Entweltlichung – không vương vấp vào trần thế

Nghe bài này

Pope Benedict XVI with general audience, Vatican City, Rome

Trong cuộc thăm viếng nước Đức năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI. đã có cuộc gặp gỡ ở Freiburg ngày 25.09.2011 với những người Công Giáo dấn thân trong đời sống Giáo Hội cũng như đời sống ngoài xã hội.

Dịp này Đức Giáo Hoàng đã đọc một bài diễn văn. Trung tâm sứ điệp của bài diễn văn thể hiện qua đoạn:“ Để thực hiện sứ mệnh của mình, Gíao Hội cũng phải luôn luôn giữ khoảng cách với khung cảnh chung quanh mình, cách lương tâm thận trọng không vướng vấp vào trần thế.“

Mọi người bàn tán, bình luận nhiều về thế nào là không vương vấp vào trần thế, nhất là bối cảnh Giáo Hội nước Đức là một Giáo Hội giầu có về tiền bạc, cùng có nhiều cơ sở nhà cửa, đất đai vật chất.

1. Từ khởi đầu đã có lời

Trên chuyến máy bay trở về Roma sau cuộc viếng thăm Đức quốc, Đức Giáo Hoàng nói thêm, khi được hỏi về ý nghĩa không vương vấp vào trần thế, mà ngài đã nói ở Freiburg:“ Bài nói chuyện của tôi cảnh báo chống lại sự cám dỗ của Giáo Hội tự bằng lòng thỏa mãn với chính mình, hòa mình vào với trần thế, cùng khép mình vào thước đo của trần thế.“

Có nhiều hướng suy luận, nhiều đề nghị về Giáo Hội phải sống như thế nào để không vương vấp vào trần thế. Nhưng chúng ta, những người tin theo Chúa Kito, thành phần trong Giáo Hội của Chúa ở trần gian, hiểu lời của Đức Giáo Hoàng không vướng vấp vào trần thế dưới khía cạnh canh tân đổi mới đời sống vừa là người Công Giáo, và vừa là con người trần thế. Vì canh tân đổi mới đời sống luôn là qui luật cùng thời sự trong đời sống con người. Đời sống càng phát triển, mọi lãnh vực càng cần phải canh tân đổi mới, hay ngược lại.

Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa từ trời cao đã sinh xuống làm người giữa trần thế. Nhưng Ngài đã không thỏa hiệp trở thành một vị vua chúa có quyền hành trên trần thế. Trái lại Ngài chấp nhận đời sống khổ lụy nghèo hèn, sống vâng lời Đức Chúa Cha hy sinh chịu đau khổ cho tới chết để canh tân mang ơn cứu độ cho con người.

Chúa Giêsu đã dâng lời cầu khẩn cho các Môn đệ người:“ Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.“ ( Gioan 17,15-18)

Chúa Giêsu đã kêu gọi các tông đồ là những người dân thường không có học vấn cao. Ngài dạy bảo họ, thánh hiến họ, và sai đi rao giảng tin mừng nước Chúa. Ngài đã canh tân đổi mới họ, và họ có sứ mệnh giúp con người canh tân nếp sống làm con Thiên Chúa.

Thánh Gioan tông đồ đã viết nhắn nhủ Giáo đoàn của mình:“ Anh em đừng yêu trần thế và những gì ở trong trần thề. Người nào yêu trần thế thì không có lòng yêu mến Chúa.“ ( 1 Gioan 2, 15)

Đức Hồng Y Bergoglio trong mật nghị bầu Giáo hoàng hồi tháng Ba năm 2013 đã lên tiếng nói cảnh tỉnh „ Giáo Hội mà thu kéo về mình, sống cho mình là một Giáo Hội của qủy thần dữ. Nếu Giáo Hội càng chạy theo trần thế, càng lún sâu vào vòng của qủy thần dữ“.

Phải chăng Đức Hồng Y Bergoglio, mà sau đó được bầu chọn trở thành Giáo hoàng Phanxico cũng đã nhìn thấy nhu cầu cấp bách phải canh tân đổi mới trong Giáo Hội, theo chiều hướng không vương vấp vào trần thế, như đức nguyên giáo hoàng Benedicto XVI. đã suy tư nói đến trước đó?

Lời suy tư của Đức nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI. căn cứ trên nền tảng lời của Chúa như Thánh Gioan đã viết “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời.“.

