Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc đến hai cột mốc quan trọng của Liên đoàn: năm 1924, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã chúc lành cho hiệp hội đầu tiên của 18 đại học Công giáo; năm 1949, Đấng Đáng kính Piô XII đã thành lập Liên đoàn các Đại học Công giáo.
Đức Thánh Cha nói ngài muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh của nguồn gốc lịch sử này nhằm khuyến kích sự cộng tác giữa gần hai ngàn đại học Công giáo trên thế giới. Thật vậy, trong một thế giới đang bị phân mảnh hiện nay điều quan trọng là các đại học Công giáo phải đi đầu trong các nỗ lực xây dựng nền văn hoá hoà bình, điều cần được giải quyết trong một tầm nhìn liên ngành. Trích Tông hiến Ex corde Ecclesiae – Từ trung tâm của Giáo hội của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nói thêm “các đại học Công giáo là một trong những công cụ tốt nhất mà Giáo hội cung cấp cho thời đại chúng ta”.
Đối với Đức Thánh Cha, trong một thời điểm giáo dục đang bị biến thành một “ngành kinh doanh”, thì các tổ chức Giáo hội phải cho thấy rằng mình có một bản chất và hành động phù hợp với một suy nghĩ khác. Một tổ chức giáo dục không chỉ dựa trên các chương trình hoàn hảo, trang thiết bị hiệu quả hoặc thực tiễn kinh doanh tốt. Một niềm say mê lớn hơn phải làm sinh động trường đại học, như được thấy rõ trong một cuộc tìm kiếm chung về sự thật, một chân trời ý nghĩa lớn hơn, sống trong một cộng đồng tri thức nơi có thể cảm nhận tự do của tình yêu.
Để được như vậy, các đại học Công giáo không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức hàn lâm, chuẩn bị nghề nghiệp, nhưng phải giúp sinh viên khám phá những thiên hướng hiệu quả, truyền cảm hứng cho những con đường đích thực và đóng góp cá nhân cho cộng đồng lớn hơn. Chắc chắn trong thời nay người ta cần nghĩ đến trí tuệ nhân tạo, nhưng không thể bỏ qua trí tuệ tâm linh, bởi vì nếu không có trí tuệ này con người vẫn là người xa lạ với chính mình.
Đức Thánh Cha mời gọi những người hiện diện tự hỏi: “Mục đích của việc học mà chúng ta truyền đạt là gì? Tiềm năng biến đổi của kiến thức của chúng ta tạo ra là gì? Chúng ta phục vụ cái gì và ai?”. Và ngài nhấn mạnh: “Sự trung lập là một ảo tưởng. Một trường đại học Công giáo phải đưa ra những lựa chọn, những lựa chọn phản ánh Tin Mừng. Nó phải giữ vững lập trường và thể hiện rõ ràng trong hành động của mình, ‘làm bẩn đôi tay’ theo tinh thần Tin Mừng, để biến đổi thế giới và phục vụ con người”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì các đại học Công giáo đang thực hiện, và yêu cầu các trung tâm giáo dục giúp Giáo hội làm sáng tỏ những khát vọng sâu xa nhất của con người bằng cách đưa ra những cái nhìn sâu sắc và hiểu biết, cũng như “những lý do hy vọng” (1Pr 3, 15)
Vatican News