ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO
Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015
BÀI BA: Ý NGHĨA TÍNH DỤC CON NGƯỜI
Thế giới vật chất hữu hình trần thế này không chỉ là một chất liệu bất động hay một thứ vật liệu đất sét làm nên ý chí con người. Tạo thành này là thánh thiêng và mang ý nghĩa bí tích. Tạo thành phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Nó bao gồm cả thân xác chúng ta. Tính dục của chúng ta có năng lực truyền sinh, và thông phần phẩm giá của hiện hữu được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta cần phải sống cho phù hợp với phẩm giá đó.
Thế giới vật chất tự nhiên tràn đầy sự thiện hảo thiêng liêng
37. Đức tin Công Giáo luôn là một tín ngưỡng gắn chặt với thế giới “vật lý” này. Thánh Kinh mở đầu trong một khu vườn và kết thúc với một bữa tiệc[1]. Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới, bảo rằng nó tốt đẹp, và chính Ngài đã đi vào lịch sử thế giới ấy. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và trở nên một người trong chúng ta. Trong các bí tích, vật chất được thánh hiến và trở thành dấu chỉ hữu hình của ân sủng. Bánh và rượu, nước, dầu của đời thường và sự đụng chạm của bàn tay con người, tất cả là những cách thức cụ thể nhờ đó Thiên Chúa hiện diện thực sự và hiệu quả.
38. Chúng ta tin các việc bác ái chạm tới thân xác. Khi chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư nương náu, chăm sóc người đau yếu, thăm viếng kẻ tù rạc, hay chôn xác kẻ chết, đó là chúng ta thực sự phục vụ chính Chúa Giêsu (Mt 25,31-40). Chúng ta tin tưởng tạo thành Thiên Chúa đã dựng nên thì tốt lành (St 1,4-31). Niềm tin tưởng ấy thấm sâu vào trong tâm trí người Công Giáo. Người ta thấy được điều ấy nơi nghệ thuật và kiến trúc, các chu kỳ mừng lễ và chay tịnh trong lịch phụng vụ, cũng như trong thực hành đạo đức bình dân và các á bí tích.
Tính dục con người, nam cũng như nữ, dự phần vào cùng đích thiêng liêng của chúng ta
39. Thế giới tạo thành vật chất này có một ý nghĩa thiêng liêng, từ đó có liên hệ tới cách ta sống giới tính của mình, như một người nam và một người nữ. Tính dục của chúng ta có một mục đích. Thân xác chúng ta không đơn thuần là những vỏ sò chứa đựng linh hồn hay những bộ phận hữu giác của não bộ. Cũng chẳng phải là thứ nguyên liệu thô sơ mà chúng ta có thể tùy nghi lạm dụng hay lập trình trở lại. Đối với người Kitô hữu, thân xác và tinh thần được hội nhập với nhau cách sâu xa. Mỗi con người là một đơn vị thống nhất gồm thân xác và linh hồn. Thánh nữ Hildegard Bingen viết: “Thân xác, thật sự, là đền thánh của linh hồn, cộng tác với linh hồn nhờ các giác quan, như chiếc bánh xe cối xay được nước quay tròn[2]. Thân xác có giá trị bẩm sinh là một thành phần tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Đó là phần thâm sâu của căn tính chúng ta và của cùng đích vĩnh cửu chúng ta. Hai phái tính thật sự đã hóa thân vào trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn cho con người liên thuộc vào nhau, sống thành cộng đồng và mở ra cho sự sống mới. Chúng ta không thể hạ giá hay lạm dụng thân xác mà không làm ảnh hưởng đến tinh thần.
40. Hẳn nhiên, chúng ta không luôn luôn yêu thương đúng cách. Tính dục là một yếu tố rất uy lực độc đáo trong các sinh hoạt của con người – cả mặt tốt cũng như mặt xấu. Cho nên khi tính dục bị sử dụng cách sai lạc hay vô trật tự, thì luôn là nguồn gây ra hỗn độn và tội lỗi. Dục vọng và việc hiểu biết chính mình có thể trở thành phức tạp. Căn tính của chúng ta được mạc khải nơi Chúa Giêsu và nơi kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống chúng ta, chứ không phải qua sự tự khẳng định bản thân vốn đã bị sa ngã.
