Ken Craycraft, Giáo sư Thần học tại Chủng viện và Trường Thần học Mount St Mary ở Cincinnati, OH, trên Catholic Herald ngày 30 tháng 10 năm 2024, viết:
Rất sớm thôi, người Mỹ sẽ bước vào giai đoạn đầu của quá trình giải độc khỏi bữa tiệc rượu kéo dài bốn năm mà chúng ta gọi là cuộc bầu cử tổng thống. Khi tôi viết những dòng này, tôi không biết ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ. Nhưng tôi biết rằng Hoa Kỳ sẽ lại là kẻ thua cuộc.
Bất kể ai thắng, chúng ta sẽ bầu ra một người không và không thể chữa lành vết thương của nền chính trị quốc gia độc hại của chúng ta. Người chiến thắng sẽ tiếp tục duy trì những thái độ và chính sách chia rẽ giống như đặc điểm của nền văn hóa chính trị bệnh hoạn của chúng ta.
Đối với người Công Giáo Hoa Kỳ, đây là một cơ hội nữa để suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc tham gia vào đời sống công cộng nói chung và chính trị Hoa Kỳ nói riêng. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta nhận ra vị trí phụ thuộc mà chính trị – đặc biệt là chính trị Hoa Kỳ – nên có trong cuộc sống của chúng ta.
Hơn bất cứ nhóm nhân khẩu học nào của người Mỹ, người Công Giáo nên cảnh giác không nên quá chú trọng vào kết quả của các cuộc tranh cử chính trị như chúng ta đang chú trọng. Tuy nhiên, chúng ta dường như không khác gì những người không theo Công Giáo khi coi chính trị Hoa Kỳ có một vị thế cao quý trong đời sống đạo đức của chúng ta, cả công khai và riêng tư. Chúng ta đặt đặc quyền này vào huyền thoại tai hại về chủ nghĩa phi thường chính trị Hoa Kỳ.
Khi thành lập vào cuối thế kỷ 18, đất nước này được cho là độc đáo trong lịch sử chính trị thế giới. Thay vì hình thành một tập hợp các định chế chính trị và pháp lý bắt nguồn từ bản sắc dân tộc và ngôn ngữ chung, Hoa Kỳ hoàn toàn được hình thành bởi một tập hợp các ý tưởng chính trị.
Chúng ta có một nền chính trị nhưng không phải là một quốc gia; điều “gắn kết” chúng ta với tư cách là người Mỹ là cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa cá nhân khư khư giữ làm của riêng. Sự tận tụy này được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta, nơi chúng ta viện dẫn đến sự hư cấu về các quyền cá nhân không thể chuyển nhượng. Thay vì bằng lòng với sự phản kháng đối với chế độ chuyên chế chính trị, chúng ta đã thể chế hóa bệnh lý của chủ nghĩa cá nhân khư khư giữ làm của riêng.
Cốt lõi của hệ thống chính trị Hoa Kỳ là thỏa thuận trớ trêu của chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là kẻ thù của nhau, được thể hiện thông qua các yêu sách hỗ tương về các quyền tự chủ đầy ám ảnh. Khi chấp nhận “trật tự mới cho các thời đại” này, như đồng tiền của chúng ta nhắc nhở, chúng ta tôn kính các cấu trúc chính trị và pháp lý vốn làm thành luật các yêu sách cá nhân chủ nghĩa của mình.
Khi đã định hướng như vậy, càng đi xa trên con đường, chúng ta càng trở nên xa lạ đối với nhau – và chính trị của chúng ta càng trở nên hung hăng và độc hại hơn. Chúng ta đã thiết lập chính trị của mình trên nền tảng của sự bất đồng và ngạc nhiên khi mọi người trở nên bất đồng hơn.
Hệ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của người Mỹ không chỉ đơn thuần là quan điểm độc hại về con người và đời sống chính trị. Theo quan điểm của thần học đạo đức Công Giáo, đó là một quan điểm sai lầm.
Bằng cách tuân theo chủ nghĩa cá nhân theo phong cách Hoa Kỳ, người Công Giáo Hoa Kỳ duy trì một nền chính trị làm xói mòn đức tin của chính chúng ta – và chúng ta góp phần vào một nền văn hóa sẽ tiếp tục xu hướng thù địch ổn định đối với người Công Giáo và đạo Công Giáo. Chủ nghĩa tự do của Mỹ đã bán cho người Công Giáo Hoa Kỳ sợi dây mà chúng ta tự nguyện dùng treo cổ mình.
Có một cách tốt hơn. Tháng 11 là tháng chúng ta được kêu gọi công nhận Chúa Kitô là Vua của muôn vật, bao gồm cả đời sống đạo đức và các cam kết chính trị của chúng ta.
Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI đã thiết lập Lễ trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua của Vũ trụ. Lễ Chúa Kitô Vua, như thường được gọi, được Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI chuyển sang Chúa Nhật cuối cùng trong Mùa Thường Niên. Điều này nhấn mạnh bản chất cánh chung của lễ này mà Đức Piô XI đã nêu rõ trong Quas Primas, thông điệp tạo ra lễ trọng.
Bằng cách đặt lễ này vào cuối năm phụng vụ, Đức Phaolô VI nhấn mạnh rằng đời sống phụng vụ của chúng ta không thể tách rời khỏi đời sống chính trị của chúng ta. Ngược lại, phụng vụ phải hình thành và định hướng cho chính trị của chúng ta, phục tùng mọi lý thuyết, yêu sách và thực hành chính trị khác, theo Quyền tối cao của Chúa Kitô. Chính trị của chúng ta phải được sắp xếp theo và hướng tới lòng trung thành của chúng ta không phải với cấu trúc chính trị của Hoa Kỳ, mà theo quyền tối cao của Chúa Kitô, Vua của trái tim và các quốc gia.
“Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng… nếu nói rằng Chúa Kitô không có bất cứ thẩm quyền nào trong các vấn đề dân sự,” Đức Piô XI giải thích, “vì, do đế quyền tuyệt đối trên mọi tạo vật được Chúa Cha giao phó cho Người, mọi vật đều nằm trong quyền năng của Người.”
Đế quyền tuyệt đối này không phải là đế quyền của chủ nghĩa cá nhân tự chủ, được đặc trưng bởi các yêu sách quyền lợi đầy ám ảnh. Thay vào đó, nó là thuốc giải độc cho quan điểm sai lầm độc hại này về con người. “Khi con người nhận ra, cả trong cuộc sống riêng tư và công cộng, rằng Chúa Kitô là Vua, thì cuối cùng xã hội sẽ nhận được những phước lành lớn lao của sự tự do thực sự, kỷ luật được sắp xếp hợp lý, hòa bình và hòa hợp,” Đức Giáo Hoàng Pi-ô đã viết như vậy.
Người Công Giáo Hoa Kỳ đặc biệt nên tận dụng cơ hội bầu ra một tổng thống không đủ tư cách khác để tái khẳng định quyền lực của Đức Vua hoàn hảo của chúng ta.