Sáng kiến “Xây dựng những cây cầu”
Cuộc gặp gỡ trực tuyến có chủ đề “Xây dựng những cây cầu xuyên Nam Á”. Đây là sự kiện thứ ba được tổ chức bởi sáng kiến “Xây dựng những cây cầu”, kết quả của sự hợp tác giữa Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh và Viện Nghiên cứu Mục vụ cũng như Văn phòng Gắn kết Cộng đồng và Toàn cầu của Đại học Loyola ở Chicago.
Các cuộc gặp gỡ trước đó diễn ra vào tháng 2 năm 2022, một ngày sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ucraina, với những người trẻ đến từ Bắc, Nam và Trung Mỹ và sau đó vào tháng 11 năm 2022, với một số sinh viên từ các trường đại học ở châu Phi cận Sahara.
Các bạn trẻ đã kết nối với Đức Thánh Cha từ Trung tâm Nghiên cứu và Linh đạo Loyola Hall ở Lahore, Pakistan; từ Đại học Christ ở Bengaluru, Ấn Độ; từ trường Học viện Thánh Xavier ở Kathmandu, Nepal; từ Đại học Thánh Stephano ở Delhi, Ấn Độ và từ Học viện Loyola ở Chennai, cũng ở Ấn Độ. Các sinh viên tham gia chương trình đến từ các lĩnh vực khác nhau như tâm lý học, kinh tế, vật lý, luật, khoa học máy tính, khoa học, hóa học, triết học, v.v. Họ chia sẻ với Đức Thánh Cha những suy tư và mối quan tâm về các sự kiện hiện tại và xã hội ngày nay.
Florina đến từ Delhi ở Ấn Độ, Nyra đến từ Nepal và Sheril đến từ Pakistan, ba sinh viên đại học Công giáo ở Nam Á, nơi Kitô hữu là thiểu số, đã nói bằng tiếng Anh với Đức Thánh Cha Phanxicô về sự phân biệt đối xử, thành kiến và đàn áp của các xã hội bè phái và đôi khi theo trào lưu cực đoan. Họ chia sẻ với Đức Thánh Cha ước mơ của họ về một tương lai tốt đẹp hơn, sự khó khăn và thất vọng khi không được tự do tuyên xưng đức tin của mình và nỗi sợ hãi khi thấy đức tin của mình bị lung lay.
“Sự tử đạo” của Asia Bibi người Pakistan
Đức Thánh Cha nói rằng chứng tá của họ khiến ngài cảm động và gợi nhớ đến “sự tử đạo” của Asia Bibi người Pakistan, nạn nhân vô tội “của chủ nghĩa cuồng tín sinh ra từ nỗi sợ hãi” về những khác biệt, tạo ra sự phân biệt đối xử chống lại tình huynh đệ. Nguyên nhân “là sự giản lược các giá trị xã hội thành ý tưởng. Và ai không nghĩ như tôi thì tôi biến họ thành kẻ có tội và tử đạo. Nhưng bằng cách này, người ta trở thành những nhà tư tưởng của sự tự sát về văn hóa của chính mình.”
Chứng tá
Trước xã hội quá thiên về chủ nghĩa thế tục, Đức Thánh Cha trả lời rằng giải pháp chỉ có thể là một chứng tá, mạnh mẽ trong “ý tưởng rằng Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho tôi”. Ngài khuyên họ hãy nghĩ về sự táo bạo của cha ông họ khi nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, “và mơ ước rằng chúng ta có thể sống với những quan điểm khác nhau nhưng với một bàn tay dang rộng. Và không bị tê cứng. Điều này làm cho mọi người phát triển. Luôn luôn tha thứ, một bàn tay dang rộng và chứng tá”.
Nạn bắt nạt
Ba sinh viên khác đề cập đến các chủ đề bắt nạt và nạn tử tử của người trẻ. Merilin Rose, sinh viên nghiên cứu hóa học ở Bangalore, chia sẻ rằng khi còn là một thiếu niên, cô đã bị chế giễu “vì thân hình không phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp của xã hội”. Đức Thánh Cha kể rằng trong lớp của ngài có một cậu bé rất béo. Có lần cậu ta bị ngã và tất cả bạn học đều cười nhạo cậu. Nhưng khi bố của ngài biết điều này, ông đã bắt ngài đến nhà người bạn để xin lỗi. Sau này, khi ngài đã là linh mục, ngài đã gặp lại cậu bạn này, khi đó đã là một mục sư Tin lành. Đức Thánh Cha nói rằng cậu bạn đã “vượt qua nỗi đau bị bắt nạt. Cậu ấy là một người đẹp vì sự hài hòa. Mỗi người đều có vẻ đẹp riêng, chỉ cần bạn biết cách nhận biết nó, hài hòa nội tâm và cả bên ngoài”. Ngài nói thêm, các bạn ở Châu Á biết cách tạo ra vẻ đẹp của sự khác biệt này, “đừng nhượng bộ trước cám dỗ đồng hóa mọi thứ”.
Nạn tử tử của người trẻ
Với vấn đề tiếp theo về người trẻ tự sát, Đức Thánh Cha nói một người trẻ tự sát “khi họ không còn nhìn thấy chân trời nữa mà chỉ thấy những cánh cửa khép lại những giấc mơ của mình. Họ phải được giúp đỡ để vượt qua thất bại”. Và hãy nhớ rằng “trong khi thiên thần sa ngã và không đứng dậy được thì Chúa đã ban cho loài người chúng ta khả năng kiên cường”. Điều quan trọng không phải là không gục ngã nhưng là không tiếp tục nằm im và tìm được người giúp chúng ta đứng dậy. Đức Thánh Cha khuyên đừng bao giờ đánh mất khiếu hài hước, “đó chính là sức khỏe tinh thần”.
Vatican News