Luxemburg
Chặng dừng đầu tiên lần này của Đức Thánh Cha là Luxemburg, quốc gia bé nhỏ chỉ rộng 2.600 cây số vuông, gần bằng tỉnh Bình Dương của Việt Nam, và thuộc hàng nhỏ nhất trong số 27 nước thuộc Liên hiệp Âu Châu. Luxemburg có khoảng 645 ngàn dân, trong số này có 471 ngàn là tín hữu Công Giáo, tương đương với 70% dân số, họp thành một Tổng giáo phận với 275 giáo xứ, 120 Linh Mục giáo phận và 42 Linh Mục dòng, 60 tu huynh và 240 nữ tu. Tỷ lệ các tín hữu Công Giáo hành đạo liên tục giảm sút trong 50 năm qua. Cả ảnh hưởng của Giáo Hội về mặt xã hội và chính trị cũng suy giảm. Cho đến cuối thế kỷ 20, nhật báo quan trọng nhất nước là báo Công Giáo, môn giáo lý Công Giáo tại trường học là môn bắt buộc; Nhà nước, Giáo Hội và Đảng nhân nhân xã hội Kitô, gọi tắt là CSV, liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong 10 năm dưới thời thủ tướng Xavie Bettel thuộc đảng cấp tiến cầm quyền từ năm 2013 đến 2023, tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước trở nên lỏng lẻo. Môn tôn giáo bị bãi bỏ ở các trường trung học và các trường công lập; việc tài trợ của Nhà nước về lương bổng cho các Linh Mục cũng như các cơ sở của Giáo Hội cũng bị giảm sút nhiều. Các cộng đoàn tôn giáo khác, trong đó có các cộng đoàn Hồi giáo gia tăng mạnh, cũng được cấp qui chế pháp lý như Giáo Hội Công Giáo.
Xét về mặt nhân sự của Giáo Hội, với số Linh Mục và tu sĩ vừa nói, Giáo Hội Công Giáo tại Luxemburg tương đối còn vững mạnh. Khoảng 50 ngàn người Bồ Đào nha nhập cư họp thành một nhóm quan trọng trong Giáo Hội tại nước này.
Tại miền bắc Luxemburg có Đan viện Biển Đức Clervaux và Vương cung thánh đường Echternach ở miền đông, được coi là những trung tâm tinh thần quan trọng của Giáo Hội địa phương.
Một khó khăn lớn
Trong thời gian gần đây, Giáo Hội Công Giáo tại Luxemburg đã gặp một khó khăn lớn, đó là hồi cuối tháng 7 năm nay, người ta phát hiện một nữ cộng tác viên của Caritas Luxemburg đã biển thủ 61 triệu Euro của Caritas và chuyển khoản vào một ngân hàng ở Tây Ban Nha. Caritas và viện công tố xác nhận vụ này. Cuộc điều tra về tội giả mạo, gian lận, lường gạt, bất trung và rửa tiền đã được khởi sự. Một người ban đầu bị bắt giam, nhưng sau đó được tại ngoại sau khi đóng tiền thế chân.
Thủ tướng Luc Frieden tuyên bố rằng tổ chức bác ái này, vốn cung cấp các dịch vụ cho những người vô gia cư và người tị nạn với sự hỗ trợ của nhà nước, nay sẽ “không nhận được Euro nào nữa”.
Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Tổng Giám Mục giáo phận Luxemburg, đã yêu cầu làm sáng tỏ hoàn toàn vụ này. Trong thông báo báo chí công bố chiều ngày 12/8 vừa qua, Đức Hồng Y khuyến khích Ủy ban đối phó khủng hoảng, được thành lập trong tuần lễ trước đó, hãy cộng tác chặt chẽ với nhà chức trách tư pháp trong cuộc điều tra. Ngài cũng bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi tham ô xảy ra trong một tổ chức Công Giáo, một tổ chức có mục đích trợ giúp những người túng thiếu. Nhiệm vụ của Ủy ban xử lý khủng hoảng là tạo những điều kiện để tái tạo sự tín nhiệm.