41. Hôn nhân hiện hữu vì sự truyền sinh và sự sống hiệp thông, vì mục tiêu sinh học và giao ước của Thiên Chúa, vì tự nhiên và siêu nhiên, tất cả đều cùng nhắm tới ý nghĩa của “nhân linh”. Hôn nhân hiện hữu là bởi vì chúng ta khám phá và chấp nhận, hơn là sáng chế ra hay tái thương thảo, ơn gọi trao hiến bản thân vốn gắn liền với việc được tạo dựng như là người nam và người nữ trong một giao ước. Hôn nhân là do Thiên Chúa sáng tạo bởi vì chúng ta được Thiên Chúa dựng nên, và bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để liên kết với Ngài trong giao ước của Ngài.
42. Nguồn gốc của chúng ta với hai giới tính khác nhau và bổ túc cho nhau, cũng đồng nhất và đồng thời là ơn gọi của chúng ta sống yêu thương, hiệp thông và hướng đến sự sống viên mãn[3]. Nói theo Đức Thánh Cha Phanxicô: ” Đây là câu chuyện tình. Đây là câu chuyện của một kiệt tác sáng thế”[4].
43. Ơn gọi sống trong tình yêu, hiệp thông và sự sống viên mãn này liên hệ đến toàn thể con người, bao gồm cả giới tính nam và nữ, cả thân xác và linh hồn của người ấy. Con người là một hữu thể đồng thời vừa hữu chất vừa thiêng liêng[5]. Thân xác, theo một nghĩa nào đó, bộc lộ ngôi vị[6]. Bởi thế, tính dục con người không bao giờ chỉ hoạt động như một chiếc máy. Sự khác biệt giới tính, vốn lộ hiện nơi thân xác, trực tiếp góp phần cho tính hôn phối của thân xác và cho khả năng yêu thương của nhân vị[7]. Ở tâm điểm của ơn gọi yêu thương này là lệnh truyền của Thiên Chúa “Hãy sinh sôi và nảy nở” (St 1,28). Do đó, cuộc phối ngẫu của đôi vợ chồng qua thân xác, do chính bản chất của thân xác, cũng là ơn gọi sống làm cha và làm mẹ[8].
44. Thật chính đáng mà nghe thấy niềm sướng vui trong lời nói của Ađam khi ông vừa thoạt nhìn thấy bà Eva: “Phen này đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”(St 2,23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ghi chú rằng, từ thuở ban đầu “người nam nhận ra người nữ như một cái ‘tôi’ khác, chia sẻ cùng một nhân tính”[9]. Người nam và người nữ chia sẻ cùng một phẩm giá như nhau do Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, ban cho. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, cả yếu tố tương tự lẫn yếu tố dị biệt giữa người nam và người nữ trùng hợp với sự bổ túc giới tính, là nam và nữ, của họ cho nhau. Được Thiên Chúa tạo dựng cùng với nhau (St 1,26-27), người nam và người nữ cũng được Thiên Chúa muốn họ dành cho nhau[10]. Khác biệt giới tính là lời nhắc nhở trước hết rằng chúng ta được tạo dựng là để trao ban chính mình cho tha nhân, được hướng dẫn bởi nhân đức và tình yêu của Thiên Chúa.
45. Thánh Gioan Phaolô II thường nói đến “ý nghĩa hiệp hôn của thân xác”[11]. Ngài phản ánh giáo huấn của Công đồng Vatican II nói rằng “Tính cách là đối tác phối ngẫu của người nam và người nữ làm thành dạng thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với nhau”[12]. Nhưng sự dị biệt giới tính ghi dấu trên mọi tương quan của chúng ta, kể cả với người không kết hôn, bởi vì mỗi người chúng ta vào đời với tư cách của một người con trai hay một người con gái. Chúng ta được kêu gọi là một người anh em hay một người chị em, không chỉ đối với những người trong gia đình mình, mà còn đối với những người nghèo khó láng giềng, trong cộng đoàn, và giáo xứ mình. Căn tính nam và nữ của chúng ta là cơ sở của ơn gọi làm cha hay làm mẹ, tự nhiên hay thiêng liêng. Bằng cách đó, dị biệt giới tính mang một ý nghĩa phổ quát.
