Đức Giám Mục Barron ‘thẳng thắn bất đồng’ với báo cáo của Thượng hội đồng về ‘sự phát triển giáo huấn luân lý’

Nghe bài này

Courtney Mares của CNA trong bản tin ngày 24 tháng 11 năm 2023 cho hay: Đức Cha Robert Barron đã nói rằng ngài “hoàn toàn không đồng ý” với báo cáo cuối cùng của Thượng hội đồng về tuyên bố của Thượng hội đồng cho rằng những tiến bộ trong khoa học đòi hỏi một sự tiến hóa trong giáo huấn đạo đức của Giáo hội về tình dục con người.

Trong một suy tư được công bố tuần này, vị giám mục của Winona–Rochester, Minnesota, nói rằng thật là “đáng lo ngại” khi thấy các thành viên của hội đồng giám mục Đức đã “sử dụng ngôn ngữ của báo cáo thượng hội đồng để biện minh cho những cải tổ lớn về giáo huấn tính dục của Giáo hội”.

Đức Cha Barron đặc biệt nghi vấn gợi ý trong tàiliệu tổng hợp, cho rằng “những tiến bộ trong hiểu biết khoa học của chúng ta sẽ đòi hỏi phải suy nghĩ lại giáo huấn về tình dục của chúng ta, những phạm trù, dường như, không đủ để mô tả sự phức tạp của tình dục con người”.

Ngài gọi ngôn ngữ này là “hạ thấp truyền thống suy tư đạo đức phong phú trong đạo Công Giáo,” bao gồm cả thần học về thân xác do Thánh Gioan Phaolô II khai triển.

Đức Cha Barron nói: “Nói rằng hệ thống thần học cô đọng, giàu thông tin triết học và đa tầng này không có khả năng xử lý những vấn đề tinh vi của tình dục con người thì thật là vô lý”.

Ngài nói thêm: “Nhưng vấn đề sâu xa hơn mà tôi gặp phải là cách lập luận này dựa trên một lỗi phạm trù – cụ thể là những tiến bộ trong khoa học, do đó, đòi hỏi một sự tiến hóa trong giáo huấn đạo đức”.

“Chúng ta hãy lấy thí dụ về đồng tính luyến ái. Sinh học tiến hóa, nhân chủng học và hóa học có thể cho chúng ta cái nhìn sâu sắc mới mẻ về nguyên nhân và khía cạnh vật lý của sự hấp dẫn đồng tính, nhưng chúng sẽ không cho chúng ta biết hành vi đồng tính luyến ái là đúng hay sai. Việc bàn đến câu hỏi đó thuộc về một phương thức diễn ngôn khác.”

Đức Giám Mục cũng lưu ý rằng trong các cuộc thảo luận tại phiên họp Thượng Hội đồng tháng 10, đã có “sự căng thẳng được nhận thấy giữa tình yêu và sự thật”, đặc biệt xung quanh vấn đề tiếp cận cộng đồng LGBT.

Đức Cha Barron nói, “Trên thực tế, tất cả mọi người tại Thượng Hội đồng đều cho rằng những người có đời sống tình dục nằm ngoài chuẩn mực phải được đối xử bằng tình yêu và sự tôn trọng, và một lần nữa, hoan hô Thượng hội đồng vì đã nhấn mạnh quan điểm mục vụ này. Nhưng nhiều người tham gia Thượng Hội đồng cũng cảm thấy rằng không bao giờ nên gạt bỏ sự thật về giáo huấn đạo đức của Giáo hội liên quan đến tình dục”.

Ngài nói thêm rằng sẽ chính xác hơn khi nói rằng có thể có “sự căng thẳng giữa sự chào đón và sự thật” bởi vì “khi các thuật ngữ được hiểu đúng, thì không có sự căng thẳng thực sự giữa tình yêu và sự thật, vì tình yêu không phải là một cảm giác mà là hành vi qua đó người ta mong muốn điều tốt cho người khác.”

Ngài nói: “Vì vậy, người ta không thể yêu người khác một cách đích thực trừ khi có nhận thức trung thực về điều gì thực sự tốt cho người đó”.

Đức Cha Barron không phải là vị giám mục duy nhất nêu bật cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng về mối quan hệ giữa “tình yêu và sự thật” trong tuần này.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney đã công bố một lá thư mục vụ dài bảy trang về Thượng hội đồng về Tính đồng nghị vào ngày 20 tháng 11, một ngày trước bài suy tư của Đức Cha Barron.

Đức Tổng Giám Mục Fisher viết “Tình yêu và sự thật, chúng ta biết, tìm thấy sự hoàn hảo của chúng không phải ở những triết lý trừu tượng hay những nghiên cứu thực nghiệm mà ở con người cụ thể của Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, tình yêu và sự thật gặp nhau. Chúng ta biết thế nào là yêu thương khi chúng ta biết Đấng là sự thật”.

“Trong suốt thừa tác vụ trần thế của Người, Chúa Giêsu luôn cởi mở với người khác. Người gặp gỡ mọi loại người và mời gọi họ bước vào cuộc sống sung mãn (Ga 10:10). Nhưng cộng đồng đức tin ngày càng bao gồm này cũng được kêu gọi hoán cải sâu sắc hơn bao giờ hết (Mt 4:17). … Được bao gồm trong gia đình của Người, Giáo hội đòi hỏi sự đáp ứng từ chúng ta. Đi đi, Người nói, bạn được tha thứ. Nhân phẩm của bạn được phục hồi. Bạn được yêu thương từ cõi vĩnh hằng cho đến cõi vĩnh hằng. Vậy hãy đi – và đừng phạm tội nữa (Ga 8:11).”

Đức Tổng Giám Mục Úc cũng lưu ý một số giới hạn đối với phương pháp phân định cộng đồng của Thượng Hội đồng, được gọi là “đàm luận trong Chúa Thánh Thần”.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Việc lắng nghe nhau một cách sâu sắc, bày tỏ cảm xúc, gây tiếng vang trong nhóm ngồi chung bàn không phải lúc nào cũng giúp chúng ta tìm ra điều gì là thật và đúng.

“Như một nhà thần học lỗi lạc đã nói với tôi: Trong số nhiều hội nghị mà ngài đã tham dự, hội nghị này là hội nghị tốt nhất về mặt nhân bản nhưng lại mỏng manh nhất về mặt thần học”.

Ngài cũng trích dẫn nhận xét của Linh mục Dòng Tên Anthony Lusvardi rằng trong khi phương pháp đàm luận này rất hữu ích trong việc giúp mọi người hiểu nhau hơn, “nó không phù hợp lắm cho lý luận phức tạp hoặc cẩn thận về thần học hoặc thực tiễn”.

“Làm điều đó đòi hỏi phải có tư duy phê phán, cân nhắc những ưu và nhược điểm trong những gì mọi người nói. Nó cũng đòi hỏi một mức độ khách quan mà phương pháp này không phù hợp để cung cấp. Thần học đúng đắn cần phải luôn đặt câu hỏi: ‘Điều đó nghe có vẻ hay, nhưng nó có đúng không?’”

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói rằng “cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo sự hiểu biết thực sự của Công Giáo về tính đồng nghị, sự hòa nhập và sự phân định”.

Ngài gọi đó là sự quan phòng mà gần một tháng Thượng Hội đồng này trùng với ngày lễ của rất nhiều vị thánh vĩ đại trong lịch phụng vụ của nghi lễ Latinh, trong đó có Thánh Luca, Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, Thánh Teresa Avila, Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Faustina Kowalska.

Đức Tổng Giám Mục Fisher nói, “Chúng tôi được tháp tùng bởi rất nhiều nhân chứng tại Thượng Hội đồng, nhắc nhở chúng tôi mục đích của Giáo hội: kêu gọi các tội nhân đến với sự cứu rỗi và tất cả mọi người đến với sự chữa lành và nên thánh trong Chúa Kitô, hỗ trợ mỗi người sống ơn gọi riêng của họ và hiệp nhất chúng ta với và trong tư cách hiệp thông các thánh”.

“Vì vậy, một tiêu chuẩn hữu ích để đánh giá mọi đề xuất của Thượng Hội đồng là: Liệu nhờ ân sủng của Thiên Chúa, có thể tạo ra thêm các tông đồ và mục tử, các nhà truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo, các tu sĩ và giáo viên, các vị tử đạo và các nhà thần bí, những người nam nữ thánh thiện, chẳng hạn như Giáo hội của chúng ta và thế giới? rất cần phải không?”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS