Ngày 2 tháng 6 vừa qua, đúng như dự định, Tổng Thống Donald Trump đã ký ban hành Lệnh Hành pháp về Việc Thăng tiến Tự do Tôn giáo Quốc tế, với nội dung như sau:
Do thẩm quyền được Hiến Pháp và luật pháp Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu trao cho tôi trong tư cách Tổng thống, tôi ra lệnh các điều sau đây:
Điều 1. Chính sách. (a) Tự do tôn giáo, quyền tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là một lệnh truyền luân lý và có tính quốc gia về an ninh. Tự do tôn giáo cho mọi người khắp thế giới là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hiệp Chúng Quốc, và Hiệp Chúng Quốc sẽ tôn trọng và mạnh mẽ cổ vũ quyền tự do này. Như đã tuyên bố trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia năm 2017, Các Vị Lập Quốc của chúng ta hiểu tự do tôn giáo không phải là một sáng tạo của nhà nước, mà là một hồng phúc của Thiên Chúa ban cho mọi người và là một quyền lợi làm nền tảng cho việc phát triển thịnh vượng của xã hội chúng ta.
(b) Các cộng đồng và tổ chức tôn giáo, và các định chế khác của xã hội dân sự, đều là những người hùn hạp quan yếu vào các cố gắng của Chính phủ Hiệp Chúng Quốc để thăng tiến tự do tôn giáo khắp thế giới. Chính sách của Hiệp Chúng Quốc là vận động mạnh mẽ và liên tục để các tổ chức của xã hội dân sự, kể cả các tổ chức tại các nước bên ngoài, chịu thông báo cho Chính Phủ Hiệp Chúng Quốc các chính sách, chương trình, và hoạt động liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế.
Điều 2. Ưu tiên hóa Tự do Tôn giáo Quốc tế. Trong vòng 180 ngày kể từ ngày có lệnh hành pháp này, (Bộ trưởng) Ngoại giao, sau khi tham khảo Quản trị viên Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hiệp Chúng Quốc, sẽ khai triển một kế hoạch để ưu tiên hóa tự do tôn giáo quốc tế trong việc hoạch định và thực thi chính sách ngoại giao của Hiệp Chúng Quốc và trong các chương trình ngoại viện của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế.
Điều 3. Việc Tài trợ Ngoại viện cho Tự do Tôn giáo Quốc Tế. (a) Bộ trưởng Ngoại giao, sau khi tham khảo Quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế, sẽ lên ngân sách ít nhất $50 triệu mỗi năm tài chánh dành cho các chương trình thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế, đến mức khả thi và được luật pháp cho phép và tùy thuộc việc sẵn có các chuẩn chi. Các chương trình này sẽ bao gồm các chương trình nhằm dự ứng, ngăn ngừa, và đáp ứng các cuộc tấn công chống các cá nhân và các nhóm vì lý do tôn giáo của họ, kể cả các chương trình nhằm giúp bảo đảm rằng các nhóm này có thể tiếp tục tồn tại như các cộng đồng khác biệt; cổ vũ việc giải trình đối với những kẻ vi phạm các cuộc tấn công như thế; bảo đảm các quyền bình đẳng và che chở luật pháp cho các cá nhân và các nhóm bất luận niềm tin của họ; cải thiện an toàn và an ninh của các nơi thờ phượng và các nơi công cộng cho mọi tín ngưỡng; bảo vệ và duy trì các di sản văn hóa của các cộng đồng tôn giáo.
(b) Các bộ và cơ quan hành pháp có nhiệm vụ tài trợ các chương trình ngoại viện phải bảo đảm để các thực thể có cơ sở đức tin và tôn giáo, kể cả các thực thể đủ điều kiện ở các nước ngoài, không bị kỳ thị vì bản sắc tôn giáo hay niềm tin tôn giáo của họ khi cạnh tranh để được hưởng việc tài trợ của Liên Bang, đến mức được luập pháp cho phép.
Điều 4. Tích nhập Tự do Tôn giáo Quốc tế vào Nền Ngoại giao Hiệp Chúng Quốc. (a) Bộ trưởng Ngoại giao sẽ điều hướng các Trưởng Sứ bộ tại các nước phải quan tâm đặc biệt, các nước trên Danh sách Quan sát Đặc biệt, các nước trong đó có các thực thể phải quan tâm đặc biệt, và bất cứ nước nào khác dấn thân vào các vi phạm được dung túng về tự do tôn giáo như đã được ghi nhận trong Phúc trình Hàng năm về Tự do Tôn giáo Quốc tế do đòi hỏi của điều 102 (b) của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 (Luật Công cộng 105-292), như đã được tu chính (the “Act”), để khai triển các kế hoạch hành động tổng thể trong việc thông tri và trợ giúp các cố gắng của Hiệp Chúng Quốc nhằm thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế và khuyến khích chính phủ các nước sở tại thực hiện các tiến bộ trong việc loại trừ các vi phạm tự do tôn giáo.
(b) Trong những cuộc gặp gỡ với các đối tác của họ trong các chính phủ nước ngoài, các trưởng nhiệm sở, khi thích hợp và với sự phối trí với Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ nêu lên các quan tâm về tự do tôn giáo quốc tế và những trường hợp có liên quan đến các cá nhân bị cầm tù vì tôn giáo của họ.
(c) Bộ trưởng Ngoại giao sẽ vận động cho chính sách tự do tôn giáo quốc tế của Hiệp Chúng Quốc tại các diễn đàn cả song phương lẫn đa phương, khi thích hợp, và sẽ điều hướng Quản trị viên Cơ quan Phát triển Quốc tế cùng làm như vậy.