Và lời đó có sức mạnh đi tận sâu vào tâm hồn con người nữa.

2.Từ khởi đầu đã có sức mạnh

Không vương vấn vào trần thế là lời mời gọi thúc bách những người từ bỏ nếp sống gia đình hôn nhân, lấy sự chay tịnh thanh khiết làm đường hướng đời sống.

Không vương vấp vào trần thế là lời có sức năng động khiến có những người quyết chọn con đường sống khó nghèo từ bỏ mọi của cải vật chất, cùng ra đi phục vụ cho người nghèo.

Sức mạnh đó tìm thấy rõ nét nơi đời sống của Mẹ Terexa thành Calcutta.

Ngày 10.12.1979 tại phòng khánh tiết tòa hành chánh thủ đô Oslo bên nước Na Uy diễn ra buổi lễ long trọng trao giải thưởng Hòa bình Nobel cho Mẹ Terexa. Nhà Vua cùng các vị Bộ Trưởng trong chính phủ, và những quan khách vị vọng trong xã hội được mời tới cùng tham dự buổi lễ truyền thống hằng năm ở tòa nhà này từ hằng chục năm nay. Đây là một buổi lễ trần thế mang tầm vóc thế giới, vinh dự cho những người được mời, cho quốc gia đất nước cùng cho người được vinh danh lãnh huy chương giải thưởng trong một buổi lễ uy nghi trang trọng vào thứ hạng bậc nhất ở giữa lòng xã hội trần thế.

Mẹ Terexa, một nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái được tuyên dương công trạng thành tích phục vụ giúp đỡ người nghèo khổ nhất bị bỏ rơi bên xã hội Calcutta nước Ấn Độ, mà cả thế giới đều biết đến với lòng ngưỡng mộ kính phục.

Đến lượt Mẹ Terexa lên diễn đàn trước máy Microphon trong bộ tu phục người nữ tu đơn giản mầu trắng viền xanh của người nghèo, trên tay cầm cỗ tràng hạt mân côi. Mẹ mời mọi người có mặt trong phòng khánh tiết cùng cầu nguyện. Và Mẹ bắt đầu đọc kinh Kính mừng – Ave Maria.

Khi Mẹ Terexa hành động như thế, chắc là đoàn cử tọa sang trọng cùng quan khách hôm đó cảm thấy khó chịu cùng bối rối lắm! Nhất là ban tổ chức buổi lễ. Phải chăng Mẹ Terexa muốn khiêu khích mọi người?

Không, không, không đâu. Mẹ không muốn để mình bị ảnh hưởng bởi bầu không khí đặc biệt khác thường này, mà thành ra bị hoang mang mất lạc hướng đời sống của một người nữ tu lấy Chúa làm căn bản nền tảng cho đời sống. Với mẹ cầu nguyện lần hạt đọc kinh Mân côi là quan trọng, không thể bỏ qua sang một bên được.

Người ta kính phục Mẹ. Người ta vinh danh Mẹ. Nhưng người ta luôn thắc mắc: làm sao Mẹ có thể làm được như thế, sống dấn thân gắn bó hoàn toàn cho người nghèo khổ. Sức mạnh nào đã khiến Mẹ làm công việc chỉ biết cho đi thôi?

Qua cung cách sống đức tin vào Chúa mạnh mẽ triệt để đó, Mẹ đã chia sẻ nói với mọi người đâu là gốc rễ căn bản mang đến sức mạnh cho sự dấn thân hy sinh của Mẹ với con người.

Và như thế, Mẹ đã sống xử sự là một con người khiêm nhường, chân thành, đích thực bản chính, không khoác vào mình sự giầu sang gỉa tạo, không chạy theo hào nhoàng bằng khen tưởng thưởng, tô vẽ mầu sắc.

Mẹ đã không để mình bị vương vấn vào trần thế.

Chọn nếp sống không vương vấn vào trần thế, Mẹ Terexa đã bỏ gia đình lại đàng sau nước Kosovo, nơi Mẹ sinh ra, và sang Dublin nước Ái nhĩ Lan, gia nhập Dòng nữ truyền giáo Loreto.

Rồi Mẹ lại từ bỏ lần nữa nếp sống tiện nghi được kính trọng nể vì ở trong nhà Dòng Loreto cũng như ngoài xã hộ.