Thông cáo mới nhất công bố ngày 16/9 vừa qua của Caritas Luxemburg cho biết đã phải sa thải 30 trong tổng số 500 nhân viên. Thêm vào đó, 70 hoạt động của Caritas này tại Nam Sudan và tại Lào cũng bị loại bỏ, và hơn 60 dự án bị ngưng lại. Tuy nhiên, thông báo nhấn mạnh rằng nhờ thiết lập cơ cấu mới, Caritas của Giáo Hội địa phương có thể tiếp tục các hoạt động bác ái ở Luxemburg, các nhân viên có thể tiếp tục công việc trên bình diện quốc gia. “Vụ biển thủ và các hoạt động gian trá không được làm giảm bớt công trạng của các nhân viên tốt và không được làm giảm những ngừơi thiện chí hỗ trợ các cơ cấu mới của Caritas”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, truyền đi hôm 17/9, Đức Hồng Y Hollerich nói rằng: rất tiếc Giáo Hội Luxemburg không có tiền để cứu Caritas. Bây giờ Nhà Nước đang can thiệp, sẽ có một tổ chức kế tiếp được gọi là “Hut – Hellef um Terrain”, nhưng cơ quan này không còn là Công Giáo nữa”.
Đức Hồng Y nhìn nhận rằng tuy vụ này không tạo một bóng đen trên cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại Luxemburg, nhưng đôi khi Giáo Hội cũng bị mang tiếng trước dư luận vì sự thật về vụ này không được biết đến. Người ta luôn có xu hướng quên rằng chính Caritas là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm”. (Katholische.de, KAP 17-9-2024)
Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha
Trở lại cuộc viếng thăm dài 8 tiếng của Đức Thánh Cha: ngài sẽ rời Roma lúc 8 giờ 5 phút sáng ngày thứ Năm ngày 26/9 và bay tới Luxemburg gần 2 tiếng sau đó, vào lúc 10 giờ. Ngài sẽ viếng thăm Đại Quận Công và gặp gỡ thủ tướng, trước khi gặp gỡ chính quyền và các đại diện xã hội dân sự cùng với ngoại giao đoàn.
Ban chiều, Đức Thánh Cha gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Luxemburg, rồi trở lại phi trường quốc tế Luxemburg/Findel lúc quá 6 giờ chiều, để đáp máy bay đến Căn cứ không quân Melsbroek của Bỉ và được đón tiếp tại đây, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến tông du.
Chi tiết viếng thăm
Hôm 19/9, Ban tổ chức cho biết thêm một số chi tiết: Đức Thánh Cha sẽ đi xe mui trần, papamobile, qua trung tâm thành phố để nhiều người có thể thấy ngài. Vì lý do an ninh, các xe bus điện sẽ bị tạm ngưng. Thị trưởng Lydie Polfer cho biết hàng chục ngàn người sẽ được cơ hội thấy Đức Thánh Cha đến gần.
Cha Patrick Muller, Tổng đại diện giáo phận Luxemburg, cho biết khoảng 100 bạn trẻ sẽ chào đón Đức Thánh Cha tại phi trường và tặng hoa cho ngài. Đã có sự thỏa thuận với các vị hữu trách của các trường học về vấn đề này. Tại đây, ông bà Đại Quận Công Henki và Maria Teresa, cùng với thủ tướng Luc Frieden sẽ chính thức chào đón Đức Thánh Cha khi máy bay chở ngài đáp xuống đây.
Các trẻ em và người trẻ cũng có thể gặp gỡ vị thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo trong những sinh hoạt của ngài. Ví dụ, sẽ có một cuộc trình diễn nghệ thuật tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Luxemburg. Tại đó Đức Thánh Cha sẽ gặp hơn 1.300 người từ lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 26/9, trong số đó có 650 người được vé trong cuộc rút thăm. Đối với những người không được tham dự vì thiếu chỗ, họ có thể theo dõi qua màn hình khổng lồ ở công viên Kinnekswiss và quảng trường Paris. Các hoạt động của Đức Thánh Cha sẽ được trực tiếp truyền hình từ 9 giờ 45 phút sáng cho đến chiều.
Dân chúng có thể đến gần Đức Thánh Cha trong khoảng thời gian từ 12 giờ 45 đến 1 giờ 15 trưa khi xe papamobile của ngài bắt đầu đi qua trung tâm thành phố.
