Hồng Thủy – Vatican News
Nữ thần học gia Healy kể rằng khi còn nhỏ chị được sinh ra trong một gia đình “Công giáo Chúa Nhật”, nghĩa là chỉ đi lễ vào Chúa Nhật. Nhưng khi chị lên 12 tuổi, cha mẹ chị đã tham dự một khóa tĩnh tâm của phong trào Cursillo và cả hai “đã có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu và điều này đã thay đổi họ một cách triệt để”. Chị cũng bị ấn tượng bởi chứng tá của cha mẹ và chị bắt đầu tham gia học Kinh Thánh và tham gia vào một ca đoàn giới trẻ, cũng như tham dự các buổi tĩnh tâm và chính chị cũng đã gặp Chúa.
Bước ngoặt
Tuy nhiên, khi lên đại học, chị Healy cảm thấy “Chúa ở rất xa” và trải qua cảm giác “sa mạc” trong tâm hồn đến độ rơi vào trầm cảm vì cảm thấy “trống rỗng và cô đơn”. Sau khi hoàn thành chương trình học đầu tiên của mình, chị tiếp tục học tại một trường đại học khác. Với xác tín chắc chắn rằng chị “cần Chúa trong cuộc đời mình” nên chị bắt đầu học thần học tại Đại học Notre Dame của dòng Phanxicô. Ở đó, chị đã có những kinh nghiệm quan trọng khác nhau với một cuộc canh tân đặc sủng Công giáo và gặp gỡ các tu sĩ dòng Phanxicô, những người đã truyền cho chị “niềm vui Chúa Thánh Thần”.
Thần học gia Healy kể lại những khoảnh khắc quan trọng khác nhau trong hành trình thiêng liêng của chị, bao gồm Xưng Tội, một đêm canh thức Chầu Thánh Thể, một chuyến đi với những người trẻ khác, trong đó chị cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh. Tất cả những kinh nghiệm này đã thúc đẩy chị chọn bắt đầu sống trong một tu hội đời với những người khác và chị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “giúp đỡ nhau trong đời sống Kitô giáo”. Tuy nhiên, chị cũng gặp khó khăn trong đời sống chung và tương quan với một số người. Chị đã vượt thắng được khó khăn này bằng cái nhìn siêu nhiên và nhờ lời khuyên của một thành viên khác.
Sau đó, chị Healy đã theo một hành trình chuẩn bị và phân định cho đến khi “chị đã hoàn toàn dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa trong đời sống độc thân như một nữ giáo dân sống giữa đời”. Bước quan trọng đó được thực hiện trong Nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem.
Chữa lành
Cuối cùng, chị Healy kể lại rằng bảy năm trước, chị đã gặp một mục sư Tin lành, một chuyên gia về “chữa lành”, và chị đã đồng hành với mục sư trong một cuộc truyền giáo ở Brazil. Một kinh nghiệm giúp chị hiểu rằng chị có thể áp dụng nó trong Giáo hội Công giáo và chị đã không cần phải nói về việc chữa lành, nhưng có thể cầu nguyện với đức tin cho sự chữa lành” của người khác. Và chính vì vậy, chị đã tiếp tục nghiên cứu những gì Kinh Thánh mặc khải về việc chữa lành của Chúa Giê-su trong các sách Phúc âm, cũng như trong các tác phẩm của các Giáo phụ, trong cuộc đời của các thánh và trong truyền thống Công giáo.
Ngoài việc thuyết trình tại các hội nghị với nhiều người, chị Healy còn viết những cuốn sách trong đó chị chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Chị nói: “Chúa yêu thích chữa lành thường xuyên hơn chúng ta nghĩ, và Người thích sử dụng những người bình thường để làm điều đó”. Nhà thần học nói: “Tôi đã học được kinh nghiệm rằng không phải lúc nào chúng ta cũng nghe rõ Chúa, nhưng Người vẫn hành động, bất chấp những sai lầm của chúng ta”. (ACI Prensa 09/09/2021)
Chữa lành và tha thứ
Thần học gia Healy đặc biệt nhấn mạnh đến mối dây liên kết chặt chẽ giữa sự chữa lành và tha thứ. Cản trở lớn nhất đối với sự chữa lành trong cuộc sống của chúng ta chính là sự không tha thứ, giữ chặt sự oán giận và một số điều gây thương tổn cho chúng ta, những điều có thể là một trở ngại cho hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta”.
Chị đã chia sẻ kinh nghiệm chữa lành cho một phụ nữ bị băng huyết. “Lúc đó có một số người. Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện, và khi chúng tôi cầu nguyện, tôi nghĩ Chúa Thánh Thần bảo tôi hỏi bà ấy: ‘Bà có điều gì đau khổ xảy ra trong cuộc sống của bà khi tình trạng này bắt đầu hai năm trước không?’ Bà ấy nói: “Vâng, có, đó là thời gian khi chồng tôi ngừng thực hành đức tin của mình. Ông ấy không đến nhà thờ nữa, và vì vậy tôi phải là người hướng dẫn đời sống thiêng liêng trong gia đình’”.
Chị Healy hỏi người phụ nữ rằng bà đã tha thứ cho chồng mình chưa, và người phụ nữ nói rằng bà đã cố gắng. Chị giải thích với bà: “Tha thứ không có nghĩa là bạn nói: ‘Ồ, không sao đâu. Không vấn đề gì. Không có gì to tát.’ Bởi vì có thể đó là một vấn đề lớn. Nhưng để tha thứ có nghĩa là bạn nói: ‘Tôi để Chúa là người phán xét người đó, nhưng tôi sẽ không tiếp tục nhớ đến sự tổn thương này”.
Sau khi hướng dẫn người phụ nữ cầu nguyện để tha thứ cho chồng và cầu xin Chúa chữa lành, chị Healy đã để người phụ nữ lại một mình trong nhà nguyện. 11 ngày sau đó, chị nhận được một email, trong đó người phụ nữ mô tả trải nghiệm của mình. Bà viết: “Sau khi bạn cầu nguyện, tôi cảm thấy rằng tôi đã được chữa lành. … Tôi nhìn lên cây Thánh giá trong nhà nguyện và nói: ‘Con là một nhà khoa học và con hoài nghi.’ Nhưng tôi nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và tôi nói: “Chúa ơi, Chúa đã chữa lành cho con chưa?” Và Người đã gật đầu. Người phụ nữ cho biết từ hôm đó bà đã hoàn toàn khỏi bệnh băng huyết.
Thần học gia Healy cầu xin Chúa Thánh Thần chỉ cho mỗi người biết nếu có ai đó mà chúng ta cần tha thứ. Chúng ta đừng trách họ. Chúng ta chỉ nói họ đã làm gì có hại cho chúng ta và đặt nó trong bàn tay của Thiên Chúa. (CNA 09/09/2021)