Một cuộc tranh cãi nghiêm trọng trong Giáo Hội đã nổ ra trên một số tờ báo Công Giáo Đức có thể phải cần đến sự can thiệp của Vatican. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Georg Bätzing, đã lên tiếng chỉ trích Đức Hồng Y người Thụy Sĩ Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo, và đòi ngài ngay lập tức phải đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi vị Hồng Y đặt một số vấn đề về Tiến Trình Công Nghị Đức, có liên quan đến một câu chuyện diễn ra vào thời kỳ của chủ nghĩa Quốc xã.
Nếu Đức Hồng Y Koch không xin lỗi, Giám Mục Bätzing sẽ trình bày khiếu nại chính thức lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha Bätzing, giám mục của Limburg và đồng thời là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức, cho biết như trên vào cuối kỳ họp toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục ở Fulda.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tagespost của Công Giáo Đức, Đức Hồng Y Koch lo ngại về các nguồn mạc khải mới được cho là đang được thảo luận trong Giáo Hội Đức. Cụ thể, vị Hồng Y đã so sánh các cuộc tranh luận hiện nay trong Tiến Trình Công Nghị Đức với một hiện tượng tồn tại dưới thời Quốc Xã, và nhận xét rằng những “Kitô hữu Đức” đã nhìn thấy một mạc khải mới trong sự trỗi dậy của nhà độc tài Adolf Hitler.
“Tiến Trình Công Nghị” của Đức là một quá trình tập hợp giáo dân và giám mục để thảo luận về bốn chủ đề chính: quyền lực được thực thi như thế nào trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ. Họ tìm cách giải thích lại mạc khải để thay đổi giáo huấn về đồng tính luyến ái và xa hơn là nhiều vấn đề rộng lớn về tính dục. Chiêu thức này cũng đã từng xảy ra dưới thời Đức Quốc Xã khi Hitler tìm cách thuyết phục các Kitô Hữu Đức phủ nhận phẩm giá của người Do Thái và tán thành các nguyên lý đẫm máu của chủ nghĩa Quốc Xã.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng, Deutsche Christen, tức là các Kitô Hữu Đức, cần nhớ lại một mục trên Wikipedia nhan đề “Đạo Tin lành và hệ tư tưởng Đức Quốc Xã” trong đó ghi nhận rằng “phong trào Tin lành mạnh nhất trong các hệ phái Tin lành, là phong trào dân tộc chủ nghĩa và bài Do Thái, phát sinh ở Đức Quốc xã sau cuộc bầu cử năm 1932. Việc bảo vệ các nguyên tắc của chủ nghĩa Quốc xã đã dẫn đến một cuộc ly giáo trong 23 trong số 28 Landeskirchen, hay Giáo Hội khu vực, và là nền tảng phát sinh một Giáo Hội đối kháng vào năm 1934.”
Đáp lại, Đức Cha Bätzing nói rằng những bình luận của Đức Hồng Y Koch là một “sai lầm hoàn toàn không thể chấp nhận được”, đồng thời nói thêm rằng “Phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Đức đã phản ứng kinh hoàng với tuyên bố này, và Đức Hồng Y Koch đã tự loại mình ra khỏi cuộc tranh luận thần học. Những tuyên bố của Đức Hồng Y Koch phản ánh ‘nỗi sợ hãi thuần túy’ rằng một điều gì đó sắp thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điều gì đó sẽ thay đổi.” Tuyên bố của Đức Cha Bätzing có phần phóng đại vì nhiều Giám Mục Đức đồng ý với Đức Hồng Y Koch, như Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg và nhiều Giám Mục khác.
Đức Hồng Y Kurt Koch, đã chỉ trích đường lối của Tiến Trình Công Nghị Đức “bởi vì các nguồn mạc khải mới do Tiến Trình Công Nghị Đức được chấp nhận ngoài những nguồn mạc khải của Kinh Thánh và truyền thống”. Trong một cuộc phỏng vấn với Die Tagespost, Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Hiệp nhất Kitô giáo cho biết ngài đã bị sốc bởi thực tế là ở Đức có những cuộc nói chuyện về các nguồn mạc khải mới. Ngài nói “Hiện tượng này đã tồn tại trong chế độ độc tài Quốc Xã, khi những người được gọi là Kitô hữu Đức nhìn thấy mạc khải mới của Chúa trong máu và trong sự trỗi dậy của Hitler”.
Đức Hồng Y Koch nói thêm rằng trong các tuyên bố của mình, như Tuyên ngôn Thần học Barmen năm 1934, Giáo Hội đã cực lực phản đối luận điểm nguy hiểm cho rằng: “Giáo Hội, cùng với và ngoài những mạc khải của Kinh Thánh và Truyền Thống, có thể và nên sử dụng các sự kiện và lực lượng, số liệu và sự thật khác làm nền tảng cho việc rao giảng, nhận biết nơi chúng các đặc tính mạc khải của Thiên Chúa.”
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đúng là “các dấu chỉ của thời đại phải được quan sát cẩn thận và xem xét một cách nghiêm túc. Nhưng chúng không phải là nguồn mạc khải mới. Trong ba giai đoạn của sự tin tưởng tri thức – nhìn thấy, phán đoán và hành động – các dấu chỉ của thời đại thuộc về việc nhìn thấy và không thể xem là các nguồn mạc khải.”
Ngài giải thích rằng có một mối nguy hiểm “rằng sự thật và tự do không còn được nhìn thấy cùng nhau nữa mà bị xé nát. Trong thần học Đức ngày nay có một khuynh hướng mạnh mẽ coi tự do là giá trị cao nhất của con người và từ đó phán xét điều gì vẫn có thể được coi là chân lý của đức tin và điều gì sẽ bị ném xuống biển”.
Đức Cha Bätzing thường được các phương tiện truyền thông và giới Công Giáo cấp tiến Đức gọi là “Neuer Papst” hay “Tân Giáo Hoàng”. Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình để tin như vậy hay không. Nhưng trong chuyện bắt một vị Hồng Y xin lỗi vì những nhận xét thần học của ngài, người ta thấy Bätzing có vẻ đang hành động như một “Tân Giáo Hoàng”.
Âu lo thực tế của nhiều người là tất cả các đề xuất trong Tiến Trình Công Nghị Đức như chúc lành và công nhận các kết hiệp đồng tính, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, thay đổi giáo huấn về tính dục, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái đều là những vấn đề đã được anh em Tin lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn.
Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám Mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.