Từ ngày 4/12/2022, một số nhà báo đã tham gia chuyến viếng thăm Ucraina, được hai Đại sứ quán của Ba Lan và Ucraina cạnh Toà Thánh tổ chức. Các nhà báo đã gặp gỡ và trò chuyện với một số vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Ucraina, được chia sẻ về tình cảnh của người dân hiện nay, được biết về bầu khí và tinh thần của lễ Giáng sinh đặc biệt ở Ucraina giữa chiến tranh .
Đức cha Jan Sobiło, Giám mục phụ tá của giáo phận Kharkiv-Zaporizhzhia
Đức cha Jan Sobiło, Giám mục phụ tá của giáo phận Kharkiv-Zaporizhzhia, đã kể lại tình hình trong giáo phận và việc chuẩn bị cho ngày Chúa Giêsu giáng sinh trong bối cảnh khủng bố từ các vụ đánh bom và mối đe dọa hạt nhân. Ngài cho biết hơn 1.500 người xếp hàng hàng ngày bên ngoài cửa sổ của ngài để xin một mẩu bánh mì.
Qua trò chuyện video, Đức cha Sobiło cho thấy dưới cửa sổ căn hộ của ngài, 1.500 người đang xếp hàng để lấy thức ăn; họ đang xếp hàng để lấy một mẩu bánh mì, một phần tư ổ bánh mì mà các tu sĩ dòng Albertô đang phân phát.
Giám mục phụ tá của giáo phận Kharkiv nói rằng ngài không sợ hãi và mong chờ lễ Giáng sinh “với hy vọng”. Ngài đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân trong vùng của mình hai lần, và mỗi tuần một lần, ngài ra mặt trận để mang viện trợ cho người dân.
Thiếu điện trầm trọng
Theo Đức cha, tại Kharkiv và Zaporizhzhia, hiện nay “Hàng ngàn người dân không có điện, thậm chí máy bơm dùng để bơm nước cũng không hoạt động. Thiếu máy phát điện để cung cấp điện. Nếu điều này tiếp tục, những ngôi nhà và tòa nhà chọc trời sẽ trở thành những chiếc tủ lạnh. Tình hình ngày càng trở nên bi thảm hơn… Mặc dù mất điện và tên lửa liên tục rơi, tuy nhiên, mọi người vẫn đến nhà thờ với hy vọng rằng Chúa sẽ có thể ngăn chặn chiến tranh trước khi thế giới cảm nhận được hậu quả của nó.”
Được hỏi “Giáng sinh đang đến gần. Đức cha sống chiều kích thiêng liêng của thời gian này như thế nào?”, Giám mục giáo phận Kharkiv – Zaporizhzhia chia sẻ rằng ngày 17/11, trong khi chờ đợi gặp Đức Thánh Cha tại Vatican, từ cửa sổ ngài nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô và thấy người ta đang trang trí cây thông Noel. Ngài nghĩ, “không biết liệu chúng tôi ở Zaporizhzhia cũng có thể có một cây thồn ở quảng trường hay không”. Theo ngài, điều này có lẽ là không thể, nhưng, ngài nói: “Chúng tôi trong Giáo hội và trong các gia đình sẽ chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến”.
Chuẩn bị thiêng liêng
Đức cha Sobiło giải thích: “Sự chuẩn bị của chúng tôi trước hết là về mặt tinh thần. Chúa Kitô đã sinh ra trong hang đá lạnh lẽo tối tăm với ánh sáng của ngọn nến, và chúng tôi cũng sẽ chào đón Chúa Giêsu mới sinh trong hơi ấm của trái tim mình, bất chấp giá lạnh xung quanh. Chúng tôi hoàn toàn biết rằng Giáng sinh năm nay sẽ khác, vì vậy chúng tôi cũng đang chuẩn bị các bài giảng để giúp mọi người cảm nghiệm Giáng sinh một cách an bình”.
Trợ giúp cụ thể
Bên cạnh sự chuẩn bị thiêng liêng, Đức cha Sobiło cho biết ngài cũng có chương trình để giúp các tín hữu mừng lễ Giáng sinh cách tốt hơn. Ngài chia sẻ: “Chúng tôi muốn sống như một gia đình, chiến tranh đã hiệp nhất tất cả chúng tôi một cách nghịch lý. Cụ thể chúng tôi sẽ cố gắng không để ai phải mừng lễ với chiếc bàn trống trơn không có lương thực; những ai có thì chia sẻ cho người khác.”
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị các gói đồ, chúng tôi sẽ đi thăm mọi người, tôi đang nghĩ đến những giáo dân lớn tuổi hoặc những người tị nạn. Tất cả chúng tôi sẽ ở bên nhau, chúng tôi muốn chia sẻ cơm bánh cho nhau. Không ai sẽ bị bỏ rơi mà không có Thánh Thể và không có agape (từ Hy Lạp có nghĩa là tình yêu vô điều kiện).
Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Toà Thánh tại Ucraina
Phái đoàn các nhà báo cũng có cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Toà Thánh tại Ucraina. Ngài cho biết rằng cư dân thủ đô Kyiv của Ucraina cố gắng tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ và trở lại tham dự Thánh lễ trong khi các kỹ sư cố gắng khôi phục nguồn điện và hệ thống sưởi bình thường.
Từ 3 giờ rưỡi chiều, khi mặt trời xám lặn sau sông Dnipro, Kyiv đã bị mất điện. Ở một nửa thành phố, các cửa sổ của các tòa nhà chọc trời và các máy bơm xăng tỏa sáng; nửa còn lại của thành phố sẽ hoàn toàn chìm trong bóng tối nếu không có vài món đồ trang trí Giáng sinh thưa thớt treo trên ban công. Sau một vài giờ, có một sự thay đổi: nơi trước đó có ánh sáng lại bị bao trùm bởi bóng tối và ngược lại.
Cư dân của thủ đô Ucraina đã phải sống trong những hoàn cảnh này trong nhiều tuần sau khi các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng bị phá hủy. Tình trạng thiếu ánh sáng và điện xảy ra trong nhiều giờ và đôi khi là nhiều ngày, và không thể sưởi ấm trong khi thời tiết lạnh cóng ở âm 3 độ C vào lúc 11 giờ sáng. Tuyết rơi dày đặc ở mọi khu phố trong nhiều ngày, bao phủ những mái vòm mạ vàng của các Nhà thờ Chính Thống giáo và cả những bậc thang của Quảng trường Maidan, nơi diễn ra cuộc cách mạng năm 2014.
Các giáo xứ, văn phòng và gia đình đang tìm kiếm máy phát điện. Nhờ một chiến dịch gây quỹ ở thành phố Jesolo của Ý, trong những ngày tới, 40 máy phát điện sẽ được gửi đến. Các máy này sẽ được phân phối chủ yếu ở các khu vực xa trung tâm và ở “Kyiv mới”, nơi được xây dựng vào những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên, tại các khu dân cư, nơi có các đại sứ quán và Phủ Tổng thống, điều kiện tốt hơn nhiều.
Sứ thần Toà Thánh tại Ucraina nhấn mạnh: “Chúng ta phải cầu nguyện cho hoà bình, hy vọng về hoà bình”. Ngài nhắc đến lại hy vọng về hòa bình thực sự, chứ không phải một thứ hoà bình giả tạo có nguy cơ gây ra nhiều cuộc chiến hơn trong tương lai.
Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halyč
Gặp gỡ phái đoàn các nhà báo tham gia sứ vụ cùng với hai Đại sứ quán Ba Lan và Ucraina cạnh Toà Thánh, Đức Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halyč, lãnh đạo Công giáo Đông phương Ucraina, đã kể lại 10 tháng chiến tranh đã qua: từ lửa rơi xuống từ trời, đến căn bếp đang được xây dựng dưới toà nhà của ngài để đảm bảo bữa ăn nóng cho những người không có điện. Ngài cho biết nhiều người sẽ ra mặt trận để đón niềm vui Giáng sinh với những người lính.
Đức tổng Shevchuk kêu gọi: “Hãy ngừng các hành động quân sự, ngừng giết hại chúng tôi, đây sẽ là bước đầu tiên hướng tới một nền hòa bình đích thực và lâu dài. Hòa bình là một điều gì đó sâu sắc hơn việc không có chiến tranh. Vấn đề không chỉ là chiến thắng trong cuộc chiến, mà còn là chiến thắng chính tinh thần chiến tranh”.
Lãnh đạo Công giáo Ucraina cho biết nhiều thứ đã thay đổi từ những ngày cuối tháng 2 năm nay với cuộc xâm lược của Nga tại Ucraina. Chính ngài đã phải cùng với khoảng 100 người trú ẩn dưới hầm của nhà thờ chính toà Chúa Phục Sinh.
Mừng lễ Giáng sinh
Suy nghĩ của ngài đặc biệt hướng đến lễ Giáng sinh sắp đến: “Chúng tôi có phong tục hát những bài hát Giáng sinh cho những người hàng xóm của mình, đặc biệt là những người túng thiếu nhất, để chia sẻ niềm vui và những lời chúc tốt đẹp. Bây giờ mọi người hỏi: sẽ có niềm vui Giáng sinh không, có được phép hát hay chúng ta nên im lặng và khóc? Tôi đã nói có và sẽ có Giáng sinh. Chúng ta có quyền cử hành niềm vui Giáng Sinh, điều không đến từ những trò tiêu khiển trần tục, nhưng đến từ Trời vì Hoàng Tử Bình An sẽ ra đời”.
