Đức Thánh Cha chia sẻ bức thư của một người bị lạm dụng và cầu xin mọi người đối diện với sự thật, đừng cố gắng che đậy
Phản bội và bất trung diễn ra ngay trong thời của Chúa Giêsu. Một trong 12 Tông đồ do chính Chúa Giêsu tuyển chọn, là Giuđa, đã phản bội và bán Ngài với giá 30 đồng bạc. Phêrô đã từng chối Chúa, và các môn đệ đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu. Phản bội và bất trung trong Giáo Hội đời nào cũng có. Tuy nhiên, điều đó càng minh chứng cho một sự thật quan trọng này: Giáo Hội không phải là một tổ chức trần thế, nhưng được Chúa hình thành, hướng dẫn và bảo vệ. Một tổ chức trần thế với đầy những phản bội và bất trung như thế tan tành từ lâu rồi.
Một người trưởng thành từng bị một linh mục lạm dụng đã kêu gọi các chủng sinh trên thế giới trở thành những linh mục tốt và phải bảo đảm rằng “sự thật dù cay đắng” vẫn phải được nêu bật, chứ không phải là im lặng hay tìm mọi cách che dấu những tai tiếng.
“Xin đừng quét những thứ đó dưới tấm thảm, vì khi đó chúng bắt đầu bốc mùi, thối rữa, và tấm thảm sẽ tự thối rữa. Chúng ta hãy nhận ra rằng nếu chúng ta che giấu những sự thật này, khi chúng ta ngậm miệng, chúng ta che giấu sự bẩn thỉu và do đó chúng ta trở thành một người cộng tác cho những sự bẩn thỉu ấy,” người bị lạm dụng nói trong một bức thư gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô và gửi cho tất cả các chủng sinh.
Sống trong sự thật là noi theo gương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng không bao giờ nhắm mắt trước tội lỗi hay kẻ có tội, nhưng “sống theo chân lý với tình yêu thương… Đấng chỉ ra tội lỗi và kẻ tội lội bằng tình yêu,” bức thư nói.
Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đã đăng lại nội dung bức thư trên trang web của mình vào ngày 18 tháng 10 và cho biết thêm bức thư, viết bằng tiếng Ý, đã được gửi đến Đức Thánh Cha Phanxicô, và chính Đức Thánh Cha đã yêu cầu công bố toàn bộ bức thư, ngoại trừ danh tính của tác giả.
Chủ tịch của ủy ban, Đức Hồng Y Hoa Kỳ Seán P. O’Malley, cho biết, “Trong thời kỳ đổi mới và hoán cải mục vụ này, trong đó Giáo hội đang đối mặt với các tai tiếng và các vết thương do lạm dụng tình dục gây ra ở khắp mọi nơi trên rất nhiều con cái của Chúa, Đức Thánh Cha của chúng ta đã nhận được từ một người bị lạm dụng, một lời chứng can đảm hướng đến tất cả các chủng sinh”.
Bằng cách chia sẻ công khai lời chứng này, “Đức Thánh Cha Phanxicô muốn hoan nghênh tiếng nói của tất cả những người bị thương và chỉ cho tất cả các linh mục loan báo Tin Mừng con đường dẫn đến việc phụng sự Thiên Chúa đích thực vì lợi ích của tất cả những người dễ bị tổn thương,” Đức Hồng Y viết trong một giới thiệu về bức thư.
Người phụ nữ viết lá thư giải thích việc cô bị một linh mục hãm hại trong nhiều năm thời con gái, khiến cô gặp nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng bao gồm các rối loạn tâm thần phân liệt, căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, ác mộng và cảm giác lan tỏa sợ hãi – về người khác, về việc mắc sai lầm, về những đụng chạm.
Cô viết: “Tôi sợ các linh mục, sợ ở gần họ”, và cô không thể đi lễ nữa vì “không gian thánh thiêng “từng là ngôi nhà thứ hai” của cô giờ chỉ gây ra nỗi đau và sự sợ hãi.
Cô ấy nói rằng cô ấy đang cố gắng “sống sót, để cảm nhận niềm vui, nhưng trên thực tế, đó là một cuộc chiến vô cùng khó khăn.”
Cô ấy nói với Đức Giáo Hoàng rằng cô ấy đang viết thư vì cô ấy muốn rằng “sự thật cay đắng chiếm ưu thế.”
“Con viết ra đây cũng nhân danh những nạn nhân khác… những đứa trẻ bị tổn hại sâu sắc, tuổi thơ, sự trong sáng và lòng tự trọng đã bị đánh cắp… bị phản bội và lòng tin vô bờ bến bị lợi dụng… những đứa trẻ có trái tim đập, biết thở, những người sống… nhưng họ đã bị giết một lần, hai lần, nhiều lần. … Linh hồn của họ đã bị biến thành những mảnh máu nhỏ,” cô viết.
Những người lớn từng phải trải qua “thói đạo đức giả này” khi còn nhỏ sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi nó; họ có thể cố gắng quên hoặc tha thứ, “nhưng những vết sẹo vẫn còn trong tâm hồn họ và không bao giờ biến mất,” cô nói.
Sự ngược đãi này cũng gây hại cho Giáo hội, và “Giáo hội là mẹ của con và rất đau lòng khi bị thương, khi bị vấy bẩn,” bức thư viết.
“Con muốn yêu cầu các thầy bảo vệ Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô,” cô viết trong lời kêu gọi các chủng sinh.
Giáo hội “đầy vết thương và vết sẹo. Xin đừng để những vết thương đó trở nên sâu hơn và những vết thương mới xuất hiện,” cô viết, nhắc nhở các chủng sinh rằng họ đã được Chúa kêu gọi để trở thành khí cụ của Ngài và để phục vụ Ngài qua những người khác.
“Các thầy có trách nhiệm lớn lao! Một trách nhiệm không phải là gánh nặng, mà là một ân sủng “cần được đón nhận với sự khiêm tốn và tình yêu thương!”.
Cô ấy kêu gọi các chủng sinh đừng cố che giấu hoặc im lặng về tai tiếng, nói rằng, “Nếu chúng ta muốn sống theo sự thật, chúng ta không thể nhắm mắt!”
Cô viết: “Làm ơn, hãy nhận ra rằng các thầy đã nhận được một món quà to lớn” là “hóa thân của Chúa Kitô trong thế giới”. “Mọi người, và đặc biệt là trẻ em, không nhìn thấy chỉ một người trong các thầy, nhưng họ nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà họ tin cậy vô bờ bến.”
“Nó là một thứ gì đó to lớn và mạnh mẽ, nhưng cũng rất mong manh và dễ bị tổn thương. Xin hãy là một linh mục tốt.”