương lai, cam kết trở thành ngọn hải đăng của sự hiệp nhất và hy vọng bằng cách thúc đẩy sự hợp tác và tình bạn, giúp nuôi dưỡng sự chung sống hòa hợp giữa những các tôn giáo khác nhau”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đến khu vực dành cho sinh viên của Trường Cao đẳng Công giáo. Tại đây, ngài cùng một số bạn trẻ, trong đó có một bạn khuyết tật, hoàn thành bức tranh cho cuộc triển lãm “Cùng nhau trong Hiệp nhất và Hy vọng”.
Sau đó, Đức Thánh Cha trở lại để chụp hình lưu niệm với các vị lãnh đạo tôn giáo.
Kết thúc buổi gặp gỡ, ngài di chuyển bằng xe đến Sân bay Quốc tế Changi của Singapore, cách đó khoảng 21,6 km để trở về Roma.
Vatican News