Đức tổng giám mục Shevchuk chia sẻ thêm rằng ngày lễ Giáng sinh cũng sẽ được mừng ngay cả tại tiền tuyến. Trên thực tế, sẽ có những người hát cho những người lính tham gia chiến tuyến. Ngài nhắc lại: “Vào thời Xô Viết, những bài hát mừng Giáng sinh là một hình thức phản đối chế độ cộng sản vô thần. Mọi người hát để vượt qua những lo lắng và buồn bã. Các bài hát là biểu hiện của đức tin Kitô giáo, là bài giáo lý hát về sự ra đời của Chúa Giêsu. Vì vậy nhiều người chuẩn bị đi đến biên giới để hát với các chiến sĩ của chúng tôi. Tôi biết rằng một số sinh viên đang tổ chức việc này”.
Ngày lễ Giáng sinh cũng sẽ được tổ chức ở mọi hầm tránh bom và ở mọi nơi trú ẩn: “Chúng tôi sẽ tổ chức lễ Giáng sinh trong giá lạnh và bóng tối. Điều này sẽ giúp chúng tôi trải nghiệm thật sự câu chuyện của Thánh Gia, cũng trong giá lạnh và bóng tối nhưng với niềm vui thiên đàng”.
Tình trạng khẩn cấp ở Ucraina
Tình trạng khẩn cấp ở Ucraina đang trở nên khẩn thiết hơn. Và lúc này, điều đầu tiên đối với Ukraine bị chiến tranh tàn phá là cái lạnh và không thể sưởi ấm do điện tăng đột biến và phân phối điện. Đức tổng giám mục Shevchuk giải thích: “Cái lạnh là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di tản thứ năm trong nước. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, làn sóng đầu tiên là những kẻ đầu sỏ lấy tiền và bỏ trốn, rồi đến những người di tản bằng phương tiện của mình và tìm khách sạn và những nơi khác, và đến những người tay không ra đi. Tôi nghĩ đến một gia đình ở thành phố Boryspil’ đã cùng với con cái của họ đi bộ 23 km vào ban đêm. Cuối cùng, có một làn sóng tị nạn thứ tư, họ không đi quá xa mà tìm ngôi làng đầu tiên và chờ cơ hội trở về nhà. Bây giờ là làn sóng mới, làn sóng thứ năm: những người tị nạn nhiệt độ chạy trốn không phải vì chiến tranh mà vì cái lạnh và họ tập trung ở miền trung đông Ucraina”.
Đức tổng giám mục Shevchuk nhìn nhận: “Chúng tôi chưa chuẩn bị cho hiện tượng không có điện và phải nuôi sống quá nhiều người. Chúng tôi ngay lập tức thực hiện các bước để xây dựng nhà bếp để cung cấp các bữa ăn nóng.” Một cái bếp sẽ được xây dựng ngay dưới toà nhà của ngài và sẽ được hoàn tất trong vài ngày nữa. Cần phải tổ chức hậu cần phân phát lương thực. Đức tổng nói: “Giáo hội chúng tôi không thể nghĩ đến việc cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người, nhưng chúng tôi cố gắng tiếp nhận tất cả mọi người như chúng tôi có thể. Đó là việc mục vụ của chúng tôi”. Một việc mục vụ gần gũi.
Những thông điệp hàng ngày
Chính sự gần gũi này đã thúc đẩy Đức tổng giám mục Shevchuk, mỗi ngày, kể từ ngày 24/2, thực hiện một thông điệp video được phát trên web. Một sáng kiến đòi hỏi sự dấn thân và cố gắng. Ngài chia sẻ: “Ngày đầu tiên mọi người mất phương hướng, chúng tôi đã nhìn thấy máy bay trực thăng và hỏa lực của Nga từ trên trời, cả thế giới bắt đầu gọi tôi: Đức cha còn sống không? Ngài ở đâu? Ngài sẽ làm gì? Tôi không biết phải nói gì: Tôi không biết liệu mình có còn sống trong hai giờ nữa không, tôi nghĩ. Vì vậy, tôi nói với thư ký: chúng ta hãy gửi một thông điệp để xác nhận rằng chúng ta còn sống. Tôi nhận ra rằng với những thông điệp này, tôi có thể giúp mọi người hiểu nỗi sợ hãi và nói về niềm hy vọng đến từ đức tin. Sau 2-3 tuần, tôi tự hỏi: nó có giá trị không? Rồi một ngày nọ, tôi đến thành phố Zhytomyr đau khổ và tại một giáo xứ, một bà lão đến gần tôi và nói: ‘Chúng con sống trong nỗi kinh hoàng thường trực, chúng con sợ hãi, thật tốt khi Đức cha nói chuyện với chúng con. ‘Nhưng thưa bà, tôi không biết nói gì với anh chị em nữa!’. ‘Đức cha nói gì không quan trọng, quan trọng là Đức cha nói chuyện với chúng con’. Sau đó, tôi hiểu rằng ngay cả khi tôi không biết phải nói gì nữa, thì điều quan trọng là mọi người nghe được tiếng nói của chính Giáo hội đồng hành với họ”.
Hồng Thủy – Vatican News