Trong đại hội lần “OneLife LA” – Một Sự sống – lần thứ 4 được tổ chức vào ngày 20 tháng 1 vừa qua (2018) tại Los Angeles, có một diễn giả nổi tiếng và rất đặc biệt, là một người bị hội chứng Down, đó là Karen Gaffney. Khi lên 6 tuổi, Karen Gaffney khám phá ra mình mắc hội chứng Down. Khi những đứa trẻ bạn của Gaffney gọi tên cô bé, Gaffney không hiểu tại sao. Cha mẹ của Gaffney đã quyết định nói cho con gái biết là cô bị hội chứng Down. Gaffney nhớ lại rằng dù mẹ của cô đã nói với cô là thỉnh thoảng những người mắc hội chứng Down chậm hiểu và cần nhiều thời gian để học biết những sự việc, nhưng cha mẹ của cô không nói cho con gái biết một điều là hội chứng Down sẽ làm cô không đạt được những thành công lớn trong cuộc sống. Trái lại, cha mẹ Gaffney đã khuyến khích cô theo đuổi tài năng của mình và thúc đẩy cô ra khỏi nơi mà cô đóng mình lại vì cảm thấy được an toàn dễ chịu.
Năm nay Gaffney 40 tuổi, tuy bị hội chứng Down nhưng cô đã đạt được nhiều thành công mà những người bình thường cũng khó tưởng được. Gaffney là một vận động viên bơi đường dài nổi tiếng; cô là người bị hội chứng Down đầu tiên hoàn thành cuộc thi bơi tiếp sức qua kênh đào Anh quốc, phân tách nước Anh và nước Pháp, rộng hơn 33 km; cô cũng bơi qua hồ Tahoe ở Cali với bề rộng gần 15 km. Gaffney là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Karen Gaffney Foundation, là tổ chức bảo vệ cho những người khuyết tật trí tuệ được các gia đình, trường học, nơi làm việc và công đoàn đón nhận. Gaffney còn làm việc bán thời gian tại Đại học Khoa học Y tế Portland và là một nhà diễn thuyết nổi tiếng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo National Catholic Register, bên lề đại “một sự sống” hôm 20 tháng 1 ở Los Angeles, Gaffney đã chia sẻ về cuộc đời mình và vai trò của đức tin trong cuộc sống của cô, đặc biệt là trong những thành tựu mà cô đạt được. Gaffney chia sẻ: “Cha của tôi dạy tôi bơi khi tôi mới được 9 tháng tuổi. Tôi có thể bơi trước khi tôi biết đi. Tôi thích bơi bởi vì tôi có thể nhảy vào hồ bơi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, và bơi nhanh và lâu hơn bất cứ ai ở trong hồ bơi với tôi. Tôi thích bơi ở sông hồ hay biển cả, bởi vì không có nhiều người có thể làm, nhưng tôi có thể! Tôi có thể chữa lành các cuộc giải phẫu hông bằng cách bơi, nhưng hơn thế nữa, tôi yêu thích cảm giác hoàn thành khi tôi hoàn tất một bài thể dục dưới nước.
Tôi thường bơi 2 dặm một ngày. Nếu tôi đang tập luyện cho một cuộc thi bơi tự nhiên, tôi sẽ bơi hơn 2 dặm. Tôi cần khoảng một giờ để bơi 2 dặm trong hồ bơi. Sau khi bơi, tôi thường đạp xe khoảng 30 phút. Thể dục thường xuyên giúp tôi nhiều thứ. Tôi làm công việc thư ký khoảng 20 giờ một tuần tại Đại học Y khoa và Khoa học Oregon và tôi luôn tập thể dục trước khi làm việc. Thể dục giúp tôi tập trung vào công việc.
Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi chúng ta có những câu chuyện tích cực về hội chứng Down trên báo chí, bởi vì nó giúp người ta thấy hội chứng Down thực sự như nó là ngày này. Mỗi ngày, những người bị hội chứng Down đang tỏ rằng chúng tôi thuộc về thế giới này và hội chứng Down là điều không nên bị loại trừ, như nước Iceland muốn làm. (Iceland muốn phá các bào thai có kết quả siêu âm bị hội chứng Down với ý muốn loại hoàn toàn người Down khỏi quốc gia này.)
Hồi hè vừa qua tôi đọc câu chuyện về một cậu bé 17 tuổi bị hội chứng Down, một người bơi giỏi trong môi trường tự nhiên như tôi. Khi cậu đang trên bờ biển ở Italia với cha của mình, cậu nhìn thấy hai cô gái bị thủy triều kéo ra xa, mà các người cứu hộ thì ở xa. Thế là hai cha con nhảy xuống biển và mỗi người cứu một cô gái, đưa họ lên bờ an toàn vừa khi người cứu hộ đến. Chàng trai bị hội chứng Down đã tham gia các lớp cúu hộ và biết cách chăm sóc cô gái nhỏ. Giờ đây, tôi tự hỏi bà mẹ của cô gái đó nghĩ gì khi nghe người nào đó trong ngành y tế nói rằng người bị hội chứng Down không thích hợp với cuộc sống. Chàng trai cứu cô gái không phải là một trường hợp đặc biệt, cậu ta có khả năng. Cậu ta đang tỏ khả năng của mọi người sinh ra với hội chứng Down.
Có người hỏi tôi đức tin có ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống của tôi. Tôi nhớ đến một điều tôi đã học trong lớp tôn giáo ở trường trung học Đức Maria. Lúc đó tôi học năm đầu ở trường này và mọi môn học trở nên khó đối với tôi. Tôi học chăm chỉ để có thể bắt kịp các bạn và tôi không chắc mình có thể tốt nghiệp không. Thế rồi trong một lớp tôn giáo, tôi nhớ giáo viên đã nói về cách chúng ta sống cuộc đời của chúng ta và cô ấy nói rằng mọi cuộc sống là một món quà từ Thiên Chúa và những điều chúng ta làm trong cuộc sống là một món quà của chúng ta dâng lại cho Chúa. Vào lúc đó, tôi đã nghĩ là tôi phải tiếp tục cố gắng ở trường học như là món quà của tôi dâng lại cho Chúa. Nó thật sự là khó nhưng tôi đã tiếp tục và tôi đã có thể tốt nghiệp với tấm bằng trung học bình thường. Tôi đã nghĩ “có thể đó là món quà đầu tiên của tôi dâng lại cho Chúa.” Tôi hy vọng Chúa yêu thích điều này. Bất cứ lúc nào tập luyện thật mệt nhọc gian khổ hay đang bơi một cuộc thi dài, tôi nghĩ về món quà của tôi cho Chúa. Nó giúp tôi cách đặc biệt trên các đường bơi dài.
Vì tôi biềt nhiều hơn về những điều thỉnh thoảng xảy ra khi các phụ huynh biết rằng con của họ sẽ bị hội chứng Down, tôi nghĩ đến điều chúng tôi đã được dạy: mọi sự sống là một món quà của Chúa. Đối với tôi, điều đó nghĩa là mọi sự sống có ý nghĩa, ngay cả nếu bạn sẽ bị sinh ra với thêm một nhiễm sắc thể. Tôi tin rằng chúng ta, tất cả chúng ta đều có ý nghĩa khi chúng ta ở đây, không kể đến các nhiễm sắc thể chúng ta có. Và tất cả chúng ta có thể dâng lại cho Chúa theo cách mà chúng ta sống cuộc đời của mình. (NCRegister 18/01/2018)
Hồng Thủy