Người anh em yêu quý
Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha biết ơn về những mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống Syria Malankara kể từ Công đồng Vatican II và nhấn mạnh các chuyến thăm và gặp gỡ mang tính lịch sử giữa những người tiền nhiệm của các ngài. Ngài nói với Đức Thượng phụ Baselios: “Thưa Đức Thượng phụ, tôi xin phép nói rằng ngài đang ở nhà ngài ở đây, như một người anh em yêu quý và được chờ đợi từ lâu.”
Chữa lành những vết thương chia rẽ bằng cầu nguyện, bác ái và đối thoại
Đức Thánh Cha nhìn nhận đức tin cổ xưa của Giáo hội Chính thống Syria Malankara, bắt nguồn từ Thánh Tông đồ Tôma, nhấn mạnh niềm tin chung vào Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa và bày tỏ hy vọng về sự hiệp nhất khi tiến gần đến lễ kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicaea. Đức Thánh Cha lưu ý rằng đức tin của Thánh Tôma không thể tách rời khỏi kinh nghiệm của thánh nhân về những vết thương trên Thân Mình Chúa Kitô. Ngài nói: “Những chia rẽ xảy ra trong suốt lịch sử giữa các Kitô hữu chúng ta là những vết thương đau đớn gây ra trên Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội. Chính chúng ta tiếp tục chứng kiến những hậu quả của chúng”.
Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận những vết thương gây ra bởi sự chia rẽ trong lịch sử giữa các Kitô hữu và sự cần thiết phải cùng nhau chữa lành chúng. Ngài khuyến khích việc cầu nguyện, bác ái và đối thoại như những phương tiện mang họ lại gần nhau hơn.
Không được chia rẽ khi rao giảng Chúa Kitô
Sau đó Đức Thánh Cha đề cập đến thỏa thuận lịch sử về Kitô học của Ủy ban Quốc tế chung; ngài nhấn mạnh rằng những khác biệt về thuật ngữ không được chia rẽ khi rao giảng Chúa Kitô. Ngài nhắc lại rằng “Tuyên ngôn đã tuyên bố một cách đáng ngưỡng mộ rằng, ‘những khác biệt này có thể cùng tồn tại trong cùng một sự hiệp thông và do đó không cần và không nên chia rẽ chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta rao giảng Chúa Kitô cho anh chị em chúng ta trên khắp thế giới theo cách mà họ có thể dễ hiểu hơn'”.
Tôn thờ Chúa tại một bàn thờ Thánh Thể duy nhất
Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin Thánh Tôma Tông đồ cầu bầu cho sự hiệp nhất và chứng tá, bằng việc liên kết với sự hoán cải của Thánh Tôma từ sự hoài nghi đến đức tin khi nhìn thấy những vết thương của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nói: “Chớ gì việc chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng Chúa chịu đóng đinh và phục sinh dẫn đến việc chữa lành hoàn toàn những vết thương trong quá khứ của chúng ta, và vượt qua mọi khoảng cách và hiểu lầm, Người có thể xuất hiện trước mắt chúng ta, ‘Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta’ (x. Ga 20,28), Đấng mời gọi chúng ta nhận ra và tôn thờ Người tại một bàn thờ Thánh Thể duy nhất.”
Vatican News