Và Mẹ ra đi xin thành lập Dòng mới Thừa sai bác ái sống nghèo để gần gũi phục vụ cho những con người nghèo khổ nhất bị bỏ rơi bên xã hội thành Calcutta. Mẹ đã chọn nếp sống nghèo để phục vụ người nghèo.

Không vương vấn vào trần thế trở thành linh đạo của Mẹ Terexa, đúng hơn là đích điểm của đời sống Mẹ trên trần gian.

Mẹ Terexa qua đời ngày 5.9.1997. Khi Mẹ qua đời Dòng của Mẹ phát triển trên tòan thế giới với 3914 chị em nữ tu khấn trọn, ngày nay Dòng có 5082 nữ tu khấn trọn, khi đó Dòng có 594 nhà , ngày nay Dòng có 765 nhà.

Nhà tu đức chiêm niệm Meister Eckart đã luôn hằng mong muốn đạt được đời sống chân không, tâm hồn không bị bận vướng trở gì, để hoàn toàn theo ý Chúa. Nhưng mấy ai đã sống không vương vấn vào trần thế giữa lòng trần thế cách triệt để cá nhân cụ thể như Mẹ Á Thánh nhỏ bé Terexa Calcutta, một người đã sống bằng một tâm hồn trái tim rộng lớn cho những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo.

Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. Và Lời là sức mạnh cùng mang ý nghĩa cho đời sống.

3. Từ khởi đầu đã có ý nghĩa

Không vương vấn vào trần thế đem lại cho tâm hồn ánh sáng soi dẫn hướng đi cùng sự bình an. Nhờ thế những người đó có lòng can đảm giữ vững ý chí tới cùng.

Lịch sử đời sống các Thánh tử đạo Việt Nam nói lên khía cạnh này rất rõ nét.

Thánh tử đạo Giám Mục Giuse Diaz Sanjurjo – An

Vị Thừa sai trẻ tuổi Đức Cha Giuse Diaz Sanjurjo- tên Việt nam là An, sinh năm 1818 tại Suegos nước Tây ban Nha. Khi còn thanh niên ngài đã gia nhập Dòng Daminh, và đi sang Phi luật Tân rồi sang Việt Nam truyền giáo, và được phong làm Giám mục Giáo phận Bùi Chu.

Trong thời kỳ cấm đạo Đức Cha Giuse An phải lẩn trốn sự bắt bớ của vua quan. Ngày 21.05.1857 quân lính của triều đình đến Bùi Chu bao vây và bắt được Đức Cha đang lẩn trốn. Quan quân bắt trói Đức Cha tống giam vào ngục tù. Ngài bị tra khảo, nhưng cương quyết giữ vững đức tin vào Chúa. Ngài bị biệt giam phải đeo gông cùm. Một linh mục đã gỉa dạng trá hình lén vào thăm Đức Cha và ban Bí Tích cho ngài ba lần.

Trong tù Đức Cha viết thư gửi ra ngoài: „Tâm thần tôi vui sướng và hy vọng được đổ máu mình hòa lẫn với máu châu báu của Chúa Cứu Thế đã đổ ra trên Calvario tẩy sạch các tội khiên…Tôi trông mong Thiên Chúa dùng những đau đớn này để tẩy sạch mọi tội lỗi của tôi.“

Khi hay tin đồn ngài sẽ bị giải về Huế và bị trục xuất về Âu châu, ngài viết thư cho cha bề trên Dòng: „Xin Thiên Chúa thương xót đến tôi và đến địa phận mà cho tôi được đổ máu ra vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu rất nhân ái mà người ngoại đạo khinh rẻ một cách mù quáng. Tôi rất vui mừng và bình an chờ đợi giây phút lưỡi gươm đưa ngang cổ tôi và linh hồn tôi sẽ thoát bỏ xiềng xích và thân xác hay hư nát mà bay thẳng vào lòng lân tuất của Đấng tạo dựng nên tôi. Thế nhưng tôi rất thất vọng và sợ hãi phải đem về Huế và bị trả lại Âu Châu…“

Chúa đã nhận lời cầu xin của ngài. Ngài đã được phúc chết tử vì đạo, bị chém đầu vứt xuống sông dưới thời Vua Tự Đức ngày 20.07.1857 ở Nam Định. ( Lm. Giuse Vũ Thành, Dòng máu anh hùng, tập III. trang 166 – 169).

