Đến Rio, lịch trình thăm viếng của Đức Phanxicô rất đa dạng, nhưng làm gì thì làm, giới trẻ vẫn là chiếc đinh trong chuyến viếng thăm này. Chính vì thế trong ngày 25 tháng 7, đã có tới ba bài nói chuyện của ngài cho giới trẻ tại Rio de Janeiro. Hai bài đầu nói với giới trẻ tại Copacabana, bài cuối nói với giới trẻ Á Căn Đình tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013.
Đức tin
Ba bài nói chuyện này có gì chung? Dĩ nhiên là đức tin. Cả ba bài nói chuyện đều nhấn mạnh tới chủ đề này, chủ đề của Năm Đức Tin vẫn còn đang tiếp diễn và chủ đề của Ánh Sáng Đức Tin, thông điệp đầu tiên của triều giáo hoàng Phanxicô, vừa được ngài công bố trước khi tới Rio không lâu.
Theo đường hướng Ánh Sáng Đức Tin, Đức Phanxicô, trong lời chào mừng bạn trẻ tại Copacabana, đã nhấn mạnh tới đức tin như một tặng phẩm, trước nhất đến từ gia đình và cộng đồng địa phương. Chính chiều kích truyền thừa hay chiều kích cộng đồng này của Đức Tin đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng đến đây để củng cố đức tin của người trẻ, đức tin vào Chúa Kitô hằng sống, Đấng luôn ngự trong người trẻ.
Điều đặc biệt nói lên đức khiêm tốn của vị đương kim giáo hoàng là liền ngay sau đó, ngài cho người trẻ hay: “Nhưng cha cũng đến đây để được sự nhiệt tình trong đức tin của chúng con củng cố”. Người đi củng cố cũng là người mong được người được củng cố củng cố! Hình như người trẻ chưa lúc nào được nghe một câu lạ tai đến thế. Đúng là “các thánh cùng thông công”. Ecclesia docens cũng là ecclesia audiens!
Nhấn mạnh như trên, Đức Phanxicô không hẳn muốn thay đổi sứ mệnh mà chính ngài vẫn cho là của riêng giám mục Rôma tức củng cố anh chị em mình trong đức tin, nhưng ngài nghiêng về chiều kích nhân bản khi thêm rằng: đức tin của một giám mục rất dễ trở thành buồn thảm, vì bí không giải quyết được man vàn các vấn đề thuộc chức vụ. Nó cần được lòng nhiệt thành của giới trẻ vực dậy.
Trong bài giảng của buổi cầu nguyện tại Copacabana, Đức Phanxicô sẽ nói nhiều hơn tới đức tin này và sẽ nối kết nó với đức cậy và đức mến nơi Chúa Kitô hằng sống, khi nhắc người trẻ nhớ tới hành trình xuyên suốt Ba Tây của Thánh Giá Đại Hội trên chuyến xe lửa Bota Fé, hãy mặc lấy đức tin.
Mặc lấy đức tin cũng giống như đổ muối, đổ dầu trên đồ nấu. Trong tiếng Việt, động từ mặc và động từ đổ quả có nghĩa khác nhau. Nhưng đối với người phương Tây, trong cả hai kiểu nói này người ta đều có thể dùng cùng một động từ, được tiếng Anh dịch là “put”: đổ là “put” mà mặc là “put on”. Thánh Augustinô vẫn có sở trường chơi chữ kiểu này. Tuy nhiên xét cho cùng đổ muối, đổ dầu trên đồ nấu, muối và dầu sẽ thấm dần vào đồ nấu biến nó thành thơm ngon ý vị; mặc lấy đức tin, đức tin sẽ thẩm thấu vào con người ta, biến ta thành thơm ngon ý vị không kém.
Đức Phanxicô bảo rằng “cuộc sống của chúng ta cũng thế, các bạn trẻ thân yêu: nếu chúng ta muốn nó thực sự có ý nghĩa và thành tựu, như các con muốn và như các con đáng được, cha nói với mỗi người trong các con, ‘Hãy mặc lấy đức tin’, và cuộc sống của các con sẽ có một hương vị mới, nó sẽ có một la bàn để chỉ đường cho các con; ‘hãy mặc lấy hy vọng’ và mỗi ngày của các con sẽ được soi sáng và chân trời của các con sẽ không còn tăm tối, nhưng sáng sủa; ‘hãy mặc lấy tình yêu’, và cuộc đời của các con sẽ như một căn nhà được xây trên đá, cuộc hành trình của các con sẽ là cuộc hành trình vui mừng, bởi vì các con sẽ gặp nhiều bạn bè để cùng hành trình với các con”.