46. Bởi vì đây là một thành tố trung tâm của căn tính chúng ta, tính dục không thể tách rời khỏi ý nghĩa của nhân vị. Tính dục không bao giờ chỉ là một xung lực thể lý hay cảm xúc mà thôi. Tính dục luôn là một cái gì hơn nữa. Ước muốn tính dục cho thấy là chúng ta không bao giờ có thể tự mình là đủ cho bản thân. Chúng ta khao khát một quan hệ thân mật với một ai đó khác mình. Việc giao hợp, cho dẫu có “thất thường” như thế nào, cũng không bao giờ chỉ là một hành vi sinh lý. Thật vậy, sự ân ái, theo một nghĩa nào đó, luôn mang tính thuộc về vợ chồng, bởi vì hành vi này tạo nên một mối liên kết nhân linh, cho dù vô tình hay hữu ý. Một hành vi vợ chồng được thực hiện cách đúng đắn không bao giờ chỉ là một hành vi hưởng lạc vị kỷ. Tính dục của chúng ta có tính nhân vị và thuộc về một quan hệ thân mật, nhưng luôn luôn bao gồm một chiều kích và hậu quả xã hội. Hôn nhân bí tích không bao giờ là một sở hữu riêng tư, nhưng mở rộng ra trong tương quan với giao ước với Thiên Chúa.
Chúng ta có đạo đức tính dục vì tính dục mang một ý nghĩa thiêng liêng
47. Hai ơn gọi khác nhau biện minh cho kế hoạch của Thiên Chúa đã tạo dựng con người nam và nữ, đó là ơn gọi hôn nhân và độc thân dâng hiến. Cả hai lối sống này cùng qui về một tiền đề chung là sự thân mật tình dục giữa người nam và người nữ thuộc về bối cảnh của một giao ước và triển nở trong đó. Độc thân là cung cách mà những người không kết hôn xác nhận sự thật và vẻ đẹp của hôn nhân. Độc thân và hôn nhân đều tránh xa những hành vi tính dục sử dụng người khác theo cách như qua đường hoặc thiếu tự do. Sự tiết dục chân chính của người độc thân nhất định không phải là khinh chê tính dục, nhưng đúng hơn là tôn vinh tính dục khi muốn diễn tả sự ái ân là để phục vụ và được phục vụ bởi giao ước. Khi sống trong ánh sáng của giao ước, các người kết hôn cũng như những người độc thân đều trao hiến tính dục của mình cho cộng đồng, cho việc tạo nên một xã hội không đặt tiền đề trên ham muốn nhục dục và lạm dụng.
48. Ba chương tiếp theo đây sẽ đề cập cách chi tiết hơn về hôn nhân (chương 4 và 5) và độc thân (chương 6). Tuy nhiên cả hai lối sống ấy đều đặt nền trên lệnh truyền của Thiên Chúa phải sống nam tính và nữ tính của mình cách quảng đại và hi sinh. Cả hai lối sống đều hướng về giao ước của Thiên Chúa và đón nhận sự kiện con người được tạo dựng là nam và là nữ như là những cơ hội thụ hưởng niềm vui. Kỷ luật mà chúng ta áp đặt lên trên tình yêu của mình (kỷ luật theo giao ước) đôi khi ta cảm nhận như một gánh nặng. Nhưng chính thật đường lối ấy tôn vinh và tỏ bày ý nghĩa đích thật của tình yêu được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
49. Được tạo dựng là nam và nữ theo hình ảnh Thiên Chúa là lý do tại sao tất cả chúng ta được kêu gọi sống đức khiết tịnh. Đức khiết tịnh được diễn tả bằng những cách khác nhau, tùy theo chúng ta kết hôn hay không. Nhưng đối với mọi người, khiết tịnh là khước từ sử dụng thân xác của mình hay của người khác như là một đồ vật để hưởng thụ. Khiết tịnh là một tập quán, dù là người kết hôn hay không kết hôn, sống tính dục của mình cách cao quí và với ân sủng, trong ánh sáng của các điều răn của Chúa. Tà dâm thì ngược lại với khiết tịnh. Tà dâm có nghĩa là nhìn xem tha nhân theo lối nhìn lợi dụng, như thể thân xác của người kia chỉ là để thỏa mãn một sự them khát nào đó. Khiết tịnh đích thật “không coi thường thân xác, nhưng nhìn thân xác trong các chiều kích toàn vẹn của nhân vị[13]. Khiết tịnh là sống hết sức “phù hợp” với sự thật của nhân tính vốn được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được kêu gọi sống trong giao ước.