Thánh An giám mục Bùi Chu,

Tây ban Nha bỏ, mây mù trời Nam.

Có quan gian ác tham lam,

Bắt giam lãnh thưởng nên cam tội tình.

Mười tám năm bẩy trảm hình,

Hai mươi tháng Bẩy quang vinh trên tòa.

(+ Lm.Giuse Vũ Xuân Huyên)

Thật là một tâm hồn có đức tin đơn giản, nhưng kiên trì vững tin vào Chúa. Đời sống đức tin Vị Thừa Sai Giuse An được như thế là do nếp sống không vương vấn vào trần thế.

Hay có thể nói, sống không vương vấn vào trần thế – ngài đã bỏ quê hương Tây ban Nha, nơi sinh ra lớn lên lại đàng sau, và dấn thân sang truyền giáo bên Việt Nam, một đất nước ở phương trời xa lạ – đã giúp Vị Thừa Sai Giuse An cảm nhận tìm ra ý nghĩa đời sống dấn thân cho Chúa, cho Giáo Hội ở tại đất nước Việt Nam, nơi ngài sống gắn bó cho tới khi được chết vì đức tin vào Chúa.

Chúa Giêsu đã từ trời cao xuống thế làm người chấp nhận kiếp sống là người tôi tớ, vâng lời Thiên Chúa Cha hy sinh sống thân phận hèn kém chịu khổ nhục chịu chết để mang ơn canh tân cứu độ cho linh hồn con người. Trong những năm sinh sống trên trần gian Ngài không để mình bị vương vấn vào trần thế. Và Ngài còn thúc giục kêu gọi những người tin theo Ngài phải cảnh tỉnh để không bị vương vấn vào trần thế.

Đức tân Giáo Hoàng Phanxico trong thánh lễ tạ ơn kết thúc Mật nghi bầu giáo hoàng, ngày 14.03.2013 ở nhà nguyện Sixtina, nơi đây trước đó các Vị Hồng Y đã bầu chọn ngài lên làm Giao Hoàng Phanxico, đã tâm tình trong bài giảng: „Nếu người ta không tin nhận Chúa Giêsu Kitô – nơi đây tôi nhớ đền Leon Bloy đã có suy tư: Người nào không cầu nguyện hướng về Chúa, người đó cầu nguyện hướng về ma qủi. Nếu người ta không tin nhận Chúa Giêsu, là người ta tin nhận trần thế của ma qủi, tin nhận trần thế của sự dữ“

Lời giảng dậy của Đức tân Giáo hoàng Phanxico phản ảnh suy tư cảnh tỉnh của đức nguyên Giáo Hoàng Benedicto XVI.: Giáo Hội đừng để mình bị vương vấn vào trần thế, giữa lòng đời sống trần thế.

Càng ngày càng nhận rõ ra Đức Giáo Hoàng Phanxico bản thân sống chân thành đơn giản, khiêm nhường không để bị vương vấp vào những rườm rà phức tạp, không theo lối cư xử mầu mè cùng danh xưng xa cách con người theo kiểu lối vương gỉa trần thế.

Và ngài khuyến khích, cổ võ cùng đòi buộc trong Giáo Hội sống đơn giản chân thành, cùng khiêm nhường để không bị vương vấp vào những ràng buộc của trần thế: Giáo Hội Chúa nghèo về của cải vật chất, nhưng giầu về đức tin.

Nếp sống không vương vấp vào trần thế là linh đạo xưa nay luôn hằng được đề cao trong lãnh vực tinh thần đạo giáo, cùng luôn hằng thời sự.

Nếp sống này đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng từ bỏ liên tục. Nhưng mang đến hiệu qủa tích cực giúp canh tân đổi mới đời sống tinh thần vươn lên, và cùng là nhân chứng cho những gía trị tinh thần nhân bản giữa lòng xã hội trần thế.

Khánh nhật truyền giáo 2013 Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Lấy cảm hứng từ:

– Paul Josef Cordes, Manfred Lütz, Benedickts Vermächtnis und Franziskus`Auftrag, Entweltlichung. Herder Fr. i. Br. 2013

– Lm. Giuse Vũ Thành, Dòng máu anh hùng, Tập III.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS