Hưng Phạm, SJ – CTV Vatican News
Những khoảng không gian trống và thời gian chậm lại, phải chăng là một trong những món quà mà không ai ngờ và cũng chẳng ai muốn trong suốt mấy tháng vừa qua. Phải công nhận rằng cơn đại dịch Covid-19 đã và đang làm xáo trộn mọi nếp sống cũng như thói quen sinh hoạt hằng ngày của mọi người khắp nơi trên thế giới. Thay vì mỗi ngày đến trường, các em học sinh, sinh viên một mình khép mình vào những căn phòng riêng, thu mình vào Zoom hay Teams để được thụ huấn hay tiếp nhận sự dạy dỗ. Thay vì hằng ngày lái xe tới chỗ làm, chúng ta phải cách ly với bạn bè, hàng xóm và cộng đoàn, tách biệt với những sinh hoạt bên ngoài. Thay vì đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật, chúng ta lại tụ họp cầu nguyện và bẻ bánh với nhau, cảm nhận Mình và Máu Thánh Chúa cách thiêng liêng trong những Thánh Lễ trực tuyến. Người người đều cảm nhận mùa xuân 2020 âm thầm qua khung cửa sổ. Tuy nhiên, cũng chính những sự xáo trộn đó lại ép, lại lôi kéo, hay cũng có thể nói, mời gọi chúng ta thoát ra khỏi những thói quen, giúp chúng ta suy tư, kiểm chứng và nhìn lại những giá trị đời sống đức tin và cách hành xử của những người mang danh là Kitô hữu.
Hôm nay Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, cũng trong không gian của thánh lễ này, chúng ta dành ra một khoảng trống và thêm chút thời gian để suy niệm những bài Kinh Thánh, để nhìn ra Nhiệm Thể Chúa Kitô hôm nay một cách rõ ràng hơn, và cũng để thấy ta cần và yêu mến nhau không như một thói quen.
Hơn lúc nào hết có lẽ trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cảm nghiệm được một cách gần gũi hơn những dòng chữ của Thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Côrintô, “chúng ta tuy nhiều người nhưng cũng chỉ là một thân thể.” Như thói quen, điều đầu tiên cả thế giới đổ dồn công sức vào là đi tìm ra được nguyên nhân và nguồn gốc của Covid-19 cũng như cách thức mà con virus này lây nhiễm. Nhưng tiếc thay, một số người lại lợi dụng những thông tin đó để đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, và lên án lẫn nhau trên diễn đàn thế giới. Dừng lại một chút, kiểm chứng lại nguyên nhân của nạn đại dịch Covid này, chúng ta mới nhận ra mình thật cần nhau. Như một đốm lửa gây nên cháy rừng, nghĩ cho cùng nạn dịch Covid đang làm cả thế giới đảo điên cũng là hậu quả của những hành động thiếu trách nhiệm của một vài cá nhân có lẽ đã coi thường vai trò trách nhiệm của mình. Một bữa ăn thôi, một món nhậu mà ăn nhằm gì hay có hại gì tới ai chứ? Thật là những suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Kinh nghiệm trước mắt, một người hồ đồ cả thế giới điêu đứng vì thật ra chúng ta tuy nhiều nhưng đều thuộc vào cùng một thân thể. Nếu nghĩ được như vậy và nhận ra được hậu quả trước mắt như thế, thì xin đừng như thói quen, hãy kiểm chứng lại lối sống, hành động thiếu suy nghĩ của mình, từ chuyện tưởng chừng như rất nhỏ như xả rác không đúng nơi quy định, xài đồ phung phí không biết tái chế (recycle), tới những trách nhiệm xã hội lớn hơn như đăng tải bừa bãi trên mạng xã hội, tham nhũng hay trốn thuế, khai gian tiền chính phủ, v.v… Tuy là những chi thể rất nhỏ, nhưng hết mọi người chúng ta đều thuộc về một thân thể và rất cần nhau. Vì thế hãy ý thức rằng những việc chúng ta làm cho dù nhỏ đến đâu, cũng đều ảnh hưởng lẫn nhau.