Điều 5. Huấn luyện Các Viên chức Liên bang. (a) Bộ trưởng Ngoại giao sẽ yêu cầu mọi nhân viên của công vụ Bộ Ngoại giao thuộc Hệ Ngoại Vụ dự huấn luyện theo mẫu huấn luyện về tự do tôn giáo quốc tế trong điều 708(a) của Đạo luật Phục vụ Ngoại quốc năm 1980 (Luật Công cộng 96-465), như đã được tu chính bởi điều 103(a)(1) của Đạo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế Frank R. Wolf (Luật Công cộng 114-281).
(b) Trong vòng 90 ngày kể từ ngày có lệnh này, các trưởng mọi cơ quan có nhiệm vụ đề cử các nhân viên tới các chức vụ ở ngoại quốc phải đệ nạp kế hoạch lên Tổng thống, qua Phụ tá Tổng thống về An ninh Quốc gia Sự vụ, cho biết chi tiết về việc cơ quan mình lồng ra sao loại huấn luyện được mô tả ở tiểu mục (a) của điều này vào việc huấn luyện cần phải thực hiện trước khi bắt đầu được chỉ định làm việc ở ngoại quốc đối với mọi nhân viên sẽ được định sở ở ngoại quốc, hay sẽ được khai triển và ở lại tại ngoại quốc, cho một thời gian 30 ngày hoặc hơn.
(c) Mọi nhân viên Liên bang lệ thuộc các yêu cầu này sẽ được yêu cầu hoàn tất việc huấn luyện về tự do tôn giáo quốc tế ít nhất mỗi ba năm một lần.
Điều 6. Các phương tiện kinh tế. (a) Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nhân khố sẽ, sau khi tham khảo với Phụ tá Tổng thống về An ninh Quốc gia Sự vụ, và qua diễn trình được mô tả trong Giác thư-4 ngày 4 tháng 4 năm 2017 của Tổng thống về An ninh Quốc gia (Tổ chức Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội Đồng An ninh Nội địa và các Tiểu ban), sẽ khai triển các khuyến cáo nhằm ưu tiên hóa việc sử dụng thích đáng các phương tiện kinh tế để thăng tiến tự do tôn giáo quốc tế tại các nước phải quan tâm đặc biệt, các nước trên Danh sách Quan sát Đặc biệt, các nước trong đó có các thực thể phải quan tâm đặc biệt, và bất cứ nước nào khác dấn thân vào các vi phạm được dung túng về tự do tôn giáo như đã được ghi nhận trong phúc trình do đòi hỏi của điều 102 (b) của Đạo luật. Những phương tiện kinh tế này có thể bao gồm, một cách thích đáng và tới mức được pháp luật cho phép, việc gia tăng đặt chương trình cho tự do tôn giáo, tái điều chỉnh ngoại viện để phản ảnh các hoàn cảnh của đất nước một cách tốt đẹp hơn, hay hạn chế việc cấp chiếu khán dưới điều 604(a) của Đạo luật.
(b) Bộ trưởng Ngân khố, sau khi tham khảo với Bộ trưởng Ngoại giao, có thể xem xét việc áp đặt các chế tài dưới Lệnh Hành Pháp 13818, ngày 20 tháng 12, 2017 (Chặn Tài sản của Những Người Liên quan đến Việc Lạm dụng Nhân quyền Cách Nghiêm trọng hay Tham nhũng), một việc, trong những việc khác, thực thi Đạo luật Giải trình Nhân quyền Hoàn cầu Magnitsky (Luật Công cộng 114-328).
Điều 7. Các định nghĩa. Đối với mục đích của lệnh hành pháp này:
(a) “Các nước phải quan tâm đặc biệt” được định nghĩa như đã được đưa ra ở điều 402(b)(1)(A) của Đạo luật;
(b) “Thực thể phải quan tâm đặc biệt” được định nghĩa như đã được đưa ra ở điều 301 của Đạo luật Tự do Tôn giáo Frank R. Wolf (Luật Công cộng 114-328);
(c) “Danh sách Quan sát Đặc biệt” được định nghĩa như đã được nêu ra ở điều 3(15) và 402(b)(1)(A)(iii) của Đạo luật; và
(d) “Các vi phạm tự do tôn giáo” được định nghĩa như đã được đưa ra ở điều 3(16) của Đạo luật.
Điều 8. Các dự liệu tổng quát. (a) Không điều gì trong lệnh này được giải thích là làm suy yếu hay nếu không sẽ ảnh ưởng tới
(i) thẩm quyền được luật pháp dành cho một bộ hay một cơ quan hành pháp, hay trưởng cơ quan đó; hay
(ii) các chức năng của Giám đốc Phòng Quản trị và Ngân sách liên quan đến các đề nghị ngân sách, hành chánh, hay luật lệ.
(b) Lệnh này sẽ được thực thi nhất quán với luật lệ có thể áp dụng và tùy thuộc việc sẵn có các chuẩn chi.
(c) Lệnh này không có ý định, và không, tạo ra bất cứ quyền lợi hay phúc lợi nào, có thực chất hay chỉ có tính thủ tục, có thể chấp pháp theo luật hay trong luật công lý của bất cứ bên nào chống lại Hiệp Chúng Quốc, các bộ sở, cơ quan, hay thực thể nào của nó, các viên chức, nhân viên, hay đại lý của nó, hay bất cứ người nào khác.
DONALD J. TRUMP
Tòa Bạch Ốc,
2 tháng 6, 2020.
Vũ Văn An