Kitô hữu không bao giờ bi quan, cam chịu hay yếu đuối, và nghĩ rằng cuộc sống là một con tàu mất kiểm soát đang lao nhanh về phía trước mà không thể dừng lại được, Đức Thánh cha Phanxicô nói.
Trong suốt quá trình lịch sử, mọi ngày đều được xem là ơn Chúa ban và “mỗi buổi sáng là một trang giấy trắng để Kitô hữu bắt đầu viết lên đó” những việc làm tốt và bác ái của mình, ngài nói hôm 11-10 tại buổi tiếp kiến chung hàng tuần.
Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài nói chuyện về hy vọng của Kitô hữu trong buổi tiếp kiến, suy niệm bài Tin mừng của Thánh Luca tường thuật các tông đồ được kêu gọi trở nên giống như các đầy tớ trung tín và tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi chủ về – ngày Chúa Giêsu sẽ trở lại.
Chúa Giêsu muốn những người đi theo Ngài đừng bao giờ để mất cảnh giác, hãy luôn tỉnh thức, sẵn sàng đón nhận “mỗi ngày mới Chúa ban cho chúng ta bằng lòng biết ơn và cảm mến”, Đức Thánh cha chia sẻ.
Mặc dù “chúng ta đã được giải thoát nhờ sự cứu chuộc của Đức Giêsu”, dân Chúa vẫn đang chờ Ngài đến lần thứ hai trong vinh quang, khi đó Ngài sẽ là “tất cả”. Không có gì trong cuộc sống chắc chắn hơn điều đó – ngài sẽ lại đến, Đức Thánh cha nói.
Tuy nhiên, lần chờ đợi đầy kỳ vọng này không có sự buồn chán nhưng phải kiên nhẫn, ngài động viên.
Kitô hữu phải kiên trì và hy sinh, giống như nguồn nước tưới tiêu trên sa mạc.
Vì lý do đó, “không có gì là vô ích” và không có tình huống nào là “hoàn toàn từ chối tình yêu. Không có đêm đen nào kéo dài đến độ niềm vui chào đón bình minh bị quên lãng”. Thực ra đêm càng tối, ánh sáng càng nhanh đến, ngài giải thích thêm.
Hiệp nhất với Đức Kitô thì không có gì có thể ngăn cản các tín hữu, ngay cả “sự lạnh lẽo trong những lúc khó khăn cũng không làm chúng ta tê liệt”. Và dù thế giới chủ trương chống lại hy vọng thế nào đi nữa và tiên đoán “chỉ toàn mây đen”, Kitô hữu biết mọi vật sẽ được giải thoát và “Đức Kitô sẽ xua tan sự cám dỗ cho rằng cuộc sống này là sai lầm”.
“Chúng ta không đánh mất bản thân trong sự bi quan, như thể lịch sử là một con tàu mất kiểm soát. Cam chịu không phải là đức tính của Kitô hữu. Nhún vai hay cúi đầu trước một số phận dường như không thể tránh khỏi vốn không phải là Kitô hữu”.
Có hy vọng đồng nghĩa với không bao giờ khuất phục hay thụ động, nhưng là người kiến tạo hy vọng, vốn đòi hỏi sự can đảm, liều lĩnh và hy sinh bản thân, ngài giải thích.
“Những người chịu khuất phục không phải là những người xây dựng hòa bình, nhưng là kẻ lười biếng, muốn được thoải mãi”.