Đức Thánh Cha viếng thăm Vương Quốc Bỉ
Sang đến Vương Quốc Bỉ, một nước chỉ rộng 30 ngàn cây số vuông với dân số gần 12 triệu người, trong đó 60% nói tiếng Flamand hay tiếng Hòa Lan, và 40% nói tiếng Pháp. 57% dân số là tín hữu Công Giáo, 2,8% theo các hệ phái Kitô khác, 20% không theo tôn giáo nào, và 9% khai mình là người vô thần. Số người Hồi giáo cũng là một nhóm quan trọng với 6,8% dân số.
Các tín hữu Công Giáo Bỉ họp thành một giáo tỉnh gồm tổng giáo phận Malines-Bruxelles và 7 giáo phận thuộc hạt.
Đại học Công giáo Leuven-Louvain
Cơ hội chính yếu để Đức Thánh Cha viếng thăm Bỉ như chính ngài đã tiết lộ hồi tháng 12 năm ngoái là dịp kỷ niệm 600 năm thành lập đại học Công Giáo ở Leuven.
Đại học Công Giáo này được thành lập năm 1425 và tọa lạc tại Leuven thuộc miền nói tiếng Flamand, nhưng do sự tranh chấp ngôn ngữ giữa vùng nói tiếng Flamand và tiếng Pháp, nên năm 1968, đại học này quyết định tách ra làm hai: năm 1971, Đại học tiếng Pháp được chuyển đến thành phố tân lập gọi là Louvain-la-Neuve, cách Leuven 30 cây số và có 30 ngàn dân cư.
Theo thống kê hiện nay, đại học Leuven có khoảng 60 ngàn sinh viên, học tại 4 chi nhánh khác nhau và trong đó có 21 ngàn là người nước ngoài và tại đây nhiều ngành cũng được dạy bằng tiếng Anh. Còn đại học Louvain có 40 ngàn sinh viên.
Chương trình viếng thăm
Theo chương trình, sau khi đến Bỉ chiều ngày thứ Năm 26/9, Đức Thánh Cha qua đêm tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Bruxelles, sáng hôm sau ngài viếng thăm Quốc vương Bỉ, rồi hội kiến với thủ tướng trước khi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự vào lúc 10 giờ sáng.
Ban chiều cùng ngày, lúc 4 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ các giáo sư đại học Leuven ở vùng nói tiếng Flamand, nhân kỷ niệm 600 năm thành lập đại học Công Giáo này.
Sáng thứ Bảy ngày 28/9, lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ gặp các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Vương Cung thánh đường Thánh Tâm ở Koekelberg. Ban chiều lúc 4 giờ rưỡi cùng ngày, ngài gặp các sinh viên tại Đại thính đường của Đại học Công Giáo Louvain, ở vùng nói tiếng Pháp. Sau đó lúc 6 giờ 15, Đức Thánh Cha gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở học viện Thánh Micae.
Sau cùng, lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 29/9, ngày chót trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh lễ tại Sân vận động “Quốc Vương Beaudoin” có tối đa 35 ngàn chỗ. Sau Thánh lễ, lúc quá 12 giờ, sẽ có nghi thức từ biệt tại Căn cứ không quân Melsbroek và Đức Thánh Cha rời nước Bỉ để bay trở về Roma.
Thánh lễ
Thánh lễ này là cao điểm các hoạt động của Đức Thánh Cha, qua đó ngài gặp đông đảo dân chúng, nên vừa khi ban tổ chức bắt đầu cho các tín hữu đăng ký trên mạng hôm 19/8 vừa qua thì chỉ trong 90 phút, 35 ngàn vé đã được các tín hữu đăng ký hết.
Ông De Kerpel nói: “Ủy ban quốc gia vui mừng vì sự quan tâm này và sự tiến bộ kỹ thuật tốt trong việc giữ vé”. Việc phân phối vé dự lễ được thực hiện qua trang mạng “Ticketmaster”, thường được sử dụng để bán vé cho các buổi hòa nhạc của các sao như Ed Sheeran và Taylor Swift trên khắp thế giới.
Theo tờ “Thời báo Bruxelles”, tất cả những người muốn tham dự thánh lễ của Đức Thánh Cha vẫn còn có hy vọng vì Hội Đồng Giám Mục Bỉ cho biết sẽ làm hết sức để có thêm chỗ. Các Linh Mục và phó tế có thể đăng ký qua e-mail. Cũng vậy có những chỗ cho các nhóm như người trẻ và những người trưởng thành trẻ, tham dự Lễ Hội hy vọng, được tổ chức song song với cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha.
Giuse Trần Đức Anh O.P.