Sáng kiến có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, xuất phát từ lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha về việc Giáo hội trở thành một “bệnh viện dã chiến” giúp đỡ những người đau khổ và bị thiệt thòi thông qua tình yêu thương, lòng thương xót và lòng bác ái.
Cuộc Gặp gỡ lần thứ ba diễn ra tại Roma và là sáng kiến của Hiệp hội Mensajeros de la Paz (Sứ giả Hòa bình) của Tây Ban Nha, quy tụ những nhà tổ chức dẫn đầu các sáng kiến tại các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Ý, Mexico, Argentina và Jordan.
Đức Thánh Cha nói với những người hiện diện trong cuộc tiếp kiến: “Cảm ơn các bạn vì chứng tá đời sống Kitô hữu; hãy tiếp tục truyền bá hy vọng, lòng thương xót và tình yêu thương cho người khác, để những người tin vào chân lý này có thể cùng nhau hợp tác phục vụ những người nghèo nhất…”
Loan báo về Chúa Kitô
Ngài khen ngợi công việc của họ trong Giáo hội vì những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất, đặc biệt là trong ba lĩnh vực: loan báo về Chúa Kitô, khắc phục bất bình đẳng và gieo hy vọng. Ngài khích lệ họ: “Các bạn, được ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp đỡ, hãy cố gắng biến các nhà thờ thành một bệnh viện dã chiến, thúc đẩy ba nguyên tắc này”.
Đức Thánh Cha cũng đặc biệt nhắc lại tầm quan trọng của việc chăm sóc trẻ em, người già và những người đau khổ hoặc buộc phải chạy trốn khỏi chiến tranh. Ngài nhớ đến những trẻ em Ucraina đang đau khổ, mất khả năng mỉm cười.
Bằng cách đưa ra chứng tá về sự chào đón các anh chị em và thông qua cử chỉ hơn là lời nói, Đức Thánh Cha nói, “Tôi khuyến khích các bạn tiếp tục nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô ở mỗi người trong số họ, những người dễ bị tổn thương. Theo cách này, các bạn loan báo Chúa Kitô là Đấng luôn đồng hành với họ, vì Người là Đấng đầu tiên tự trở nên nghèo khó bằng cách từ bỏ mọi thứ”.
Khắc phục bất bình đẳng
Tiếp theo, Đức Thánh Cha ca ngợi những nỗ lực của họ nhằm “khắc phục sự bất bình đẳng”. Ngài thúc giục họ, “Thông qua sứ vụ tông đồ của mình, hãy tố cáo với xã hội rằng sự bất bình đẳng đôi khi rất lớn giữa người giàu và người nghèo không phải là điều Chúa muốn cho nhân loại”, và nhấn mạnh “rằng những điều này phải được giải quyết trong công lý”. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách giải quyết những bất bình đẳng này, thì cấu trúc xã hội mới có thể được khôi phục.
Gieo hy vọng
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng cần phải gieo hy vọng, “cho mỗi người mà các bạn chào đón”, cho dù họ là người vô gia cư, người tị nạn, thành viên của một gia đình dễ bị tổn thương, nạn nhân chiến tranh hay bị thiệt thòi vì bất kỳ lý do nào khác. Ngài nói rằng “Mặc dù anh chị em chúng ta thường cảm thấy choáng ngợp trước một tình huống có vẻ như là ‘ngõ cụt’, các bạn hãy nhắc họ rằng hy vọng Kitô giáo lớn hơn bất kỳ tình huống nào, vì nó dựa trên Chúa chứ không phải con người”.
Vatican News