Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Một chữ đỏ gây nhiều chú ý đã xuất hiện trong Sách Lễ Rôma. Ngay trước lời đọc “Communicantes, Hiệp thông cùng” (số 86) trong Kinh Nguyện Thánh Thể I, xuất hiện cụm từ “Infra Actionem, Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông”. Ý nghĩa của cụm từ này đã khiến tôi thắc mắc. Liệu “Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông” là chính Kinh nguyện Thánh Thể chăng? Nếu vậy, tại sao “Communicantes, Hiệp thông cùng” được nói rõ, vì tất cả lời nguyện khác cũng thuộc về Kinh nguyện Thánh Thể? Hoặc liệu lời nguyện “Communicantes, Hiệp thông cùng” có một vị thế đặc biệt trong Kinh nguyện Thánh Thể chăng? – D. J., Buffalo, New York.
Đáp: Lời nguyện “Infra Actionem, Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông” là dài nhất trong ba lời nguyện, vốn có tiêu đề trong Sách Lễ Rôma. Số 85, bắt đầu bằng “Lạy Chúa, xin nhớ đến (những) tôi tớ của Chúa là T…” có tiêu đề “Cầu cho kẻ sống” (Commemoratio pro vivis). Số 95, sau khi truyền phép và các lời nguyện khác, có tiêu đề là “cầu cho người đã qua đời” (Commemoratio pro defunctis). Ý nghĩa của hai lời nguyện này là hiển nhiên; còn ý nghĩa của lời nguyện “Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông”, như bạn đọc trên đây ghi nhận, là dường như khó hiểu đối với rất nhiều người, ngoại trừ các chuyên viên phụng vụ.
Trong khi các học giả phụng vụ đặt tên cho các phần khác của Kinh nguyện Thánh Thể, ba tên gọi này là các tên duy nhất được tìm thấy trong chính Sách lễ.
Tiêu đề “Infra Actionem, Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông” được tìm thấy trong Lễ Quy Rôma ngay trước lời nguyện “Communicantes, Hiệp thông cùng”: “Hiệp thông cùng Hội Thánh, chúng con kính nhớ: Trước hết Ðức Ma-ri-a vinh hiển trọn đời đồng trinh, Mẹ của Ðức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa, và là Chúa chúng con; sau là thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ, các thánh… (Communicantes, et memoriam venerantes, in primis gloriosae semper Virginis Mariae, Genetricis Dei et Domini nostri Iesu Christi: sed et beati Ioseph, eiusdem Virginis Sponsi, et beatorum Apostolorum ac Martyrum tuorum…)”. Lời nguyện “Communicantes, Hiệp thông cùng” nhấn mạnh mối tương giao của chúng ta với các thánh trong lúc đồng thời, khi nói rằng chúng ta tưởng nhớ các ngài, chúng ta nhận thức được một khoảng cách vẫn còn ngăn cách chúng ta với các ngài, và chúng ta cần sự cầu bầu của các ngài cho chúng ta.
Dường như cụm từ “Infra Actionem, Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông” qui chiếu trong lịch sử đến một công thức tùy biến được đưa vào bản văn cố định trong các dịp lễ đặc biệt. Các từ này có nghĩa rằng lời nguyện đi theo phải được đưa vào trong “Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông”. Vì vậy, chắc chắn là lời nguyện “Communicantes, Hiệp thông cùng” không phải là một phần cố định của Lễ Quy Rôma, nhưng được chèn vào trong các dịp lễ đặc biệt. Dần dần nó đã trở thành một phần cố định thường xuyên của Kinh nguyện Thánh Thế với một số công thức tùy biến vào các dịp lễ đặc biệt.
Các tiêu đề này được tìm thấy trong Sách Bí tích Gelasiô (Liber Sacramentorum Engolismensis), một bản văn phụng vụ Rôma, được viết trong thế kỷ thứ VI hoặc thứ VII, từ đó nó du nhập dần dần vào Sách Lễ Rôma.
Các thủ bản Gelasian cũng giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của cụm từ ngữ mơ hồ “Infra Actionem, Trong Lễ Quy, Cùng hiệp thông”. Nó thường thay thế cho cuộc đối thoại ban đầu của Kinh tiền tụng như là “Incipit canon actionis” (“ở đây bắt đầu lễ quy của hành động”). Điều này có nghĩa rằng văn bản mở đầu Kinh Nguyện Thánh Thể được chỉ định là lễ quy (tiêu chuẩn hoặc khung cố định) của hoạt động thiêng liêng tiếp theo. Hoạt động thiêng liêng này bao trùm tất cả các khía cạnh của Kinh nguyện Thánh Thể.
Dần dà từ ngữ Lễ quy này đã được đồng hóa với Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma (tức Kinh Nguyện Thánh Thể I).
Trong các văn bản Gelasian, tiêu đề ” Infra Actionem, Cùng hiệp thông” thường đứng trước các công thức “Communicantes, Hiệp thông cùng” được chèn vào trong năm phụng vụ. Nó dường như xuất hiện trước lời nguyện đa dạng “Hanc Igitur, Vì vậy”, lời cầu nguyện bắt đầu bằng các chữ “Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa, và của toàn thể gia đình Chúa…(Hanc igitur oblationem servitutis nostrae, sed et cunctae familiae tuae, quaesumus, Domine, ut placatus accipias)”
Nhưng không rõ là từ khi nào tiêu đề ” Infra Actionem, Cùng hiệp thông” đứng một mình, trước lời nguyện “Communicantes, Hiệp thông cùng”, được đọc mỗi ngày trong Thánh Lễ nghi thức Rôma trong hơn một ngàn năm qua.
Sách Lễ Rôma hiện nay có các lời nguyện đặc biệt “Communicantes, Hiệp thông cùng” trong tuần bát nhật của Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, Thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Hiển Linh, Lễ Thăng Thiên và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Lời nguyện “Hanc Igitur, Vì vậy” cũng có các công thức khác nhau cho Thứ Năm Tuần Thánh, lễ vọng Phục Sinh, và tuần bát nhật Phục Sinh. Sách nghi lễ cho bí tích và á bí tích cũng cung cấp các lời nguyện chèn đặc biệt vào thời điểm này cho nghi thức Rửa tội, nghi thức Thêm Sức, Rước lễ Vỡ Lòng, Truyền chức Thánh, Hôn Phối, An táng, Khấn trọn trong Dòng tu,… (Zenit.org 25-6-2013)
Nguyễn Trọng Đa