Liệu lạm dụng có làm lu mờ chuyến đi Bỉ của Đức Giáo Hoàng không?

Nghe bài này

Luke Coppen của tạp chí The Pillar ngày 21 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng các giám mục Bỉ đã công bố người đại diện mới của họ về nạn lạm dụng của giáo sĩ trong tuần này, vài ngày trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến thăm kéo dài bốn ngày tới đất nước này.

Thực vậy, Đức Cha Luc Terlinden, Tổng giám mục Mechelen-Brussels 55 tuổi, kế nhiệm Giám mục Johan Bonny, Giám mục Antwerp 69 tuổi, người đã từ chức vào tháng 7, với lý do khối lượng công việc quá nhiều khiến ngài cho biết đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài.

Đức cha Bonny đã đảm nhiệm vai trò này trong 15 năm qua, thời kỳ Giáo hội Bỉ có nhiều biến động lớn trong bối cảnh lạm dụng của giáo sĩ và các vụ tai tiếng che đậy.

Chuyến thăm Bỉ gần đây nhất của một vị Giáo hoàng là vào năm 1995, khi Đức Gioan Phaolô II phong chân phước cho Cha Damien De Veuster, Tông đồ của Molokai. Đó là rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng lạm dụng tràn ngập đất nước, làm hoen ố một thế hệ các nhà lãnh đạo Công Giáo và đẩy nhanh sự suy thoái nghiêm trọng của Giáo hội địa phương sau Công đồng Vatican II.

Phương châm cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ ngày 26 đến 29 tháng 9 là “En route, avec Espérance” (“Lên đường, với niềm Hy vọng”) — một thông điệp đáng chú ý hướng đến tương lai. Nhưng liệu những người tổ chức chuyến đi có thể tập trung vào tương lai của Giáo hội hay không, hay chắc chắn sẽ quay trở lại quá khứ đầy rắc rối của mình?

‘Sẽ không có gì xảy ra’

Mới đây vào tháng 1, một viên chức Giáo hội Bỉ đã bày tỏ lo ngại rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng.

• Nhắc đến trường hợp của Đức cha Roger Vangheluwe, người đã từ chức Giám mục Bruges vào năm 2010 sau khi thừa nhận đã lạm dụng cháu trai, tổng thư ký hội đồng giám mục Bruno Spriet cho biết: “Sẽ rất khó để Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chuyến thăm yên ổn đến đất nước chúng ta vào tháng 9 cho đến khi có sự rõ ràng về vấn đề này”.

Vào thời điểm đó, Đức cha Vangheluwe vẫn là một giám mục, sống trong thời gian nghỉ hưu tại một tu viện ở Pháp. Nhưng vào tháng 3 — gần 14 năm sau khi thừa nhận đã lạm dụng — vị giám mục 87 tuổi này đã bị hoàn tục, giải quyết một vụ tai tiếng sẽ phủ bóng đen lên chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng.

Để thừa nhận thêm sự tức giận của công chúng Bỉ về cuộc khủng hoảng lạm dụng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp 15 nạn nhân trong chuyến đi của ngài.

Nhưng ngay cả điều này cũng là nguồn gây tranh cãi. Cha Rik Devillé, một người ủng hộ nạn nhân bị lạm dụng, đã cáo buộc những người tổ chức cuộc họp thiên vị đối với những nạn nhân mà ngài gọi là “thân thiện với Giáo hội” — một tuyên bố mà họ đã bác bỏ.

Devillé sau đó cho rằng cuộc họp sẽ chẳng hơn gì một hoạt động giao tế nhân sự.

• “Đức Giáo Hoàng sẽ tử tế, bắt tay, phân phối kinh Lạy Cha, rồi quay lại Rome và sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra”, ngài gợi ý.

Những phê phán trong khuôn viên đại học

Lý do bề ngoài cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Leuven, ngày được hiện thân tại KU Leuven [Đại học Công Giáo Leuven] nói tiếng Hòa Lan và UC Louvain [Đại học Công Giáo Louvain] nói tiếng Pháp.

Nhưng cuộc khủng hoảng lạm dụng thậm chí cũng ảnh hưởng đến sự kiện đáng mừng này. Trong một bài xã luận ngày 17 tháng 9, giáo sư Bart Maddens của KU Leuven cho rằng trường đại học của ông đang hạ thấp tầm quan trọng của chuyến viếng thăm khuôn viên trường vào ngày 27 tháng 9 của Đức Giáo Hoàng.

• “Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đã được mời trước khi các vụ tai tiếng ấu dâm tái diễn sau bộ phim tài liệu ‘Godforsaken’ của VRT, và nhiều người hiện đang có phần khó chịu vì điều đó”, ông viết, ám chỉ đến một loạt phim tài liệu đã gây ra sự phản đối dữ dội ở Bỉ khi được phát sóng vào tháng 9 năm 2023.

Các nhà chức trách KU Leuven phủ nhận rằng họ không nhiệt tình với chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, nhưng một bài báo về chuyến đi được đăng trên trang web của trường vào ngày 20 tháng 9 đã đề cập đến việc lạm dụng năm lần.

• Bài báo có tựa đề “Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng và khoa thần học của KU Leuven” cho biết: “Các nhà thần học không chỉ lên án mạnh mẽ vụ lạm dụng mà còn tiến hành phân tích sâu sắc các yếu tố cơ bản khiến vụ việc trở nên khả hữu, chẳng hạn như lạm dụng quyền lực, văn hóa giữ bí mật, việc sử dụng sai các thuật ngữ như ‘tha thứ’ hoặc các quan niệm có vấn đề về tình dục. Những hiểu biết sâu sắc này góp phần vào các cuộc cải cách trong Giáo hội và nâng cao nhận thức xã hội về các vấn đề này”.

Tiền lệ Ái Nhĩ Lan

Cuộc tranh luận xung quanh cuộc khủng hoảng lạm dụng có thể tạm dừng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đầy lôi cuốn đặt chân đến đất Bỉ.

Các phương tiện truyền thông địa phương sẽ chạy đua để theo kịp ngài khi ngài di chuyển từ cuộc gặp với Vua Bỉ, đến KU Leuven, đến Vương cung thánh đường Thánh Tâm của Brussels, đến UCLouvain và Sân vận động Vua Baudouin.

Nhưng nếu sự phẫn nộ của công chúng đủ cao, các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể bị lu mờ bởi các vụ tai tiếng lạm dụng. Ví dụ, Đức Giáo Hoàng đã phải đối đầu với các cuộc biểu tình trong chuyến thăm Ái Nhĩ Lan năm 2018, một thành trì Công Giáo cũ khác ở châu Âu bị tàn phá bởi nạn lạm dụng của giáo sĩ.

Để tránh lặp lại trải nghiệm này, có lẽ Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng ngay sau khi đến Bỉ, có thể là trong bài phát biểu đầu tiên của ngài, trước chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao.

Tất nhiên, cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng sẽ diễn ra riêng tư. Nhưng ngài sẽ cần tìm cách truyền đạt sự đồng cảm của mình với các nạn nhân trong mọi cơ hội trong suốt chuyến đi.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS