Lá thư của ĐTC Phanxicô và của vị tiền nhiệm Phaolô VI

Nghe bài này

Năm 2018, một cuốn sách do Đức ông Leonardo Sapienza biên tập đã tiết lộ bức thư của Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết năm 1965, trong đó tuyên bố rằng ngài sẽ từ chức trong trường hợp bị bệnh mất khả năng hoặc trở ngại nghiêm trọng.

Trong cuộc phỏng vấn với báo ABC của Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ngài đã làm giống như vị tiền nhiệm Đức Phaolô VI mà chính ngài đã phong thánh. Và ngài nói rằng ngài đã trao cho Quốc Vụ Khanh lúc đó là ĐHY Tarcisio Bertone một lá thư từ chức trong trường hợp có “trở ngại y tế”.

Ông Tornielli, tổng biên tập Vatican News nhận định rằng: “Chúng ta không biết ngày chính xác của tài liệu này, nhưng việc đề cập đến ĐHY Bertone là Quốc Vụ Khanh đã tham chiếu đến những tháng đầu tiên của triều đại giáo hoàng, vì vào tháng 10/2013, ĐHY Pietro Parolin đã đảm nhận vai trò Quốc Vụ Khanh. Cử chỉ của Đức Thánh Cha Phanxicô theo sau cử chỉ của Đức Montini. Một số nhân chứng trong những thập kỷ qua đã nói về những lá thư từ chức của Đức Phaolô VI, nhưng chúng vẫn chưa được công khai cho đến tháng 5/2018. Lá thư này nằm trong cuốn sách của Đức ông Leonardo Sapienza, Nhiếp Chính Phủ Giáo Hoàng, một học giả về Đức Phaolô VI và là tác giả của nhiều cuốn sách về vị Giáo hoàng lãnh đạo Giáo Hội từ năm 1963 đến năm 1978.  Cuốn sách chứa đựng những tài liệu này của Đức Phaolô VI có nhan đề “Con thuyền của Phaolô” (Edizioni San Paolo).

Những trang sách viết rằng: “Chúng tôi, Phaolô VI… tuyên bố, trong trường hợp bệnh tật được cho là không thể chữa khỏi, hoặc trong thời gian dài… hoặc trong trường hợp có một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài khác… thì từ chức” khỏi “nhiệm vụ của chúng tôi”. Bức thư được viết bằng nét chữ rất rõ ràng của Đức Giáo hoàng Montini và đề ngày 2/5/1965 và do đó được viết tay bởi Đức Giáo hoàng không phải khi già yếu hay đau bệnh, mà chỉ hai năm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng và Công đồng vẫn còn mở. Với bản văn này, Đức Giáo Hoàng muốn bảo vệ Giáo hội khỏi tình trạng đình trệ lâu dài: một lá thư từ chức sớm, khi đó đã được gửi đến hồng y niên trưởng để ngài có thể thông báo cho các hồng y khác biết, để có thể tuyên bố Giáo Hoàng không còn tại nhiệm.

Thực ra có hai lá thư của Đức Giáo hoàng Montini, bởi vì cùng với lá thư từ chức còn có một lá thư kèm theo gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao – chắc chắn là để đại diện cho văn bản gởi Quốc Vụ Khanh mạnh hơn. Và điều quan trọng là tài liệu đó cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bình luận: “Với sự kinh ngạc, tôi đã đọc những lá thư này của Đức Phaolô VI. Chúng dường như cho tôi thấy chứng tá khiêm nhường và ngôn sứ về tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo hội; và một bằng chứng nữa về sự thánh thiện của vị Giáo hoàng vĩ đại này… Điều quan trọng đối với ngài là nhu cầu của Giáo hội và của thế giới; và một vị Giáo hoàng từ chức trong trường hợp bị cản trở bởi một căn bệnh hiểm nghèo, không thể thi hành sứ vụ tông đồ của mình một cách hiệu quả”.

Ông Tornielli nhận định: “Điều thú vị cần lưu ý là Đức Phaolô VI không chỉ đề cập đến một căn bệnh, mà còn đề cập đến khả năng xảy ra ‘một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài khác’. Theo nhiều nhân vật thân cận nhất của Đức Phaolô VI, đây là sự nhấn mạnh liên quan đến những gì đã được lập vào thời Đức Piô XII: đó là việc từ chức trong trường hợp bị Hitler bắt cóc trong giai đoạn cao điểm của Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều này sẽ cho phép các hồng y quy tụ, có lẽ ở một quốc gia trung lập và an toàn, để bầu Giám mục mới của Rôma, thay thế vị đã trở thành tù nhân của nhà độc tài Đức quốc xã.”

Cuối cùng, cần lưu ý rằng cả bức thư của Đức Phaolô VI và của ĐTC Phanxicô đều là “dự phòng”, nghĩa là, trong trường hợp Đức Giáo Hoàng bị trở ngại về khả năng từ chức một cách tự do và sáng suốt. Vì vậy, những bức thư này không liên quan gì đến việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI, đã diễn ra gần mười năm trước.

Văn Yên, SJ – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS