Hãng tin Reuters, ngày 30 tháng 1 năm 2024, phát đi một bản tin cho hay, ngày 29 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Hai rằng Châu Phi là một “trường hợp đặc biệt” trong việc các giám mục và nhiều người khác ở lục địa này phản đối vấn đề đồng tính luyến ái.
Nhưng ngài nói rằng ngài tin tưởng, ngoại trừ châu Phi, những người chỉ trích quyết định ban phép lành cho các cặp đồng tính cuối cùng sẽ hiểu được điều đó.
Các phép lành đã được cho phép vào tháng trước trong một tài liệu có tên là Fiducia Supplicans (Tin tưởng cầu xin), vốn đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi trong Giáo Hội Công Giáo, với sự phản đối đặc biệt mạnh mẽ đến từ các giám mục Châu Phi.
“Những người phản đối kịch liệt thuộc về các nhóm ý thức hệ nhỏ”, Đức Phanxicô nói với tờ báo La Stampa của Ý. “Một trường hợp đặc biệt là châu Phi: đối với họ đồng tính luyến ái là một điều gì đó ‘xấu’ từ quan điểm văn hóa, họ không dung thứ cho điều đó”.
“Nhưng nói chung, tôi tin tưởng rằng dần dần mọi người sẽ được trấn an bởi tinh thần của tuyên bố ‘Fiducia Supplicans‘ của Bộ Giáo lý Đức tin: nó nhằm mục đích bao gồm chứ không phải chia rẽ”, Đức Phanxicô nói thế.
Tuần trước, Đức Phanxicô dường như thừa nhận sự phản đối mà tài liệu nhận được, đặc biệt là ở Châu Phi, nơi các giám mục đã bác bỏ nó một cách hữu hiệu và ở một số quốc gia, đồng tính luyến ái có thể dẫn đến nhà tù hoặc thậm chí là án tử hình.
Ngài nói rằng khi ban phép lành, các linh mục nên “một cách tự nhiên tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm, nơi mình sống và những cách thích hợp nhất để thực hiện điều đó”.
Trong cuộc phỏng vấn với La Stampa, Đức Phanxicô cho biết ngài không lo ngại về nguy cơ những người bảo thủ tách khỏi Giáo Hội Công Giáo do những cải cách của ngài, đồng thời nói rằng những cuộc thảo luận về ly giáo luôn được dẫn dắt bởi “các nhóm nhỏ”.
Ngài nói: “Chúng ta phải để họ làm việc đó và tiếp tục…và nhìn về phía trước”.
Quay sang Israel và Palestine, ngài nói “hòa bình thực sự” giữa họ sẽ không thành hiện thực cho đến khi giải pháp hai nhà nước được thực thi và than thở rằng xung đột giữa họ ngày càng mở rộng.
Đức Phanxicô xác nhận rằng ngài dự kiến gặp tổng thống của quê hương Á Căn Đình, Javier Milei, vào ngày 11 tháng 2, và việc cuối cùng đến thăm đất nước này – nơi ngài đã không trở lại kể từ khi trở thành giáo hoàng vào năm 2013 – là một khả thể.
Ngài cho biết chương trình nghị sự của ngài cho năm 2024 hiện bao gồm các chuyến đi tới Bỉ, Đông Timor, Papua New Guinea và Indonesia.
Nói về sức khỏe của mình, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây do phải nhập viện, gặp vấn đề về di chuyển cũng như các chuyến đi hoặc sự kiện bị hủy bỏ, người đàn ông 87 tuổi này cho biết, “có một số cơn đau nhức nhưng giờ đã đỡ hơn, tôi ổn.”