Sách Phúc Âm của thánh Luca chú trọng đến những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, những đàn bà con nít và những kẻ thấp hèn. Khi kể về Chúa giáng trần, thánh Luca nêu lên niềm tin của Đức Bà Maria, nhấn mạnh đến sự khiêm nhường nghèo nàn nơi Chúa sinh ra, nâng cao niềm hy vọng của những người nghèo khó.
Sách Phúc Âm của thánh Luca có đoạn kể lại sứ vụ của Chúa Giêsu trong đền thờ ở Nazaret với bài trích từ sách tiên tri “Isaia”, “Thấn khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, tuyên bố một năm hồng ân của Chúa”. Trong sách cũng nhắc đến các “Mối Phúc Thật”. Chúa Giêsu công bố: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em”. Đến câu chuyện dụ ngôn về người giàu có và người ăn xin Lazarus nói lên lòng thương xót và sự công chính ở đời này và đời sau.
Suốt sách Phúc Âm của thánh Luca được cảm ứng từ sự nghèo nàn của Chúa Giêsu và sứ vụ của Chúa đối với những người nghèo. Thánh Luca chưa bao giờ được gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng những điều thánh Luca ghi lại chính là niềm tin về Chúa Giêsu Phục Sinh hiện hữu giữa các cộng đoàn tín hữu mà thánh Luca đã ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trong bốn sách Phúc Âm thì sách của thánh Luca diễn tả một sức sống tiềm tàng với sự hiện diện của Chúa trong diễn tiến của lịch sử. Bởi vậy sách Tin Mừng của thánh Luca không dừng lại với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà còn kéo dài đến Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong sự sống của Giáo Hội lữ hành trên trần thế.
(Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)