Đối diện với những ràng buộc và giới hạn vì ảnh hưởng của Covid-19, chúng không được tới nhà thờ tham dự thánh lễ, thông dự phần mình vào mầu nhiệm Ngôi Hai Cứu Chuộc một cách trực tiếp. Có lẽ điều chúng ta nhớ nhất chính là cái không gian sống động khi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô qua lời truyền phép của vị chủ tế. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta khao khát được rước Mình và Máu Thánh Chúa vào tâm hồn, để trở nên một với Người. Tuy nhiên, khi chẳng được rước thật Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta lại tiếp tục xin “Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng.” Phải chăng, trong không gian không như thói quen của thánh lễ trực tuyến, chúng ta dừng lại một chút để nhìn ra rõ ràng hơn sự tinh tế siêu việt của mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa ngự và ở cùng mỗi người trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Phải chăng lúc trước, như thói quen, chúng ta rời nhà để đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Còn bây giờ, qua thánh lễ trực tuyến, nhà thờ được hiện diện ngay giữa phòng khách, phòng ăn của mỗi gia đình. Và như thế, trong cái không gian không như thói quen hôm nay, nghi thức sám hối đầu lễ và nghi thức chúc bình an cho nhau trước khi rước lễ, không còn là những câu kinh thông thường hay cái bắt tay hời hợt với những người chúng ta mới gặp, mà là cử chỉ chân tình với chính những người thân yêu đang đứng hay ngồi ngay bên cạnh chúng ta. Phải chăng lúc trước, như một thói quen, khi đi lên rước Mình Thánh Chúa, dù ít hay nhiều, dù muốn dù không, chúng ta cũng hay bị chia trí, tệ hơn nữa, là phân biệt, dèm pha rồi xét đoán “người được rước lễ” và “người không được rước lễ,” “người lên rước lễ” và “người không lên rước lễ.”
Còn giờ đây, rước lễ thiêng liêng trong thánh lễ, không như thói quen, cho chúng ta thấy nỗi khát khao “như nước hoà chung với rượu” của tất cả mọi người đang tham dự mong mỏi cùng được “thông phần vào bản tính của Đấng đã làm người như chúng ta.” Phải chăng lúc trước, như một thói quen, chúng ta hướng lòng tập trung vào những nghi thức diễn ra trên bàn thờ. Trong thánh lễ trực tuyến trên Zoom, không như thói quen, chúng ta thật sự phải để ý kỹ càng hơn người chúng ta muốn thấy, tiếng chúng ta muốn nghe hay vẫn còn những anh chị em ẩn mình sau những khung hình hay sau một cái nút bấm không hiển thị trên bàn phím. Dừng lại một chút, qua những vắng mặt của người anh chị em này, chúng ta thấu cảm được Nhiệm Thể Đức Kitô ngày hôm nay vẫn còn mang trên mình những vết thương cần được chữa lành và cảm thông.
Trong hoàn cảnh Covid hiện tại, trong cái không gian và thời gian hoàn toàn mới lạ không như thói quen này, câu hát mở đầu xin đổi lại thành câu cầu nguyện, mời gọi mọi người sống yêu mến chân tình hơn. “Lạy Chúa! Xin giúp con tham dự Thánh Lễ trực tiếp hay trực tuyến chậm lại một chút – thêm một khoảng trống, thêm một phút nữa – để chiêm ngắm Mình Máu Thánh Chúa đang ngự vào lòng con cách trực tiếp hay cách thiêng liêng. Và như thế, con có thể nhìn rõ Nhiệm Thể Đức Kitô nơi tất cả những người anh chị em con, để con biết con cần Chúa, cần nhau và yêu thuơng nhau nhiều hơn.”