Đức tin hay đức cậy hoặc đức mến dĩ nhiên phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điều này đồng nghĩa với huấn giáo “Hãy mặc lấy Đức Kitô”, đặt niềm tin nơi Người, chứ không nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực. Đức Phanxicô cho rằng đặt niềm tin trên chúng, rất có thể chúng sẽ mang đến cho ta “một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng hạnh phúc” và cuối cùng, “chúng sẽ chiếm hữu ta và khiến ta luôn muốn nhiều hơn, không bao giờ thoả mãn”. Hậu quả là đầy ứ mà lại thiếu dinh dưỡng, khiến nhiều người trẻ hiện nay tuy lúc nào cũng “đầy bụng” mà thật yếu đuối.
Trái lại, nếu lấy ta ra khỏi trung tâm và đặt Chúa Kitô vào đó, ta sẽ được “an toàn, sức mạnh và hy vọng. Nhìn bề ngoài, không có gì có vẻ thay đổi cả, nhưng tận đáy lòng con người chúng ta, tất cả mọi sự đều thay đổi. Khi Thiên Chúa hiện diện ở đó, tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm, thanh thản và niềm vui, là tất cả hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:22)”.
Nhưng đức tin vào Chúa Kitô không phải là chuyện dỡn. Trong bài nói chuyện sau đó với các bạn trẻ Á Căn Đình tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013, Đức Phanxicô nhấn mạnh tới khía cạnh “tai tiếng” (scandal) của đức tin vào Chúa Kitô. Tai tiếng, khó chấp nhận, vì Thiên Chúa nào lại đến làm mình trở thành một phàm nhân như ta! Lại còn chịu chết trên thập giá nữa! Quả là khó nghe.
Tuy nhiên, đối với người tin, thập giá Chúa Kitô là cách thế chắc chắn, cách thế chắc chắn duy nhất để được giải thoát và thành toàn. Nhân dịp này, ngài khuyên bạn trẻ Á Căn Đình đừng hóa lỏng đức tin vào Chúa Kitô, đừng pha phôi như kiểu người ta pha chế sữa lắc với nước cam, sữa lắc với nước táo, nước chuối. Vì “đức tin là một toàn bộ… Đây là đức tin vào Con Thiên Chúa làm người, Đấng yêu tôi và chết cho tôi”. Phải chăng vì người trẻ Á Căn Đình khoái uống sữa lắc thuộc các loại trên, nên Đức Phanxicô mới mang chúng ra ví von?
Điều cũng đáng lưu ý nữa là trong bài nói với giới trẻ Á Căn Đình, Đức Phanxicô không những chỉ thúc đẩy họ mà còn thúc đẩy cả người già phải ra ngoài để truyền giảng đức tin. “Cha muốn mọi người ra ngoài! Cha muốn Giáo Hội ra ngoài phố! Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình…”. Tóm lại là chống lại triết lý thờ phượng thần tài (god-money), là thứ hiện đang loại trừ cả hai cực của cuộc sống, vốn là hứa hẹn của quốc gia: cực già vừa bị an tử kín đáo tức không được chăm sóc, vừa bị an tử văn hóa tức không được phép nói; cực trẻ: không có việc làm, mất hết phẩm giá!
Thành thử, ngài bảo người trẻ phải ra ngoài để minh chứng giá trị của họ. Họ phải đấu tranh cho giá trị. Nhưng cả người già nữa “cũng phải mở miệng ra; họ phải mở miệng ra để dạy chúng ta, truyền thụ cho ta túi khôn của đất nước. Tại đất nước Á Căn Đình, tứ tận đáy lòng tôi, tôi muốn xin điều này nơi người già: các vị đừng lẩn tránh nhiệm vụ phải là kho dự trữ văn hóa của dân tộc ta, để thông truyền công lý, thông truyền lịch sử, thông truyền giá trị, thông truyền ký ức dân tộc. Còn người trẻ, các con đừng án ngữ người già! Hãy để các ngài lên tiếng, hãy lắng nghe các ngài, và hãy tiến về phía trước. Nhưng hãy biết, hãy biết điều này: hiện tại, các con, cả trẻ lẫn già, đều đang bị kết án chung một số phận là bị loại trừ. Đừng để các con bị loại trừ! Rõ chưa?” Thiển nghĩ chẳng còn lời kêu gọi nào thống thiết hơn.
Niềm vui và ánh sáng
Nhưng cả ba thông điệp đều không hẳn mang giọng bi quan. Đức Phanxicô nhiều lần nói tới niềm vui, niềm hy vọng, ánh sáng.
Niềm vui này trước nhất phát xuất từ chính người trẻ hiện diện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đức Phanxicô gọi họ là các anh hùng, coi thường mưa gío lạnh lẽo và luôn phản ảnh vẻ đẹp nơi gương mặt trẻ trung của Chúa Kitô. Nét anh hùng ấy thể hiện rõ nơi Sophie Morinière, người bất chấp gian nguy, đã mạnh mẽ lên đường tới Rio và hy sinh tính mệnh trên chuyến xe búyt chở em đi! Em được Đức Phanxicô và gần 500,000 bạn trẻ thế giới mặc niệm tại Bãi Copacabana.
Qua Sophie, ngài ca tụng nét anh hùng của tất cả “chúng con đã đến từ mọi châu lục! Chúng con đã đến từ rất xa, không chỉ về địa lý, nhưng còn về quan niệm sống, văn hóa, xã hội và nhân bản. Nhưng hôm nay chúng con ở đây, hay đúng hơn, tất cả chúng ta cùng nhau ở đây, kết hợp làm một, để chia sẻ đức tin và niềm vui của một cuộc gặp gỡ Đức Kitô, trong việc làm môn đệ Người. Tuần này, Rio đã trở thành trung tâm của Hội Thánh, trái tim của nó vừa sống động vừa trẻ trung, bởi vì chúng con, chúng con đã quảng đại và can đảm đáp lại lời mời mà Đức Kitô đã đề ra cho chúng con để được ở Người và trở thành bạn hữu của Người”.
Rồi trong bài giảng của buổi cầu nguyện sau đó, Đức Phanxicô nói tới niềm vui hội ngộ mà các tông đồ xưa từng nói lên cách đây hai ngàn năm “được ở đây, thật là tốt quá!”. Còn gì tốt khi “tất cả chúng ta được tụ họp lại với nhau quanh Chúa Giêsu! Chính Người là Đấng đón chào chúng ta và đang hiện diện giữa chúng ta, nơi đây, ở Rio… bởi vì chính trong việc đón tiếp Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, mà Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng con đường đi đến tương lai của chúng ta và làm cho đôi cánh hy vọng của chúng ta lớn lên để chúng ta hân hoan tiến bước trên con đường ấy (xem Thông Điệp Lumen Fidei, 7).
Theo Đức Thánh Cha, khi mặc lấy Chúa Kitô “mỗi ngày của các con sẽ được soi sáng và chân trời của các con sẽ không còn tăm tối, nhưng sáng sủa… cuộc đời của các con sẽ như một căn nhà được xây trên đá, cuộc hành trình của các con sẽ là cuộc hành trình vui mừng, bởi vì các con sẽ gặp nhiều bạn bè để cùng hành trình với các con”.
Niềm vui của người tin phát sinh từ việc nhờ Chúa Kitô, đời họ được biến đổi, được đổi mới. Họ nhìn thực tại với cái nhìn mới, theo cách nhìn và con mắt của Người (xem TĐ Lumen Fidei, 18). “Hãy mặc lấy Đức Kitô và các con sẽ thấy đôi cánh hy vọng giang ra để các con hành trình với niềm vui hướng về tương lai”.
Nói cách khác, như trên đã nói, đức tin biến “tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngụ của sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm, thanh thản và niềm vui, là tất cả hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5:22)”, tất cả đều là những giá trị tích cực mà thế hệ này hết sức khao khát và tìm kiếm. Theo Đức Thánh Cha, những giá trị tích cực này có thể có được nhờ chạy tới Phép Hòa Giải, bí tích của “lòng thương xót tinh tuyền”, tới Phép Thánh Thể, bí tích của tình yêu hy sinh” và tới “lòng nhân đạo của nhiều người trẻ là những người sẽ phong phú hóa các con với tình bằng hữu của họ, khuyến khích các con bằng việc làm chứng cho đức tin của họ, và dạy các con ngôn ngữ của đức ái, sự tốt lành và phục vụ”.
Đức Thánh Cha cũng khích lệ người trẻ làm “chứng nhân vui vẻ cho tình yêu của Người, chứng nhân can đảm của Tin Mừng của Người, để mang đến trong thế giới này một chút ánh sáng của Người”.