Hỏi: Đầu Thánh Lễ, linh mục nói các lời: “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Chữ đỏ trong Sách lễ nhắc đến lời Xá giải. Thưa cha, đây có phải thực sự là một lời xá giải không, và liệu linh mục có làm dấu thánh giá vào lúc này không? Liệu lời xá giải này thực sự phản ảnh việc tha tội không? – L. B., San Diego , California, Hoa Kỳ.
Đáp: Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói như sau trong số 51:
“Tiếp theo, vị tư tế mời mọi người sám hối. Sau một chút thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và vị tư tế đọc lời xá giải để kết thúc. Lời xá giải này không có hiệu quả của bí tích thống hối.
Vào ngày Chúa Nhật, nhất là trong Mùa Phục Sinh, thay vì nghi thức thống hối thường lệ, thỉnh thoảng nên làm phép và rảy nước thánh để nhớ lại phép rửa” (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).
Chữ đỏ không cho thấy rằng linh mục làm dấu thánh giá, và do đó, bởi vì cử chỉ như thế luôn được nhắc ở những lúc khác, nó được cho rằng nó không được thực hiện vào lúc ấy.
Trong hình thức ngoại thường của Thánh lễ, Kinh thú nhận (Confiteor) được đọc hai lần, lần đầu bởi linh mục và lần sau bởi người giúp lễ.
Sau khi linh mục đã đọc xong “Kinh thú nhận”, người giúp lễ nói:
“Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa cha đến sự sống muôn đời”
Linh mục sau đó đọc lời Indulgentiam:
“Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, ban cho chúng ta sự tha thứ và [ngài làm dấu thánh giá] xá giải, và tha tội cho chúng ta”.
Một lần nữa, công thức này không phải là một lời xá giải bí tích, nhưng là một lời khẩn cầu tha tội, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh Lễ.
Mặc dù từ ngữ “xá giải” được sử dụng thật sự, công thức không có hiệu quả của bí tích, và không trực tiếp tha thứ tội lỗi. Một số điều kiện, thường được đòi hỏi để có lời xá giải, lại thiếu ở đây, chẳng hạn một lời xưng tội rõ ràng là đã phạm ít nhất một tội cụ thể. Tương tự như vậy, ít nhất trong hình thức ngoại thường của Thánh lễ, lời xá giải chỉ nói trên người giúp lễ chứ không nhắm đến bí tích.
Một số hình thức nhìn nhận tình trạng tội lỗi của chúng ta đã tạo nên một phần của nghi thức đầu lễ, từ thời sơ khai của Giáo Hội. Tại Rôma, thí dụ, việc này được thực hiện cách âm thầm bởi vị chủ tế và các thừa tác viên đang quỳ hoặc phủ phục trước bàn thờ. Các lời được thêm vào cử chỉ thinh lặng này trong lãnh thổ nói tiếng Pháp (chủ yếu là phần lớn Pháp và Đức hiện nay), trong suốt thế kỷ VIII.
Lúc ban đầu, “Kinh thú nhận” là một biểu hiện của cá nhân; tuy nhiên, từ khoảng thế kỷ XI, nó đã trở thành một hình thức đối thoại, mà trong đó linh mục nhìn nhận tội lỗi của mình, không chỉ trước mặt Thiên Chúa và thiên đàng, mà còn trước mặt các người xung quanh ngài, và xin họ cầu bầu. Sự cầu bầu này được đưa ra, như có thể thấy trong công thức của người giúp lễ trong hình thức ngoại thường của Thánh lễ trên đây.
Hình thức và phương pháp hiện nay của việc đọc “Kinh thú nhận” là có lẽ lấy từ Thần vụ, đặc biệt là từ Thần vụ của Giờ kinh nhất và Giờ kinh tối, và được đưa vào phần đầu của Thánh lễ. Chính trong sự di chuyển này mà hai công thức, lời Misereatur, hoặc lời cầu bầu của người giúp lễ, và công thức Indulgentiam, hoặc lời của linh mục, là lần đầu tiên được giới thiệu, và trở thành một phần ổn định của Thánh Lễ từ khoảng năm 1000.
Sự thay đổi này được hỗ trợ bởi một sự việc rằng trong thời gian này công thức Indulgentiam, thường bắt đầu với chữ thứ hai “absolutionem” (xá giải), cũng giúp trong một thời kỳ như là lời xá giải bí tích trong phép Giải tội. Tương tự như vậy, sau đó nó trở nên phổ biến để ban lời xá giải ngay lập tức, sau khi khi người ta xưng tội, như là một quy chuẩn ngày nay, chứ không phải sau khi hoàn tất một thời gian sám hối như là tập tục trước đó. Hơn nữa, điều này giải thích tại sao dấu thánh giá đi kèm với công thức Indulgentiam trong hình thức ngoại thường, vì nó cũng được sử dụng cho lời xá giải của bí tích.
Đã có nhiều công thức cho Kinh thú nhận và lời Misereatur của người giúp lễ trong Thánh Lễ. Một số công thức khẩn cầu nhiều thánh hơn, một số công thức liệt kê các loại tội lỗi. Sự ra đời của thần học Kinh viện làm sáng tỏ các khái niệm bí tích, và có sự phân biệt cần thiết giữa các bí tích và hiệu quả của chúng. Như một kết quả, các sự thêm thắt này thường không được chấp thuận bởi các nhà thần học và các mục tử hiện đại, vì nó làm suy yếu bản chất của Kinh thú nhận như là một lời thú nhận chung công khai, và không phải là một lời thú nhận thầm kín. Vì vậy, Công đồng Ravenna thứ III năm 1314 qui định rằng ngoài Đức Bà Maria, chỉ các thánh Micae, Gioan Tẩy Giả và các thánh Phêrô và Phaolô, được khẩn cầu mà thôi.
Do đó, các nghi thức của hình thức ngoại thường chứa các yếu tố thời tiền Kinh viện, vốn có thể làm cho một số người tin rằng nghi thức là có tính chất bí tích. Thực ra, lỗi này hiếm khi xảy ra, và các nghi lễ phục vụ như là một sự chuẩn bị cung kính cho việc cử hành Thánh Lễ.
Công thức của Kinh thú nhận theo hình thức thông thường đã được đơn giản hóa, và bây giờ chỉ còn nêu tên Đức Bà Maria mà thôi. Nó cũng đã được chuyển đổi thành một lời kinh cộng đồng, chứ không phải là một cuộc đối thoại giữa linh mục và người giúp lễ dưới chân bàn thờ. Công thức Misereatur, cho đến nay được đọc bởi người giúp lễ, được chuyển cho linh mục là người cầu thay cho mọi người có mặt tại đó.
Dấu thánh giá là không còn được làm nữa, để loại bỏ bất kỳ sự mơ hồ nào cho bản chất phi bí tích của nghi thức này.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 11-10-2016)