50. Hiểu theo nghĩa này, khiết tịnh là điều mọi người đều được kêu gọi thực hành. “Tất cả những ai đã được rửa tội đều được kêu gọi sống khiết tịnh … Người kết hôn được kêu gọi sống sự khiết tịnh hôn nhân, những người khác được kêu gọi thực hành sự trinh khiết”[14]. Tình yêu khiết tịnh trong đời sống vợ chồng đặt tình dục (eros) trong bối cảnh tình yêu, sự ân cần, sự chung thủy và sự sẵn sàng đón nhận con cái. Độc thân khiết tịnh, qua việc tiết dục giữ trinh khiết nhìn nhận rằng sự thân mật tính dục thuộc về bối cảnh của tình yêu, sự ân cần và trung thành.
51. Cội nguồn giáo huấn Kitô giáo này có từ xa xưa rồi. Như thánh Ambrôsiô đã viết từ thế kỷ thứ IV: “Có ba hình thức của nhân đức khiết tịnh: cách thứ nhất là của vợ chồng, cách thứ hai là của người góa bụa, và cách thứ ba là của người đồng trinh. Chúng ta không khen ngợi bất cứ hình thức nào để mà loại trừ hình thức khác… Đây là điều làm nên sự phong phú của kỷ luật Hội thánh”[15].
52. Làm sao sống giáo huấn này cách cụ thể trong đời sống hôn nhân hay độc thân và trong những hoàn cảnh đôi khi khó khăn của thời nay nhiệm vụ này sẽ hướng dẫn chúng ta trong phần còn lại của tập giáo lý này.
53. Thiên Chúa đã tạo dựng toàn thể thế giới vật chất này vì yêu thương chúng ta. Mọi sự chúng ta nhìn thấy và chạm đến, kể cả thân xác nam và nữ của chúng ta, tất cả đều được dựng nên cho giao ước của Thiên Chúa. Chúng ta không luôn luôn yêu thương đúng theo cách phải làm, nhưng chuẩn mực tình yêu của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta và kêu gọi chúng ta trở về với bản tính chân thật của mình. Đời sống hôn nhân và đời sống độc thân dâng hiến là hai cung cách cùng sống với nhau như là người nam và người nữ trong ánh sáng của giao ước Thiên Chúa, và vì thế, hôn nhân và độc thân cả hai đều được xem là những lối sống khiết tịnh.
Câu Hỏi Thảo Luận
a. Tại sao người Công Giáo vui hưởng và quý trọng thế giới tự nhiên, hữu hình nhiều đến vậy? Hãy nghĩ đến mọi cái đẹp, như thiên nhiên, thân xác, thức ăn, hay một tác phẩm nghệ thuật – Tại sao các thứ này quan trọng như thế trong truyền thống Công Giáo?
b. Mục đích của tạo thành này là gì? Phải chăng thế giới vật chất là như một phiến đá trống mà chúng ta tự do quản trị hay khai thác tùy sở thích?
c. Những thứ như sự nghỉ ngơi, thực phẩm, lạc thú và cái đẹp đều hấp dẫn. Nhưng đôi khi chúng ta ham thích hay ước muốn chúng một cách quá mức cần thiết. Làm sao chúng ta có thể biết khi nào một ham muốn là chính đáng và tốt lành? Làm sao chúng ta có thể quí chuộng và vui hưởng các tạo vật cũng như thân xác của mình trong đời sống hàng ngày?
d. Tại sao các thực hành Công Giáo theo truyền thống bao gồm cả việc ăn mừng và ăn chay? cả đời độc thân và đời hôn nhân?
[1] Cf. GLHTCG, 1602. Cf. Kh 19,7; St 1,26-27.
[2] Thánh Hildegard of Bingen, Explanatio Symboli Sancti Athanasii in Patrologia Latina 197, 1073. Cf. 1Cr, 6,19.
[3] Cf. GLHTCG, 2331, và FC, 11.
[4] ĐGH Phanxicô, Bài giảng lễ tại Nhà nguyện Santa Marta “Khi một tình yêu gặp thất bại” , L’Osservatore Romano (28.02.2014).
[5] Cf. GLHTCG, 362.
[6] Cf. ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo lý thứ tư Thần học về thân xác (09.01.1980).
[7] Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Về sự hợp tác giữa người nam và người nữ (2004), 8.
[8] Cf. ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae (HV) (1968), 12.
[9] Cf. GLHTCG, 371.
[10] Cf. GLHTCG, 371.
[11] Cf. ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo lý thứ tư Thần học về thân xác (02.01.1980).
[12] GS, 12.
[13] Karol Wojtyla, Love and Responsibility (Ignatius Press 1993), 171.
[14] GLHTCG, 2348-2349. Cf. Ambrose, De viduis 4.23.
[15] GLHTCG, 2349.